Ngọn lửa Carabosse thắp sáng di sản Huế

THÁI LỘC 08/04/2012 05:04 GMT+7

TTCT - Một ý tưởng được nung nấu suốt 12 năm qua sẽ được phô diễn tại Festival Huế 2012 trong một không gian nghệ thuật đặc biệt, có thể sẽ là tiết mục đáng xem nhất tại sự kiện lớn này.

Phóng to
Không gian phía đông bắc ngoài Hoàng thành Huế trở thành nơi sắp đặt lửa của đoàn Carabosse trong các đêm 11, 12 và 13-4 - Ảnh: Thái Lộc

Khu vực phủ Nội vụ (Hoàng thành Huế) trong những ngày cuối tháng 3 như một công trường lớn đang được thi công với rất nhiều mô hình, thiết bị sắt thép, vật liệu xây dựng. Vào sâu bên trong, không khí càng rộn ràng. Bốn nghệ sĩ người Pháp là Jean Marie Proust, Bruno Gastao, Frederic Rotureau, Laurent Patard cùng hàng chục người thợ Việt đang quần quật cưa, mài, gò, hàn... bên hàng loạt khối cầu và mô hình “dĩa”, dây băng bằng sắt và nón lá... Khu vực cửa Hiển Nhơn cạnh đó, một nhóm nghệ sĩ khác là Veronique Rotureau, Christine Baron, Nadine Guinefoleau theo sự hướng dẫn của trưởng đoàn Gerard Court, một ông Tây “trần trùng trục”, cũng đang làm việc miệt mài dưới cái nắng chói chang của Huế.

Đó là đoàn nghệ thuật đường phố lừng danh với nghệ thuật sắp đặt lửa Carabosse đến từ Pháp, diễn ra tại khu vực đông bắc Hoàng thành Huế trong ba đêm 11, 12 và 13-4 (từ 18-21g). Đây là chương trình đồng tổ chức của ban tổ chức Festival Huế và vùng Poitou Charentes (Cộng hòa Pháp). “Đó là một trong những tiết mục ngoạn mục và đáng xem nhất tại Festival Huế 2012, bởi nghệ thuật của Carabosse luôn làm sáng thêm, đẹp thêm và lung linh thêm cho rất nhiều di sản trên thế giới, những nơi mà chúng tôi lựa chọn để trình diễn các loại ngọn lửa rất đặc biệt của mình” - ông Philippe Bouler, điều phối viên các chương trình đến từ vùng Poitou Charentes, tự tin nói.

Nghệ sĩ Gerard Court cho hay đoàn đến Huế từ những ngày đầu tháng 3 để kịp chuẩn bị cho những ngọn lửa “rất Huế”. Đây cũng là lần đầu tiên họ thể nghiệm và thực hiện tại Huế. Không gian sắp đặt của Carabosse phủ kín suốt chiều dài hơn 300m của khu vực cửa Hiển Nhơn. Bốn quả cầu lửa rất lớn sẽ rực cháy trên những sợi cáp giăng ngang hào Kim Thủy soi bóng xuống mặt nước lung linh. Bức tường thành chạy song song trở thành nơi sắp đặt hàng nghìn ngọn nến, những chậu lửa lớn và dãy nón lửa giăng giăng. Con đường rộng ở giữa được bố trí những ống lửa lớn chạy dài. Trên cao là những chiếc xích lô Huế chở lửa tự động di chuyển trên những dây băng do hệ thống tời tự quay để tạo dốc. Những hoa văn kỷ hà, phong cảnh, con người và cuộc sống xứ Huế… được phác họa bằng những nét chạm lộng trên những ống trụ sắt thắp lửa bên trong. Những ngọn tháp lửa hình nụ, những lồng đèn lửa hình cầu, hình nón, những dây võng uốn lượn bằng lửa, những ngọn đuốc và những mảng vân ấy lung linh trong lửa… Toàn bộ khu vực trở thành nơi có thể phục vụ cho ít nhất 100.000 lượt người thưởng ngoạn mỗi đêm… và khán giả cũng chính là một phần của tác phẩm sắp đặt lửa này…

Phóng to

Trưởng đoàn Gerard Court chỉ đạo “công trường” của tác phẩm sắp đặt lửa - Ảnh: Thái Lộc

“Chúng tôi chọn địa điểm này trong chuyến khảo sát địa điểm vào tháng 9-2011. Sau chuyến khảo sát ấy, chiếc nón lá và chữ “phước” rất đặc trưng, bắt gặp rất nhiều ở đất cố đô Huế được sử dụng làm một thứ ngôn ngữ hòa thanh cùng các vật liệu hiện đại. 42 thanh niên ở Huế cũng được lựa chọn làm đội quân thắp lửa giữa không gian di sản Huế. Một trong những mục đích của đoàn chúng tôi là làm sao đưa được ngọn lửa gần với công chúng Huế và phảng phất chất Huế...” - trưởng đoàn Gerard Court diễn giải về ý đồ của tác phẩm đang thực hiện.

Từ trước đó, năm 1999, ông Philippe Bouler cùng một số nghệ sĩ của đoàn Carabosse đã đến Huế để khảo sát, chọn địa điểm cho kế hoạch thực hiện chương trình tại Festival Huế 2000. Tuy nhiên, festival năm ấy ngọn lửa của Carabosse đã không thể rực cháy trên nền di sản Huế, mà theo điều phối viên Philippe Bouler, bởi lịch diễn của đoàn đã đầy kín, công tác chuẩn bị phức tạp và cần nhiều thời gian... “Chúng tôi đã có quãng thời gian 12 năm nuôi hi vọng, chờ đợi nên tôi rất mừng vì festival năm nay sẽ thực hiện được ước nguyện đó” - ông nói.

Từng là người theo sát và chứng kiến các tiết mục của Carabosse ở rất nhiều nơi trên thế giới như ở Canada, Úc, Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Singapore, Brazil..., Philippe Bouler vẫn nói ông luôn “đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác” bởi sự độc đáo cả ở không gian được lựa chọn, cách thức cũng như ý tưởng thực hiện của đoàn nghệ thuật này. “Carabosse thể hiện đẳng cấp quốc tế của mình trong sự hòa nhập với văn hóa bản địa, làm cho những di sản như sống lại. Hãy đến hòa mình vào những ngọn lửa của Carabosse và hãy để cảm xúc của mình dâng trào ở đó”.

Những “món lạ” ở Festival Huế 2012 (từ ngày 7 đến 15-4)

- Trên 200 chương trình nghệ thuật trong và ngoài nước của các đoàn nghệ thuật đến từ 28 quốc gia và hàng chục tỉnh thành trong cả nước.

- Các lễ hội đặc sắc lần đầu tiên diễn ra: sân khấu Thiên hạ thái bình (20g ngày 12-4 trên sông Hương), lễ hội trống và nhạc cụ gõ Âm vang hào khí Việt tại sân khấu Nghinh Lương đình (ngày 10 và 14-4), lễ hội đường phố Ðông Á - Mỹ Latin (từ 16g ngày 8 và 9-4 tại các tuyến đường Hùng Vương, Lê Lợi, Nguyễn Ðình Chiểu)...

- Những tiết mục đặc sắc và những gương mặt mới:

* Nghệ sĩ Tim Exile (Vương quốc Anh) với loại hình nghệ thuật dùng miệng mô phỏng âm thanh, kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật sáng tác âm nhạc điện tử và beatbox.

Phóng to

Ðược biết đến với nghệ danh Tim Exile và Tim Shaw, Tim Exile vừa là một nhạc công điện tử vừa là một nhà sản xuất và trình diễn những tác phẩm âm nhạc từ thiết bị điện tử trống và bass kết hợp với âm thanh thực tế và sự tham gia "đồng diễn" của khán giả (diễn tại cung An Ðịnh lúc 20g30 ngày 10-4 và 20g45 ngày 11-4).

* Nhóm nhạc Mosaic đến từ Israel, gồm bốn thành viên là Oded Zehavi (nhạc sĩ kiêm phối khí), Claire Meghnagi (ca sĩ), Michael Meltzer (sáo) và Irena Friedland (piano), đều là những tên tuổi lớn của Israel và thế giới, trình diễn theo phong cách pop/rock điện tử kết hợp nhạc cổ điển... Mosaic sẽ trình diễn kết hợp nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, với phong cách hòa âm phối khí độc đáo ở sân khấu Duyệt Thị Ðường (từ 19g30 các ngày 8 và 9-4).

* Những chiếc gối đỏ - chương trình sắp đặt âm thanh của nghệ sĩ Vanessa Jousseaume (Pháp) tại khu vực Trường Du Tạ (các ngày 8, 9, 11, 12 và 14-4).

Phóng to

Không gian Trường Du Tạ sẽ được sắp đặt những chiếc gối đỏ, mỗi khán giả nằm gối đầu lên đó và được trò chuyện, lắng nghe các trích đoạn chuyện cổ tích, lời thoại trong những vở kịch, những giai điệu du dương hòa với giọng đọc nhẹ nhàng và truyền cảm. Ðây là một thể loại nhạc kịch, nhưng không nhìn thấy dáng dấp hay khuôn mặt của người nghệ sĩ ngoại trừ giọng nói của họ, tập trung vào sự đa dạng của cảm xúc.

* Ðoàn nghệ thuật dân gian Liceo (Philippines) với những nghệ sĩ múa truyền thống hàng đầu ở miền nam Philippines với nghệ thuật múa truyền thống đặc sắc, nhạc và kịch (trình diễn lúc 17g ngày 11-4 tại sân khấu Ngọ Môn, 20g45 ngày 12 và 14-4 tại sân khấu đông điện Thái Hòa và 19g30 ngày 13-4 tại sân khấu bia Quốc Học).

Phóng to

* Nghệ sĩ Phó An My (Việt Nam)và Ðặng Tuệ Nguyên với chương trình Ðối thoại piano - nhạc cổ ba miền. Những nghệ sĩ tài hoa sẽ dùng thanh âm piano để "đối thoại" và giao hòa cùng các giai điệu của nghệ thuật chèo, đờn ca tài tử Nam bộ, ca Huế và dân ca vùng Trị Thiên (diễn ra tại cung Diên Thọ từ 19g30 các ngày 8, 9, 11, 12 và 14-4).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận