TTCT - 5 năm, họa sĩ sinh năm 1984 Nguyễn Quốc Dân có bốn triển lãm cá nhân, tất cả xoay quanh dòng tranh phi lập thể. Quyết liệt theo đuổi lối vẽ riêng, triển lãm nào của anh cũng mang đến bất ngờ. Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân bên các tác phẩm của mình Những “xưởng vẽ” độc đáo Cuối tháng 3, Nguyễn Quốc Dân gây tò mò cho những người theo dõi anh trên Facebook khi hé lộ về triển lãm riêng lần thứ tư. Đầu tiên là hình ảnh về địa điểm mà Dân gọi là “xưởng vẽ” ở 12 Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM). Khi Dân tìm đến đây, nơi này đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, anh phải dọn dẹp, sơn sửa để có thể sử dụng trong khoảng hai tháng. Đằng sau “xưởng vẽ” kiêm không gian triển lãm lạ này là câu chuyện xúc động. Người “tài trợ” địa điểm rộng tới 300m2 này để Dân giới thiệu tác phẩm của mình với công chúng là một ông lão bán trà sữa mỗi tối bên hông Nhà hát TP.HCM. Ông tên là Phạm Công Trương. Nhiều năm biết nhau qua những buổi tối mà người bán trà sữa và người vẽ ký họa đêm đôi khi cùng nhau nghêu ngao ca hát, ông Trương cảm nhận được sự hào sảng, chân tình, tư cách đàng hoàng và khí chất nghệ sĩ của chàng họa sĩ mê vẽ “cuồng điên”. Biết có một địa điểm độc đáo đang để trống, chuẩn bị đập bỏ để chuyển đổi chức năng sử dụng, ông bỏ tiền thuê lại để Dân làm “xưởng vẽ” và triển lãm. Kết quả là trong một thời gian ngắn, không gian trống ở mặt tiền con phố đi bộ nhộn nhịp được cải tạo thành một phòng tranh lớn độc nhất vô nhị. “Tôi trân trọng và biết ơn bố Trương vì cách bố làm. Chỉ bán hàng vỉa hè mà bố vẫn dám bỏ một khoản kinh phí lớn cho tôi triển lãm ở một nơi không tưởng, chỉ với mục đích là “làm nghệ thuật phải cho ra nghệ thuật mới đã - Nguyễn Quốc Dân xúc động nói về “nhà bảo trợ” nghệ thuật đặc biệt này - Bố là một nghệ sĩ hè phố giống như tôi”. Triển lãm lần thứ ba có chủ đề Phi lập thể - phấn của Dân dịp tết năm 2014 cũng ở một địa điểm lạ. Đó là tầng hầm một chung cư mini ở 36 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh. Phi lập thể - phấn đơn giản, chất liệu chỉ là những viên phấn màu bình thường được vẽ trên bảng đen. Dân và những người bạn chọn cách triển lãm chưa có tiền lệ là tường thuật trực tuyến trên các mạng xã hội để công chúng ở bất cứ đâu cũng có thể xem những bức họa thể hiện góc nhìn về cuộc sống hỗn độn, theo dõi quá trình họa sĩ tạo nên những tác phẩm phi lập thể từ phấn. Dòng tranh và lối vẽ Dân theo đuổi dẫn đến về sự khác lạ của xưởng vẽ. Khi êkip của Đài truyền hình NHK (Nhật Bản) đến TP.HCM để thực hiện phóng sự dài về anh và “trường phái” phi lập thể, họ khám phá nơi Dân sáng tác: khoảng công viên rộng mênh mông. Họ quay cảnh Dân vẽ, đúng hơn là phun màu acrylic chằng chịt trên khung tranh căng vải bố rất lớn, nằm trên bãi cỏ. Những dây màu dày cộm đan xen hoặc ngắt quãng tuôn ra theo cảm xúc. Trong một giờ để hoàn thành bức tranh, họa sĩ phải tốn rất nhiều sức lực. Tranh Nguyễn Quốc Dân Cảm xúc tuôn trào qua những dây màu Khi quyết định thực hiện Phi lập thể - chân dung trong một tháng ròng, Dân lao vào vẽ như thể bao nhiêu năng lượng dồn hết vào những tấm toan và những dây màu. Đối diện với 14 tác phẩm khổ lớn sẽ trưng bày trong triển lãm mới nhất của Nguyễn Quốc Dân mang tên Phi lập thể - chân dung (*), người xem dễ choáng ngợp không chỉ vì kích thước tranh dài - rộng tới vài mét mà còn vì cảm xúc dồn nén của nghệ sĩ đặt vào đó và lối thể hiện khác lạ. Anh vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên toan vải bố và dùng cọ vẽ theo cách thông thường chứ không phun màu acrylic như trước, nhưng đó vẫn là những dây màu “phi mảng, phi khối”, không vờn bóng. Triển lãm lần thứ tư thể hiện cảm xúc tuôn trào dữ dội hơn của Quốc Dân qua những dây màu. Tranh Nguyễn Quốc Dân Anh lột tả những cảnh đời khác nhau mà như nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh nhận xét: “Tóe lóe sắc màu và tan tác thân phận”. Nhưng “Đây cũng là cảm xúc, là câu chuyện nội tâm của chính tôi lúc này, được thể hiện thông qua biểu cảm chân dung của các nhân vật” - anh nói. Đã làm được một việc hiếm có trong nghề là tổ chức bốn triển lãm cá nhân liên tiếp ngay sau khi tốt nghiệp, với hai lần đầu ở Trường ĐH Mỹ thuật và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, vậy mà Nguyễn Quốc Dân chưa bao giờ bán tranh, nay vẫn làm nhiều việc khác nhau để nuôi nghề. Một trong nhiều việc Dân làm là thực hiện phần mỹ thuật và nhận diện thương hiệu cho chương trình nghệ thuật tổng hợp rất thành công ở Sài Gòn là À Ố Show, nhưng anh không trưng tên mình ở đó. Hỏi anh có ý định thương mại hóa những tác phẩm của mình trong thời gian tới, Dân nói: “Bây giờ thì chưa. Tôi vẫn chưa vợ, chưa con, thấy mình chưa cần cuốn theo đồng tiền bát gạo, cuốn theo định mệnh của kiếp người. Hội họa suy cho cùng là cá thể quyết định hồn cốt của tác phẩm, nên tôi muốn giữ mình trước sức hút đồng tiền và cứ vô tư sống trước đã”. Nguyễn Quốc Dân đến với hội họa từ khi còn rất nhỏ, từ những năm tháng tuổi thơ đầy gian truân tại Duy Xuyên, Quảng Nam. Năm 3 tuổi, mẹ dắt anh rời quê đến một nơi xa lạ, ở đó với tuổi thơ không nhà cửa, ngủ bờ bụi, gầm cầu, công viên, chợ... “Bảy năm ấy tôi đi khắp nơi kiếm sống với mẹ, làm đủ việc, bán báo, bán trà đá, rửa chén, lau chùi quét dọn... Đôi lúc túng quẫn phải ăn xin, thậm chí trộm vặt đồ chơi và thức ăn để sống qua ngày. Những cuộc đánh nhau chỉ vì tranh địa bàn của những thằng nhỏ bụi đời khác khiến tôi phải trả giá bằng máu. Khi ấy hội họa vẫn xa xỉ đối với tôi” - Dân nhớ lại. 10 tuổi, Dân trở về quê. Vì quá nghèo và sức khỏe yếu nên mẹ anh phải vào sống trong trại xã hội, Dân được gửi vào trại mồ côi Hội An để được tiếp tục ăn học. “Hội An thơ mộng và đầy cuốn hút. Tôi phải lòng với hội họa từ đó, năm lớp 3 bắt đầu cầm giấy bút đi vẽ ngoài đường. Tôi học vẽ chuyên nghiệp khi lên lớp 7 nhờ được hai ông bà Tây phát hiện và tài trợ học phí đến lớp 12 - Dân kể - Khi được tự do trong cách nghĩ, không bị ràng buộc bởi điều gì, tôi vẽ như để trút bỏ gánh nặng, buồn phiền. Tôi xem vẽ là niềm vui hằng ngày nên trong phòng vẽ của mình khi đó tôi vẽ đủ thể loại, về những gì đã trải qua và những gì xuất hiện trong giấc mơ”. Hết lớp 12 Quốc Dân rời trại mồ côi, đi làm nhiều nghề để kiếm sống, sau đó trở thành sinh viên khoa hội họa (ĐH Mỹ thuật) và nghiên cứu về phi lập thể. Anh còn có những bức “tranh số” (non-cubism digital painting) với sự kết hợp rất lạ của những dây màu chạy ngẫu hứng trên ảnh chụp. Những tác phẩm này có hình tượng chủ thể là thiên tài hội họa Picasso - cha đẻ của trường phái lập thể. “Đây là một dự án hội họa khác nhưng vẫn là phi lập thể, chứa đựng nhiều suy tư của tôi. Tôi sẽ cố gắng thực hiện cho bằng được dự án này” - Dân tin tưởng.■ Tranh Nguyễn Quốc Dân Tranh Nguyễn Quốc Dân Tranh Nguyễn Quốc Dân (*): Phi lập thể - Chân dung diễn ra từ 27-4 đến 5-5-2016, với 14 tác phẩm lột tả cái tĩnh lặng, buồn chán, si mê, cuồng nhiệt... của từng nhân vật, thể hiện bằng thủ pháp dây màu liên hoàn hay ngắt quãng. Dây màu, đoạn màu, đường màu và nét màu làm nền tảng sáng tác, cùng sự liên kết của màu sắc nguyên bản, bút pháp hòa trộn ngẫu nhiên. Tags: Nguyễn Quốc DânTranh phi lập thể
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Hàng không, dịch vụ chạy đua vào sân bay Long Thành CÔNG TRUNG 23/11/2024 Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang chạy đua với thời gian để hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2026. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không và phi hàng không cũng gấp rút chuẩn bị cho cuộc đua mới tại sân bay Long Thành.
Khám chữa bệnh từ xa, tại nhà được bảo hiểm chi trả: Làm sao để hiệu quả cao nhất? THÀNH CHUNG 23/11/2024 Dự kiến cuối tháng 11 này, dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được Quốc hội thông qua, kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người tham gia BHYT mà người dân đang rất quan tâm.
Cô ơi, nhờ có cô con mới biết đến học bổng Tiếp sức đến trường NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG (GIÁO VIÊN) 23/11/2024 Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Phượng đã gửi đến Tuổi Trẻ lời cảm ơn của mình, sau khi cô nhận được lời cảm ơn của một học trò vừa nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2024.
Ông Trump chọn tỉ phú Scott Bessent làm bộ trưởng tài chính THANH BÌNH 23/11/2024 Ngày 22-11, Tổng thống đắc cử Donald Trump thông báo chọn tỉ phú Scott Bessent làm bộ trưởng tài chính trong nội các sắp tới của ông.