​Người trẻ hãy tạo cho mình bộ lọc 

PHAN XUÂN LOAN 02/10/2014 13:10 GMT+7

TTCT - Không ít bạn trẻ Việt không thể rời mạng xã hội, họ đọc tất thảy trên đó để rồi tức giận, bàn tán vô bổ... Phải tìm cho mình bộ lọc, một kiểu xóa mù thông tin!

Giáo sư Bùi Chí Trung và sinh viên Nhật tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM hè 2014 - Ảnh: Đoàn Bảo Châu
Giáo sư Bùi Chí Trung và sinh viên Nhật tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM hè 2014 - Ảnh: Đoàn Bảo Châu

Lần trước khi gặp ông, tiến sĩ xã hội học Bùi Chí Trung đang là khoa trưởng phân khoa văn hóa và sáng tạo của Đại học Aichi Shukutoku. Gặp lại ông tháng 9 này sau chuyến đi thực địa cùng sinh viên Nhật tìm hiểu các dân tộc ít người ở Tây nguyên, giáo sư Trung đã chuyển sang làm việc ở phân khoa văn hóa toàn cầu và đối thoại cũng tại đại học trên.

Chúng tôi hỏi thì ông cười: Đại học Nhật giờ khác lắm!

ĐẠI HỌC NHẬT GIỜ KHÁC LẮM

* Khác như thế nào, thưa giáo sư?

- Tôi dạy ở Đại học Aichi Shukutoku 11 năm, và xin lấy ví dụ từ đây. Đây là đại học tư, có khoảng 9.000 sinh viên với tám phân khoa. Trung bình khoảng 10 năm họ cơ cấu lại các phân khoa một lần, dù theo quy định của Bộ Giáo dục, các phân khoa này không được thay đổi giáo sư và chương trình dạy trong bốn năm đầu. 

Phân khoa của tôi mang cái tên có vẻ kỳ cục: Văn hóa toàn cầu và đối thoại. Thật ra đó là một phân khoa mới, được kết hợp từ bốn bộ môn ngôn ngữ và truyền thông, xã hội hiện đại, đa văn hóa và du lịch. Ngày nay, không còn ngành xã hội học đơn thuần, mà phân nhánh.

Một chuyên gia xã hội học ở Nhật ngày nay phải biết nhiều ngôn ngữ lĩnh vực mình nghiên cứu, có các kỹ năng Internet lẫn tổ chức các hội thảo, và am hiểu văn hóa các nước. Do đó, thay cho ngành xã hội học đơn thuần như trước đây, ở Nhật hiện nay sẽ là các ngành như phụ nữ và xã hội, giáo dục với xã hội, môi trường với xã hội, hoặc kinh tế với xã hội...

Riêng tôi thì được trường bố trí giảng dạy thêm về văn hóa và xã hội Đông Nam Á.

“19 tuổi sang Nhật, tôi chạy bàn trong tiệm ăn để có tiền đi học. Đâu chỉ là chuyện bưng bê, cùng lúc tôi học cách người ta làm ăn kinh doanh. Tôi học sinh học, nhưng từ những gì trải nghiệm tôi quyết định chuyển sang xã hội học, vì hiểu rằng có những vấn đề xã hội phải giải quyết từ góc độ nhân văn”.

* Sự thay đổi này có lẽ do yêu cầu phát triển của xã hội Nhật?

- Đúng vậy. Sau Thế chiến thứ hai, người Nhật “chỉ nhìn thấy người Mỹ”. Họ quyết định trả hận không phải bằng chiến tranh, mà bằng kinh tế. Họ cố gắng theo Mỹ, đuổi kịp Mỹ, vượt Mỹ và các nước. Họ sản xuất hàng hóa để bán sang Mỹ.

Nhưng rồi thị trường Mỹ và châu Âu cũng bão hòa, trong khi những mâu thuẫn với Trung Quốc về lãnh thổ cộng với sức cạnh tranh của Nhật tại Trung Quốc thua sút châu Âu khiến Nhật quyết định chuyển hướng sang châu Á.

Mặt khác, sau thập niên 1970, kinh tế Nhật phát triển, tiền công lao động ở Nhật tăng cao. Muốn cạnh tranh, người Nhật phải đưa hãng xưởng ra nước ngoài, nơi giá thành lao động rẻ. Họ tìm thấy điều đó ở châu Á, chủ yếu là Đông Nam Á vừa là nơi sản xuất cùng lúc là thị trường tiêu thụ. Ngành xã hội học vì vậy được đặt hàng để phục vụ yêu cầu mới này. 

Từ góc độ đào tạo, nếu trước đây người Nhật sang Mỹ để học về châu Á vì khi đó châu Á chưa có đủ môi trường để thu hút nghiên cứu, thì sau thập niên 1970, 1980, người Nhật đã chuyển sang học trực tiếp ở Thái, Philippines, Indonesia... do sự cần thiết nghiên cứu trực tiếp bản địa và nhờ môi trường nghiên cứu ở châu Á đã được đáp ứng và cải thiện.

Đó là lý do tôi được bố trí chuyên cho phân khoa mới từ tháng 3-2014. 

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đặc thù của xã hội Nhật để hiểu tầm quan trọng của việc đào tạo mới này: người Nhật vẫn luôn giữ nề nếp dù khi cần cởi mở họ cũng có thể cởi mở, và dù xã hội Nhật cũng khá thoáng theo kiểu châu Âu.

* Một đặc điểm phải chăng có được từ thời Minh Trị duy tân?

- À, ở đây tôi muốn nói rõ thêm một ít. Thật ra nhiều người lầm tưởng Minh Trị là vị minh quân, duy tân lại nước Nhật. Trên thực tế, vai trò duy tân này thuộc về các nhân sĩ và các samurai (võ sĩ) cấp dưới.

Các nhân sĩ và võ sĩ này đã thấy trước khả năng Mỹ sẽ chiếm Nhật, nên đã đấu tranh lật đổ chế độ Mạc phủ (Shogun - Tướng quân) và thực hiện duy tân, giáo dục nhân dân sao cho bắt kịp châu Âu, Mỹ. Họ lật đổ Mạc phủ nhưng không phế truất, vẫn giữ lại Thiên hoàng như gìn giữ cột trụ tinh thần cho xã hội.

Trên nền tảng đó, các nhân sĩ, võ sĩ thực hiện cải cách, gửi giới trẻ đi du học Mỹ, châu Âu. Nhờ đó họ tránh được dao động trong tâm lý xã hội và không đánh mất năng lượng cần thiết để xây dựng quốc gia.

Như vậy ngay từ thời Minh Trị các nhân sĩ Nhật đã nhận ra vai trò quan trọng của giáo dục. Từ đó đến nay, giáo dục Nhật đã đi những bước dài. Như Đại học Aichi Shukutoku tôi đang giảng dạy, sang năm sẽ kỷ niệm 110 năm thành lập.

Khởi thủy đây là đại học nữ giới, chuyên đào tạo các tiểu thư. Nhưng rồi khi nữ giới Nhật tham gia vào hoạt động xã hội nhiều hơn, sự bình quyền nam nữ cao hơn, Đại học Aichi Shukutoku cũng thay đổi và đã nhận thêm sinh viên nam.

Nói chung, đại học Nhật thay đổi rất rõ, phù hợp với yêu cầu nhân lực của xã hội.

NGƯỜI TRẺ, HÃY ĐI!

* Nhưng vẫn cần có những đại học nghiên cứu...

- Vâng, chắc chắn rồi. Có những đại học thu nhận lớp sinh viên lưng chừng, nhưng cũng có những đại học thuần khoa học, thu nhận các sinh viên tinh hoa. Đó là những đại học quốc gia. Họ có trách nhiệm tiến hành những nghiên cứu cơ sở, nền tảng, mà nếu không có nguồn ngân sách nhà nước và của xí nghiệp thì không ai đủ khả năng thực hiện cả.

Các kết quả nghiên cứu này sẽ được các công ty mua, nếu thành công và hữu dụng. Nhưng không ít đại học còn lại khác cũng phải thay đổi như chúng tôi.

Có thể nói trong khi ở nước ta, trên cho đào tạo ngành gì, nghề gì thì sinh viên phải học theo ngành đó, các đại học thế giới đã xoay chuyển theo hướng luôn phải đón bắt và đáp ứng nhu cầu xã hội để đào tạo nhân lực.

Các đại học thế giới không chỉ độc lập mà còn tự trị rất cao. Chị có biết là ở Nhật, cảnh sát không được quyền vào khuôn viên đại học, muốn vào phải có giấy phép của tòa án không?

* Tôi nhớ trong Rừng Na Uy của Murakami, khi đại học của nhân vật Watanabe muốn giải tán sinh viên biểu tình đòi... giải tán đại học, nhà trường đã phải mời cảnh sát dã chiến vào học xá...

- Hồi tôi mới sang Nhật năm 1969, sinh viên đang biểu tình chống Hiệp định bảo vệ an ninh Nhật và Đại học Tokyo cùng nhiều đại học trở thành những căn cứ sinh viên chống chính phủ. Sinh viên dựng rào chắn trong trường, đội mũ sắt, cầm gậy gộc “chiến đấu” suốt nhiều tháng. Chính phủ cho cảnh sát bao vây nhưng không hề đặt chân vào trường.

Nói chung tự trị đại học hay tự trị giáo dục của Nhật rất cao. Trong hệ thống chính quyền địa phương Nhật, thường mỗi tỉnh hay thành phố có tỉnh (thị) trưởng, phó tỉnh (thị) trưởng và viên chức tài chính là ba chức vụ cao nhất.

Bên cạnh ba vị này có một chủ tịch ủy ban giáo dục, vị này phụ trách giáo dục của tỉnh (hay thành phố) nhưng không bị sự chi phối của hệ thống chính quyền. Thông điệp của hệ thống hành pháp này là: nếu không có tự do thì khó phát huy được tiềm năng giáo dục.

* Trở lại chuyến đi thực địa hè năm nay ở Tây nguyên, sinh viên Nhật cần gì từ những chuyến đi này? Điều gì ông sẽ đúc kết để truyền đạt cho sinh viên Nhật?

- Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn nói một chút về dân tộc Nhật. Họ không phải là một dân tộc đa nguyên, mà rất đơn độc, ý thức dân tộc rất cao.

Chính sách xã hội của họ là chính sách của một dân tộc đơn thuần, công bằng, mọi người đều giống nhau, mặc dù xã hội họ cũng có một số dân tộc ít người khác, như người Okinawa ở quần đảo Lưu Cầu, dân tộc Ainu ở phía bắc, hay nhiều người nước ngoài đang sống và làm việc ở Nhật.

Tuy nhiên, do chính sách dân tộc thuần nhất nên giới trẻ Nhật cần được dạy sao cho vẫn giữ tinh thần dân tộc nhưng lại có ý thức xã hội đa nguyên để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước trong chiều hướng toàn cầu hóa. 

Mỗi chuyến đi là một kinh nghiệm mới, nhưng chưa thể đúc kết liền. Thường trở về tôi vẫn dạy theo giáo trình đã soạn và đưa thêm vào hình ảnh mới. Giống như ta phải thay phông màn, lọ hoa mới để sinh viên không nhàm chán. Và không chỉ ta nhìn, mà có thể nhìn qua con mắt sinh viên.

Năm nay sinh viên của tôi nhận xét là ở các vùng xa, chuyện đường sá, di chuyển bằng xe hơi ở Việt Nam khó khăn hơn tưởng tượng của họ.

Vì họ được học rằng để phát triển thì đầu tiên người ta nên xây dựng các tuyến đường ray trước (lưu thông bằng xe điện từ trung tâm tới trung tâm), sau đó mới là đường bộ (đi xe hơi từ trung tâm hay từ nhà đến nhà). Vì lưu thông không chỉ cần cho con người, mà còn cho hàng hóa và phát triển kinh tế.

Nhưng từ thực tế giao thông ở Việt Nam, sinh viên chúng tôi cho rằng phát triển kinh tế Việt Nam sẽ còn khó khăn. Hay họ nhận xét rằng cuộc sống của dân tộc ít người Việt Nam rất đa dạng, khác nhiều với dân tộc ít người ở xã hội Nhật.

Ta có nhiều dân tộc ít người, mức sống còn cách biệt với người thành thị, trong khi ở Nhật sự cách biệt vật chất đó đã được san bằng, mặc dù chưa hẳn đã hết kỳ thị... Họ cũng nhận thấy là mình may mắn hơn sinh viên Việt Nam, từ điều kiện học hành đến mức sống, và một số em đến Việt Nam lần đầu đã quyết định sẽ quay trở lại. 

* Nhân nói về sinh viên Việt, là người làm việc nhiều với sinh viên các nước, giáo sư có nhắn nhủ gì với các bạn trẻ Việt không?

- Tôi sẽ khuyên các em nên đi để trải nghiệm, đi trong nước trước rồi hãy tìm ra thế giới. Tâm niệm của tôi khi đào tạo thế hệ trẻ tóm gọn trong ba chữ: Headwork (suy nghĩ, kiến thức), Footwork (đi, trải nghiệm) và Network (mối liên hệ, tương tác).

Bất luận làm việc gì, muốn thành công phải có đủ hiểu biết. Có kiến thức rồi phải đi thực tế, vì có những bài học không bao giờ bạn học được trong giảng đường. Thế giới bây giờ lại rất phức tạp, sinh viên phải được đào luyện khả năng tùy cơ ứng biến thật lớn. Tiếp đó, phải biết xây dựng các mối quan hệ...

Ngày nay, người ta trọng dụng người tài có thể làm việc trong môi trường quốc tế, chứ không chỉ trong một nước.

Và một điều, có lẽ không thừa: các bạn đừng mất quá nhiều thời gian cho thế giới ảo. Tôi thấy không ít bạn trẻ Việt không thể rời mạng xã hội, họ đọc tất thảy trên đó để rồi tức giận, bàn tán... vô bổ, không mang lại hiệu suất nào...

Phải tìm cho mình bộ lọc, một kiểu xóa mù thông tin - “media literacy” - mà báo các bạn từng đề cập (*): đừng để lệ thuộc vào những gì người ta mang tới cho mình! 

* Xin cảm ơn giáo sư.

(*): http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/20100810/hay-tiep-can-thong-tin-truyen-thong-nhu-doc-mot-quyen-sach/394129.html.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận