Nghỉ việc để sống vì mình hơn

XUÂN MINH 06/11/2021 17:10 GMT+7

TTCT - Đại dịch COVID-19 với nhiều người là cái “cớ” hoàn hảo để chính thức tạm biệt cuộc sống dành hầu hết thời gian cho công việc đã ngán đến tận cổ, thay vào đó là chăm sóc bản thân và gia đình nhiều hơn.

 
 Ảnh: resetyoureveryday.com

Với họ, những trăn trở về cân bằng việc làm - cuộc sống đã có từ lâu, nhưng sau gần 2 năm đại dịch làm đảo lộn mọi thứ, họ đã có thể quyết định để cán cân nghiêng hẳn về bên nào. 

“Làm việc cho bản thân toàn thời gian luôn là mục tiêu của tôi, nhưng phải hơn một năm sau đại dịch, tôi mới cảm thấy thời điểm thích hợp đã đến. Quá nhiều mất mát đã xảy ra trong đại dịch, tôi đã chọn cách sống YOLO [ta chỉ sống 1 lần trong đời]. Nếu không phải bây giờ, thì khi nào? Bởi vì ngày mai chẳng có gì là hứa hẹn” - Maggie McGill, người vừa chuyển từ chuyên gia phát triển và truyền thông sang nhà sáng tạo nội dung, chia sẻ với NBC News.

Khắp nơi trên thế giới, nhiều người cũng đã đi đến kết luận “đây là thời điểm thích hợp” như vậy.

Về quê thả một đàn gà

“Tôi là người năng động, vui vẻ nhưng cũng ưa thích cuộc sống bình yên. Trong tôi có khoảng 30% yêu thích sống ở miền quê yên tĩnh. Sau những gì đã chứng kiến trong đợt dịch COVID-19 lớn nhất ở Việt Nam năm nay, quyết định về quê đến với tôi nhanh hơn” - Nguyễn Thị Thu Trân, 39 tuổi, nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Trân đang sắp xếp những công việc cuối cùng liên quan đến thủ tục giải thể công ty của gia đình. Sau khi trải qua làn sóng COVID-19 thứ 4, cô nghĩ nhiều đến gia đình. Việc làm kế toán, quản lý khâu tiền kỳ trong sản xuất các nội dung quảng cáo, truyền thông của công ty khiến cô ngao ngán. Trân có ý định về quê nuôi gà theo đúng nghĩa đen. Để chuẩn bị cho ngày thực sự về quê đổi đời, từ làm việc văn phòng sau trồng trọt, chăn nuôi, Trân đã gửi tiền nhờ người nhà thả giùm 500 con gà để bán Tết.

Gia đình Trân ở Tân Trụ, Long An có 6 anh chị em, cùng sinh ra trong nghèo khó nhưng nay đều đã trưởng thành và tự lập. Dù đông con nhưng những tháng bùng phát dịch bệnh, ở nhà chỉ có ba mẹ Trân thui thủi, cụ ông nay đã 80, còn bà 76. Chị hai gần nhà nhất ở Tân An, Long An. Chị ba, anh tư và Trân ở TP.HCM. Chị năm ở Bến Tre, còn út ở Vĩnh Long. Dịch bệnh xảy ra, bỗng dưng lúc muốn về lo cho cha mẹ thì không về được, lo lắng, xót xa chất chồng. “Phải đến khi chứng kiến một đại dịch, tôi mới thấy cái chết có thể đến trong gang tấc và thương cha mẹ già, không ai chăm sóc ở quê”.

Nhiều người thân quen của Trân cũng gặp cú sốc với COVID-19. Anh chị em họ của cô có người nhiễm virus, may nhập viện kịp thời. Gia đình người bạn ở quận 8, TP.HCM mất một lúc ba người thân. Bạn bè của các anh chị cũng có những trường hợp rất khỏe mạnh mất vì COVID-19.

Trân cho biết cô thấy xót xa cho sự mất mát vì dịch bệnh của những người xung quanh. Sự kiện buồn này đã thay đổi cô theo một cách nào đó khó giải thích rõ ràng. Hiện nay dù đã tiêm 2 mũi vắc xin nhưng cô vẫn chưa dám ra đường hay đi đâu.

Trân kể trước đây vì thu nhập, cô có áp lực tìm việc làm để gửi tiền phụ giúp gia đình. Sau gần 20 năm bươn chải ở Biên Hòa rồi TP.HCM, nay Trân đã có một ít vốn để dành nên việc về quê không có gì đáng sợ.

Trân xác nhận nhiều lần là cô hoàn toàn không lo lắng gì. “Tôi sinh ra ở nông thôn, đã quen với việc trồng trọt, chăn nuôi từ thuở bé và cũng có chút kinh nghiệm. Ở quê chi phí ít, trồng rau, nuôi gà thêm cũng sẽ có thu nhập ra vô, có khi không cần đụng đến số tiền để dành” - Trân nói. Quyết định của Trân được cha mẹ rất ủng hộ. Các anh chị trong gia đình tôn trọng lựa chọn của cô. Sau khi nhiều năm ra đời làm việc, trải qua nhiều khó khăn, họ tin cô “sẽ sống được”.

SG, chuyên gia truyền thông tại Thái Lan đang làm việc cho một tổ chức Liên Hiệp Quốc với mức lương không có gì để phàn nàn, cho biết COVID-19 khiến anh không còn cảm thấy mình muốn đi tìm việc làm nữa. Thay vào đó, SG muốn tự tạo việc làm cho mình. Công việc đó phải đảm bảo các điều kiện phát huy sở trường viết lách của anh, có thể là viết sách, mang lại thu nhập cao, có thể là bằng các dự án ngắn hạn, công việc tự do và được làm việc ở nhà.

Trò chuyện với TTCT, SG khẳng định mình không muốn về hưu sớm nhưng đã thấy quá đủ với kiểu làm việc tại một tổ chức/công ty. Giờ đây, ở tuổi ngoài 40, anh muốn dành nhiều thời gian hơn cho bản thân và một cuộc sống yên tĩnh, yên lặng hơn.


Thêm thời gian cho con

Theo BBC, Robert, một luật sư 43 tuổi ở Anh, hoàn toàn không hạnh phúc với việc quay trở lại văn phòng, nhất là khi anh có một cậu con trai bị tự kỷ.

“Khi các phiên tòa chuyển từ tổ chức trực tiếp thành các cuộc gọi video, điều đó có nghĩa là tôi có thể bỏ hầu hết các chuyến đi và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình” - anh giải thích. Khi ở nhà trong dịch COVID-19, Robert có thể hỗ trợ vợ nhiều hơn, anh tự thấy mình trở thành một người chồng, một người cha tốt hơn - đặc biệt là khi con của họ có những nhu cầu đặc biệt.

Sự gắn kết trong gia đình họ được củng cố trong suốt thời gian xảy ra dịch bệnh và bây giờ khi mọi thứ đang trở lại bình thường cũ, anh thực sự lo sợ những thay đổi tuyệt vời đã có sẽ vuột qua tay và biến mất.

Vì vấn đề tài chính và các lý do khác, Robert chưa thể nghĩ đến chuyện thay đổi công việc nhưng rất nhiều luật sư đồng nghiệp mà anh nói chuyện cùng, đặc biệt là những người có con nhỏ, đang nghĩ đến việc nghỉ việc vì không muốn ngược đãi bản thân khi trở lại môi trường làm việc cũ.

Gần 2 năm qua, nhiều người, nhiều ngành nghề đã cho thấy khả năng chuyển đổi sang làm việc từ xa rất tốt và vẫn đảm bảo hiệu quả. Giờ đây, khi đã biết làm việc ở nhà là hoàn toàn khả thi, chúng ta nhận ra mình đã lãng phí thời gian di chuyển mỗi ngày để đến văn phòng nhiều như thế nào, nhất là nếu việc đó là hình thức như đến chỉ để cho có mặt.

Nhận ra gia đình quan trọng hơn tiền bạc và có động lực đủ lớn, chị Tracy Carroll ở Green Cove Springs, bang Florida, Mỹ lại quyết định bỏ việc, chuyển từ chuyên viên phân tích tài chính cao cấp sang làm mẹ toàn thời gian, hoàn toàn hạnh phúc với lựa chọn này.

“Phải trải qua một trận đại dịch tôi mới nhận ra con tôi cần mẹ. Trước đây, tôi như trên một con tàu tốc hành chẳng hướng đến đâu cả. Cuộc sống của tôi xoay quanh một danh sách dài những thứ làm tôi tất bật từ công việc đến các cuộc hẹn làm tóc, họp phụ huynh cho con, trang trí nhà cửa cho các dịp đặc biệt, cơm nước... Nhưng tôi nhận ra tôi đã không làm việc quan trọng là dành thời gian để hiểu con mình” - Tracy nói với NBC News.

Một xu hướng “chiều chuộng bản thân” sau thời gian dài mệt mỏi vì COVID-19 khác là du lịch và mua sắm “phục thù”, nghĩa là du lịch cho đã đời và mua sắm cho đã nư để bù đắp cho những tháng ngày bị trói chân trói cẳng vì các lệnh cách ly, hạn chế.

Vivi Cahyadi Himmel, tổng giám đốc điều hành và đồng sáng lập của tập đoàn cung ứng nhà nghỉ du lịch ở AltoVita (London), cho biết các nhân viên giờ đây sẵn sàng đi du lịch dài ngày, đi xa hơn và tìm nhiều loại chỗ ở đa dạng hơn. Mong muốn đi du lịch của người tiêu dùng tiếp tục làm mờ ranh giới giữa đi công tác hay du lịch vì ngày càng có nhiều người kết hợp cả hai là làm việc từ khách sạn tại một điểm đến trong mơ do giờ đây nhiều người có thể làm việc từ bất cứ đâu. Dĩ nhiên là họ muốn làm việc từ bãi biển ở Hawaii.

Trong khi đó, dữ liệu công bố vào đầu tháng 10 của Dịch vụ Thuế quốc gia và Hải quan Hàn Quốc cho thấy tổng doanh số bán túi xa xỉ nhập khẩu ước tính (tính trên cơ sở thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế phụ thu) đạt 147,3 triệu USD năm 2020. Hàn Quốc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 2% lên việc mua túi xách hay đồng hồ trị giá từ 2 triệu won trở lên; trong năm ngoái, tổng số thuế dạng này thu được là 25,6 tỉ won, tăng 38,1% so với năm 2019. Tiêu thụ hàng xa xỉ tăng trong khi chi tiêu cá nhân nói chung giảm 5%, mức sâu nhất từ năm 1998. Điều này cho thấy cách tiêu dùng của người Hàn Quốc thay đổi trong đó, nhiều người chuyển sang mua sắm “trả thù”, theo The Korea Herald.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận