TTCT - Câu chuyện Nguyễn Hoàng Đức lựa chọn chuyển xuống Giải hạng nhất để khoác áo CLB Ninh Bình không khỏi khiến người hâm mộ liên tưởng đến làn sóng ngôi sao bóng đá ở những giải hàng đầu châu Âu đổ xô sang Saudi Arabia. Tất nhiên, bóng đá Việt Nam - với phần hậu trường phức tạp xoay quanh chuyện các ông bầu - có sự khác biệt nhất định. Nhưng nhìn chung, đó vẫn là xu thế lạ lùng, thậm chí là không thể chấp nhận, cách đây chưa lâu.Những cuộc di cư bóng đáThử mường tượng một kịch bản ở cấp độ cao hơn: Florian Wirtz của Đức sau nhiều năm phát triển sự nghiệp ở Leverkusen, bất ngờ chuyển xuống chơi bóng ở Giải hạng nhất Đức, hay Bukayo Saka của Arsenal một ngày bất ngờ chuyển sang Norwich hay Sheffield. Với những nền bóng đá đã trưởng thành, đó là chuyện hoàn toàn phi lý.Quả bóng vàng Nguyễn Hoàng Đức đang làm xôn xao làng bóng khi đầu quân cho một đội hạng nhất. Ảnh: Quang ThịnhHơn 2 thập niên trước, Chelsea đổi đời sau một mùa hè chuyển giao vào tay tỉ phú Roman Abramovich. Ngay trong mùa hè đầu tiên có "đại gia bảo kê", Chelsea đã mua được Claude Makelele từ Real Madrid, Juan Sebastian Veron từ Man United và Hernan Crespo từ Inter Milan. Nhưng nên nhớ mùa giải trước đó, Chelsea đã lọt vào top 4 Premier League. Những Makelele, Veron, Crespo ngay trong mùa đầu tiên ở Stamford Bridge vẫn sẽ được chơi ở Champions League, tức khó thể nói họ chỉ đến Chelsea vì tiền.Những cuộc đổi đời của Man City, PSG hay Newcastle trong các năm tiếp theo cũng mang sắc thái tương tự. Khi rời Atletico Madrid năm 2011, Sergio Aguero hoàn toàn có thể chọn Real Madrid hay Barcelona. Nhưng anh đến Man City - đội bóng tầm cỡ không quá kém, còn tham vọng lại hừng hực và tiền bạc luôn rủng rỉnh, để rồi sự nghiệp của chân tiền người Argentina thực sự tiến lên tầm cao mới. Hầu hết các siêu sao đều sẵn sàng chọn con đường như vậy.Nhưng quyết định vào đầu năm 2017 của tiền vệ tuyển thủ quốc gia Brazil Oscar lại là chuyện khác: anh chuyển tới Trung Quốc chơi cho Shanghai Port, dù vẫn còn nhiều lựa chọn tại châu Âu.Tiền bạc là lý do chính - Shanghai trả Oscar mức lương 21 triệu bảng/năm (gần tương đương Lionel Messi và Cristiano Ronaldo thời điểm đó), gấp 3 lần so với mức anh đang hưởng ở Chelsea.Năm đó, Oscar mới 25 tuổi và được xem là một trong những "số 10" hiếm hoi còn giữ được chất samba của bóng đá Brazil. Nhưng việc anh rời Chelsea để sang Trung Quốc đã chấm dứt mọi tham vọng trong màu áo tuyển quốc gia. HLV Tite kiên quyết không gọi tiền vệ này, dù Oscar từng là trụ cột không thể thay thế ở Selecao giai đoạn 2012-2015.Cùng Oscar, Hulk - tiền đạo có biệt danh "người khổng lồ xanh" của Brazil - cũng chấm dứt sự nghiệp tuyển quốc gia vì sang Trung Quốc kiếm tiền. So với Oscar, quyết định của Hulk dễ hiểu hơn, bởi anh chuyển đến Shanghai khi đã 30 tuổi.Làn sóng đổ xô sang Trung Quốc kết thúc đột ngột vào năm 2020, khi nước này từ bỏ giấc mơ đi đường tắt đến World Cup. Nhưng năm 2022, một làn sóng còn lớn hơn lại xuất hiện ở Saudi Arabia. Khởi đầu bằng Ronaldo, người đã 37 tuổi khi chuyển đến Al Nassr, chỉ trong 2 năm qua, đã có thêm cả trăm ngôi sao bóng đá cập bến Saudi Pro League.Khi hành vi cá biệt trở nên phổ biến, nhận thức phải thay đổi. Ở tuyển Pháp, HLV Didier Deschamps vẫn trọng dụng N'Golo Kante (đang khoác áo Al Ittihad). Những chuyện tương tự cũng diễn ra ở tuyển Bồ Đào Nha hay Serbia. Có đến 14 ngôi sao chơi bóng ở Saudi Arabia được gọi về tuyển tham dự Euro 2024. Dẫu vậy nhìn chung, chất lượng Saudi Pro League hiện cũng chẳng hơn China Super League năm xưa là bao.Ai có thể bắt bẻ Kroos?Cách đây vài tháng, Ronaldo Koeman, HLV trưởng tuyển Hà Lan, đã thẳng thừng cấm cửa tiền vệ cánh Steven Bergwijn sau khi anh chuyển từ Ajax sang Al Ittihad. "Khi Wijnaldum (một ngôi sao khác của Hà Lan) chuyển đến Saudi Arabia, đó gần như là con đường duy nhất do những trục trặc với PSG. Còn với Bergwijn, cậu ấy mới chỉ 26 tuổi nhưng đã không còn đặt tham vọng thể thao lên hàng đầu. Tôi nghĩ khi bạn 26 tuổi, tham vọng chính nên là sự nghiệp thay vì tiền bạc", ông Koeman nói không úp mở, theo ESPN hồi đầu tháng 9.Những lời phê phán của Koeman dẫn tới tranh cãi gay gắt trong làng bóng đá đỉnh cao. Bergwijn rõ ràng không phải người duy nhất chạy theo tiếng gọi đồng tiền ở Saudi khi đang ở tuổi đỉnh cao phong độ. Moussa Diaby (Pháp), Ivan Toney (Anh), Ruben Neves (Bồ Đào Nha) hay Malcom (Brazil) đều đến Saudi chủ yếu để lãnh lương, vào độ tuổi rực rỡ nhất đời cầu thủ.Koeman cũng nhận nhiều chỉ trích, một phần vì ông là HLV trưởng tuyển quốc gia, cương vị lý ra nên giữ sự công tâm khi phán xét các học trò. Vài ngày trước Koeman, cựu danh thủ Toni Kroos từng gay gắt hơn rất nhiều khi nhận xét về những đồng nghiệp đến Saudi Arabia chơi bóng."Ronaldo đã sang Saudi Arabia vào cuối sự nghiệp. Nhưng thật lố bịch khi nhiều cầu thủ đang ở giữa sự nghiệp, đủ phẩm chất để chơi cho các CLB hàng đầu châu Âu lại lựa chọn chạy theo tiền bạc. Đối với tôi, quyết định đó là phản bóng đá", Sport Illustrated dẫn lời của Kroos. Cựu tiền vệ người Đức cũng từng chỉ trích Gabri Veiga (Tây Ban Nha) "thật đáng xấu hổ" khi anh chuyển từ Celta Vigo sang Al Ahli lúc mới ngoài 20 tuổi.Không như Koeman, không ai có thể vặn lại Kroos, người đã "giữ phẩm giá" xuyên suốt sự nghiệp. Ngay sau Euro 2024, tiền vệ người Đức chọn giải nghệ dù mới 34 tuổi và đang là trụ cột của Real Madrid. Kroos giải thích anh "không muốn một ngày lại trở thành gánh nặng của đội bóng", đồng thời cũng không muốn chơi cho các đội kém hơn đẳng cấp thực thụ của mình.Quan điểm của Kroos nhận được sự đồng tình của nhiều đồng nghiệp. Trong 2 năm qua, đã có nhiều danh thủ chọn Saudi Arabia làm điểm đến, nhưng cũng vô số người từ chối vì ưu tiên sự nghiệp hơn đồng tiền. Mohamed Salah, vốn là người Ai Cập và là siêu sao bóng đá có lẽ là tên tuổi nhất thế giới Ả Rập, đã từ chối mức lương thưởng ngang ngửa Ronaldo để tiếp tục được tận hưởng bầu không khí bóng đá đỉnh cao.Thật ra với Salah, đó không hẳn là tình huống phải đánh đổi giữa tiền bạc và sự nghiệp. Tại Liverpool, anh vẫn hưởng mức lương 20 triệu USD/năm, chưa tính thu nhập khổng lồ từ tài trợ, quảng cáo… HLV Arsene Wenger từng nói: "Dù bạn có giàu có đến mấy, bạn cũng chỉ ngủ trên một chiếc giường và ăn ngày hai bữa" để cảnh báo cầu thủ trẻ khi đứng trước cám dỗ của tiền bạc.20 năm qua, làng bóng đá đỉnh cao chịu sự lũng đoạn của các tỉ phú "ngoại đạo", đẩy giới cầu thủ ngôi sao vào tình thế khó xử: chọn sự nghiệp với những CLB hàng đầu thế giới, hoặc chọn "dưỡng già" khi mới ngoài 20 ở một CLB sẵn sàng trả mức lương cao gấp 3, nhưng hầu như không có tiềm năng phát triển."Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau. Ronaldo đã lớn tuổi và việc sang Saudi Arabia tốt cho cả anh ấy lẫn tuyển Bồ Đào Nha. Nếu Ronaldo cày ải hàng tuần ở Premier League, có lẽ anh ấy sẽ kiệt sức. Ronaldo sang Saudi Arabia, hay Messi sang Mỹ là cách để họ giữ được đẳng cấp, phong độ và thể lực cho tuyển quốc gia", HLV người Bồ Đào Nha Luis Filipe nhận xét.Cuối cùng, những nền bóng đá như Pháp, Hà Lan hay Bồ Đào Nha không quá bận tâm đến việc 1-2 ngôi sao chọn con đường tiền bạc. Ngay sau khi chuyển sang Saudi Arabia, tiền vệ Ruben Neves đã mất vị trí đá chính trên tuyển Bồ Đào Nha vào tay Vitinha và Joao Neves, những người trẻ trung hơn anh.Nhưng bóng đá Việt Nam không sung túc tài năng đến thế.■ Tags: Quả bóng vàng Nguyễn Hoàng ĐứcNgôi sao bóng đáTiền bạcSự nghiệpChuyển nhượng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Ai đứng sau Công ty nghệ sĩ Quyền Linh? BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Công ty TNHH nghệ sĩ Quyền Linh do bà Nguyễn Thị Vân Anh sinh năm 1986, thường trú tại quận 7, TP.HCM làm chủ sở hữu.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".