Người tắm sông cuối cùng của phố

TRUYỆN NGẮN CỦA TRÂM OANH 18/09/2008 18:09 GMT+7

TTCT - Nước lớn, gió ràn rạt thổi, mặt sông căng nước tràn bờ như một chảo xôi chiên phồng. Tin bà Tư đi tắm sông mấy tiếng đồng hồ chưa về khiến cả khu phố mé bên lở này nháo nhác như một tổ ong gặp hơi nhang.

Phóng to
Minh họa: Lê Tường Thanh

Người ta đổ ra bến sông gần như đủ cả xóm (gọi là xóm bởi dẫu là phố nhưng cái nếp chẳng khác xóm là mấy), đủ cả già lẫn trẻ đứng chen chúc vừa bình luận vừa nhìn hút xuống dòng nước lớn và để mặc sức cho trí tưởng tượng của mình bay bổng. Lần đầu tiên có một người được cả xóm quan tâm nhiều đến thế.

Bà Tư tắm sông, người ta gọi bà bằng cái tên thân mật như thế để phân biệt với vô số những bà Tư ở cái xóm này. Thói quen tắm sông của bà hình thành thời gánh nước mướn từ mấy chục năm về trước. Bà Tư nghèo rớt nhưng nhà bà vẫn có một cái phòng tắm như bao nhà khác. Tuy nhiên bà không chọn tắm ở nhà mà chọn tắm sông, ngày nào cũng tắm mà lần nào cũng tắm khoảng tiếng đồng hồ. Chẳng hiểu cái cơ thể còm cõi của bà lấy đâu ra nhiều tế bào chết cho bà kỳ cọ trong thời gian lâu thế.

Chiều nay khoảng hơn hai giờ bà ra bến sông tắm như mọi khi. Có vài người nhìn thấy bà đi xuống bến nhưng giờ hơn hai tiếng đồng hồ rồi chẳng ai thấy bà lên. Chắc có chuyện chẳng lành. Tin phát ra từ bà Năm, nhà ngay mép sông, người chứng kiến cảnh bà Tư đi xuống sông tắm chiều nay, và nhanh chóng truyền đi trong xóm như một tia lửa điện.

Người ta chỉ trỏ xuống sông, chắc là bà Tư ở dưới đó. Mấy thanh niên trai tráng nhảy ùm xuống sông, lặn một hồi nhô lên lắc đầu quầy quậy làm nước bắn tung tóe. Hai hàm răng bập vào nhau cầm cập: “Lạnh vầy mà bà Tư tắm được!”. Nhưng hình như đám thanh niên lạnh vì run sợ.

Cái bến sông này gần họng nước cống thải ra của thành phố. Người ta bảo thải trực tiếp vậy nhưng không sao vì dòng sông này lớn lắm, là một dòng sông chính trong hệ thống sông ngòi Việt Nam nên nó có khả năng tự thanh thải, tự làm sạch. Bà Tư thì không biết cái nhận xét ấy nhưng chắc chắn bà tin dòng sông là một dòng nước sạch nên ngày nào cũng xuống tắm, mà tắm đến mấy chục năm trời nay có thấy sao đâu.

Cái cách tắm của bà Tư ngộ lắm, tắm giữa trời nước mênh mông mà phải đủ tiếng đồng hồ. Một cái khăn tắm lúc nào cũng thấy cũ kỹ, một cục xà bông, một nắm muối, bịch quần áo, cái bịch

nilông đội trên đầu cho khỏi ướt tóc, bà để nguyên cả quần áo đi thẳng xuống sông hì hụi, tỉ mẩn với từng công đoạn làm sạch: kỳ cọ, chà xà bông, xát muối lên cái cơ thể xương xẩu và gân guốc của mình trong mớ quần áo lùng bùng. Xong rồi lên thay đồ, ở ngay đầu bến có một góc khuất bằng mấy tấm bao tải ai đó quây tạm chắc chỉ dành riêng cho bà. Rồi bà về, thong dong, khoan khoái, có lẽ đấy là thời khắc bà Tư sung sướng nhất trong ngày.

Bà Tư có ba người con, bà ở chung với con Út, mấy người anh nó lập gia đình sang bên vợ ở cả, chán cái cảnh nhà nghèo, chán cái xóm nơi bến sông, chán nghe tiếng bà Tư lải bải tối ngày. Hai mẹ con bà Tư như mặt trăng với mặt trời sống chung một nhà. Con Út lấy chồng, có đứa con gái thì thôi nhau. Nó nhận gia sản được chia về ở với mẹ, xài vài tháng hết lại thành vô sản.

Bà già như cái máy phát thanh chỉ biết phát không biết thu, suốt ngày càm ràm chửi đến hàng xóm nghe cũng nóng ruột nhưng nghe riết thành quen. Mà sống với người cỡ con Út không biết chửi mới là chuyện lạ. Nghĩ bà già lẩm cẩm, mắt mũi lem nhem, tai nghe tiếng chẳng tiếng chuộc không biết gì, đêm nó hẹn đàn ông vào nhà chạy tàu nhanh để kiếm luôn tiền phòng trọ.

Trót lọt một thời gian dài, hàng xóm biết chuyện nhưng thây kệ, thông cảm cho con Út không chồng, không công ăn việc làm và sợ con Út chửi, sợ bà Tư bắt ra làm chứng tối ngày. Nhưng rồi cũng có ngày bà Tư biết chuyện. “Tắc kè, tắc kè”, thằng đàn ông rửng mỡ mắc dịch, phố bây giờ làm gì còn tắc kè kêu mà nó giả tiếng kêu làm ám hiệu. Nhưng bà Tư nhớ cái âm thanh này, nó thân thuộc lắm với bà một thời, lâu lắm rồi không nghe, nay lại có con tắc kè ở đâu đến nhà bà, điềm lành hay điều gở? Bà thao thức rồi bà đi tìm con tắc kè.

Vô đến giường con Út thì thấy con tắc kè hai chân trắng hếu đang đè ngửa đứa con gái bỏ chồng của bà. Vậy là hàng xóm mất ngủ, vậy là hàng xóm được rửa cái lỗ tai suốt đêm còn sáng hôm sau ai nấy lèm nhèm con mắt.

Lần ấy, có nghe được bà Tư nói vài câu ngọt ngào, bà rầy chuyện con Út không kiếm lấy một tấm chồng đàng hoàng mà đi giựt chồng người khác làm chi cho tội lỗi. Rồi bà hỏi con Út có thương mẹ nhiều không, có thương không, có thương chút xíu nào không, điều ấy chỉ có mình nó biết nhưng nó ngó lơ, không nghe, không biết, không thấy, không nói. Vậy nên bà phải tiếp tục chửi, chửi xối xả cho cả xóm biết chuyện đứa con gái lăng loàn mà bà đẻ ra.

Giờ con Út tất tả, nháo nhào. Con Út lo, con Út sợ, con Út khóc nên cái mặt không còn nhâng nhâng nữa.

Nước vẫn lên, ì oạp vỗ vào bờ. Sao hôm nay nước lớn hoài không chịu ròng, ờ mà hay sông sợ nước ròng, nước lại lôi bà Tư ra biển, xa cái bến sông đã gắn bó với cả đời bà. Bà Tư ở dưới ấy, chắc chắn bà đang ở dưới ấy. Người ta chạy đi chạy lại quanh quẩn với cái bến sông.

Thôi, từ nay hết dám mang đồ ra đây mà xả, hết mang mùng mền chiếu gối ra mà giũ. Người chết ở cái bến sông này thì nhiều nhưng không làm người ta sợ, còn bà Tư mà thành người thiên cổ ở cái bến này khiến người ta dờn dợn, chí ít là trong một khoảng thời gian nào đấy để cho nỗi xót vì khoản tiền nước máy hăng tháng tăng vùn vụt ngấm vào xương tủy thì người ta sẽ lại đổ ra bến sông. Ờ mà lúc ấy biết nước sông có còn được như bây giờ.

Thêm vài cậu choai choai muốn tỏ ra là người bản lĩnh trước đám con gái rủ nhau xuống sông tìm. Có người cản, có người động viên. Bà Tư gắn với cái bến sông này trên bốn chục năm, thổ công hà bá quen nhẵn mặt mà không chừa, tụi bay xuống đó coi chừng thần sông à nha! Ớn dợn óc, ai nấy nổi da gà rần rần nhưng quyết bám trụ ở cái bến sông để thu thập tin tức về người tắm sông cuối cùng của phố một cách sớm nhất.

Đám thanh niên xuống ngụp lặn một hồi, váng cả cái bến sông. Chúng thay nhau ngụp xuống trồi lên giũ tít cái đầu y như mấy con chó đi mưa về nhà giũ lông. Trên bờ, đám đàn bà tranh nhau kể lể về những hình ảnh cuối cùng của bà Tư trên đường ra bến sông mà giữa bộn bề công việc lo cho chồng con người ta chớp lấy được và chắp nối lại thành một thước phim quay chậm cảnh bà Tư đi như thế nào, cầm cái gì, nói với ai, càm ràm cảm rảm nỗi gì, ho hắng thế nào... Người ta triệt để hư cấu và khai thác những yếu tố bất thường để chứng tỏ rằng bà Tư báo điềm... gở.

Vẫn không thấy, hay bà Tư đi đâu đó. Người bảo con nước lên vầy, nếu ở dưới sông thì bà ấy sang đến sông Sài Gòn lâu rồi, tìm ở đây ích gì. Thôi mấy đứa trẻ lên đi, coi chừng thêm tụi bay nữa. Sau cùng người ta phải nhờ đến thợ lặn chuyên nghiệp.

Ông tổ trưởng tổ dân phố huy động đóng góp của những kẻ hiếu kỳ ngay tại bến sông, chứ con Út làm gì có tiền lo chuyện đó, mấy người anh của nó ở xa, lâu lắc anh em, mẹ con có liên hệ với nhau đâu mà biết đường tìm, mà thợ lặn thì phải có tiền tươi. Khối kẻ lảng ra không thèm coi tiếp vì sợ cuốn sổ chìa ra của ông tổ trưởng. Nhưng huy động cũng nhanh, người đông như kiến thế, vả lại ai cũng mong sớm đưa bà Tư lên bờ, để lâu dưới ấy bà ngợp, tội.

Hóa ra chuyện kiếm bà Tư là chuyện cực kỳ đơn giản. Dân chuyên nghiệp kiếm từ gần đến xa và phát hiện ra bà ngồi xổm ngay dưới hai cái chân cầu tạm bắc thòi lòi ra bên sông, lưng tựa vào khoảng giữa hai cái cọc gỗ mục, hai bàn tay bắt vào nhau choàng qua hai đầu gối, thanh thản và nhàn hạ như dáng của mấy người đàn bà nhà quê tụ tập để “tám”. Vậy mà người ta ngỡ bà đã đi xa lắm.

Con Út với khuôn mặt ráo hoảnh “băm không lỗ, bổ không vào” hăng ngày nay thành tái ngắt, thất thần. Khuôn mặt bà Tư lúc vớt lên được cũng chỉ nhợt nhạt đến thế.

Bà Tư tắm sông đã thành người thiên cổ thật rồi! Người ta dạt ra rồi ngay lập tức nhao lại khi bà Tư lên bờ. Trẻ con ré lên, vài đứa bỏ chạy huỳnh huỵch, người lớn lao xao, mắt dẹt mắt tròn vẫn không quên đấu khẩu: “Có máu mũi, máu miệng không?”. “Không!”. “Vậy là không chết oan chết ức, chết sướng”. “Chết sướng, chuyện lạ nghe!”. “Chết mà sướng, sao mấy người sợ chết!”...

Bà Tư về nhà, vắt dính trên tấm lưng cong cong của anh con trai vừa hơ hải chạy đến. Hai tay lòng thòng, thõng thượt trước cổ, hai bàn chân ở tư thế bước tới đập đập vào thắt lưng đứa con yêu, đầu tựa lên vai con mình, yên bình. “Mẹ ơi, mẹ ơi...”, tiếng khóc não ruột, nức nở, thắt lòng. Cả khối người chuyển động, cả khối người òa khóc, kẻ gan nhất mắt cũng ầng ậng, Bà Tư ơi, bà đi sao vội sao vàng... Đoàn người rùng rùng chạy theo chân người đàn ông cõng mẹ. Có thể bước nhanh cũng kịp nhưng người ta vẫn chạy, chuyện quan trọng đặc biệt thế đi sao đặng, đoàn người dài dặc, ngoằn ngoèo dọc con hẻm dài cỡ nhất nhì thành phố nhỏ.

Người ta đi phúng điếu đông ùn ùn, như là tỏ bày với bà Tư lần cuối, như cố làm việc tốt mà đáng ra trước đó phải làm và cũng là để giúp cho bà có một chỗ yên nghỉ về già.

Con Út xỉu lên xỉu xuống, người ta khiêng nó bỏ vô giường để thây kệ, đồ con gái bất hiếu, thứ đàn bà “bán trời không mời thiên lôi”, mày ân hận, mày xỉu cũng đúng mà mày chọn “giải pháp” ngất đi cũng đúng, cũng an toàn, ra ngoài kia lối xóm ngứa mồm nói cho mang tội.

Bà Tư đi rồi, không còn những tiếng cằn nhằn, thậm chí là những tiếng chửi rủa rất chói tai và rất ư là truyền thống. Không còn bóng dáng bà già lụm khụm đi qua đi lại trong xóm. Không còn bà Tư để các bà mẹ lôi ra dọa trẻ mỗi khi chúng lười ăn hay nghịch phá. Không còn người tắm sông cuối cùng, khái niệm tắm sông đã chìm vào dĩ vãng, lớp trẻ bây giờ sợ nước sông dơ và lạnh, sợ bờ sông lộng gió.

Và cũng chẳng còn nhân chứng sống để chứng minh cho sự cực khổ của khái niệm gánh nước mướn nó như thế nào, đấy là cái lưng cong cong, cách đi nhún nhảy như theo nhịp đòn gánh, bước chân giơ cao để tránh vấp ngã... Tất cả đã lùi vào dĩ vãng chỉ bởi một con nước lớn.

Giờ thì bến sông không còn bà Tư, cũng chẳng còn nhân vật bằng da bằng thịt cho người ta xuýt xoa về cái tài tắm sông giữa tứ bề gió lộng trong khi thiên hạ phải chọn phòng kín, nước nóng mà sơ sẩy vẫn bệnh vì lạnh như thường. Giờ thì con Út không còn người để mà cãi, mà miệt thị. May nó còn người để mắng nhiếc, đấy là con gái nó. Mà đứa con gái ấy ngộ lắm, lối xóm bình luận rằng con Út nói má nó sao thì nhỏ con nó nói với nó y hệt vậy. Vậy là xóm vẫn còn người “nối nghiệp” con Út, còn nối nghiệp cỡ người như bà Tư tắm sông thì hết, hết thật rồi.

Có một chuyện mà người ta cũng quan tâm và dự báo không kém phần sôi nổi ngay từ lúc bà Tư nằm xuống, đó là chuyện con Út có cơ hội được tự do: tự do đi sớm về khuya, tự do dẫn bạn trai bạn nhậu về nhà, tự do nói năng bạt mạng... Nói tóm lại là cả một thế giới tự do và những ánh mắt khinh thị luôn hướng về phía con Út.

Nhưng người ta đã lầm, con Út đã dời nhà ngay sau ngày đưa bà Tư ra nghĩa trang làm bạn với ba tấc đất, bỏ lại ngôi nhà không tan hoang. Người không biết bảo nó theo trai cùng với những lời nhục mạ, xỉa xói, người biết chuyện bảo nó sợ ma, ma bà Tư vì với con ma ấy nó là một kẻ tội lỗi, mà có tội với ma thì người ta sợ là phải.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận