Nguyễn Thị Oanh và tiền lương viên chức

HUY THỌ 19/05/2023 10:59 GMT+7

TTCT - Vận động viên đỉnh cao thường cũng là người nổi tiếng. Họ lẽ ra phải sống được mà không cần đồng lương viên chức.

Nhiều người thổn thức khi biết thông tin cô gái vàng của điền kinh Việt Nam Nguyễn Thị Oanh nhận lương 7 triệu đồng/tháng. Nhưng ca sĩ Đức Tuấn lại cười bảo: Tôi còn không có đồng lương nào…

Nguyễn Thị Oanh trên đường chạy cự ly 10.000m. Ảnh: NAM TRẦN

Nguyễn Thị Oanh trên đường chạy cự ly 10.000m. Ảnh: NAM TRẦN

Những ngày vừa qua, cái tên Nguyễn Thị Oanh xuất hiện dày đặc trên truyền thông, từ báo chí chính thống đến cõi "phây". Ai ai cũng xúc động, tự hào khi chứng kiến những bước chạy đáng kinh ngạc của cô gái "bé hạt tiêu" này, và từ thành tích cũng như sự nghiệp của Oanh, đã có nhiều câu chuyện mở ra.

Những bước chạy đổi đời

Ông Nguyễn Văn Chuyền, bố của Oanh, kể chuyện nhà mình: Nhà ông có 100 gốc vải, mỗi mùa thu hoạch được tầm 5 tấn. Cả gia đình 10 miệng ăn trông cả vào đấy. Bây giờ con cái lớn cả rồi, nên mọi chuyện có đỡ khổ hơn. 

Nhưng nhìn ngôi nhà nhỏ bé, khá xập xệ mà bốn vách treo kín bằng khen với huy chương của Oanh, có thể hình dung khi con cái còn nhỏ, họ đã có một cuộc sống khá chật vật. Chẳng thế mà ông Chuyền - một cựu binh của Quân khu 9 cao xấp xỉ 1,80m, và vợ ông cao trên 1,60m, nhưng cô con gái áp út Oanh "ỉn" (biệt danh do cô cầm tinh Ất Hợi 1995) chỉ 1,53m. 

Cả ông Chuyền lẫn bà Hưởng, mẹ Oanh, đều thừa nhận "ngày còn bé, nó có gì ăn ngoài khoai với sắn".

Nhưng trời cho Oanh một trái tim đam mê thể thao, cùng tố chất và ý chí phù hợp với chạy. Những điều ấy đã được HLV Trần Văn Sỹ nhận ra khi quan sát cô tại một giải chạy học sinh. Và thế là Oanh đổi đời.

Tôi tự hỏi, nếu Oanh không chạy thì cô sẽ làm gì? Ắt cũng là một cô nông dân, đến mùa vải thiều lại gánh gánh gồng gồng mang vải đi bán kiếm ít tiền sống qua ngày.

Oanh thẳng thắn nhìn nhận là mình may mắn nhiều lắm. Ví dụ, nếu ở SEA Games 32 này, ông điều hành môn điền kinh người Ấn Độ không đổi lịch thi đấu, cứ để cô 4 ngày chạy 4 cự ly như ban đầu thì cô chắc cũng giành đủ 4 HCV, nhưng sẽ khó nổi như cồn. 

Chính cái lịch thay đổi với thời gian thi đấu nghiệt ngã đã giúp Oanh tạo ra cơn sóng thần cảm xúc, đẩy cô vượt lên.

Năm 1997, sau SEA Games ở Jakarta, tôi đã viết một bài, thống kê về câu chuyện thể thao đỉnh cao Việt Nam là nơi để các VĐV con nhà nghèo, ở nông thôn mong đổi đời, thì nay vẫn vậy. Ông Nguyễn Nam Nhân, phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, thừa nhận: Phần lớn VĐV thể thao đỉnh cao của TP.HCM là chiêu mộ từ các vùng nông thôn ở những địa phương khác về.

Thể thao đỉnh cao là không cần lương nhà nước

Trong cuộc giao lưu với Nguyễn Thị Oanh tại Nhà văn hóa Thanh niên chiều 14-5, có ca sĩ Đức Tuấn và CEO của hãng giày dép Biti's Vưu Lệ Quyên. Khi tôi kể câu chuyện nhiều người đã thổn thức trước thông tin cô gái vàng Nguyễn Thị Oanh chỉ nhận 7 triệu đồng tiền lương mỗi tháng, Đức Tuấn cười và nói vui: Thế là Oanh hơn tôi rồi! Tôi đâu có đồng lương nào đâu…

Thực tế đúng vậy thật. Đức Tuấn cũng như nhiều ca sĩ thành danh khác, họ đâu sống bằng đồng lương nhà nước.

Nhân đang nghĩ về câu chuyện thể thao phải bắt nguồn từ trường học, đầu tuần tôi nhận được thông tin thú vị từ một vị nguyên tổng cục phó Tổng cục TDTT Việt Nam. Ông cho biết: Năm 2015, tôi được cử tham gia Hội thể thao học sinh Việt Nam với chức danh phó chủ tịch. Cuối tuần rồi, tôi được triệu tập ra Hà Nội tham dự Đại hội hội thể thao học sinh để bầu lại ban chấp hành mới. Trong khoảng thời gian 8 năm (lý do nhiệm kỳ kéo dài được lý giải vì dịch bệnh), không hề có một cuộc họp nào. Vậy mà vẫn có báo cáo hoành tráng mới tài!

Oanh hiện là viên chức nhà nước ở Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Giang, và xét trong mối tương quan với nhiều ngành nghề khác, lương cô không phải là thấp. Tôi biết có một tiến sĩ, học ở Hàn Quốc về đàng hoàng, công tác tại Viện Vật lý với mức lương chưa đến 5 triệu đồng. 

Trong đợt đại dịch COVID-19, chúng ta cũng đã nghe rất nhiều chuyện y bác sĩ nhận những mức lương thấp đến kỳ quặc ra sao. Tuy nhiên điều thú vị ở nước ta là thế, lương tuy rất thấp nhưng ai cũng sống được. 

Như Oanh vậy, làm gì có chuyện cuộc sống của cô dựa hoàn toàn vào lương. Oanh phải bươn chải bán hàng online, hùn hạp mở cửa hàng dụng cụ thể dục thể thao...

Tôi hỏi bà Vưu Lệ Quyên rằng Biti's từng nổi đình đám qua hợp đồng lớn với một ca sĩ trẻ ăn khách để quảng bá sản phẩm, vậy có khả năng những VĐV như Oanh có được hợp đồng tương xứng với tài năng và tên tuổi mà cô đã tạo ra được? 

Bà Quyên cười nói: Chúng tôi yêu quý những con người tài năng, nghị lực như Oanh lắm (bà đã tặng Oanh 200 triệu đồng sau SEA Games 32), nhưng trong làm ăn thì chúng tôi phải tính toán đến hiệu quả. Khi nào người Việt yêu thích những VĐV thể thao như các ngôi sao ca nhạc, giới showbiz nói chung thì khi ấy VĐV thể thao sẽ sống được bằng quảng cáo…

Vâng, Oanh đâu phải là một VĐV chỉ mới nổi ở SEA Games 32. Trước khi đến Campuchia, cô đã là chủ nhân của 8 HCV SEA Games, đã hai năm được bầu chọn là VĐV xuất sắc nhất Việt Nam, nhưng thử hỏi đã mấy ai quan tâm đến cô? 

Xúc động dâng trào là bởi người ta cho rằng cô bị ép ở SEA Games vì lịch thi đấu nghiệt ngã, và cô đã vượt qua. Từ đó, hàng loạt tính từ tuôn trào, đẩy Oanh lên đỉnh cao. Nhưng cái đỉnh cao ấy liệu tồn tại được bao lâu? Không khéo tháng sau người ta lại quên mất Oanh không chừng.

Câu chuyện giống như bóng đá nữ vậy. Khi bất bình với bóng đá nam, người ta tụng ca bóng đá nữ lên mây. Nhưng khi các cô đá bóng, chẳng mấy ai vào sân xem. Mà khán đài bóng đá nữ vắng khán giả thì làm sao doanh nghiệp rót tiền nhiều vào được. 

Doanh nghiệp không rót tiền thì thu nhập các cô làm sao cao? Khi ấy họ đành phải nhìn vào chế độ còm cõi của Nhà nước, và đành chịu thôi.

Muốn VĐV thể thao đỉnh cao không cần sống bằng lương, trước tiên người Việt phải thật sự yêu thể thao, để rồi có một thị trường thể thao thật sự.

Thay đổi từ gốc

Một cựu lãnh đạo Tổng cục TDTT kể: Trong chuyến sang Tây Ban Nha làm việc, ký kết hợp tác phát triển thể thao, tôi được nghe rằng khi tay vợt Nadal còn trẻ, bắt đầu thành danh thì mỗi năm Chính phủ Tây Ban Nha cấp cho anh khoản học bổng 80.000 USD, chả ăn thua gì với một siêu sao tầm cỡ thế giới như anh. 

Để so sánh, tiền ngân sách đầu tư cho Ánh Viên mỗi năm có lúc lên tới 200.000 USD, như trong thời gian cô tập luyện dài hạn ở Mỹ. Nói về ngân sách nhà nước chi cho thể thao, Việt Nam không hề thấp. Nhưng đó là một cách làm không đúng, cần phải thay đổi: Thể thao phải sống được bằng nguồn lực xã hội.

Muốn thế thì phải thay đổi cả cách thức vận hành bộ máy thể thao, trước hết là từ giáo dục thể chất và thể thao trường học. Trong nhà trường, học sinh phải được chơi, được tập những môn mình yêu thích miễn phí. 

Nhưng, trách nhiệm của nhà trường (tư thục), nhà nước (trường công lập) chỉ đến thế thôi. Phụ huynh nào muốn con mình chơi giỏi, xin mời đóng tiền tham gia các CLB, các lò tư nhân để thuê HLV. Các lò tư nhân, CLB nếu phát hiện con bạn có tố chất, năng khiếu, họ sẽ đề nghị ký hợp đồng để đầu tư… 

Cứ thế, khi con bạn gặt hái thành công trên con đường thể thao, tiền tài trợ, quảng cáo cho các thương hiệu sẽ chạy đến. Không thành công trong thể thao đỉnh cao, con bạn vẫn tiếp tục con đường học vấn, trở thành một người lao động bình thường trong xã hội chứ không rơi vào trường hợp "được ăn cả ngã về không" như thể thao Việt Nam! ■

"Trả lương bao nhiêu cho Lê Quang Liêm đây?"

Trên trang cá nhân của mình, tổng thư ký Liên đoàn Cờ vua Việt Nam nêu ra câu hỏi trên, khi vào đầu tháng 5-2023, đại kiện tướng Lê Quang Liêm được FIDE (Liên đoàn Cờ vua thế giới) cấp giấy chứng nhận HLV cấp cao nhất của tổ chức này.

Được biết, trong lịch sử 100 năm của FIDE, chỉ có 236 kỳ thủ được cấp chứng chỉ này. Từ xưa đến nay, các chuyên gia nước ngoài được thuê làm HLV đội tuyển cờ vua Việt Nam chưa ai có chứng chỉ này, và mức lương mà Việt Nam trả cho họ dao động trong khoảng 2.000 - 3.000 USD/tháng.

Còn tầm HLV đã có chứng chỉ cao cấp như Liêm, muốn thuê, mức lương không thể dưới 10.000 USD/tháng. Đây là con số không tưởng với Liên đoàn Cờ vua Việt Nam. Dĩ nhiên, nếu có tiền cũng đừng mong (và bắt) Liêm về, khi anh đang có công việc rất tốt và ổn định là làm HLV đội cờ vua của Trường đại học Webster - một đội rất mạnh ở Mỹ!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận