​Ngóng hoa

31/01/2015 21:01 GMT+7

Con lộ trước nhà vốn chỉ là con đường nhỏ. Một ngày nọ, theo dự án của tỉnh, con đường được mở rộng ra thành đường lớn thênh thang. Nhà bỗng mở cửa là ra đường lớn. Không còn sân, chỉ có cái vỉa hè lát gạch con sâu, trồng cách quãng một hàng bông điệp.

Nhà cấp bốn, có vườn trồng dăm cái cây cũng đủ ăn trái quanh năm, mùa nào thức nấy. Sau nhà xanh um rau dền, rau cải. Bỗng chốc thành nhà mặt phố, giá đất theo đó cũng vùn vụt tăng.

Anh con trai quyết định bán bớt đất, chỉ chừa lại một mảnh để xây căn nhà hai tầng. Tầng một cho thuê. Tầng hai rộng 80m2 chia làm ba phòng cho vợ chồng, hai đứa con trai và ông nội.

Nói có vài dòng vậy nhưng để xong xuôi cũng mất một thời gian dài. Từ khi xe ủi, xe lu cuốn đất bụi mù đến lúc đường sá thẳng tắp, đẹp đẽ, nhà cửa khang trang là cả một quá trình. Có điều với người đã sống gần hết cuộc đời như ông nội thì quá trình đó sao mà chóng vánh, như chớp mắt một cái bỗng thấy trơ trụi, chênh vênh.

Ông thảng thốt khi bước chân ra cửa là thấy phố, thấy xe cộ chạy ào ào. Tầng một cho người ta thuê mở cửa hàng bán điện thoại di động. Toàn đồ đắt tiền, ông không dám nhìn lâu. Ông khổ sở vì nhà của mình, cửa của mình mà mỗi lần đi vô đi ra phải len lén, nghe ai hơi lớn tiếng là giật nảy mình y như trẻ con phạm lỗi.

Ông tiếc ngẩn tiếc ngơ mảnh vườn ngày trước. Vườn râm bóng mát. Chim ăn trái chín ríu ra ríu rít suốt ngày. Hoa hồng, tường vi, cúc, thược dược, mười giờ... Mỗi sớm mỗi chiều ông ra sân tưới hoa, nhổ cỏ, nhặt lá sâu lá úa. Vừa có công việc nho nhỏ để bận bịu, vừa được gần gũi với thiên nhiên làm ông thấy tuổi già của mình cũng còn thú vị.

Ông nhớ đất nhớ cây đến se thắt cả lòng. Nhưng chẳng kiếm đâu ra miếng đất trống để trồng hoa. Trước nhà phải để thông thoáng cho khách dựng xe. Trên lầu tuy có bancông, nhưng bảng hiệu của cửa hàng choán hết mặt trước, bên trong thì con dâu đã lấy làm chỗ phơi đồ.

Mới đầu ông toan tính đặt một cái chậu nho nhỏ để trồng hoa, đến khi nhìn sào đồ mới phơi nhểu nước tong tong xuống cái chậu thì ông ngao ngán dẹp luôn “giấc mơ hoa” của mình.

Vậy nên ông bất ngờ đến nghẹn ngào khi chiều nay hai thằng cháu nội kéo tay ông ra ban công. Chúng gắn hai cái lon sữa bò cũ vào lan can ở cái khoảng trống hiếm hoi mà bảng hiệu cửa hàng điện thoại di động còn chừa lại. Hai cái lon sữa bò được đổ đầy đất.

“Ông nội biết tụi con trồng gì trong đó không?”. Ông lắc đầu: “Ông không biết”. “Hạt giống bông sao nhái. Màu vàng và màu cam. Tụi con hái bông khô trên đường đi học về đó”. Hai đứa nhỏ cười đắc thắng.

“Mới đầu tụi con tính trồng hoa hồng, nhưng sợ cây hoa hồng không sống được trong lon sữa. Con nhớ lúc trước ông nói bông sao nhái là dễ trồng dễ sống nhất, nên tụi con mới chọn sao nhái”.

Ông gật đầu cười mà lòng rưng rưng muốn khóc.

Tết sắp đến. Những bông sao nhái có lẽ sẽ kịp bung cánh đón tết. Mỗi sớm ông sẽ vẹt đám quần áo phơi trên sào đồ ra để lấy chỗ đứng tưới nước. Buổi chiều khi con dâu đem quần áo khô đi cất, ông sẽ bắc cái ghế ra ngồi ngóng những bông hoa. 

MỸ NGÂN (Bình Dương)

Lớp vỡ lòng

Lớp học buổi tối tại trường Tiểu học Đào Sơn Tây, Thủ Đức- Ảnh: Đ.Đ.L

15 đứa trẻ từ 6 đến 15 tuổi, da đen nhẻm cùng ngồi chung trong lớp học vỡ lòng. Mỗi đứa một cảnh, đứa bán vé số, đứa lượm ve chai.

Trong một lần lấy danh sách lớp, Nhân - một tình nguyện viên - hỏi hai anh em Kha, Khang học chung lớp: “Cha con tên gì?”, thì Kha - bé anh - trả lời: “Thưa thầy, con không có cha”. Khang - bé em - ánh mắt tròn xoe, hồn nhiên nói thêm: “Mẹ nói tụi con không có cha”. Tôi cùng các tình nguyện viên đều nín lặng mà nghe cay khóe mắt.

Không quá ngạc nhiên khi em nào cũng đen và gầy bởi hằng ngày phải mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau. Đó là Lợi, tuổi đáng lên lớp 6 mà vẫn phải học chữ o, a. Cô em gái của Lợi là Mai mới 7 tuổi nhưng tỏ ra “khôn ngoan” hơn hẳn. Hai anh em hằng ngày đi bán vé số. Căn nhà hai đứa sống cùng bố mẹ nằm lọt thỏm giữa vùng trũng Thủ Đức, mùa mưa nước ngập lênh láng. Đã thế nhà “không chính chủ” bởi chưa có sổ đỏ.

Đó là bé Út Dư gầy đét, đến lớp hôm nào cũng hỏi thầy cô có gì cho ăn không vì đói quá. Rồi bé Ngân tóc vàng cháy nắng luôn im lặng, mắt buồn như muốn khóc khi thầy cô hỏi về gia đình. Và Phúc lớn tuổi nhất lớp, cứng cỏi như một thanh niên thực thụ. Đến lớp lần nào cũng ngồi tách biệt, e ngại! Học hai tháng Phúc đã bắt đầu viết được tên của mình lúc 15 tuổi.

Cuối năm rồi, trời se sắt.

ĐỨC LỘC

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận