TTCT - Năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn 17-9 là Ngày thế giới vì sự an toàn của người bệnh. Năm nay, nhân kỷ niệm ngày này lần thứ hai, WHO nhấn mạnh sự an toàn cho nhân viên y tế và mối liên hệ giữa vấn đề này với an toàn cho bệnh nhân trong bối cảnh các nhân viên y tế trên toàn thế giới đã làm việc quá tải do COVID-19 kéo dài. Các bác sĩ phẫu thuật cho một bệnh nhân COVID-19 nặng ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: XINHUA Ca trực 28 tiếng Bác sĩ nội trú Uri Rosen - 35 tuổi, làm việc ở khoa nội tại Trung tâm y tế Holon Wolfson, Israel - kể về những lần buồn ngủ khi lái xe trở về nhà sau ca trực: “Sau vài lần ngủ gục và để xe trôi qua các giao lộ trên đường về nhà sau ca đêm, giờ đây tôi phải kéo thắng tay mỗi khi dừng ở giao lộ. Đó là những gì xảy ra khi bạn phải trực 26 tiếng liên tục, một tuần có thể có hơn một tua trực như thế”. Anh cho biết: “Không biết có ai trong chúng ta thấy an tâm lên máy bay hay xe buýt khi biết rõ phi công hay tài xế đã làm việc suốt 24 giờ không ngủ. Là bác sĩ nội trú, tôi làm việc suốt 24 giờ”. Chia sẻ trên tờ Haaretz, Rosen cho biết anh bắt đầu ca trực lúc 8 giờ. Từ 15h30 trở đi, sau khi bộ phận hành chính, thư ký khoa nghỉ, một mình anh chịu trách nhiệm chung cho cả khoa với 40-42 bệnh nhân, gồm cả những việc hậu cần bên cạnh việc chuyên môn như điều phối chụp X-quang và CT. “Đến 8 giờ tối, hai chân bạn bắt đầu đau nhức và đến 10 giờ thì bụng đói cồn cào. Ba giờ sáng, giờ thứ 18 của ca trực, bệnh nhân thứ 9 nhập viện và bạn không còn làm tốt việc của mình. Bạn cạn kiệt năng lượng, không còn sự đồng cảm hay kiên nhẫn. Bạn mắc sai lầm và quên đưa thuốc cho bệnh nhân. Thật may là còn có y tá phát hiện”, anh kể. Thực tế này tồn tại trong ngành y từ lâu ở nhiều nơi, trong đó có Canada - các bác sĩ nội trú làm việc khoảng 26 giờ và được nghỉ 24 giờ sau đó. Trong tua trực 26 giờ liên tục, các bác sĩ không có thời gian ngả lưng, không kịp ăn uống hoặc phải tranh thủ ăn vội vàng. Tại Mỹ, Hội đồng Đánh giá giáo dục y khoa sau đại học (ACGME) từng phản đối yêu cầu bác sĩ nội trú làm việc đến 28 giờ trong một tua trực, gọi đây là “bước đi lùi nguy hiểm”. Bác sĩ Michael Carome, giám đốc Tập đoàn Nghiên cứu sức khỏe công dân (Public Citizen’s Health Research Group), cảnh báo: Bác sĩ nội trú thiếu ngủ là mối nguy hiểm cho chính họ, cho bệnh nhân và cộng đồng. Viện Y khoa Mỹ (IOM) từng công bố một báo cáo đánh giá đầy đủ các bằng chứng về tác hại của ca làm việc dài của bác sĩ và khuyến nghị các bác sĩ nội trú không làm việc quá 16 giờ liên tục. Báo cáo chỉ ra các bác sĩ nội trú mệt mỏi có nhiều khả năng tự gây thương tích cho bản thân và bệnh nhân. Một bác sĩ nội trú giấu tên ở Mỹ cho biết trên tạp chí EHS Today (về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của Mỹ): “Trong một năm thực tập, chúng tôi lẽ ra chỉ làm việc 80 giờ/tuần, nhưng tôi đã làm việc 100 giờ mỗi tuần trong gần một tháng. Một ngày, khi đang hỏi bệnh nhân thì tôi chợt nhận ra mình không thể nhớ nổi mình đã hỏi và chưa hỏi gì. Tôi xin phép ra ngoài, lao về nhà và nằm gục xuống sàn. Rồi tôi dựa vào tường phòng tắm và cảm thấy được thư giãn lần đầu tiên sau nhiều tuần. Tôi đã không biết mình bị kiệt sức và suy sụp như thế nào. Tôi khóc vì tôi rất mệt mỏi và cũng vì người bệnh của tôi xứng đáng được chăm sóc tốt hơn những gì tôi đã làm. Tôi không thể nhớ bất kỳ chi tiết nào về cơn đau ngực hoặc rủi ro đau tim của anh ấy. Tôi thậm chí không thể nhớ tên hay mặt anh ấy. Tôi chỉ biết rằng anh ấy rất thân thiện và tin tưởng mình…”. Báo chí Canada, trong đó có Tập đoàn Phát thanh truyền hình Canada (CBC) cũng từng lên tiếng về việc ca trực của bác sĩ nội trú tại các bệnh viện Canada thuộc nhóm dài nhất thế giới và có thể không an toàn cho bệnh nhân. CBC đặt vấn đề trong khi phi công, tài xế xe tải, tài xế xe buýt ở Canada không được làm việc liên tục hơn 13-14 tiếng thì rất nhiều bác sĩ nội trú ở nước này lại phải làm việc liên tục 24-26 giờ. Các chuyên gia cho rằng điều này có thể làm giảm khả năng phán đoán, phản xạ và ra quyết định, có thể dẫn đến sai lầm của bác sĩ. Hơn 80% bác sĩ nội trú được khảo sát năm 2016 ở Canada thừa nhận mệt mỏi ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc của họ dành cho bệnh nhân. Các bác sĩ có nhiều ca trực dài trong tháng đã báo cáo sai sót y tế do mệt mỏi khiến bệnh nhân tử vong nhiều hơn 300%. Người trực ca dài hơn 24 giờ có lượng chẩn đoán sai nghiêm trọng cao hơn 460% so với ca ngắn. Ca làm việc dài có liên quan đến chất lượng giấc ngủ kém, thái độ xấu và đánh giá thiếu chính xác của bác sĩ. Hiệp hội Y khoa Anh cũng có cảnh báo tương tự về những ca trực dài của bác sĩ. Cụ thể sau 12 giờ làm việc liên tục, các bác sĩ được kiểm tra về khả năng tập trung, đánh giá và kết quả cho thấy họ hành xử như thể mình say rượu. Các bác sĩ này cũng không biết khả năng phán đoán của họ bị suy giảm. Những y tá làm việc ca 12 tiếng có đến 200% khả năng mắc lỗi nhiều hơn so với người làm việc 8 tiếng. Bác sĩ bị mệt mỏi, quá tải tác động nghiêm trọng đến an toàn sức khỏe của bệnh nhân. Hai y tá tại Bệnh viện Cremona ở Lombardy ôm động viên nhau trong khi chiến đấu chống dịch COVID-19 tại Ý. Ảnh: AFP Để hạn chế sai sót y khoa Có rất nhiều sự cố liên quan đến an toàn người bệnh tưởng như không thể nhưng đã xảy ra tại bệnh viên như phẫu thuật nhầm người bệnh, phẫu thuật nhầm vị trí, sót gạc hay dụng cụ y tế sau phẫu thuật, nhầm thuốc, nhầm nhóm máu của bệnh nhân, giao nhầm trẻ sơ sinh, sử dụng thuốc, thiết bị bị nhiễm khuẩn, y bác sĩ mắc bệnh truyền nhiễm và lây cho bệnh nhân… Đừng vội đổ tội ngay cho các bác sĩ. Y bác sĩ là người cuối cùng trực tiếp làm việc với người bệnh nên khi sự cố xảy ra, họ dễ bị gán lỗi. Thực tế có nhiều lỗi cá nhân nhưng do hệ thống gây ra. Theo các nhà nghiên cứu y khoa, 70% các sự cố y khoa không mong muốn có nguồn gốc từ các yếu tố của hệ thống hoặc môi trường và chỉ có 30% do cá nhân. Việc trừng phạt, quy trách nhiệm cá nhân có thể dẫn đến tình trạng giấu giếm. Lý tưởng nhất là mọi quy trình công việc cần được thiết kế sao cho toàn bộ hệ thống có khả năng phát hiện và phòng ngừa sự cố. Những sai sót, sự cố y khoa do lỗi về hệ thống nằm ngoài khả năng của bệnh viện và thầy thuốc gồm: chưa có chính sách lấy người bệnh làm trung tâm, thiếu nhân lực, quá tải, thiếu phương tiện, thiết bị… Những yếu tố này dù rất quan trọng nhưng thường ít được chú ý khi phân tích nguyên nhân cốt lõi của các sự cố y khoa. Nhưng nếu chỉ tập trung vào lỗi cá nhân mà xử lý và không giải quyết nguyên nhân gốc rễ thì sự cố tương tự sẽ còn lặp lại. Ở cấp cơ sở, các tổ chức, bệnh viện, trung tâm y tế có thể quy định nội bộ về việc hệ thống báo cáo sự cố lâm sàng, sáng kiến vệ sinh... Cuối cùng là thực hành và tương tác giữa y bác sĩ với bệnh nhân, người đại diện của họ. Theo Ủy ban quốc gia về chất lượng y tế và an toàn người bệnh (Mỹ), một số chuyên gia y tế không đánh giá hết những rủi ro thường trực này và có thái độ ung dung với sự nguy hiểm của bệnh nhân. Số khác có quan tâm nhưng do hiểu biết kém hoặc quá tải nên làm tắt, bỏ qua các khâu an toàn được thiết kế để ngăn ngừa sự cố. Sửa đổi thái độ này là rất cần thiết. Lãnh đạo bệnh viện cần có chiến lược giúp các y bác sĩ duy trì sự quan tâm thường xuyên đến chất lượng và an toàn qua các buổi tập huấn, họp chung nhưng tránh đổ lỗi, quy trách nhiệm cá nhân. Ngoài ra, phúc lợi tốt cho y bác sĩ có một vai trò quan trọng trong sự an toàn của bệnh nhân. ■ Bệnh nhân nên hỏi Theo WHO, việc điều trị cho những bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nặng, có nhiều bệnh nghiêm trọng cùng lúc đòi hỏi bác sĩ phải đưa ra những quyết định ngày càng khó khăn hơn về ưu tiên chăm sóc sức khỏe. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), người bệnh bảo vệ bản thân và gia đình bằng các biện pháp đơn giản như đặt câu hỏi. Luôn hỏi lại về sự cần thiết của một loại kháng sinh nào đó được kê toa. Hỏi thăm về các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe người bệnh của bệnh viện, hỏi chi tiết về những biện pháp điều trị cho mình. Chẳng hạn nếu được đặt ống thông tiểu, hãy hỏi khi nào ống được lấy ra, hỏi về cách chăm sóc vết thương sau mổ. Canada đã đặt vấn đề bệnh nhân nên có quyền hỏi liệu bác sĩ của họ có ngủ đầy đủ không, vì nếu bệnh nhân có quyền lên tiếng khi bác sĩ của mình say xỉn thì tại sao họ không có quyền được biết bác sĩ của mình có được ngủ trong vòng 24 giờ qua hay không? Giao tiếp hiệu quả giữa bệnh nhân và bác sĩ cũng góp phần giảm những tai nạn ngoài ý muốn trong điều trị. Tags: Thủ quân Minh ĐứcTaraneh AlidoostiChuông đồngCa trực
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
KOL Huyền Phi từng ở nhà dột, hút hàng triệu người theo dõi để bán hàng Việt thế nào? BÔNG MAI 22/11/2024 Gắn liền với bộ đồ bà ba giản dị, giọng nói dễ mến, Huyền Phi đưa hàng triệu người xem trải nghiệm cuộc sống thôn quê bình dị qua video nấu ăn, đi ruộng... Sau tháng ngày ở nhà dột, kiếm ăn từng bữa, cô đổi đời, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Tình báo Ukraine: Tên lửa mới của Nga vượt tốc độ 13.500km/h THANH HIỀN 22/11/2024 Cơ quan tình báo của Ukraine nhận định tên lửa Nga tấn công hôm 21-11 đã bay trong 15 phút trước khi va chạm ở thành phố Dnipro và đạt tốc độ tối đa vượt quá Mach 11 (trên 13.500km/h).