Nghề lượm banh

YẾN TRINH 28/04/2015 02:04 GMT+7

Trong tiểu thuyết Số đỏ (xuất bản năm 1936), nhà văn Vũ Trọng Phụng có nhắc đến một nghề khá lạ lẫm vào thời bấy giờ: nghề lượm banh ở sân quần vợt. Giờ đây, nghề lượm banh, còn gọi là “ball boy”, đã trở thành một nghề kiếm sống được nhiều bạn trẻ chọn lựa.

Nhanh tay lượm banh phục vụ khách - Ảnh: Quang Định

Một tay cầm vợt khẩy trái banh quần vợt, một tay lẹ làng chụp lấy rồi ném trả cho khách, Mã Si Kha (19 tuổi) thoắt cái đã chạy qua bên kia sân lượm trái khác. Kha vào nghề lúc 15 tuổi. Với thân hình gầy gò, đen nhẻm, Kha cũng như những thanh niên lượm banh ở các sân quần vợt tại Sài Gòn, ngày qua ngày nuôi giấc mơ “số đỏ” trở thành người dạy quần vợt, hoặc đơn giản là dành dụm tiền gửi về quê phụ giúp cha mẹ.

“Chạy riết cũng quen”

11g, nắng rát mặt, Kha vẫn căng mắt chăm chú dõi theo đường banh của khách để lượm cho kịp. Sân A đường Đào Duy Anh (Q.Phú Nhuận) đang có hai cặp chơi. Mồ hôi chảy dài trên má, lưng áo Kha ướt đẫm.

“Mỗi khi khách cao hứng, kèm những tiếng hô “giao banh”, “căng quá”, “chơi ác quá”… thì mình càng cực vì phải lượm nhanh hơn. Mấy lúc họ hạ vợt đứng nghỉ hoặc uống nước thì mình tranh thủ… thở cho đỡ mệt. Gặp khách khó tính, chỉ cần chậm tay chậm chân là bị chửi xối xả” - Kha nói.

Mỗi ngày Kha làm năm tiếng, chia làm hai hoặc ba ca. Một giờ lượm banh em được chủ sân trả 20.000 đồng - mức giá trung bình ở các sân. Thi thoảng em được người chơi “bo” 20.000-50.000 đồng. Hôm nào “vô mánh” gặp khách cáp độ lớn, Kha được cho vài trăm ngàn đồng là chuyện thường.

Trên sân quần vợt đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình), Lâm Nhã Chúc ngồi chờ nửa giờ khách mới đến sân. Khách bắt đầu nhập cuộc cũng là lúc Chúc di chuyển liên tục quanh sân. Có khi banh bay qua khỏi rào lưới, Chúc lại lật đật chạy theo.

Chúc kể: “Ngày đầu tôi phải lượm bóng bằng tay do chưa biết dùng vợt. Tối về người mỏi nhừ, lưng muốn sụm vì phải liên tục đứng lên cúi xuống. Nhưng rồi chạy riết cũng quen”. Khó nhất của người mới vào nghề là phải biết chút ít về luật chơi chứ không đơn giản cúi xuống lượm lên.

Họ phải canh thời điểm đưa banh để không cản trở người chơi và không để khách đợi mình. Để trở thành một “ball boy” giỏi, ngoài yếu tố sức khỏe, nhanh nhạy còn phải có tố chất thể thao, đam mê nghề và đặc biệt nắm được tính nết từng vị khách. Nhiều người phải mất hàng tháng trời mới làm quen với trái banh, với môn thể thao thành thị này.

Các sân quần vợt thường đông vào chiều tối nên đó cũng là thời điểm người lượm banh không ngớt việc, kiêm luôn lấy khăn và phục vụ nước cho khách. 20g ở sân quần vợt trên đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), Hồ Văn Trung (25 tuổi) uống vội hớp nước rồi chạy ra sân. Từ sáng tới giờ Trung làm hai ca liên tiếp, bụng đói meo.

Sân kế bên, Huỳnh Công Danh (19 tuổi) đang miệt mài chạy theo từng trái banh. Trung từ quê xin vào làm được hai tháng nay. Từ một chàng trai có nước da trắng trẻo như con gái, chỉ sau thời gian phơi nắng giờ đây đỏ như trái gấc.

22g, Danh và Trung lúi cúi dọn dẹp mớ chai nước, ghế rồi lấy chổi quét một vòng sân. “Tụi tôi thường kết thúc công việc lúc 23g. Cả ngày quần thảo trên sân, khắp người mỏi nhừ, nằm xuống là ngủ như chết. Sáng mai có khách đánh sớm thì phải dậy trước nửa tiếng để chuẩn bị” - Trung nói.

Chuẩn bị cho một ngày lượm bóng trên sân - Ảnh: YẾN TRINH

Buồn vui nghề “ball boy”

Từ khi quần vợt trở thành môn thể thao phổ biến, sân banh mở nhiều hơn thì đội ngũ lượm banh có thêm đất sống. Rời vùng quê lam lũ, lận lưng tấm giấy chứng minh nhân dân, họ xin vào làm ở các sân quần vợt rồi theo nghề đến giờ.

“Ball boy” thường được bao chỗ ở, tiền lượm banh trả theo giờ, theo từng trận banh hoặc theo tuần, tháng. Mỗi người phải lượm ít nhất năm tiếng/ngày để kiếm từ 100.000 đồng. Ngày nào được “bo” khá, mấy anh em rủ nhau đánh độ nước ngọt, hoặc sang hơn thì bữa nhậu bình dân.

Lý do họ đi làm nghề này xoay quanh chữ nghèo. Kha kể nhà có năm anh em, Kha lớn nhất. Nhà nghèo, không có tiền đóng học phí nên phải bỏ học làm đủ nghề để kiếm sống. Cách đây bốn năm, một mình em đón xe từ Bình Thuận vào Sài Gòn. Ban đầu Kha xin vào làm tại một quán bida. Được một thời gian, em chuyển sang nghề lượm banh.

Thấy nghề này sống được, Kha đưa em trai ngoài quê vào làm chung. Kha vừa kể vừa đong đưa cái võng mắc cạnh phòng bảo vệ, gương mặt khắc khổ, già hơn tuổi 19. Kha nhìn tôi, giọng chùng xuống: “Cách đây một năm, em được đưa đi thi đấu giải tài năng trẻ của thành phố. Mỗi lần đi em phải tự túc ăn uống, lâu lâu được cho mấy chục ngàn đồng nhưng vui vì được đấu với người ta. Giờ quá tuổi rồi, không được đi nữa…”.

Trần Hùng Mạnh (20 tuổi), có thâm niên lượm banh bốn năm, cho biết làm nghề này có cái vui là hay được khách quan tâm hỏi han về gia đình, hoàn cảnh. Nhiều khách vẫn dễ chịu khi lỡ chậm chân. Một số “thượng đế” vẫn còn cái nhìn không mấy thân thiện về những người lượm banh.

Mới lúc sáng, Mạnh đang chuyện trò vui vẻ với nhóm khách về đủ thứ chuyện trên đời thì một người đế vào “chữ nghĩa bao nhiêu mà làm như am hiểu lắm”. Mặt em nghểnh ra dài thượt vì sự khinh rẻ thân phận mà những bạn trẻ tha hương như em không đáng phải nhận. Dù chỉ học hết lớp 11 nhưng nhờ chăm chỉ, Mạnh đã dành dụm gửi về cho cha mẹ một số tiền đủ để sửa lại căn nhà ọp ẹp.

Còn Tôn Văn Hiếu (15 tuổi) được cho là người siêng nhất trong đám. Ban ngày lượm banh, tối Hiếu phụ bán căngtin tới khuya. “Em thường ăn cơm bằng tiền bo của khách, còn lương gửi về cho ba má. Nhà còn đứa em út đang học lớp 5, ba má thì lớn tuổi, quanh quẩn với mấy công ruộng, em phụ được chừng nào hay chừng đó” – Hiếu bộc bạch.

Hiếu khoe cách đây mấy tháng được khách cho đôi giày “nai” (Nike) đã cũ. Hiếu đem ra tiệm tân trang lại đế hết 120.000 đồng. Hiếu khoái đôi giày lắm, mang xong đem phơi nắng cho khỏi ẩm. Hiếu nói: “Làm nghề này cần phải có đôi giày tốt. Nhưng với chúng em, một đôi giày hàng hiệu là cả một ước mơ”. Hiếu kể từ hai năm nay, mỗi lần cha ở quê lên khám bệnh định kỳ, em đã có thể trả tiền khám và còn mua cho cha mấy cái áo.

Chuyện buồn vui trong nghề khó mà kể hết. Có vị khách đi Audi, thua độ vài chai nước tức mình đập gãy vợt, quay sang quát tháo, chì chiết đám lượm banh để… gỡ thể diện. Rồi mỗi lần khách không vừa ý điều gì, méc chủ coi như bị trừ lương, thậm chí bị đuổi việc. Có người thấy banh không những không lượm mà tiện chân hất ra xa…

Họ tự an ủi rằng những vị “thượng đế” hành xử kiểu như thế cũng không nhiều.

Ngoài giờ lượm bóng, “ball boy” thường luyện tập thêm để chơi bóng thành thạo - Ảnh: YẾN TRINH

Giấc mơ “số đỏ”

Hầu hết người lượm banh đều nuôi ước mơ trở thành người dạy quần vợt. Từ công việc được xem là “đỡ cực hơn phụ hồ”, một số “ball boy” đã thay đổi số phận. Anh Nguyễn Hữu Toàn (42 tuổi) dạy quần vợt hơn mười năm nay, từng xuất thân từ nghề lượm banh.

Anh kể: “Năm 1996 đi bộ đội về, tôi bắt đầu làm ở sân quần vợt thuộc Quân khu 7. Vừa lượm banh vừa học người ta đánh. Hễ có giờ trống là tôi lao vào tập luyện, bất kể giờ giấc. Ban đầu chỉ biết đánh sơ sơ rồi thành thạo. Sau đó tôi làm quản lý sân, đến năm 2000 chính thức đi dạy, nay sân này, mai sân kia”. Từ ngày “lên đời” làm thầy, thu nhập của anh Toàn cũng khá hơn, trung bình một giờ dạy là 200.000 đồng.

Anh Nguyễn Anh Kiệt (35 tuổi) đã gắn bó với quần vợt từ khi còn là cậu bé. Cách đây 20 năm, anh được gia đình gửi vào Trung tâm thể dục thể thao Q.Phú Nhuận. Lúc đầu anh được chọn vào đội ngũ lượm banh.

Anh nói: “Có lúc tôi thấy chán, thử đi làm thuê làm mướn đủ nghề nhưng chịu không nổi lại quay về với trái banh nỉ. Tôi đặt ra mục tiêu phải khổ luyện, chơi quần vợt thật giỏi. Giờ tôi nhận dạy ở một số sân. Cuộc sống ổn định hơn”.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, người đã chỉ dạy và nhận Kiệt làm phụ tá cho mình ngày trước, chia sẻ: “Tôi đã tiếp xúc nhiều với các em làm nghề lượm banh, đa số đều chăm chỉ và chịu khó. Bản thân tôi thường dạy thêm cho các em những kỹ thuật, lối chơi… với hi vọng các em mau thành thạo”.

Trung bình sau hai năm, người lượm bóng có thể “dượt” (đánh cặp) cho khách mới học. Nhiều khách đi một mình thường yêu cầu người lượm banh đánh chung và trả họ ít tiền. Khi cầm vợt đánh và reo hò theo từng đường bóng, gương mặt của những chàng trai lượm banh trở nên linh hoạt và vui vẻ lạ thường.

“Nếu không có người tập chung, tôi cũng thường ra sân rồi tự mình đánh bóng vào tường. Ngày nào tôi cũng tập ít nhất một tiếng. Mình phải cố gắng nhiều nữa mới dạy được người ta” - Hiếu tâm sự.           

Trên thế giới, sự ra đời của nghề lượm banh quần vợt được đánh dấu ở giải quần vợt Anh (Wimbledon) năm 1920. Đến năm 1977, cũng trong giải này sự xuất hiện của các cô gái lượm bóng (ball girls) tạo nét mới mẻ cho các trận đấu và thường được tuyển từ các trường trung học. Sau này các giải Wimbledon (Anh), giải Úc mở rộng, Mỹ mở rộng… thường đăng quảng cáo tuyển người lượm banh và phải trải qua kỳ kiểm tra trước khi được chọn với ít nhất hai năm kinh nghiệm.

Ở Việt Nam, hầu như không có nữ làm nghề lượm banh. Trên một số trang mạng thời gian gần đây xuất hiện các thông báo đăng tuyển người lượm banh với mức giá 20.000-30.000 đồng/giờ. 

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận