TTCT - Chị là người ngủ ngày, bởi công việc buôn bán vặt của chị diễn ra chủ yếu từ quá nửa đêm về sáng. Hai giờ sáng chị dậy, leo lên chiếc xe đạp chuẩn bị sẵn ra chợ Âm Phủ mua hàng, chở về nhà bày ra cho người mẹ già bán. Minh họa: Bích Khoa Chị dọn dẹp, cơm nước, ăn, ngủ, dọn dẹp, cộng trừ vài con tính bán buôn, đi ngủ... toàn những công việc luẩn quẩn không tên, quay qua quay lại rồi cũng đến hai giờ sáng hôm sau... Nhưng hôm nay lịch trình của chị có một chút khác với mọi ngày. Hôm nay chị đi chợ bằng xe máy, cái xe mơ ước chị tích cóp cả năm trời mới mua được, rồi lo thi bằng lái, lo tập chạy té lên té xuống trầy da tróc vảy, nay thì ổn rồi. Chị đi chợ bằng xe máy, không tự tin lắm nhưng chị tin mình có khả năng đi chợ bằng xe máy. Chị chạy xe tà tà vào chợ, đến đúng cái chỗ mọi ngày chị vẫn dựng xe đạp, lóng ngóng đạp thắng, lóng ngóng về số, lóng ngóng dựng xe, tất cả đều lộ rõ là người mới tập chạy xe. Một chiếc xe máy đã qua sử dụng nhưng còn khá bảnh. Người đàn ông Bán Thớt đã có mặt từ lúc nào, đúng chỗ, đúng hàng mang theo, đúng cái cách đứng và nhoẻn một nụ cười không khác mọi ngày, như thể anh ta là một phần không thể thiếu của chợ Âm Phủ. Chị nhẩm nhanh, nụ cười này chị biết dễ cũng đến gần hai năm nay, nhưng nhìn cười vậy thôi, đến cả cái tên anh ta chị còn không biết nhưng trong suy nghĩ của chị, tên anh ta là Bán Thớt. Không biết tên nhưng vẫn cười, điều đó có hề gì, nhất là một nụ cười vào buổi sáng sớm, nụ cười cho một ngày mới vui vẻ, tốt lành. Nhưng hôm nay là một ngày đáng nhớ của chị, hôm nay hình như chị đến sớm hơn mọi ngày, bởi chị đi xe máy. Ngặt nỗi, ngày chị lên đời đi xe máy cũng là ngày ông già giữ xe nghỉ làm công việc trông coi xe vĩnh viễn. Mệt, chục cái xe, thức đêm thức khuya không đủ tiền mua thuốc... Thiệt tình, ông già bỗng dưng nghỉ ngang trong một ngày có thể nói là trọng đại trong đời bán buôn lặt vặt làm chị chới với. Phải biết thì hồi nãy chị kêu thằng con lớp sáu theo coi xe cho rồi, còn không thì đi xe đạp, đi xe đạp mười mấy năm nay có chết thằng Tây nào! Giờ, không có người coi xe, coi bộ căng à nha! Trong lúc chị đang xớ rớ không biết tính sao thì Bán Thớt đẩy xe lại gần chị, lên tiếng hỏi một câu chẳng ăn nhập vô đâu: Cô thứ mấy? Thứ Tư? Tui lớn gấp đôi cô, tui thứ Tám. Chị nghe ngồ ngộ, thứ Tám là gấp đôi thứ Tư ha anh Tám. Lại cười, hàm răng đều trắng lấp lóa làm chị liên tưởng đến những người đàn ông cỡ tuổi này nhưng hàm răng đã khấp khểnh, gập ghềnh chỗ có chỗ không. Coi bộ tay Bán Thớt này là người sống ngăn nắp. Không để chị suy nghĩ lâu, Bán Thớt tiếp tục “kiếm chuyện”: Hôm nay cô Tư lên đời nha, đời tui biết bao giờ lên. Cùng lời chọc ghẹo là nụ cười, đôi mắt dài có đuôi cong cong, nheo nheo. Rồi như cùng chung ý nghĩ, cả chị và Bán Thớt cùng nhìn ra chỗ ông già giữ xe vẫn ngồi hằng ngày. Rõ là Bán Thớt hiểu được băn khoăn của chị nên đã cười hiền từ: Thôi, để đó tui coi cho, cô Tư. Chị cười lại, cầu toàn đầy vẻ nghi ngại. Biết là vẫn đứng chỗ này, biết là mặt mũi ngó lương thiện, biết nhìn là rõ cùng cảnh nghèo... nhưng biết người ta là ai, người ta là người dưng, đâu phải người quen. Mà ngay cả người quen cũng không chừng... giờ này người với người nhưng cũng khó tin nhau lắm. Cái xe cà tàng này chị gom góp cả năm nay mới tậu được. Rồi công tập chạy, té sấp ngửa nay mới ổn. Lỡ ra... Nhưng chị lại trách mình, không được nghĩ xấu cho người ta mang tội. Chị nghĩ đến một lý do khác, thuyết phục hơn, tử tế hơn: Ờ thì người ta cũng đang bán buôn, người ta phải lo việc kiếm cơm của người ta, không dưng đi coi xe không công cho mình. Gửi, khác gì làm khó cho người... Chừng như hiểu được ý nghĩ của chị, Bán Thớt giữ im lặng không nói, kiểu như không muốn dây vào, coi chừng làm ơn mắc oán. Mà Bán Thớt cũng có khách của Bán Thớt, ai ở không đâu đi làm chuyện bao đồng. Thớt đi chị, thớt đi cô, ba chục, bốn chục, năm chục ngàn một cái, tiền nào thớt đó, thớt me nhà trồng, còn y vỏ me, không nói gian, nói gian chết liền... Chị nghe mắc cười, cha này xạo nhưng coi bộ xạo có duyên, bán thớt cả mấy năm trời mà ngày nào cũng kêu me nhà trồng, mà trồng kiểu đó có nước trồng cả rừng me. Quảng cáo kiểu này là chọc vào cái máu ham đồ rẻ của các chị, các bà: đồ nhà mà, bán rẻ bán nhanh còn về nhưng không chừng mắc lòi kèn. Mà thôi, thây kệ, cứ đúng thớt me là được. Chị vẫn chưa quyết phải xử chiếc xe như thế nào, có gửi xe cho Bán Thớt hay không. Chị quanh quẩn mua mấy món đồ người ta bày gần gần: vài trái bưởi, vài nhánh chuối, mua mà lòng dạ không yên, mắt vẫn không quên xớn xác ngó chừng chiếc xe cưng. Tưởng đi xe máy nhàn tấm thân, ai dè còn khổ hơn đi xe đạp. Mọi ngày giờ này chị đã mua xong vài món, mua có mối chớ không mua tầm bậy như vầy. “Buôn có bạn, bán có phường” mà, nhưng biết sao giờ... Lúc chị mang đồ lại treo lỉnh kỉnh trên xe, nghe Bán Thớt nói, tiếng thật nhỏ, thật hiền mà nửa như trách: Cô Tư à, cỡ như xe của tui, xe của cô Tư đứa nào rước đi chỉ tổ mang nợ vào thân, cô lo chi cho già người. Rồi cười, vẫn không nhìn sang chị, nhưng ngó ngang chị thấy hàm răng trắng xóa dưới ánh đèn cao áp. Chị cũng cười, vừa treo hàng vừa nói nhấm nhẳng, trong trỏng như bọn trẻ đang độ làm quen. Chà chà, người gì đâu coi bộ khi dễ tui à nha! Xe này mồ hôi nước mắt cả năm của tui chớ ít à? Người gì há, người bán thớt, người mặt thớt chứ người gì... Chồng con đâu mà để cô Tư đàn bà con gái ngày nào cũng thức khuya dậy sớm? Chồng đâu, chị không muốn nhớ, còn con thì nhỏ quá, biết bao giờ mới có nhờ! Nhưng chị không trả lời Bán Thớt câu này, thiên hạ mà, người dưng mà, hỏi cho có vậy chớ sức đâu quan tâm. Những cử chỉ, những lời nói ấy của Bán Thớt đến lúc này làm chị tự trách mình tầm bậy, giỏi nghĩ xấu cho người tốt. Không mua nhanh thì trời sáng, năm giờ chợ dẹp. Hôm nay chị phải kiếm cho được mấy món đồ khách đặt, không nhanh tay chắc hết. Ngó sang Bán Thớt cũng đang bận bán hàng, nhưng không đông khách quây quần như hồi nãy, thây kệ, gửi đại, chị không thể chần chừ được nữa: Ngó giùm tui cái xe chút nha anh Tám. Để đó đi cô Tư - Bán Thớt trả lời, áng chừng sau năm giây. Năm giây ấy cũng đủ để chị suy đoán hay Bán Thớt giận vì nãy giờ chị không tin anh ta mà giao của. Ổn rồi, chị vụt đi chừng chục bước chân nhưng vẫn chưa yên tâm, còn quay lại nắm cánh tay Bán Thớt lắc lắc: Nhớ trông chừng giùm tui nha anh Tám, nhớ nghen. Bán Thớt lúc này đã bán xong một mối nên ngó lên nhìn chị, ánh nhìn mượt như có nhung: Yên tâm đi mua đồ đi cô Tư, tui coi cho mà! Lúc chị quay lại thấy Bán Thớt đã bán hết hàng, đứng tì người vào cái giỏ đựng thớt rỗng, tay chống cằm ý chừng đợi chị ra. Chị cười, ngượng trân lóng ngóng thả mớ đồ mới mua xuống đất. Cũng nhanh chóng, Bán Thớt lại giúp chị chất đồ, ràng cái giỏ bội, điệu bộ thành thục như thể đã phụ chị làm từ mấy chục năm nay. Mùi mồ hôi từ cơ thể đàn ông tỏa ra nồng nồng, hăng hắc, chua chua. Chị thấy mắt cay cay, tự trách mình nhảm mà chẳng biết mình nhảm gì. Lúc đã chất xong đồ, cũng đã rõ mặt người, Bán Thớt và chị lại có dịp nhìn thẳng vào mắt nhau. Vẫn đôi mắt cong cong có đuôi dài dài nhìn chị. Xe có mẻ chỗ nào không cô Tư? Người gì mà giận dai dữ? Người gì, người dưng chớ người gì? Giờ cô Tư tin tui chưa, chỗ bán buôn với nhau mà cùng cảnh nghèo, tui nhìn là biết cô Tư dân quê lên thành phố kiếm sống như tui, sao cô Tư nghĩ tui làm bậy cho đặng? Mà tui quê vùng miền núi, tui về phố sau đợt xã tui có dịch cúm chết hết cả vịt, gà lẫn chim trên cây. Bán buôn chợ này mấy năm nay rồi, giờ tui tính đường về lại quê. Mình vẫn hợp với đất hơn với phố. Còn cô Tư? Quê tui cũng có núi! Tui về phố vì ở đây dễ làm ăn hơn, tui mua mấy thứ hàng này bán cho người mấy khu nhà trọ, đắp đổi qua ngày thôi anh Tám. Mà tui cũng chưa tính chuyện về lại quê đâu anh Tám. Chừng như sợ còn nói thêm sẽ bộc bạch hết chuyện nhà mình, chị im lặng một chập, nhìn xuống ngón chân cái đang day day: Anh Tám nghĩ tui không tin là nghĩ bậy nha anh Tám! Thôi, cảm ơn anh nha, mai gặp lại - chị hẹn như trên tivi. Ừa, mai gặp lại, chạy cẩn thận nha cô Tư. Suốt cả ngày, câu chuyện người dưng giữ xe không công hồi sớm cứ ám ảnh chị. Rồi còn cái cảm giác thồ hàng về mà không phải cong đít đạp xe lên cái dốc vòng vèo, cái mùi mồ hôi hăng hắc là lạ khiến chị lâng lâng. Thôi, từ nay yên tâm có mối gửi xe rồi. Chị thấy hình như mình mong, mong cho tới sáng hôm sau... Câu chuyện sáng hôm sau diễn ra nhanh chóng hơn nhiều. Sáng đó, tất nhiên ông già giữ xe vẫn vắng. Điều này hình như trùng với mong muốn của chị. Chị chạy xe tới, đạp chống, mỉm cười với Bán Thớt, nhận lại một nụ cười; rồi chị nói vài lời phiền nhiễu để gửi gắm chiếc xe cưng, gửi luôn chìa khóa xe anh Tám giữ giúp, tui lu bu quá sợ làm mất; nghe trấn an yên tâm, rồi chị đi vào chợ. Lần thứ nhất, nghe ồn ào, lớn tiếng phía ngoài chợ, như có linh tính mách bảo điều gì đó, chị hốt hoảng mang hàng ra xe, thấy Bán Thớt vẫn túi bụi bán quanh đám người mua quây quần. Chợ mà, không ồn ào, lớn tiếng sao thành chợ? Lần thứ hai, nghe ồn ào hơn, túm tụm nhiều hơn, chị lại hớt hải chạy ra. Xe vẫn còn đó, Bán Thớt đã vãn khách đang nhong nhóng nhìn ra ngoài đường. Gì vậy anh Tám? Có tai nạn cô Tư! Tai nạn, chị đàn bà con gái ra làm gì cho rối chuyện. Chị giật giật áo Bán Thớt dặn dò cái xe. Thấy gật gật, chị yên tâm. Lại trách mình, yên tâm thật sự rồi, chị chất hàng vội vàng rồi lại biến vào đám người nhốn nháo giữa tranh giành sáng, tối, mua, bán. Mê mải chọn, mê mải mua, chị quên hẳn chuyện mình có một chiếc xe cưng đang gửi chỗ người dưng. Lúc xong việc thì chợ đã vãn. Chị đùm túm đeo, đội, xách đồ ra xe, xe của chị dựng cạnh cột đèn cao áp, bên cạnh là một người đàn ông bán thớt me nhà trồng. Người đàn ông đó thứ Tám, nghe biết vậy chớ không biết nói thật hay nói chơi. Nhưng, chị sững lại, cả người đàn ông, cái xe mồ hôi nước mắt của chị và cái xe đạp của anh ta đều không thấy đâu. Chỉ có cái cột đèn đứng chong chong và bình thản. Nhưng giờ, chị lại không quen áp đặt suy nghĩ xấu cho người khác, người như Bán Thớt không thể là người xấu, chị đinh ninh thế. Có khi nào chật chội, người qua kẻ lại la trách nên anh Tám dời hai chiếc xe đi đâu. Thiệt khổ, ôm rơm vào người... Nhưng sao kỳ vầy nè, chợ cũng vắng rồi mà sao không thấy anh Tám đâu. Chị nháo nhác rồi lại ngẩn ngơ đi tìm Bán Thớt cùng chiếc xe cưng của mình, phía phải, phía trái, trong chợ, ngoài chợ, nhìn gần, nhìn ra xa vẫn không thấy. Hỏi vài người, ai cũng vội, lắc đầu nguây nguẩy, thậm chí họ còn không biết chị hỏi gì. Chợ Âm Phủ, mua giành bán giật, sức đâu để ý mấy chuyện bao đồng. Mà biết hỏi ai bây giờ, toàn dân bán buôn mua nhanh về còn bày hàng cho kịp trời sáng, ai hơi sức đâu để ý chuyện của người. Đi ra ngoài hàng rào phía ngoài chợ, chị sững người, chiếc xe đạp của Bán Thớt nằm chỏng chơ sát bờ rào, chị mới thẫn thờ dừng cuộc kiếm tìm. Nhìn dáng đổ kềnh của chiếc xe tồi tàn, chị hiểu chủ nhân của nó vội vàng đến mức nào khi bỏ lại nó. Cả cái giỏ bội đựng thớt, cái cớ tạo nên tên của người dưng mới quen, mới mến vẫn nằm dai dẳng sau yên xe, trong đó còn hai, ba tấm thớt chưa bán hết. Cả mấy món đồ của chị cũng được bỏ vội vàng, xộc xệch ngay bên cạnh. Người dưng làm gì mà vội vàng nếu không phải là một cuộc tháo chạy? Mà tháo chạy làm gì khi công việc bán thớt đang thuận lợi, trôi chảy thế? Một thoáng ê chề lướt qua trong đầu chị, Bán Thớt ơi, đồng hương ơi, niềm tin ơi, niềm tin, anh đang ở đâu? Mệt, chị ngồi xuống, ngơ ngẩn giữa đống hàng ngổn ngang. Ngồi một quãng, chị có cảm giác đã lâu lắm, như một năm hay mười năm gì đó đã trôi qua. Trời đã sáng, những người cuối trong chợ Âm Phủ vẫn vội vàng đi qua, vô tình như đi qua một người ngồi nghỉ mệt. Trong đầu chị ngổn ngang mớ ý nghĩ: đồ đây, mình đây, xe đâu, về bằng cách nào, sẽ phải nói như thế nào khi về nhà, người đời sẽ nghĩ về mình như thế nào... Giữa lúc đang rối tung thì chị nghe có tiếng xe máy dừng ngay bên mình. Xe của chị, nhưng chị chưa kịp quen với tiếng máy của nó. Bán Thớt về, nháo nhác, hớt hải, đầm đìa mồ hôi, quần áo nhàu nhĩ có gì như những vết máu. Chị thấy hai chân mình dường như không chạm đất, cả người cứ lơ lửng, lâng lâng. Bao nhiêu sự kiện, cảm xúc dồn dập đến trong một quãng ngắn giữa đêm và ngày này, quả thật chị chưa bao giờ trải qua. Cô Tư chờ tui lâu không cô Tư?... Xin lỗi... Có tai nạn giao thông... Người dòm không hà... Chạy xe cô Tư cho lẹ... Bệnh viện... Chị nghe bập bõm thế nhưng chị hiểu, hiểu hết. Trong lúc thanh minh, giải thích về sự vắng mặt đường đột của mình, Bán Thớt nhanh tay xếp hàng lên xe, ràng cẩn thận giúp chị, lại còn lắc lắc thùng hàng để kiểm tra. Chắc ăn rồi, cô Tư có chạy lên cung trăng cũng không rớt. Chị xớ rớ, chẳng nói được gì; có giận, có thương, nhưng mà chạy lên cung trăng thì chị không lên, vì chị đang yêu công việc của mình, yêu cái chợ Âm Phủ này, chị chỉ thích ở dưới đất thôi! Chị nhận hai tay lái, Bán Thớt còn cẩn thận nắm sau yên giữ thăng bằng khi chị ngồi lên xe. Nắng đã lên kha khá rồi. Vẫn chẳng biết nói gì mà mắt mũi thấy nhòe nhòe. Phải đến khi Bán Thớt nhắc về kẻo người ở nhà chờ, lo thì chị mới buột miệng một câu: Xe này cũ người nhưng mới tui, mà xe mới đã làm việc phúc là tui hên lắm, phải không anh Tám! Chữ cuối chị vừa thốt ra là chiếc xe lăn bánh, xe cũ, máy nổ cũng không phải vừa nên chị chẳng kịp nghe Bán Thớt nói gì. Nhưng chị thấy thấp thoáng trong đầu mình khuôn mặt anh với ánh cười tỏa nắng và đôi mắt dài có đuôi đang cười, cứ nheo nheo, nheo nheo.■ Tags: Truyện ngắn Trâm OanhNgười dưng
Khoảng 10.000 khán giả đi nghe Sơn Tùng M-TP, Soobin, HIEUTHUHAI, trèo lên cây, đu cả hàng rào ĐẬU DUNG 24/11/2024 Khu vực bờ hồ và trước Nhà hát lớn Hà Nội ùn tắc kéo dài do lượng người đổ về đại nhạc hội có Soobin, HIEUTHUHAI, Sơn Tùng M-TP, Orange, Hòa Minzy, Issac…
Tiết lộ doanh thu khủng của 'đế chế chăn nuôi' C.P. Việt Nam BÌNH KHÁNH 24/11/2024 Báo cáo tài chính của Charoen Pokphand Foods, công ty mẹ của C.P. Việt Nam, cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay ở Việt Nam đạt gần 68.000 tỉ đồng.
Các bên vào cuộc xem xét việc Đàm Vĩnh Hưng hát ở hải ngoại khi đang bị cấm diễn HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Ông Tạ Quang Đông - thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết đang làm việc với các bên liên quan đến việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị cấm biểu diễn trong nước nhưng đi diễn ở nước ngoài.
Hezbollah tấn công Israel bằng hàng chục tên lửa và drone MINH KHÔI 24/11/2024 Hezbollah tuyên bố đã phóng hàng chục tên lửa và máy bay không người lái (drone) vào Israel, tập trung vào Tel Aviv và các mục tiêu quân sự ở miền nam.