Người chạy trốn thất bại

ANH NGỌC 27/03/2012 09:03 GMT+7

TTCT - Jose Mourinho là HLV kỳ lạ nhất thế giới. Không một ai trong giới HLV bóng đá toàn cầu có một người phát ngôn thay ông trong những hoàn cảnh đặc biệt mà ông không thèm ló mặt.

Điều ấy khẳng định Mourinho coi trọng tiếng nói của mình và vai trò của truyền thông đối với hình ảnh của ông lớn đến mức nào.

Phóng to
Đường chạy ngoài sân còn là sân khấu lớn của Mourinho - Ảnh: Reuters

Lẽ ra Tây Ban Nha đã phải là một thiên đường bóng đá. Họ có một đội tuyển quốc gia là đương kim vô địch châu Âu và thế giới, có hai đội bóng là Real Madrid và Barcelona với những ngôi sao lớn có tên Cristiano Ronaldo và Messi luôn đem lại những cảm xúc tột cùng.

Nhưng kể từ ngày có Mourinho, bóng đá mang thêm những ý nghĩa khác mà người Anh và người Ý, những người từng yêu và ghét Mourinho, đã trải qua: chế ngự sân cỏ là những tố cáo các âm mưu hãm hại từ trọng tài, những thông tin bị bóp méo, những cuộc chiến truyền thông mạnh mẽ hầu như không có giới hạn và những lời sỉ nhục dành cho đối thủ.

Real Madrid trở thành bước tiến đáng kể của Mourinho không phải trên cương vị chuyên môn mà ông đã thành nhân vật chói sáng của văn hóa đại chúng thế kỷ 21, với các sô truyền hình thực tế, Twitter, Facebook và nghệ thuật điều khiển dư luận một cách tài tình trong mọi việc ông làm, kể cả những sai lầm (rất có thể là cố ý sai lầm).

Mà điều ấy đã xảy ra ở tất cả những nơi Mourinho đi qua, từ Anh, Ý cho đến Tây Ban Nha, nơi đường chạy ngoài sân và phòng họp báo trở thành sân khấu lớn cho ông. Những cuộc đối đầu siêu kinh điển chưa bao giờ trở nên căng thẳng và kịch tính vì những yếu tố ngoài sân cỏ đến thế. Điều tương tự cũng đã xảy ra ở Anh khi ông nắm Chelsea và ở Ý khi ông nắm Inter.

Một kịch bản như nhau: Mourinho tấn công tất cả các đồng nghiệp đáng kính nhất, từ Ferguson, Wenger đến Lippi và Capello. Triết lý "tấn công là cách tốt nhất để phòng ngự" được áp dụng một cách triệt để. Cây bình luận nổi tiếng người Ý Gianni Mura, vốn không ưa Mourinho, cũng phải thừa nhận: "Mou thật ra đã thắng các đối thủ từ buổi họp báo trước trận đấu".

Một ví dụ điển hình về "phương pháp Mourinho": khi Real thua Barca ở Siêu cúp Tây Ban Nha, ông đã chọc tay vào mắt người trợ lý của Guardiola. Nhưng khi dư luận chĩa mũi dùi vào ông, Mou đã tuyên bố công khai là đội bóng không ủng hộ ông và đứng ngoài trong cuộc chiến với dư luận, đồng thời chỉ trích giới cổ động viên Real không bảo vệ ông.

Điều gì xảy ra sau đó? Ban lãnh đạo Real, trước đó đã phải thải loại giám đốc thể thao Valdano để Mou thâu tóm toàn bộ quyền hành về chiến lược nhân sự của đội, vì sức ép quá lớn của người hâm mộ đã đứng về phía ông và là một trong những yếu tố thúc đẩy Real lên ngôi đầu bảng như lúc này.

Cả cuốn sách Người ngoài hành tinh Mourinho của nhà nghiên cứu Sandro Modeo rốt cục chỉ có một câu đáng chú ý có thể đúc kết "chính sách truyền thông" của Mourinho: "Mourinho là Goebbels của bóng đá hiện đại".

Việc so sánh một HLV bóng đá với bộ trưởng truyền thông của Đức quốc xã là điều đáng lưu tâm. Có thể đúc kết điều đó thế nào?

1) Mou tấn công đối phương khi họ chưa kịp đề phòng; 2) Lái dư luận về phía mình bằng cách chỉ ra những vấn đề của đối thủ rồi hạ nhục họ; 3) Luôn tạo ra bầu không khí nặng nề trước các trận đấu lớn; 4) Cho rằng mình và đội bóng là nạn nhân của những âm mưu, bị hại là vì luôn có một thế lực muốn tiêu diệt họ; 5) Chân lý là hoặc theo Mourinho, hoặc là kẻ thù của ông; 6) Mou trở thành "cột thu lôi", sẵn sàng hút mọi cơn thịnh nộ của dư luận và đối thủ để đội bóng toàn tâm toàn ý cho trận đấu, theo hướng ông là người bảo vệ họ và sống chết với kẻ thù vì họ.

Tóm lại, Mou trở thành kẻ tử vì đạo. Người hâm mộ không phải là những kẻ ngu dốt. Các cầu thủ cũng thế. Họ biết đâu là thật và đâu là giả dối. Nhưng họ tin một điều (hoặc Mou làm cho họ tin) rằng tất cả những gì mà Mou đã làm, kể cả đúng hay sai, thì cũng là vì đội bóng, kể cả khi Mou chưa bao giờ chung thủy với họ theo "phương pháp Mourinho" kinh điển: cứ đến tháng 3 hằng năm, giai đoạn quan trọng nhất mùa giải, khi thành bại đang được xây nên là Mou "khó ở" và cuộc chiến truyền thông nhiều chiều được đẩy lên đỉnh điểm.

Những tuyên bố ỡm ờ về tương lai được đưa ra, những hành động theo kiểu "đi tìm nhà" ở London mới vừa rồi và cả châu Âu được đánh động. Điều đó chẳng có gì là mới, vì ông từng làm thế ở Inter chỉ hai tháng trước khi họ đoạt cú ăn ba lịch sử.

Một mũi tên bắn nhiều con chim: nếu Mou có phải ra đi trong mùa bóng mà đội không thành công thì là lỗi của người khác, còn nếu thắng lợi thì ông là người hùng thật sự.

Nhưng cả thắng lợi cũng không ngăn được ông ở lại. Người lữ hành kỳ dị sẽ lại xách vali đi nơi khác để chinh phục, theo công thức: đến một đội bóng khác để chỉ trong hai năm đưa nó đến một chiếc cúp châu Âu, rồi lại ra đi vì biết rằng mình khó lặp lại chiến công ấy một lần nữa, để lại bao tiếc nuối nơi người hâm mộ vốn lúc đầu ghét ông, nhưng ông đi rồi thì lại thấy nhớ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận