Nghe sử có bao giờ chán

PHAN BẢO 07/09/2024 05:27 GMT+7

TTCT - Nếu kể đúng cách, những bản ghi kể chuyện sử sẽ bền vững với thời gian, dù lưu trữ dưới định dạng hay chia sẻ thông qua nền tảng, phương tiện nào đi nữa.

Nghe sử có bao giờ chán - Ảnh 1.

Ảnh: Stephen Kelly/Getty Images

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Edison Research, tại Mỹ có khoảng 100 triệu người nghe podcast mỗi tuần. Thời gian nghe trung bình của họ đã tăng 450% trong thập niên qua lên mức hơn một tiếng mỗi ngày. Gần như nhiều người Mỹ từ 18 đến 34 tuổi hiện sử dụng podcast như xem tivi. 

Lịch sử vì thế có thêm cách để được "chẻ nhỏ" thành các câu chuyện, kể theo nhiều cách khác nhau, cho những người thích nghe thay vì đọc.

Người người mê nghe sử

Toàn bộ 5.000 vé cho đêm diễn tối 18-10 sắp tới tại nhà hát danh tiếng Royal Albert Hall ở London (Anh) đã bán sạch từ tháng 5. Người ta giành nhau mua vé không hẳn là để nghe diễn tấu Mozart và Beethoven, mà là để mắt thấy tai nghe Tom Holland và Dominic Sandbrook kể sử. 

Bộ đôi sử gia này mỗi người đều có nhiều tác phẩm riêng, nhưng trước tác đồ sộ của họ không phải là thứ đủ để lấp đầy Royal Albert Hall. Sức hút thật sự đến từ series podcast The Rest Is History (Phần còn lại là lịch sử) mà họ đồng dẫn dắt bốn năm qua, theo tờ The Economist.

Kể từ khi ra mắt năm 2020, The Rest Is History đã trở thành podcast được đăng ký nhiều nhất ở Anh. Holland và Sandbrook dẫn dắt người nghe đi từ thời đại của "cha đẻ môn lịch sử" Herodotus tới Cách mạng Pháp rồi sang lịch sử cận đại. Ý định ban đầu của họ chỉ là triển khai một hoạt động phụ trợ cho việc viết sách sử; nhưng giờ thì cả hai không còn thời gian cho bất kỳ điều gì khác.

Nghe sử có bao giờ chán - Ảnh 2.

The Rest is History đã được in thành sách. Ảnh: Amazon

Nỗi khổ này không chỉ của riêng Holland và Sandbrook, mà Anita Anand, một trong các host (người dẫn) podcast về lịch sử Empire (Đế chế), cũng thấu rõ. Không chỉ đạt hơn 30 triệu lượt tải xuống, gần đây Empire còn bán hết vé cho buổi kể chuyện trực tiếp tại trung tâm Barbican - một địa điểm trình diễn văn hóa nghệ thuật nổi tiếng khác của London - chỉ trong vòng hai ngày.

Theo trang Mashable, cột mốc đánh dấu sự bùng nổ của các chương trình podcast lịch sử dài và chi tiết chính là thời kỳ đại dịch COVID-19, khi mà nhiều người tìm cách duy trì sự tập trung trong lúc làm việc ở nhà. 

Các podcast lịch sử như Hardcore History (Lịch sử hạng nặng) của Dan Carlin và The Age of Napoleon (Thời đại Napoleon) của E. M. Rummage, đã trở thành hiện tượng, vì định dạng podcast giúp người nghe vừa tiếp thu kiến thức lịch sử sâu rộng vừa giải quyết các công việc hằng ngày, như nấu ăn hoặc sửa chữa nhà cửa.

Lịch sử không bao giờ cũ

Giải mã sức hút của podcast về lịch sử, The Economist cho rằng lịch sử không đòi hỏi kiến thức chuyên môn nhiều như tìm hiểu khoa học. Vì vậy, bất kỳ ai cũng có thể nghe podcast lịch sử để lấp đầy những lỗ hổng lớn mà nền giáo dục chính quy để lại, mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi đang lái xe đường dài hoặc làm việc nhà.

Các podcast này hấp dẫn hơn nhiều so với việc đọc một cuốn sách giáo khoa khô khan. Chúng tái hiện các sự kiện lịch sử, dù là Đại chiến thế giới hay những ngày đầu của nhạc hip-hop. Chúng đề cập đến nhiều chủ đề, từ các tổng thống Mỹ trước đây đến sự nghiệp của nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey, từ những vụ bê bối ở Hollywood đến nhiều bí ẩn xưa cũ. Một số podcast đào sâu vào một chủ đề duy nhất trong nhiều giờ, trong khi số khác hoài niệm về những thời đại và địa danh khác nhau.

Nhìn chung, podcast lịch sử giúp người nghe hiểu được xã hội đã thay đổi hay vẫn giữ nguyên như thế nào theo thời gian, cả về mặt văn hóa và chính trị. Theo đánh giá của người dẫn podcast người Mỹ Mike Duncan, xét về lượt nghe/tải xuống, podcast về lịch sử có thể chỉ là "tôm tép" so với các chương trình thể thao và giải trí hay các chương trình theo dòng thời sự. 

Nhưng podcast lịch sử sẽ đi được quãng đường dài hơn. Bằng chứng là trong khi không mấy ai muốn đào lại các tập cũ của các podcast thời sự, hàng ngàn người sẵn sàng tải xuống những tập podcast về lịch sử thành Rome mà Duncan đã hoàn thành hơn chục năm trước.

Nghe sử có bao giờ chán - Ảnh 3.

Một số podcast có chủ đề lịch sử. Ảnh: Riverside

Dan Carlin, phát thanh viên kiêm host của Hardcore History, khẳng định: "Lịch sử là nội dung trường tồn. Chương trình podcast lịch sử giống một album thu âm hơn là một tờ báo". Carlin cũng thu được nhiều lợi nhuận từ kho lưu trữ tập podcast cũ hơn là từ các tập mới.

Không chỉ vậy, có thể nói podcast về lịch sử đang thay đổi cách nghiên cứu và chia sẻ lịch sử. Neil MacGregor, nhà sáng tạo podcast nổi tiếng History of the World in 100 Objects (Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật), đánh giá rằng truyền tải lịch sử bằng podcast giúp dễ dàng đưa vào nhiều góc nhìn và ý kiến khác nhau hơn so với cách viết lịch sử truyền thống.

Theo ông, podcast chuyển những câu chuyện lớn lao, bao quát thành những cuộc trò chuyện và tranh luận gần gũi hơn. Cách tiếp cận này giúp mọi người hiểu lịch sử một cách chi tiết và hấp dẫn hơn. 

Ví dụ, podcast Betwixt the Sheets (Một lối chơi chữ về chuyện "giường chiếu") đưa người nghe trải qua hành trình khám phá các chủ đề lịch sử liên quan đến tình dục như: chiến tranh ảnh hưởng đến trang phục như thế nào và người Aztec ở Trung Mỹ nhìn nhận đồng tính luyến ái như thế nào.

Chìa khóa thành công

Thị trường podcast lịch sử càng bùng nổ càng thu hút nhiều người tham gia thử sức. King Kurus cho biết khi bắt đầu làm podcast về lịch sử da đen Black History Buff vào năm 2018, anh hoàn toàn "một mình một cõi", nhưng hiện đang phải cạnh tranh cùng một chủ đề về châu Phi và di cư với nửa tá đồng nghiệp làm podcast khác.

Vì vậy, ai trong nghề cũng cố gắng khai thác những khía cạnh càng khác biệt càng tốt. Dan Snow, người dẫn của chương trình podcast có hiệu suất cao nhất tại Anh History Hit, chia sẻ bí quyết thành công của anh là khai thác các chủ đề ngách - hẹp hoặc độc lạ. 

Cụ thể, History Hit hiện có một loạt series phụ, bao quát cả lịch sử về tình dục, nói riêng về loạt phim truyền hình hư cấu lịch sử The Tudors, lịch sử thời Trung cổ, lẫn những thứ "hơi quái quái" khác.

Đòi hỏi phải khác biệt cũng là động lực để các thể loại chương trình hoàn toàn mới xuất hiện trong hệ sinh thái podcast lịch sử. Một thể loại dường như bất khả thi cách đây không lâu là lịch sử hài kịch, nay lại không thiếu. 

Có thể kể đến những cái tên như Natalie Haynes Stands Up for the Classics (tạm dịch: Natalie Haynes bênh vực các tác phẩm kinh điển) - chương trình do nhà văn kiêm phát thanh viên người Anh Natalie Haynes kết hợp tài năng diễn hài chuyên nghiệp với niềm đam mê của cô dành cho thế giới cổ đại, hay The Dollop ở Mỹ và You're Dead to Me của Đài BBC ở Anh có sự góp mặt của các diễn viên hài dẫn dắt những chủ đề lịch sử.

Khi "nhảy" sang podcast, các sử gia như Holland và Sandbrook được nhiều hơn mất. Sản xuất nội dung âm thanh số giúp họ nghiên cứu sâu hơn và kể chuyện hay hơn. Chia sẻ với The Economist, Elizabeth Masarik - một trong các host của podcast Dig - cho biết kỹ năng của cô và các đồng đội đã được cải thiện đáng kể vì làm podcast không chỉ thôi thúc họ không ngừng viết và nghiên cứu, mà thậm chí khiến họ tìm tòi vượt ra ngoài lĩnh vực nghiên cứu của bản thân.

Định dạng podcast còn đặc biệt lý tưởng cho những người nghe thường hay làm mọi thứ một mình. Họ có thể không chủ đích quan tâm đến lịch sử, nhưng lại thích cảm giác được kết nối với người khác thông qua việc nghe kể chuyện, nghe người khác tranh luận. Nhìn chung, podcast đang khiến lịch sử trở nên hấp dẫn và thú vị hơn.

Nghe sử có bao giờ chán - Ảnh 4.

Tom Holland và Dominic Sandbrook

Dấu ấn và thế mạnh cá nhân của người dẫn cũng là yếu tố quan trọng quyết định thành bại của một chương trình podcast lịch sử. Theo biên tập viên Josh Glancy của tờ The Sunday Times, trong thành công của podcast The Rest Is History, vai trò lớn của host Holland và Sandbrook đã quá rõ ràng.

Bộ đôi sở hữu những tính cách tương phản nhưng lại cân bằng nhau - một bên nhiệt tình và có tinh thần đa văn hóa, còn một bên thực tế và tập trung vào hiện tại hơn - góp phần tạo nên sức hấp dẫn độc đáo cho podcast của họ.

Cả hai đều có niềm đam mê sâu sắc với lịch sử từ khi còn nhỏ. Chính thái độ luôn thán phục lịch sử đã khiến chương trình của họ tạo được tiếng vang với khán giả. Họ kết hợp nội dung dễ tiếp cận với hiểu biết sâu sắc của mình dưới định dạng các cuộc trò chuyện xen lẫn tranh luận để thổi vào podcast tính giải trí bên cạnh yếu tố cung cấp thông tin.

Nói là tranh luận nhưng cả hai vẫn đưa ra góc nhìn cân bằng, tránh những diễn giải quá nghiêm túc hoặc gây chia rẽ; họ cố gắng bao quát toàn thể bối cảnh lịch sử và thêm một chút gia vị hài hước vào những chủ đề nhạy cảm, phức tạp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận