Nhà máy tái chế Hollywood

HIẾU TRUNG 14/03/2011 11:03 GMT+7

TTCT - Sự sáng tạo và độc đáo đang dần trở thành “sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng” tại Hollywood khi các hãng phim “say mồi” chạy theo phần kế tiếp và đối xử tệ bạc với những ý tưởng mới.

Phóng to
Cảnh trong phim Transformers (Người máy biến hình)

Theo ước tính của trang web điện ảnh Boxofficemojo.com, trong năm 2011 Hollywood sẽ tung ra ít nhất 27 phim phần kế tiếp, phần trước và chuyển thể, một con số chưa từng thấy ở kinh đô điện ảnh Mỹ.

Kỷ lục cũ là 24 phim vào năm 2003. Trong số đó có năm “phần 4” như Mission impossible: Ghost protocol (Điệp vụ bất khả thi: Nghi thức ma) hay Pirates of the Caribbean: On stranger tides (Cướp biển vùng Caribbean: Trên những con sóng lạ), và năm “phần 5” như Fast five (Băng cướp tốc độ 5), Final destination 5 (Tử thần dẫn lối 5) hay X-men: First class (Nguồn gốc dị nhân).

Đó đều là những con số kỷ lục mới tại Hollywood. Trong năm 2010 chỉ có 19 phim kiểu này, nhưng bốn trên tổng số năm phim đạt doanh thu cao nhất tại Mỹ đều là phần kế tiếp của những loạt phim nổi tiếng: Harry Potter, Twilight (Chạng vạng), Iron man (Người sắt) và Toy story (Câu chuyện đồ chơi). Một loạt phần kế tiếp và chuyển thể cũng đạt thành công lớn về thương mại trong năm 2010.

Trên thực tế, nhiều năm qua các hãng phim Hollywood luôn lựa chọn giải pháp đầu tư an toàn nhất: những dự án phim dựa trên các nhãn hiệu sẵn có, từ các phim cũ cho đến sách, truyện tranh, trò chơi điện tử, đồ chơi... Và xu hướng này vẫn đang tiếp diễn.

“Chúng tôi từng sản xuất đồ chơi dựa trên phim, nhưng giờ chúng tôi sản xuất phim dựa trên đồ chơi - báo Los Angeles Times dẫn lời bà Nina Jacobson, cựu giám đốc sản xuất của Hãng phim Disney - Trong quá khứ, chúng tôi là những chuyên gia sáng chế các sản phẩm có bản quyền, nhưng giờ trở thành nhà máy tái chế chúng”.

Cũng chính vì vậy mà ngay cả những nhà biên kịch xuất sắc nhất tại Hollywood như Steven Zaillian, tác giả kịch bản phim đoạt giải Oscar Schindler’s list (Danh sách của Schindler) hay Akiva Goldsman, tác giả kịch bản A beautiful mind (Một tâm hồn đẹp), cũng trở thành những “chuyên gia tái chế” thay vì tự nghĩ ra những ý tưởng mới.

Ông Zaillian mới viết kịch bản chuyển thể từ truyện The girl with the dragon tattoo (Cô gái có hình xăm rồng) của nhà văn Thụy Điển Stieg Larsson, còn ông Goldsman đang viết kịch bản dựa trên cuốn The dark tower (Tòa tháp tối) của bậc thầy truyện kinh dị Stephen King.

Trong khi đó, Hollywood tỏ ra rất e dè đối với những kịch bản hoàn toàn mới. Trong số các phim tranh giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất của Oscar 2011, Inception (Khởi nguồn) của đạo diễn Christopher Nolan mất 10 năm mới lên được màn ảnh lớn, trong khi The kids are all right (Lũ trẻ đều đúng) và The fighter (Đấu sĩ) cũng phải mất năm năm.

Los Angeles Times cho biết với trường hợp của The fighter, ban đầu các nhà làm phim muốn sản xuất với kinh phí 70 triệu USD và mời ngôi sao Brad Pitt thủ vai chính. Nhưng các hãng phim đều lắc đầu từ chối vì sợ câu chuyện không ăn khách. Mãi đến khi kinh phí dự kiến bị cắt xuống còn 25 triệu USD thì The fighter mới được bật đèn xanh.

Vì vậy, các hãng phim muốn dựa vào các nhãn hiệu sẵn có, đã được nhiều người biết đến để làm phim nhằm đảm bảo khoản đầu tư của mình sẽ có lãi.

Harry Potter là một nhãn hiệu bởi đó là loạt truyện cực kỳ ăn khách. Iron man là một nhãn hiệu bởi nó là truyện tranh. Transformers (Người máy biến hình) là một nhãn hiệu bởi nó là đồ chơi. Phần kế tiếp và phim làm lại cũng là nhãn hiệu. Còn Inception trước khi ra mắt thì chẳng phải là nhãn hiệu gì cả. Hoàn toàn dễ hiểu.

Nhưng nếu xu hướng này cứ kéo dài thì Hollywood sẽ trở thành cái gì? Một nhà máy tái chế khổng lồ chăng?

Trong thời đại “phim bom tấn” hiện nay, chi phí để quảng cáo phim thường lên tới 40-50 triệu USD/phim. Theo Los Angeles Times, các hãng phim đã đổ ra tới 1 tỉ USD chỉ để quảng bá các phim ra mắt trong dịp hè 2009. Do tiền đầu tư quá lớn, vấn đề đầu tiên đối với các hãng phim không phải là phim có hay không, mà là phim có dễ bán không.

Phim hay dành cho đối tượng khán giả nghiêm túc thường kiếm tiền chậm hơn phim giải trí đại chúng, thường được các bài phê bình và lời truyền miệng của khán giả hỗ trợ. Mà các chuyên gia tiếp thị thì không thể tạo ra các yếu tố đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận