Nhà vô địch cũng là người thường

HẢI MINH 19/10/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Trong hành động thể hiện cả sự quả cảm lẫn dễ tổn thương, nhiều siêu sao thể thao đã công khai lên tiếng về các vấn đề sức khỏe tâm lý của mình và tuyên bố rút lui, thậm chí kể cả trước một cơ hội giành HCV Olympic, như cô gái vàng của thể dục dụng cụ Mỹ Simone Biles vừa làm ở Thế vận hội Tokyo vừa rồi.

Những quyết định như vậy đã dẫn tới sự thay đổi quan trọng trong nhận thức của cả giới chuyên môn lẫn công chúng nói chung về sức khỏe tâm lý của VĐV thể thao đỉnh cao. 

Ảnh: hbr.org

 

Nói ví dụ, tờ New York Times ngày 28-7 giật tít cho một bài thu hút hơn 1.500 bình luận: “Simon Biles chối bỏ truyền thống lâu đời của chủ nghĩa khắc kỷ trong thể thao”, kèm bình luận: “Biles được đón nhận rộng rãi bởi là VĐV thể thao đỉnh cao gần đây nhất đủ can đảm để thừa nhận sự yếu đuối của mình”.

Thật vậy, kỳ vọng đặt nơi những ngôi sao thể thao luôn rất lớn: sự trông đợi từ người hâm mộ, giới chức thể thao, nhà tài trợ, và đôi khi cả những quốc gia, rằng họ phải thi đấu tốt nhất, không ngừng tốt hơn, và phải chiến thắng, trong khi sự nghiệp vốn ngắn ngủi của họ có thể kết thúc bất cứ lúc nào chỉ với một chấn thương ngoài ý muốn.

Nói tới những chấn thương thể chất, không hề có điều tiếng gì nếu một VĐV phải nghỉ đấu hoặc bỏ cuộc giữa chừng vì rạn xương mắt cá, căng dây chằng đầu gối, hay trật khớp tay. 

Những chấn thương đó rõ ràng, nhìn thấy được, và vì vậy dễ thông cảm. Nhưng nếu họ cần phải nghỉ ngơi một thời gian, hoặc thậm chí là muốn giải nghệ, vì những vấn đề tâm lý thì sao?

Trầm cảm, lo lắng, căng thẳng quá độ... không dễ chẩn đoán bằng chụp X-quang hay MRI, nhưng cũng nguy hại không kém. 

Và dù các hội chứng tâm lý đó có thể diễn ra với bất kỳ ai, với VĐV thể thao đỉnh cao, nó là một vấn đề lớn hơn hẳn. 

Thử hình dung nhiều ngày tháng lầm lũi tập luyện, rồi áp lực phải là một tính cách lớn - của người chiến binh, của kẻ chiến thắng, của nhà vô địch, sự xa cách gia đình, người thân, và một đời sống xã hội hầu như chỉ gói gọn ở nơi tập luyện và thi đấu (trong sự khắc nghiệt của thể thao đỉnh cao hiện đại, nếu muốn chiến thắng, bạn gần như chắc chắn phải quên đi gia đình, bạn bè, hay những thú vui giản đơn của mình, ít ra là trong một thời gian dài).

“VĐV cũng là người”, tiến sĩ bác sĩ tâm lý của Bệnh viện Đa khoa Cleveland, Mỹ, Matthew Sacco nói trên trang chủ của bệnh viện này clevelandandclinic.org, ngay sau biến cố Biles. 

“Họ cũng phải vật lộn với những vấn đề tâm lý như tất cả chúng ta. Họ không miễn nhiễm với những căng thẳng của đời sống”.

Tuy nhiên, lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ hay cảm thông có thể là rất khó khăn với một số người, nhất là những ai đã trở thành một biểu tượng quốc gia, như Biles. 

“Vì những VĐV thật mạnh mẽ trên sân đấu”, tiến sĩ Sacco phân tích. “Trong công chúng xuất hiện một cảm nhận sai lầm rằng họ có thể tự vượt qua hết. Họ không cần ai giúp”. 

Đúng là mọi thành công đều phải có đánh đổi, nhưng mọi sự đánh đổi đều có giới hạn của nó - và không ai hiểu điều đó hơn chính người đang phải chịu áp lực. Vì vậy, những lựa chọn cá nhân của VĐV, một khi đã được đưa ra, cần được tôn trọng.

Các chuyên gia tâm lý khuyến cáo không nên ép uổng VĐV có vấn đề về tâm lý thi đấu, dù họ có tài giỏi đến đâu, bởi những trục trặc trong sức khỏe tâm thần chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên thành tích. 

“Ở mức độ cơ bản nhất thì VĐV sẽ bị phân tâm”, tiến sĩ Sacco nói. Rồi sự phân tâm có thể khuếch đại thành những vấn đề tâm lý phức tạp hơn khi VĐV thất bại, càng khiến thành tích của họ tệ hơn, và vòng xoáy đó không ngừng lại tới khi họ được giúp đỡ hay phải bỏ cuộc. 

Thi đấu trong tình trạng trầm cảm cũng rất nguy hiểm, đôi khi là tới tính mạng, như trường hợp môn thể dục dụng cụ hay trượt tuyết đổ đèo chẳng hạn.

Lời khuyên cho các HLV là hãy chú ý tới những biểu hiện bất an tâm lý ở VĐV của mình: rối loạn giấc ngủ, cáu gắt, tâm trạng thay đổi, thay đổi thói quen ăn uống... 

Các HLV đã được khuyến cáo không nên bỏ mặc hay chỉ đơn giản yêu cầu VĐV “vượt qua đi”. 

Họ cần bỏ thời gian lắng nghe VĐV, trao đổi thẳng thắn mọi chuyện với nhau, và sẽ luôn tốt hơn nếu như có sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận