Ngư dân xuất ngoại

VÕ QUÝ CẦU 28/12/2009 07:12 GMT+7

TTCT - Ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), trong khi nhiều ngư dân đang lúng túng tìm ngư trường mới để đánh bắt hải sản thì Dương Văn Thạch đưa tàu qua tận vùng biển tỉnh Sabah của Malaysia làm ăn. Chiếc tàu công suất 250CV của anh bây giờ mang số hiệu SBF 24 của Malaysia.

Phóng to
Ngư dân Dương Văn Thạch - Ảnh: Võ Quý Cầu

Dương Văn Thạch mới 37 tuổi nhưng đã có trên 20 năm sống bằng nghề đi biển. Năm 16 tuổi, sau khi học xong lớp 10 Trường THPT Trần Quốc Tuấn ở TP Quảng Ngãi, Thạch trở về làng biển nghèo Định Tân để cùng cha ra khơi. Hết làm nghề mành điện, Thạch chuyển sang nghề thợ lặn. Theo tàu, Thạch ra vùng biển phía Bắc rồi vào vùng biển phía Nam, hết lặn bắt hải sản ở vùng ven quần đảo Hoàng Sa lại đến quần đảo Trường Sa rồi Phú Quốc. Chẳng bao lâu Thạch nổi tiếng là kình ngư của làng chài Định Tân.

Tìm cách đi xa

“Việc ngư dân Dương Văn Thạch tiên phong ra nước ngoài đánh bắt hải sản rất đáng biểu dương. Qua đó, địa phương khuyến cáo bà con ngư dân cần năng động hơn trong việc đi tìm ngư trường mới trên cơ sở phải đảm bảo các thủ tục xuất nhập cảnh, hành nghề của nước ta và nước bạn”

Ông NGUYỄN THANH HÙNG
(phó chủ tịch xã Bình Châu)

Cách đây bảy năm, cha Thạch giã từ biển khơi trao lại con tàu - tài sản cả đời ông gom góp, chắt chiu gầy dựng - cho con trai. Những năm theo cha bám biển, Thạch học được từ ông bao kinh nghiệm. Bây giờ anh có thể nhìn đất nhìn trời mà đoán định mùa con cá sinh sôi, hay biết được càng về cuối năm bão càng nhích dần vào vùng biển miền Trung và miền Nam, để từ đó “lượn” theo thời tiết chọn vùng ngư trường đánh bắt.

Cùng với kinh nghiệm học được từ cha, Thạch còn trang bị đầy đủ radio, hải đồ, máy tầm ngư, máy định vị, phao cứu hộ, cứu sinh mới để tàu của anh đánh bắt được hải sản nhiều nhất cũng như đảm bảo an toàn cho những lèo biển xa.

Những năm gần đây thời tiết biển ngày càng trở nên “đỏng đảnh” hơn, bão tố ở miền Trung ngày càng nhiều, thêm giá xăng dầu cứ nhích dần nên sau mỗi lèo biển (10-15 ngày) trở về, thu nhập của cả chủ tàu và bạn chài chẳng được là bao. Điều đó khiến Thạch suy nghĩ thật nhiều. Tại làng biển Bình Châu hay huyện đảo Lý Sơn, Tư Nghĩa đã có những con tàu đi xa, tận vùng biển giáp ranh với Indonesia, Philippines, Malaysia để mong kiếm được nhiều hải sản hơn.

Nhưng nhiều tàu dù chưa hẳn vi phạm ngư trường nước bạn đã bị bắt, bị tịch thu, ngư dân thành trắng tay. “Suy nghĩ nhiều tôi mới quyết định phải sang nước bạn đánh bắt hải sản. Nhưng đã làm thì làm cho chắc, nghĩa là phải tuân thủ các quy định của nước mình và nước ngoài, chứ không khéo tài sản cả đời cha đời con gom góp phút chốc thành bọt biển” - Thạch bảo thế.

Thạch tìm hỏi nhiều người và được biết vùng ngư trường thuộc tỉnh Sabah của Malaysia ít khi có bão tố như biển miền Trung, lại có nhiều rạn san hô khá dồi dào về nguồn hải sâm rất thích hợp với sở trường lặn biển của anh. Cũng qua bạn bè, anh được biết Công ty TNHH khai thác, đánh bắt thủy hải sản Cẩm Trân ở Cà Mau có dịch vụ môi giới đưa tàu VN sang Malaysia đánh bắt hải sản.

Anh kể: “Mình đánh bạo đến gặp giám đốc chi nhánh và được biết chi phí môi giới để đánh cá trong vòng hai năm là 20.000 USD. Khoản tiền đó chạy vạy cũng có thể kiếm được nhưng vẫn sợ bị lừa”. Thế rồi Thạch nhờ người thân lên mạng dò hỏi các ngành chức năng ở tỉnh Cà Mau về tư cách pháp nhân, hoạt động của Công ty Cẩm Trân. Biết được đích xác, anh vay tiền để lo chi phí đưa tàu xuất ngoại làm ăn.

Tháng 11-2008, giữa mùa biển động, từ cửa biển Sa Kỳ chiếc tàu đánh cá mang số hiệu QNg-90682-TS, công suất 250CV của Dương Văn Thạch đưa 15 ngư dân sang Malaysia trong bao ánh mắt dõi theo của làng chài.

Phóng to
Tàu đánh cá mang số hiệu SBF 24 tại cơ sở sửa chữa tàu thuyền Bình Châu - Ảnh: Võ Quý Cầu

Làm ăn ở Sabah

Chuyến xuất ngoại đầu tiên, khi tàu vào đến vùng biển Vạn Giã của Khánh Hòa thì bị hỏng máy phải sửa chữa rồi mới tiếp tục hành trình năm ngày đêm vượt 800 hải lý cặp cảng Kota Kinabalu của tỉnh Sabah. Đến nơi, Thạch mới biết ngoài tàu của anh còn có chín tàu đánh cá khác của Cà Mau, Kiên Giang cũng hợp đồng với Công ty Cẩm Trân đến cảng này làm ăn. Nhưng họ chỉ đánh bắt cá chứ không làm nghề lặn biển như anh.

“Người của Công ty Cẩm Trân đón tụi tôi làm thủ tục với nhà chức trách nước bạn xong rồi về lại VN. Lúc đó, giữa cảng biển xa lạ, một tiếng Malaysia không biết mà cũng chẳng có ai quen nên tôi lo lắm” - Thạch kể. Nhưng anh tự nhủ với chính mình: trước lạ rồi sau sẽ quen.

Thạch phân tích với anh em bạn chài: chỉ tính riêng tiền thuế, mỗi tháng làm ăn ở Sabah phải đóng 2.000 USD nên ở xứ mình đánh bắt được một thì sang đây phải cố gắng làm gấp năm gấp bảy lần mới mong có tiền mang về cho gia đình. Năm đó, ba lèo biển là đến tết. Mới sang thu nhập chưa được bao nhiêu mà gồng gánh chi phí về thủ tục quá lớn nên Thạch động viên anh em ở lại Sabah ăn tết. Chiều 30 tết, trên con tàu nơi cảng biển xa xôi, 16 anh em bày một mâm cỗ để cúng vọng tổ tiên nơi quê nhà và cầu mong làm ăn thuận chèo mát mái nơi đất bạn.

Thạch biết để “đứng” được ở xứ người trước tiên là phải hòa nhập, có nghĩa là phải học tiếng, phải hiểu phong tục tập quán của người địa phương nên sau những lúc lênh đênh trên biển trở về cảng bán cá, anh lân la làm quen với người bản xứ. Hóa ra ngư dân ở nước nào cũng chân thành và hào phóng như biển khơi nên nếu mình chân thành đến với họ thì sẽ được chào đón và gần gũi. “Ở vùng biển Sabah, tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư đi tuần tra rất thường xuyên. Nếu giấy tờ không đảm bảo hoặc đánh cá vượt hạn mức quy định là bị tuýt còi liền. Muốn làm ăn lâu dài chỉ có cách duy nhất là phải chấp hành nghiêm luật biển của nước bạn. Nhưng có thuận lợi là ở Malaysia giá dầu rẻ hơn bên mình khá nhiều, thêm nữa là nghề lặn biển rất đắc dụng ở đây”.

Trong số mười chiếc tàu VN đến Sabah, có đến bảy chiếc làm ăn thua lỗ phải quay về. Riêng tàu của Dương Văn Thạch hoạt động ngày càng đạt hiệu quả cao. Cá đánh bắt được chuyển ngay vào bán ở cửa biển, còn hải sâm lặn bắt được thì chở về Quảng Ngãi để xuất qua Trung Quốc được giá hơn. Cứ sau hai tháng ở Sabah, con tàu lại trở về quê nhà để bán hải sâm và cũng là dịp ngư dân về thăm gia đình. Thạch cho hay sau khi hết thời hạn hợp đồng hai năm anh sẽ xin gia hạn làm ăn tại vùng biển Malaysia trong nhiều năm nữa.

Những ngày này, sau khi làm nước tại cơ sở sửa chữa tàu thuyền Bình Châu bên bờ biển Sa Kỳ, tàu của Thạch sẽ lại đến vùng biển Sabah: “Phải ráng làm thêm để kiếm kha khá rồi sẽ trở về quê ăn Tết Canh Dần, năm nay nhất định không ăn tết ở Sabah nữa đâu...”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận