Nghịch lý bóng đá Nga

HOÀI LÊ 25/06/2012 03:06 GMT+7

TTCT - Nếu là người yêu mến bóng đá Nga, không ai có thể quên chiến thắng như một sự bùng nổ về sức hủy diệt khi đoàn quân của ông Guus Hiddink thắng đậm Hà Lan 3-1 ở tứ kết Euro 2008.

Thời đó, báo chí nhắc nhiều đến chiến tích “người Hà Lan thắng Hà Lan” để nói về khả năng dẫn dắt của Guus Hiddink, người được mệnh danh là hiểu về bóng đá Nga hơn chính người Nga. Ông đã làm một cuộc cách mạng về chiến thuật để lối đá hào hoa của kỹ thuật trở nên quyến rũ hơn khi kết hợp phòng thủ và tấn công. Sau trận đấu sinh tử đó, Nga đã không thể vượt qua Tây Ban Nha vì thua kém cả bề dày chiến tích, kinh nghiệm và sự xuất sắc của các ngôi sao.

Nhưng nếu cái thua của Nga bốn năm trước dễ được chấp nhận hơn thì việc họ bị loại tại vòng đấu bảng năm nay tạo nên sự thất vọng.

Thất vọng vì màn trình diễn quá xuất sắc của họ trước CH Czech trong trận khai mạc và hòa với Ba Lan để trở thành đội bóng đầu tiên chiếm ưu thế trong bảng trước trận cuối cùng. Nhưng trong một trận đấu chỉ cần hòa trước Hi Lạp, họ lại không thể hòa. Nhìn lối đá, thế trận và cơ hội có thể ghi bàn, lý giải duy nhất về cái thua của Nga là thiếu bản lĩnh để cứng cáp hơn.

Tôi cũng như những người yêu bóng đá Nga luôn có một day dứt. Năm 1960 tuyển Liên Xô vô địch châu Âu và sau đó bóng đá Liên Xô hay SNG vẫn là một đội bóng có thứ hạng. Họ thắng hay thua còn có thể lý giải về sự thiếu cọ xát, thiếu kinh nghiệm ẩn chứa bất ngờ của một thời “đóng cửa”. Nhưng lực lượng của đội tuyển thời nào cũng đều xuất phát từ hai trung tâm lớn của bóng đá Liên Xô thời đó: Matxcơva và Kiev (cũng có nghĩa là đội tuyển Nga và Ukraine hiện nay).

Sau biến cố những năm 1990, bóng đá Liên Xô không còn là sự tổng hợp của những trung tâm bóng đá này thì liền đó là việc hướng ngoại và xuất ngoại. Sau chiến tích tại Euro 2008, các cầu thủ Nga được “xuất khẩu” ồ ạt và dù không quá thành công trong màu áo các CLB nước ngoài (Arshavin từ Arsenal phải trở về thi đấu tại CLB Zenit của mình), nhưng không thể không nhắc đến việc họ tích lũy kinh nghiệm ở đấu trường châu Âu. Thời mở cửa sau triều đại HLV người bản xứ cuối cùng Aleksandr Borodyuk, kể từ năm 2006 đến nay đội tuyển Nga đều do HLV người Hà Lan dẫn dắt (sau Hiddink là Dick Advocaat).

Nghịch lý chính là ở chỗ đó. Đội tuyển Nga thay đổi. Ào ạt trong tấn công, cách thức ghi bàn đẹp mắt nhưng luôn lúng túng khi bị đối phương dẫn trước hoặc vấp phải hàng phòng ngự chơi tử thủ. Trận hòa Ba Lan có thể lý giải là áp lực và giải pháp dung hòa trong sự kích động về quá khứ, trong khi trận thua Hi Lạp phản ánh bản sắc của bóng đá Nga: đẹp nhưng mong manh. Và ông Advocaat đã không thể làm được điều cần nhất là mang lại bản lĩnh thép cho đội.

Sau những bế tắc về đấu pháp trong hiệp một, ông Advocaat vẫn duy trì các miếng đánh thẳng vào trung lộ, chấp nhận xông vào bức tường phòng thủ dày đặc nhưng rất cẩn mật của Hi Lạp. Thiếu tốc độ và khả năng xử lý tình huống trong không gian cực hẹp, những Dzagoev, Kerzhakov, Arshavin hay Pavlyuchenko không đủ trầm tĩnh để xoay chuyển tình hình.

Nhưng trong bóng đá, một đội bóng mạnh hay yếu không thể chỉ căn cứ vào những chỉ số (thành tích, lối chơi, ngôi sao, HLV) mà còn là kết quả trên sân. 16 trận trước đó bất bại và chỉ thua duy nhất Hi Lạp bằng một bàn thắng, Nga đã phải rời bỏ cuộc chơi.

Tôi đã cố gắng tìm lời lý giải, nhưng nghịch lý của bóng đá Nga vẫn luôn thách thức mọi lý giải.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận