TTCT - Cách đây gần 5 năm, giám đốc tại thị trường Việt Nam của một ứng dụng live stream nước ngoài nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần rằng sự ra đời của các nền tảng phát video trực tuyến sẽ không dừng lại ở tính năng giải trí, phát thông tin mà sẽ mở ra một cuộc cách mạng về thương mại điện tử trong vòng 3 năm tới. Song thực tế ở Việt Nam chỉ mới một năm sau đó, hàng loạt nền tảng live stream đã ra đời, mở ra một “cuộc cách mạng” về kinh doanh online. Nhưng kèm với đó là những vấn đề như chiêu trò của người bán, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa không rõ ràng. Một phiên live stream bán hàng của Tiki trên Facebook. Ảnh chụp màn hình Đồng hồ điểm 20h - giờ vàng của dân kinh doanh online, hàng ngàn tài khoản Facebook đồng loạt live stream bán đủ thứ hàng hóa. Từ Sài Gòn, hai cô gái ăn mặc mát mẻ nhanh nhảu nói luôn miệng “hàng em là vua của các loại quần, một người mặc hai người vui”. Từ Đà Nẵng, cô chủ shop gốc Quảng dựng một sào váy áo sau lưng rồi lia lịa ướm từng cái cho khách, dưới phần bình luận người xem ào ào “chốt đơn”. Đó là những lát cắt của thế giới live stream bán hàng đang muôn hình vạn trạng. Mỗi ngày 3 cữ, mỗi cữ 3 giờ “Có những hôm kết thúc một live kéo dài 3-4 tiếng đồng hồ là tôi nằm ra giữa sàn nhà vì quá đuối”, Đỗ Thị Thanh Loan (31 tuổi) - người từ năm 2017 đến nay mỗi ngày đều đặn “lên sóng” 3 lần, mỗi lần dài đến 3 giờ đồng hồ - chia sẻ. Tiếng là chỉ ngồi nhà bán hàng nhưng Thanh Loan kiệt sức vì “miệng phải nói liên tục, tay bày hàng cho khách xem, mắt phải theo dõi các bình luận của khách nên cần phải tập trung cao độ. Mỗi ngày 3 cữ như vậy không phải ai cũng bền được”. Loan là một trong những streamer (người thực hiện live stream) bán hàng đời đầu, với xuất thân không mấy liên quan: cô tốt nghiệp thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Huế. Khởi sự bằng bán quần áo vỉa hè rồi mở shop áo quần ở TP Huế cho đến bán hàng qua Facebook, song con đường kinh doanh online của Loan chỉ thực sự có bước ngoặt khi mạng xã hội này tung ra tính năng live stream. Hiện tại, hằng ngày Loan lên mạng bán quần áo đến tận 23h. Từ chỗ chỉ có vài người đến vài chục khách xem, Loan vẫn kiên trì live để lên được con số hàng trăm người xem mỗi đợt phát trực tiếp. Không chỉ bán thời trang nữ, Loan còn nhập về hàng đã qua sử dụng để live stream bán cho các mẹ bỉm sữa nên hầu như cả tuần cô xuất hiện đều đặn trên mạng. Tốt nghiệp ngành kế toán, từng lăn lộn làm việc ở các công ty theo đúng ngành đã học nhưng Lê Thị Quý (31 tuổi) lại quyết định sẽ sang con đường kinh doanh khi mở một shop bán đồ si ở Đà Nẵng. Khi làn sóng live stream bán hàng bắt đầu manh nha, nữ chủ shop này còn ngập ngừng chưa dám đứng bán giữa chợ mạng vì “ngại với bạn trai”. Song nóng ruột khi nhà nhà đều live stream, Quý bỏ bạc triệu xây dựng trang bán hàng trên Facebook và “liều mình” lên phát live bán áo quần. Để thu hút người xem và chia sẻ, cứ mỗi lần live, Quý lại tung ra những “chiêu” khuyến mãi như tặng luôn cả áo quần cho những khách hàng chia sẻ live hoặc miễn phí giao hàng. Từ con số chỉ vài đơn, hàng chục đơn, sau 3 năm live stream, số đơn hàng đã tăng lên cả trăm đơn mỗi lần cô đứng ra bán hàng. Quý kinh doanh hàng đã qua sử dụng nhập nguyên kiện về Việt Nam từ Campuchia, bán hàng theo lối đơn giản nhất: cô chỉ bày áo quần ra trước camera và đọc size, khách nhìn hàng và chốt đơn, không yêu cầu “mẫu” phải mặc thử. Nữ streamer Đào Thị Kim Tuyến đang livestream bán hàng cho cho các shop ở TP.HCM. Ảnh: NVCC Ăn nên làm ra Loan đã thực sự thành công, hàng của cô không chỉ bán ở tất cả tỉnh thành trong nước mà còn “bay” sang tận Hàn Quốc, mỗi đơn cũng ngót nghét 3-4 triệu đồng với tiền ship lên đến 700.000 đồng. Cô mở rộng hệ thống, lập thêm chi nhánh, thuê một căn nhà ở TP Huế để vừa làm kho, vừa lập hai phòng live và đầu tư luôn hệ thống giặt ủi chuyên nghiệp. Nữ streamer này còn kéo thêm hai người em gái cùng buôn bán và có thời điểm thuê đến 6 nhân viên phụ giúp công việc. Theo Loan, việc kinh doanh online khá thuận tiện khi các nhân viên của Loan chỉ việc xác nhận với khách hàng và chốt đơn, còn việc giao hàng, thu tiền đã được các dịch vụ như bưu điện, công ty giao nhận thực hiện thông qua hình thức COD (thu hộ). “Tôi ký cam kết doanh số cao nên các đơn vị giao hàng sẽ đến tận kho nhận hàng mang đi giao và thu tiền giúp, tôi ngồi ở nhà vẫn có thể kiểm tra từng đơn vận chuyển đã được giao đến đâu rất tiện lợi” - Loan kể. Có những tháng tiền lãi từ việc live stream của Loan lên đến hàng trăm triệu, nhờ thế mà “bà chủ” này đã mua được nhà, xe hơi và đầu tư đất đai ở Huế. Hai người em gái của Loan cũng nối gót kinh doanh của chị, hằng ngày lên mạng live bán áo quần và cũng tậu được xe hơi, gom góp vốn liếng “rủng rỉnh”. “Ngoài cái duyên bán hàng, tôi phải luôn uy tín với khách, nhận phần thiệt về mình nếu hàng lỗi nên nhiều người thương, luôn có nhiều người xem mình live chứ không bỏ tiền ra mua lượng người xem ảo” - Loan nói. Còn với Quý, thu nhập có ngày nhiều, ngày ít nhưng nghề này cũng mang lại cho cô một khoản lợi nhuận tốt hơn so với các công việc trước đây. Ngay trong những ngày dịch này, dù sống ở gần khu vực bị phong tỏa song Quý vẫn live bán hàng và còn trích lợi nhuận trên mỗi đơn hàng cũng như vận động khách hàng đóng góp tiền bạc ủng hộ Đà Nẵng. Lại Thị Nhã Phương (chủ shop Shee’s, TP.HCM) giới thiệu hàng mới trên live stream. Ảnh: NGỌC HIỂN Sàn thương mại điện tử không đứng ngoài cuộc Trong mùa dịch, để hỗ trợ nhà bán hàng tăng cường các hoạt động tương tác với khách hàng, tính năng live stream được các sàn thương mại điện tử đưa vào để hỗ trợ người bán. Chị Bùi Ngọc Hà (1987), giáo viên Trường THPT Vũ Duy Thanh (Ninh Bình), đã giúp xưởng giày Minh Nhân ở địa phương khởi sắc trên nền tảng thương mại điện tử bắt đầu vào 8-2019, khi chị được làm quen với hình thức live stream. Đây cũng là thời điểm mà phương thức bán hàng này bắt đầu được áp dụng trên các sàn thương mại điện tử, trong đó đơn vị tiên phong là Lazada. Bắt đầu từ con số 0 ở một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ, cô giáo Ngọc Hà không ngại học hỏi, chịu khó thay đổi cách tiếp cận, sáng tạo nội dung, cách trò chuyện trong các giờ live stream, biến những buổi bán hàng trở nên thu hút, truyền cảm hứng và tạo thiện cảm với người mua Lúc mới bắt tay, live stream của chị chỉ vỏn vẹn 4 người xem. Nhờ ứng dụng kỹ năng, cập nhật công nghệ từ đội ngũ sàn thương mại điện tử, tận dụng tốt tâm lý của lượng người dùng rất lớn của sàn, số lượng người xem đã tăng đến 1.500 người/buổi live và số lượng theo dõi tăng 60% so với số lượng chị thu hút được trong hơn 1 năm lên sàn. Thậm chí trong mùa dịch, doanh thu tăng đều 50% so với giai đoạn trước dịch, giúp chị duy trì doanh nghiệp và công việc cho nhân công làng nghề của mình. Hiện nay chị Hà đều đặn sáng đi dạy, chiều live stream mỗi ngày một lần. Khi chiến dịch cao điểm thì số live stream lên đến 7 đợt/ngày. Nhờ đó, số lượng đơn hàng tạo ra ổn định, trung bình một ngày năng suất xưởng giày là 200-300 đôi, giúp duy trì công việc bền vững cho cộng đồng gồm 20 thợ lành nghề địa phương và nhiều hộ gia đình khác. Một trường hợp khác cũng nở rộ doanh thu nhờ live stream trên Lazada là chị Trương Thị Tâm, chủ gian hàng Mỹ phẩm hữu cơ HHspa. Thời gian đầu chị Tâm chỉ thực hiện khoảng 2 buổi live mỗi tuần. Doanh thu lúc này còn khá thấp, lượng tương tác yếu. Đến thời điểm mùa dịch, việc kinh doanh trực tiếp bị ảnh hưởng, chị Tâm quyết định tập trung vào live stream, nâng lên 10 buổi/tuần, doanh số bắt đầu có sự nhảy vọt gấp 14 lần, lượng đơn hàng tăng gấp 15 lần và số lượng theo dõi gấp 70 lần so với thời điểm trước. Đồng thời, lượng khách hàng theo dõi tăng lên đáng kể. Một nữ khách hàng tại Đà Nẵng theo dõi livestream để mua “đồ si” của chị Lê Thị Quý - Ảnh: NGỌC HIỂN Tương tác quyết định hiệu quả “COVID-19 không chỉ là một “phép thử” mà còn là một động lực lớn - động lực chuyển đổi số và thúc đẩy những điều mà chúng ta dự đoán cho tương lai xảy đến nhanh hơn. Đang có sự thay đổi rõ ràng trong hành vi của người tiêu dùng hướng đến việc mua sắm trực tuyến, và công nghệ của chúng tôi đang thúc đẩy sự tăng trưởng trực tuyến này” - đại diện Lazada cho biết. Ông Nguyễn Thành Long, giám đốc Công ty Xanh marketing, cho biết hình thức bán hàng live stream đang cho thấy sự tương tác quyết định hiệu quả bán hàng như thế nào. “Các đoạn live stream thường diễn ra thời gian không dài, nội dung lặp đi lặp lại với tốc độ cao. Trong khi streamer giới thiệu sản phẩm thì có nguyên êkíp đứng sau. Chỉ cần người xem để lại số điện thoại + mã số món hàng thì ngay lập tức sẽ có người liên lạc, dù bạn ở đâu trên 63 tỉnh thành này” - ông Long lý giải sức hấp dẫn của live stream. Chính vì vậy, thay vì những bài viết bán hàng khô khan, để đa dạng hình thức tương tác, các sàn thương mại điện tử như Shopee (Shopee Live ra mắt tháng 3-2019), Tiki (từ tháng 9-2019) và Sendo (từ tháng 10-2019) đều triển khai tính năng này trên app mua sắm của mình. Kể từ khi dịch xảy ra, nhiều sàn thương mại điện tử đã ghi nhận sự tăng trưởng về lượng người dùng tương tác mỗi ngày trên ứng dụng. Các tính năng live stream cho phép người dùng có thể ngay lập tức mua một món hàng mà họ thấy trong phần live stream. Tính năng này đã mở ra thêm 1 kênh bán hàng nữa cho các thương hiệu và nhà bán hàng. Ghi nhận hơn 27 triệu người xem tương tác trong tháng 4 trên toàn khu vực, tổng số tài khoản LazLive (một dạng live stream trên Lazada) mới được tạo của 6 thị trường trong tháng 4 đã tăng 70% so với các tháng thông thường. Tuy nhiên, live stream bán hàng dù là nghề thời cuộc hái ra tiền nhưng không phải ai cũng có thể trụ lại đường dài. Rất nhiều shop đã lặng lẽ rời cuộc chơi khi số lượng tương tác thấp, hàng bán ế ẩm, đặc biệt là mỗi lần live có quá ít người xem khi không sử dụng mánh khóe.■ Người mẫu live stream Số lượng shop kinh doanh online ngày một “đông như kiến” nhưng không phải chủ shop nào cũng có tài ăn nói để live stream bán hàng nên đã hình thành một nghề mới, đó là những người mẫu chuyên live stream thuê. Hơn 2 năm làm streamer, người mẫu Nguyễn Thị Yến Như (24 tuổi, ngụ TP.HCM) cũng là dân “cứng cựa” trong giới khi nhận khá nhiều sô cho nhiều nhãn hàng. Sở hữu khuôn mặt xinh đẹp và vóc dáng chuẩn, Như đã tận dụng lợi thế hình thể của mình để làm mẫu live cho các sản phẩm như giày dép, túi xách, đặc biệt là mỹ phẩm dành cho phái nữ. Theo Như, trước mỗi lần live, các shop sẽ đưa ra các thông tin, giá cả để cho “mẫu” học và sau đó sẽ giới thiệu cho khách hàng trên live. Riêng với các mặt hàng mỹ phẩm, “mẫu” phải nghiên cứu kỹ hơn. Về mức giá của “mẫu”, Như cho biết các shop đề xuất giá cả rất đa dạng, song với những người đã có kinh nghiệm thì giá sẽ dao động từ 200.000 đồng đến cả triệu đồng mỗi giờ live. Những lúc cao điểm, Như nhận sô liên tục cả tuần, có ngày cũng nhận 2-3 cử. “Nếu nhận sô đúng các công ty bán hàng tốt thì không nói, nhưng đôi lúc cũng rơi vào các công ty người ta bán sản phẩm không chất lượng, khi live mình cũng phải nói tốt về sản phẩm của người ta nhưng sau này nếu qua live cho shop khác khách hàng sẽ tẩy chay nên rút kinh nghiệm là phải chọn lọc hàng để live” - Như nói. Tương tự, nữ streamer Đào Thị Kim Tuyến (22 tuổi, ngụ TP.HCM) tuy mới lấn sân sang nghề này chưa lâu nhưng cũng đã định hình được thương hiệu trong giới bởi Tuyến vốn tốt nghiệp ngành sân khấu. Do đó, bên cạnh ngoại hình, Tuyến còn biết cách nhấn nhá câu chữ, tạo khẩu hình đẹp cũng như lôi cuốn khách hàng đến với live của mình. Tuy vậy, Tuyến cho biết không phải cứ mẫu xinh, ăn nói có duyên là được nhiều khách hàng “chốt đơn”, mà các trang Facebook của shop đó phải thường xuyên live, có nhiều tương tác khách mới tin tưởng. Theo Tuyến, cũng có nhiều sản phẩm chất lượng kém, đặc biệt là các loại mỹ phẩm gia công ở Việt Nam, nhưng vẫn mướn người nói “tốt sa sả” nên Tuyến sẽ khước từ những mặt hàng này. Để kiếm thêm thu nhập, Tuyến cũng tự lập phòng live, những shop cần, Tuyến sẽ cho thuê địa điểm và chính mình sẽ giới thiệu hàng cho các shop. “Nghề này tuy khá mới mẻ nhưng thu nhập đem lại cho tôi khá tốt nên trước mắt tôi sẽ đeo đuổi để có vị thế trong nghề tốt hơn, nhận được tiền sô cao hơn nữa” - Tuyến chia sẻ. Đầu tư phần cứng, phần mềm Không phải cứ đứng trước điện thoại, bật chế độ phát live là bán hàng được. Để live nhiều tài khoản, có những shop một lúc đặt 2-3 điện thoại để share các video vào hàng loạt các hội nhóm trên Facebook, giúp xác suất tiếp cận khách hàng tăng lên gấp bội. Ngoài ra, để hình lên live lung linh, các streamer phải đầu tư thêm dàn đèn chuyên dụng, chân đế điện thoại với giá từ vài trăm đến cả triệu đồng, trong đó phổ biến là loại đèn LED tròn. Ngoài đầu tư phần cứng, người bán còn phải chi tiền cho công nghệ - các phần mềm “chốt đơn”, tự động ra đơn hàng nếu khách hàng bình luận theo đúng cú pháp. Khi người bán nêu ra cú pháp gồm mã đơn hàng, số điện thoại hoặc địa chỉ..., ngay lập tức phần mềm đã thay thế con người lên danh sách đơn. Hiện giá cho mỗi phần mềm này chỉ từ 99.000 - 299.000 đồng/tháng cho mỗi thiết bị. Đặc biệt, các phần mềm cũng tích hợp tính năng bình luận giả, tương tác ảo để kéo người xem vào mua sắm nhưng thực chất chỉ là những bình luận đã được lập trình sẵn. Tuy vậy, việc để khách hàng bình luận để số điện thoại ngay bên dưới bình luận cũng tồn tại rủi ro khi bị các shop khác chơi bẩn, giật đơn nên nhiều shop khi live yêu cầu khách hàng không cung cấp số điện thoại, không nhận xác nhận đơn từ những số điện thoại lạ. Thay vào đó, các shop sẽ yêu cầu khách hàng inbox mã số hoặc chụp màn hình gửi lại cho shop để nhân viên sẽ chốt đơn. “Tảng băng chìm” công nghệ live stream Những live stream thu hút hàng trăm người xem và chốt đơn ào ào có khi chỉ là đơn ảo “lấy số má”. Liên hệ với Nguyễn Hiệp - chuyên cung cấp các phần mềm tăng tương tác cho người bán hàng online - chúng tôi được Hiệp ra giá chỉ cần bỏ ra 3 triệu là sở hữu phần mềm này 1 năm và 9 triệu là “trọn đời”. Hiệp sẽ mai mối cho chúng tôi “nuôi” khoảng 100 tài khoản Facebook với giá 8.000 - 10.000 đồng/tài khoản có bảo mật 2 lớp. Với số tài khoản này, Hiệp sẽ đưa vào phần mềm chia sẻ live stream do công ty của Hiệp phát triển và vận hành. Cứ mỗi lần live, các tài khoản này sẽ tự động share video vào trang cá nhân, vào các nhóm bất kỳ hoặc các nhóm mà chủ shop mong muốn. Hiệp còn chào mời chúng tôi mua phần mềm “quét” bình luận dưới live stream, chỉ cần một click chuột sẽ ra toàn bộ danh sách bình luận. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Ngồi nhà bán hàng khắp thế gian Tags: Thương mại điện tửKinh doanh onlineLive-streamVideo trực tuyến
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.