Người Sài Gòn đi làm ở... tỉnh

VŨ THỦY - NHƯ TÂM 10/06/2016 01:06 GMT+7

TTCT - Trong khi người lao động khắp các tỉnh, thành đổ về TP.HCM làm ăn sinh sống thì không ít người đang sống tại TP.HCM lại lựa chọn làm việc ở các tỉnh lân cận.

Magali Payet (bìa trái) và các đồng nghiệp lên xe đến nhà máy Công ty dược phẩm đa quốc gia Sanofi ở Q.9, TP.HCM -DUYÊN PHAN
Magali Payet (bìa trái) và các đồng nghiệp lên xe đến nhà máy Công ty dược phẩm đa quốc gia Sanofi ở Q.9, TP.HCM -DUYÊN PHAN

 

Những chuyến xe đưa rước cán bộ, nhân viên các công ty xuất phát từ những ngã tư, ngã sáu Sài Gòn tỏa đi khắp nơi đến Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An... Nơi làm việc là các khu công nghiệp cách TP.HCM 30 - 60km.

Được làm công việc mình muốn

6g sáng, đường Điện Biên Phủ đoạn từ cầu vượt Hàng Xanh đến cầu đi bộ Văn Thánh (Q.Bình Thạnh) nườm nượp những chuyến xe đưa rước dán logo công ty dừng đón cán bộ, nhân viên - những người đã đợi sẵn bên mé đường. Xe dừng, họ hối hả lên xe, chiếc xe nhanh chóng mất hút trên đường phố buổi sáng đang bắt đầu đông đúc. Đủ loại xe từ 16 đến 25 chỗ, 45 chỗ và cả xe hơi xịn chỉ đón 1-2 người.

Gần 7g sáng, anh Chín (37 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) chạy xe máy đến gửi xe gần chân cầu vượt Hàng Xanh, rồi tất bật ra đường Điện Biên Phủ chờ xe công ty tới đón. Vừa chờ xe, anh vừa kể rằng đang làm trưởng phòng tại Công ty Crown của Mỹ ở Khu công nghiệp Tam Phước (Biên Hòa, Đồng Nai).

Trước đó, anh làm ở Khu công nghệ cao (Q.9, TP.HCM) nhưng đã chuyển sang công ty mới vì vị trí cao hơn, đãi ngộ tốt hơn. “Nhà cửa ở TP, vợ đang làm việc ổn định cho một công ty tại Q.1, các con học hành môi trường tốt nên không chuyển xuống gần công ty ở mà đi đi về về” - anh Chín giải thích.

Lúc bắt đầu công việc mới, anh Chín cũng cảm thấy khổ sở với chuyện thức khuya dậy sớm, ngồi xe cả tiếng đến chỗ làm, cập rập đủ kiểu vì chưa sắp xếp được thời gian.

Mỗi ngày của anh kéo dài 13 tiếng, dậy từ 6g sáng, 17g tan ca, đi xe đưa đón hết 1 tiếng, chưa kể những lúc kẹt xe nên về đến nhà đã 19g khiến anh mệt mỏi. “Giờ thì quen rồi. Sáng vẫn dậy sớm phụ vợ đưa đứa lớn đi học, chiều về lấy xe qua chở con về luôn. Quan trọng nhất mình gắn bó được với công việc là bởi được làm việc mình thích” - anh bảo.

Anh Minh Sơn (30 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) làm theo ca nên giờ giấc thay đổi liên tục. Làm đội trưởng đội sản xuất công ty cơ khí của Đức, nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Long Thành (Đồng Nai), Sơn phải theo kíp làm việc: hôm thì làm ca 22g-6g, hôm thì ca 8g-16g...

Nhà máy ở xa, nhân viên ở TP.HCM thường chạy xe đến trụ sở công ty tại Hàng Xanh rồi lên xe đưa đón. “Làm việc 8 tiếng nhưng thật ra tới 11-12 tiếng đồng hồ vì gần 2 tiếng ngồi xe đi, về và thời gian đi lại giữa chỗ ở và điểm đưa đón” - Sơn kể.

Tuy nhiên, Sơn cũng nhận ra rằng mình gắn bó với công việc vì được làm đúng ngành nghề được đào tạo, làm việc trong môi trường rất nhiều người trẻ, năng động và “thu nhập không thấp”.

Xe đưa rước tới công ty, trước khi vào ca thì bánh ngọt, mì ly, sữa, cà phê lúc nào cũng sẵn ở căngtin, “không được mang ra nhưng ăn uống bao nhiêu cũng được” là những điểm cộng tuyệt vời cho môi trường làm việc. Năm năm gắn bó với công việc, đến giờ mặc dù phải dậy từ 4g cho ca làm việc 6g nhưng Sơn đã biết tận dụng một tiếng trên xe ngủ một giấc trước khi vào làm việc. Nếu vì lý do cá nhân có thể chấp nhận được mà đến trễ giờ xe khởi hành thì công ty vẫn thuê taxi đưa xuống tận nơi.

Một trong những điểm tập trung xe đưa rước nhân viên trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM-NHƯ TÂM
Một trong những điểm tập trung xe đưa rước nhân viên trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM-NHƯ TÂM

 

Những người trẻ năng động

18g30, vừa xuống khỏi chiếc xe đưa đón 45 chỗ, nhóm bạn bảy người của Quân (24 tuổi) - nhân viên Công ty sản xuất thép Posco (Hàn Quốc) tại Nhơn Trạch (Đồng Nai) - sà vào điểm giữ xe quen của cả nhóm lấy xe rồi í ới rủ nhau đi ăn trái cây đĩa.

Mỗi bạn tốt nghiệp một trường khác nhau ở TP.HCM và làm một bộ phận khác nhau, đứa làm xuất nhập khẩu, đứa làm kỹ sư, đứa làm phiên dịch... Nhưng đi chung chuyến xe đưa rước gần một năm nên cả nhóm thân nhau.

Quân kể dù công ty có hỗ trợ nhà ở gần chỗ làm nhưng hầu hết đều chọn cách đi, về hằng ngày vì “ở Sài Gòn vui hơn, ở chung với ba mẹ, bạn bè cũng làm việc trong TP nhiều”. Trí - một bạn trẻ trong nhóm - hồ hởi chia sẻ Công ty Posco đang làm là một công ty FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) quy mô lớn và hoạt động rất chuyên nghiệp.

“Ở TP bây giờ khó tìm được công việc tốt tại những công ty lớn như thế lắm do phải cạnh tranh với nhiều người. Nhiều bạn ngại đi xa nên ở lại TP làm những công ty trái ngành. Nhưng còn trẻ mà, ở đâu được làm đúng công việc mình thích, cơ hội nhiều thì làm thôi” - Trí nói.

Còn chị B.T. (32 tuổi, nhà ở Q.3) nói trước đây chưa bao giờ chị nghĩ mình sẽ đi làm ở công ty nào xa trung tâm TP quá 5km. Khi chuyển sang ngành nhân sự, hoàn toàn có thể tìm việc ở công ty tại trung tâm TP, chị vẫn chọn làm việc cho một công ty sản xuất thức ăn gia súc đặt tại Bình Dương, cách trung tâm TP khoảng 30km.

Chị T. cho hay: “Ngoài chính sách lương và phúc lợi khá hấp dẫn, không gian và môi trường làm việc của công ty rất thoáng, tạo cảm giác cởi mở và thân thiện. Quan trọng hơn, làm việc tại nhà máy có đủ hệ thống phòng ban từ nhân sự, kế toán, luật cho đến sản xuất... nên tôi có thời gian tiếp xúc, học hỏi được nhiều điều mà nếu làm ở khối văn phòng tại trung tâm TP tôi không có được”.

Sẵn sàng dịch chuyển

Nhiều bạn trẻ lại chọn một công việc xê dịch liên tục, nay Hà Nội, mai Phú Quốc (Kiên Giang), mốt lại Bình Dương, Đồng Nai. Ngồi chờ ở Hàng Xanh đón xe bốn chỗ của công ty đưa đi công tác tại Bình Dương bốn ngày, Nguyễn Văn Long (25 tuổi) - nhân viên một công ty công nghệ thông tin trụ sở tại TP.HCM - kể vừa đi Phú Quốc gần một tuần, về hôm trước là hôm sau đi Bình Dương.

“Khách hàng công ty ở rất nhiều tỉnh, thành nên nhân viên bảo trì, lắp đặt cũng phải đi liên miên” - Long chia sẻ. Nói về lý do chọn lựa công việc này, Long nói anh muốn được đi nhiều nơi và tích lũy kinh nghiệm cho nghề nghiệp.

Ở những trạm đón xe, ngoài những bạn trẻ Việt Nam, dễ dàng gặp những nhóm bạn trẻ nước ngoài thực tập tại các công ty lớn. Magali Payet (22 tuổi, người Pháp, sinh viên Trường Ecole des Mines, Pháp) cùng hai người bạn gái đứng đợi xe của Công ty dược phẩm đa quốc gia Sanofi đưa tới nhà máy tại Q.9, TP.HCM.

Cô gái trẻ xinh đẹp kể họ đã ở Việt Nam hơn một tháng trong chương trình thực tập sinh của công ty kéo dài khoảng nửa năm. Cả ba chọn một khách sạn nhỏ ở Bến Thành lưu trú để ngày nghỉ có dịp tham quan, tìm hiểu về TP. Mỗi sáng, cả ba cùng bắt xe buýt 150 đi Hàng Xanh chờ xe công ty đưa rước. “Đi làm ở ngoài nước Pháp là việc bình thường tại Pháp và sinh viên sẽ được thử sức ở những môi trường làm việc tốt” - Magali chia sẻ.

Nói về xu hướng di chuyển lao động, ông Trần Anh Tuấn - phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM - cho biết việc di chuyển lao động tại các nước rất phổ biến.

Còn ở TP.HCM, gần đây nhiều người lao động, đặc biệt người trẻ, đã chấp nhận di chuyển xa, mở rộng tìm kiếm việc làm. Xu hướng dịch chuyển này rất tích cực, phù hợp với xu thế hội nhập, đặc biệt khi cộng đồng ASEAN chính thức mở cửa vào đầu năm nay và có tám nhóm ngành nghề mà người lao động được phép di chuyển tự do trong khu vực ASEAN.

“Người trẻ ưu tiên nhanh chóng có việc làm sau khi ra trường để có môi trường trải nghiệm, rèn luyện. Việc làm phù hợp với sinh viên mới ra trường chủ yếu tại các khu công nghiệp. Thực tế ở các tỉnh, thành lân cận cũng có nhiều doanh nghiệp lớn. Nếu người trẻ mạnh dạn thì cơ hội tại các khu công nghiệp ngoài TP.HCM rất lớn” - ông Tuấn chia sẻ.■

Nhân lực tại chỗ không đủ đáp ứng

Ông Phạm Văn Cường - phó trưởng ban thường trực Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai - cho biết hiện nay lượng lao động chất lượng cao tại chỗ không đáp ứng nhu cầu thành lập mới hoặc mở rộng sản xuất của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp của tỉnh.

Do vậy các công ty phải tuyển dụng nguồn nhân sự, nhất là vị trí chuyên gia, kỹ sư từ các tỉnh, thành khác, chủ yếu là TP.HCM. Ngoài ra có thể lượng công việc ở TP.HCM bão hòa, nên các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp “lấn” ra vùng ven tìm kiếm cơ hội việc làm với chế độ ưu đãi hơn. Tuyển dụng nhân sự dạng này chủ yếu là các công ty FDI quy mô lớn, chiếm khoảng 70% nhu cầu tuyển dụng.

Ông Nguyễn Hoàng Công - phụ trách nhân sự Công ty Posco Việt Nam tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 (Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) - cho biết khoảng 700 người đang làm việc tại đây thì có 60 vị trí quản lý, kỹ sư... đang sinh sống ngoài tỉnh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận