Nguyễn Huy Thiệp: Giữa Chekhov và Carver

CAMERON SHINGLETON (ÚC) 27/03/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Trong nhiều bước tôi đã đi trên con đường tìm hiểu văn hóa Việt Nam với tư cách một người nước ngoài, một trong những bước khó khăn là đọc truyện ngắn nổi tiếng của Nguyễn Huy Thiệp - Tướng về hưu. Tôi đã đọc lại truyện này sau khi nghe tin nhà văn qua đời.

Nói rằng truyện đấy xứng đáng được đọc lại, cả vì bản thân nó và vì nó là cánh cổng mở vào những truyện ngắn khác của ông, sẽ là chưa đánh giá đúng tầm mức của nó. Đọc Nguyễn Huy Thiệp ở đẳng cấp cao nhất của ông cũng tức là đọc một nhà văn Việt Nam xứng đáng được cả thế giới chú ý.

Nguyễn Huy Thiệp tại nhà riêng của ông tại làng Cò, tháng 8-1987. -Ảnh tư liệu của nhà báo Nguyễn Trọng Chức.

 

Trong khi chìm đắm trong văn hóa, ngôn ngữ miền Bắc Việt Nam và xử lý những chất liệu chắc chắn là ngổn ngang với tâm thần Việt Nam (trở thành kinh điển trong Tướng về hưu là tâm thần đó 30 năm sau cuộc chiến), chủ đề và giọng văn của Nguyễn Huy Thiệp khiến ông dễ tiếp cận với độc giả thuộc những xuất thân hoàn toàn khác nhau.

Độc giả phương Tây và Việt Nam đã đọc Chekhov sẽ nhận ra tầm mắt nhân văn chiếu khắp một phòng trưng bày đủ kiểu nhân vật khác nhau. 

Những độc giả của Raymond Carver sẽ tìm thấy một nhà văn đang dùng chiếc rìu chẻ nhỏ những khúc gỗ đặc của ngôn ngữ và suy nghĩ thường nhật bình dị. 

Bất kỳ ai quen thuộc với những tác phẩm cơ bản và mô thức tư duy của chủ nghĩa hiện sinh sẽ tìm thấy ở Nguyễn Huy Thiệp cách bài trí để khám phá những chiều sâu bất an nhất trong sự hiện tồn của con người, một việc mà ông đã làm chẳng chút ồn ào.

Chính điểm cuối cùng đó lại khiến tôi ngỡ ngàng khi đọc lại Tướng về hưu mới đây. Đọc Nguyễn Huy Thiệp nhiều xúc động chính xác vì năng lực hạ thấp vấn đề của ông, việc ông tránh phát ra những tín hiệu cảm xúc lớn hay những diễn biết cốt truyện kịch tính, vì ông từ chối đứng ra làm người phán xét (hay thậm chí là cho độc giả một cơ hội để phán xét) nhân vật của ông. 

Ngay cả những hình ảnh tàn nhẫn, tục tằn hay toan tính nhất về những nhân vật đó vẫn không bao giờ xóa đi được nỗi cảm thông của nhà văn. Đôi khi chính các nhân vật của ông cũng bị đẩy tới những cùng cực để phải nhìn thấy bên dưới bề mặt cuộc đời, vào những chiều sâu tăm tối hơn.

Những người hùng và người kể chuyện của ông đầy ngờ vực và bị ám ảnh bởi những bóng ma như nhau. Và không ai thể hiện rõ điều đó hơn vị tướng về hưu trung tâm của truyện ngắn Tướng về hưu. Trong đời sống nhỏ bé của làng quê, vị tư lệnh ngày nào trở thành một nhân vật có phần lố bịch và ông biết điều đó.

Sự tài tình của Nguyễn Huy Thiệp chính là ở việc thể hiện sự tự ý thức của “con người vĩ đại” đã trở nên lố bịch kia - ở sự tương đối hóa cảm nhận vĩ đại, nhân văn hóa nó, khiến nó lại càng sinh động hơn khi dần làm lộ ra cho chúng ta những cái bóng vẫn còn ám ảnh nó ở phần nền.

Trong một khoảnh khắc điển hình của Nguyễn Huy Thiệp mà những suy nghĩ đen tối thoát ra thật súc tích từ những nhân vật ta không ngờ (một cách hoàn toàn thuyết phục), ta nghe vị tướng thốt lên: “Đàn ông thằng nào có tâm thì nhục. Tâm càng lớn càng nhục”. 

Vài trang sau thì ông đã không còn nữa. Đó là một bi kịch thật sự, nhưng chúng ta không cần nhấn mạnh thái quá từ “bi kịch” khi đọc truyện ngắn này hay bất kỳ truyện nào của Nguyễn Huy Thiệp.

Một khía cạnh khác trong sự hấp dẫn của nhà văn với độc giả nước ngoài chắc chắn là cách kể hạ thấp vấn đề và một thứ hài hước đen tối. 

Trên hết, Nguyễn Huy Thiệp là một bậc thầy của nghệ thuật hài hước hiện sinh, trớ trêu hiện sinh và cả bi kịch hiện sinh - những tình thế mà chúng ta cười không phải vì một câu đùa hay vì những sự kiện buồn cười, mà thật lạ lùng, ta đang cười khẩy vào chính cuộc đời, vào tình thế của những kẻ làm người.

Một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp trong “những năm hoàng kim” của ông, năm 1980 và đầu năm 1990, đã được dịch sang tiếng Anh và các thứ tiếng khác. 

Và tôi tin rằng sau khi ông qua đời, sẽ còn nhiều tác phẩm nữa được dịch. Thách thức bây giờ với các thế hệ độc giả Việt Nam trẻ là đến được với những tác phẩm đấy. Và với lớp nhà văn Việt Nam sắp tới là học từ đấy những bài học - những bài học của một nhà hài hước hiện sinh, một người quan sát cuộc đời mà rõ ràng trong đó chẳng có gì xa lạ với ông và một bậc thầy về hạ thấp cảm xúc.

Tôi tin chắc rằng còn rất lâu nữa sau khi Nguyễn Huy Thiệp đã qua đời, cả người nước ngoài lẫn người Việt Nam sẽ tiếp tục khám phá và khám phá lại “hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp”: thứ đối thoại bằng phẳng mà lay động, thứ ngôn ngữ nói súc tích - trong đó, điều thứ hai rốt cuộc không chỉ khiến tiếng Việt khó như thế với người nước ngoài mà còn đẹp đẽ và đầy ẩn tình với chính người Việt Nam.

HẢI MINH (dịch)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận