TTCT - Chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới cực kỳ phức tạp. Cùng nhiều hoạt động ngoại giao khác, chuyến thăm cho thấy độ mở với thế giới của Việt Nam, và hơn thế nữa. Samsung là nhà đầu tư FDI cá nhân lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Reuters Bởi thế, phát biểu của Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo với TTXVN hai ngày trước khi tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Quan hệ tốt đẹp với Việt Nam là "mẫu mực hàng đầu thế giới"" không phải lời sáo rỗng. Tương tự là chuyện ông Han kể: "Đầu năm nay, tại Diễn đàn Davos ở Thụy Sĩ, tôi đã gặp riêng Thủ tướng Phạm Minh Chính và thảo luận về việc phát triển những lĩnh vực mới trong quan hệ hai nước. Tôi đã mời Thủ tướng thăm Hàn Quốc và tôi thật sự rất vui mừng khi Thủ tướng nhận lời mời và tôi rất mong được gặp lại Thủ tướng Phạm Minh Chính ở Seoul".Ngoại giao đa phương, đa diệnLàm thế nào mà chỉ trong vòng chục ngày, các lãnh đạo Việt Nam có thể lần lượt tiếp Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, rồi sau đó sang Đại Liên (Trung Quốc) dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, rồi ngược lên Bắc Kinh hội kiến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, trước khi sang thăm chính thức Hàn Quốc?Càng đáng kể hơn là ba quốc gia vừa nêu đều là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, có những đối tác có vị thế chiến lược khác nhau. Tiếp xúc đa phương bất kể chọn lựa địa chính trị còn thể hiện qua việc trong thời gian tham dự WEF ở Đại Liên, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có cuộc gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Tiếp ông Putin hôm 20-6 tại Hà Nội, qua 25-6 gặp ông Duda tại Đại Liên là kiểu hoạt động ngoại giao hiếm thấy.Đến đây, thiết nghĩ cần điểm lại danh sách 7 đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam cho tới giờ: Trung Quốc (từ năm 2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (tháng 9-2023), Nhật Bản (từ tháng 11-2023) và Úc (từ tháng 3-2024).Trong một góc nhìn nào đó, quá trình thiết lập những mối quan hệ chiến lược toàn diện này giống như chờ đợi cho một cái cây ra hoa rồi kết quả. Từ những quan hệ dựa trên cơ sở đồng dạng chủ thuyết hay tương tự cấu trúc (Trung Quốc), bạn bè cũ (Nga), tinh thần trung lập, không liên kết, cùng hoàn cảnh thoát khỏi chủ nghĩa thực dân, và châu Á (Ấn Độ), tới các mối quan hệ mới mẻ hơn, thậm chí là cựu thù (Mỹ)..., những liên kết này diễn ra một cách tự nhiên, tuần tự nhi tiến, nhưng chắc chắn và có kết quả vững chắc.Đối tác chiến lược toàn diện Hàn Quốc cần được nhắc tên đặc biệt, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đó là quốc gia thứ tư bước vào mối quan hệ như vậy với Việt Nam, và là nước phát triển công nghiệp thuần túy tư bản chủ nghĩa đầu tiên, cùng thể chế dân chủ Tây phương, song không gây sức ép, không phương hại và can thiệp lẫn nhau, và nhất là thân thiện, hỗ trợ kinh tế vô cùng to lớn theo kiểu có đi có lại.Đối tác Hàn QuốcNhìn lại những năm cuối thập niên 1980 đầu 1990, khi Việt Nam còn bị bao vây cấm vận, những "bước chân" đầu tiên của các hãng xưởng nước ngoài vào nền kinh tế quốc gia thật sự rất quý báu. Ông Kim Hyong Mo, đại diện Phòng Thương mại và công nghiêp Hàn Quốc tại Việt Nam, tóm tắt sự xuất hiện của Hàn Quốc với tờ Nikkei Asia: "Bắt đầu là Samsung Electronics, rồi đến LG, các công ty Hàn Quốc từ lâu đã dẫn đầu đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, đưa quốc gia Đông Nam Á này trở thành trung tâm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhìn vào lượng đầu tư tích lũy vào Việt Nam kể từ năm 1988, Hàn Quốc đứng đầu với 85,8 tỉ USD, trước Singapore và Nhật Bản".Bản thân người viết còn nhớ ở Hội chợ Quang Trung (Hóc Môn) đầu tiên năm 1990, cái tủ lạnh Lucky Goldstar (sau này rút gọn thành LG) đầu tiên xuất hiện "mong manh" trước những tủ lạnh Nhật do Imexco nhập khẩu. Nhưng rồi những nhà máy Samsung, LG nhanh chóng "đổ bộ", mở màn cho làn sóng đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam.Theo Tham tán thương mại Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM Moon Byung Cheol, qua trang Thông tin điện tử đầu tư nước ngoài (FIA Vietnam), sau giai đoạn thăm dò bằng các ngành nghề sử dụng nhân công giá rẻ những năm 1900, tới năm 2005, Hàn Quốc bắt đầu mạnh dạn đầu tư các ngành công nghiệp chế tạo, linh kiện điện tử, đây là làn sóng thứ nhì.Từ năm 2009 là làn sóng đầu tư thứ ba, tăng cả về số lượng, quy mô và trình độ của các dự án. Bước ra ngoài lĩnh vực hợp tác truyền thống, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc chú trọng mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực mới như công nghiệp thực phẩm, hàng tiêu dùng, dịch vụ, giải trí, mà có thể kể ra đây như Lotte, CJ Việt Nam.Riêng về khoản dịch vụ tiêu dùng và giải trí, trang web của Quỹ Konrad-Adenauer (Đức) đăng một nghiên cứu mang tên Südkorea und Vietnam: eine umfassende strategische Partnerschaft (Hàn Quốc và Việt Nam: Một quan hệ đối tác chiến lược toàn diện), mô tả rất chi tiết làn sóng tiêu dùng ở Việt Nam đi cùng các công ty Hàn Quốc. Nghiên cứu này nhấn mạnh: "Không thể bỏ qua sự hiện diện của các công ty Hàn Quốc trong cảnh quan thành phố thường ngày. Các ngôi sao K-pop xuất hiện trên quảng cáo sản phẩm công nghệ, mỹ phẩm và ô tô ở khắp mọi nơi, trên xe buýt, bảng quảng cáo và cửa sổ cửa hàng. Với tiêu chuẩn cao, sản phẩm Hàn Quốc đã chiếm được lòng tin của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Việt Nam".Theo các tác giả, với đóng góp đáng kể từ các công ty Hàn Quốc, ngành bán lẻ Việt Nam đã tăng trưởng gấp trăm lần trong 20 năm qua. Nghiên cứu nói 4/5 tòa nhà cao nhất Hà Nội là của các tập đoàn Hàn Quốc. Các công ty Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong định hình cảnh quan thành phố với hoạt động kinh doanh, chiến dịch tiếp thị và sản phẩm của họ.Vai trò của nhà đầu tư Hàn Quốc cũng rất đặc biệt: "Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam và Samsung là nhà đầu tư cá nhân lớn nhất. Chỉ riêng năm 2022, các công ty Hàn Quốc đầu tư khoảng 4 tỉ USD vào 380 dự án khác nhau. Để so sánh, các công ty Đức chỉ đầu tư tổng cộng 2,54 tỉ USD vào 459 dự án kể từ năm 1992". Trong số các nhà đầu tư Hàn Quốc, "riêng gã khổng lồ công nghệ Samsung đã đầu tư 20 tỉ USD, tạo ra khoảng 125.000 việc làm. Một nửa số điện thoại thông minh Samsung được sản xuất tại Việt Nam. Những khoản đầu tư này đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của đất nước".Thế nào là "chiến lược toàn diện"Đúng với tên gọi "đối tác chiến lược toàn diện", ngoài gắn bó kinh tế sâu sắc, Hàn Quốc còn là đối tác về an ninh và chính trị. Sau khi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước được ký kết cuối năm 2022, hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, quốc phòng và công nghiệp quốc phòng đã được thảo luận, như tại cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol với lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam vào tháng 6-2023 ở Hà Nội.Các hình thức đối thoại về chính sách quốc phòng được tổ chức thường niên giữa hai nước kể từ năm 2012, nay đã họp xong phiên thứ 11. Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam trong tăng cường hạm đội bằng cách bàn giao hai tàu hộ tống Pohang đã qua sử dụng cho Hải quân Việt Nam. Cũng theo nghiên cứu nói trên, những chuyển động địa chính trị mới đang tạo ra cơ hội cho các công ty vũ khí Hàn Quốc trên khắp thế giới, bao gồm Việt Nam. Quan trọng không kém, điều này cũng phù hợp với chính sách an ninh và cân nhắc chiến lược của Seoul. Theo Tổng thống Hàn Quốc, Việt Nam là đối tác quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc. Ông nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để tăng cường hợp tác Hàn Quốc - ASEAN và Hàn Quốc - khu vực Mekong. Với tầm nhìn này, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò quốc gia chủ chốt trong chính sách Đông Nam Á của Seoul trong thời gian tới.Tuy nhiên, hợp tác an ninh và quốc phòng vẫn đang ở giai đoạn đầu, dù đã được tăng cường nhưng vẫn ở ngưỡng thấp. Các hoạt động chung chưa được thể chế hóa nên không thường xuyên. Đồng thời, hợp tác công nghiệp quân sự giữa hai nước còn hạn chế.■ Gần đây, theo Asian Military Review, Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 11 đã diễn ra tại Hà Nội hôm 23-4. Một số chủ đề cụ thể đã được nhắc tới, như pháo tự hành Hanwha Aerospace K9 155mm của Hàn Quốc. Bài viết cũng nhắc chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang tới Hàn Quốc vào tháng 2-2023, khi ông đã đến thăm căn cứ của Quân đoàn cơ động (RoKA) số 7 và kiểm tra nhiều loại vũ khí thiết bị (báo Quân Đội Nhân Dân 28-3-2023).Cũng trong chuyến thăm, ông Phan Văn Giang đã đến thăm Công ty Hanwha Aerospace, hãng sản xuất hai phương tiện không người lái nổi bật cũng đã được báo Quân Đội Nhân Dân giới thiệu (bài "Hai phương tiện không người lái nổi bật của Quân đội Hàn Quốc", tác giả Ngọc Anh). Tags: Thủ tướng Phạm Minh ChínhQuan hệ hai nướcHàn QuốcĐối tác chiến lược toàn diệnViệt Nam
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Đàm Vĩnh Hưng kiện Gerard Williams đòi bồi thường có vô lý? HOÀI PHƯƠNG 23/11/2024 Những ngày qua, vụ việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng kiện Gerard Williams - chủ nhà nơi xảy ra tai nạn ở Mỹ, đòi bồi thường thiệt hại khiến nhiều người quan tâm.
Nhiều ngân hàng thu đậm trở lại từ bán chéo bảo hiểm BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trở lại ở mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Đây là tín hiệu tích cực trở lại đối với kênh bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sau thời gian gặp nhiều khó khăn.
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.