TTCT - Hình ảnh của những đứa trẻ rơi nước mắt vì đau đớn, hay những cựu vận động viên trả giá đắt cho cuộc đời hậu thể thao đang ngày càng trở nên khó chấp nhận với các giá trị mới về quyền con người. Những hình ảnh về việc ép uổng trẻ nhỏ khổ luyện thể thao lấy thành tích ở Trung Quốc đã gây ra nhiều phẫn nộ.-Ảnh: thesun.co.uk Từ những năm 1980, những hồi chuông cảnh báo về vấn đề về tính nhân văn và nhân quyền trong thể thao bắt đầu được gióng lên. Gò ép trẻ em khổ luyện, ép VĐV sử dụng doping và cả việc miễn cưỡng thi đấu ngay cả khi sức khỏe không tốt là ba vấn đề nổi cộm được tác giả Paulo David đề cập trong tác phẩm Quyền con người ở thể thao trẻ. Bài học từ quá khứ Đất nước đầu tiên ghi dấu ấn về việc thiết lập chính sách, luật lệ bảo vệ quyền lợi cho VĐV là Thụy Sĩ. Năm 1988, Hiến chương Geneva ra đời bao gồm nhiều quy định như giới hạn thời lượng tập luyện trong ngày, VĐV có quyền xin nghỉ ngơi và từ chối sử dụng các loại thuốc cấm. Trong tinh thần đó, các trường học, lò đào tạo thể thao ở Thụy Sĩ nhấn mạnh việc họ không đặt mục tiêu huy chương là tối thượng với các VĐV trẻ, thay vào đó chỉ là phát triển sức khỏe thể chất. Mọi yếu tố làm sa sút sức khỏe của VĐV, tiềm ẩn những nguy cơ bệnh tật trong tương lai đều bị loại bỏ. Hiến chương Geneva là kết quả từ cuộc đấu tranh không ngừng của các nhà hoạt động nhân quyền khi họ chứng kiến các vụ bê bối doping cũng như những câu chuyện về việc ép cân khổ luyện hồi thập niên 1980. Hai liên đoàn thể thao thế giới đầu tiên lên tiếng về chuyện này là quần vợt và thể dục dụng cụ. Đến những năm 1990, nhân quyền trong thể thao đã trở thành điều bắt buộc. Hàng loạt tổ chức bảo vệ quyền lợi trẻ em của Anh và Mỹ can thiệp vào các hoạt động thể thao để đòi hỏi sự bảo vệ tốt hơn cho VĐV trẻ. Không chỉ chống lại doping hay khổ luyện, các tổ chức nhân quyền còn đòi hỏi các liên đoàn thể thao phải nghiên cứu để giảm nguy cơ chấn thương, phòng chống bệnh tật, cải thiện điều kiện tập luyện để giúp VĐV có được thể trạng tốt nhất. Đi đầu là Hiệp hội Bóng đá Anh và Đơn vị bảo vệ trẻ trong thể thao (CPSU). Nhưng bất chấp những nỗ lực của các tổ chức nhân quyền, việc cưỡng ép VĐV làm mọi chuyện để chiến thắng vẫn diễn ra ở một số quốc gia. Đông Đức từng được xem là nơi kinh khủng nhất. Giai đoạn những năm 1970-1980 bùng nổ việc chính phủ Đông Đức cho VĐV sử dụng doping một cách có hệ thống. Tệ hơn, các VĐV bị lừa dối khi họ được thông báo đó là vitamin, thuốc da liễu... Những tài liệu được thu thập sau này, cùng lời khai của các VĐV cho thấy có khoảng 10.000 VĐV đã được cho sử dụng doping dưới những hình thức khác nhau, trong đó có khoảng 1.000 trường hợp thực sự nghiêm trọng. Hàng loạt câu chuyện bi thương xảy ra, trong đó có những câu chuyện nghe rùng rợn như của Andreas Krieger, người mà ban đầu là... Heidi Krieger. Heidi là một phụ nữ, sớm thể hiện năng khiếu ném tạ và từ năm 16 tuổi, cô được HLV cho dùng anabolic steroid - một loại dẫn chất hormone nam giới - với liều lượng khủng khiếp, 2.600mg/năm. Chỉ hai năm sau, cơ thể Heidi bộc phát những chuyển biến sinh học. Việc tiếp tục sử dụng anabolic steroid trong một thời gian dài khiến cơ thể của cô ngày càng giống nam giới và đến năm 31 tuổi, Heidi buộc phải phẫu thuật chuyển đổi giới tính, trở thành “Andreas” một cách bất đắc dĩ. Câu chuyện của Heidi trở thành một ví dụ điển hình cho chính sách tàn nhẫn, bất chấp tất cả để giành huy chương của thể thao Đông Đức. Những hình ảnh tàn nhẫn Nhiều năm sau các cuộc đấu tranh chống lại việc cưỡng ép VĐV tàn tệ ở phương Tây, Trung Quốc khiến làng hâm mộ thể thao thế giới dậy sóng phẫn nộ khi Hãng tin Barcroft cho đăng một phóng sự ảnh về những lò đào tạo nơi đây 5 năm trước. “Tàn nhẫn”, “dã man”, “mất nhân tính”... là bình luận của hầu hết độc giả khi xem những bức ảnh các HLV Trung Quốc cưỡng ép trẻ em khổ luyện như tra tấn qua việc bẻ oặt người, đạp lên chân, treo trẻ lên xà ngang, sử dụng roi vọt... Thật ra, phương thức khổ luyện của thể thao Trung Quốc đã nổi tiếng từ lâu. Khẩu hiệu “Vượt qua người Mỹ” được các quan chức, lãnh đạo, HLV ngành thể thao quốc gia này thực hiện một cách khắc nghiệt nhất. Hình ảnh của những cô cậu bé còm cõi, nhỏ choắt so với cái tuổi đang trưởng thành của đội thể dục dụng cụ Trung Quốc từ lâu đã bị nhiều người chỉ trích. Nhưng chùm ảnh lột tả sự thật bên trong các lò đào tạo của Barcroft thực sự khiến nhiều người chấn động, bao gồm chính người Trung Quốc. Hậu quả từ việc cưỡng ép VĐV trả mọi giá để đến với vinh quang rất rõ ràng. Nhiều VĐV Trung Quốc sau khi giải nghệ tỏ ra hối tiếc sâu sắc về quãng đời thể thao của mình. Wang Linwen, một cựu võ sĩ wushu, tiết lộ cô đã không được giáo dục đầy đủ trong các trường thể thao, dẫn tới việc “ngơ ngác” sau khi ra đời sau này. Kinh khủng hơn, nhiều VĐV chết yểu, những người khác lâm vào cảnh bệnh tật, cơ thể suy nhược trong cuộc đời hậu thể thao. Sau năm 1990, các cựu VĐV Đông Đức liên tiếp trình đơn kiện các HLV và quan chức thể thao đã cưỡng ép họ sử dụng doping, dẫn đến cuộc đời của họ sau này bị tổn hại nặng nề. Hàng loạt phiên tòa diễn ra và lần lượt những Heidi Krieger, Marie Kanitz... cùng hàng trăm VĐV khác ra làm chứng. Kết quả, Chính phủ Đức chấp nhận bồi thường cho các VĐV theo từng đợt. Hồi năm 2006, Chính phủ Đức từng hỗ trợ tổng số tiền hơn 1,5 triệu euro cho 167 người trong số các VĐV bất hạnh này, tức mỗi người nhận được 9.250 euro. Trước đó không lâu, 159 VĐV khác cũng nhận được số tiền 10.400 euro mỗi người. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thống nhất đất nước vào năm 2015, Chính phủ Đức chi ra một khoản tiền kỷ lục - lên đến 10,5 triệu euro để đền bù cho khoảng 1.000 VĐV khác.■ “Phụ nữ có thai tuyệt đối tránh các môn đối kháng” Trao đổi về vấn đề phụ nữ mang thai chơi thể thao, bác sĩ Võ Châu Duyên (trưởng đơn vị y học thể thao Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM) cho biết: “Thể thao trong thai kỳ giúp chị em nâng cao thể chất và tinh thần, tạo thuận lợi cho cuộc chuyển dạ và sinh em bé sau này. Vì vậy phụ nữ mang thai nói chung nên chơi thể thao, tuy nhiên có một vài lưu ý cho việc tập luyện trong thời gian mang thai: không chơi những môn thể thao đối kháng, không làm các động tác gập hoặc xoay bụng quá mức. Riêng đối với thể thao chuyên nghiệp, bạn vẫn có thể tập luyện và thi đấu với cường độ như trước khi mang thai ở ba tháng đầu. Nhưng đó là với các môn thể thao không có va chạm như đi bộ, bơi lội, đạp xe. Các môn đối kháng, có va chạm là tuyệt đối phải tránh vì những tổn thương vùng bụng sẽ rất nguy hiểm đến thai nhi, bất kể là trong giai đoạn nào của thai kỳ đi nữa”. BS VÕ CHÂU DUYÊN Phụ huynh Trung Quốc cũng chán nản Loạt phóng sự ảnh của Barcroft cùng phản ứng giận dữ của dư luận gây ảnh hưởng nặng nề đến các lò đào tạo thể thao. Chính các phụ huynh Trung Quốc cũng ngày càng “dị ứng” với các lò đào tạo thể thao này. Khảo sát từ Hãng tin Reuters hồi đầu năm 2017 cho thấy hàng loạt trường học, lò đào tạo thể thao Trung Quốc đã bị đóng cửa, với số lượng từ 3.687 của giai đoạn những năm 1990-2000 giảm còn 2.183. Cùng với chính sách một con và sự giàu lên của xã hội, dễ hiểu là các bậc phụ huynh Trung Quốc muốn con cái họ được giáo dục đầy đủ, thay vì theo đuổi con đường thể thao đầy rẫy sự khổ ải, tàn nhẫn. Tags: Nhân quyền và thể thaoÉp tập luyệnLò luyện thể thao
Chợ ế, siêu thị thưa khách 'không ngờ', do đâu? NGUYỄN TRÍ 18/02/2025 Nhiều người tiêu dùng cho biết thu nhập giảm nhưng giá một số mặt hàng thiết yếu vẫn cao.
Ông Zelensky tố Mỹ 'chiều lòng' Nga, nói sẵn sàng từ chức nếu cần để kết thúc chiến tranh NGỌC ĐỨC 18/02/2025 Tổng thống Ukraine khẳng định Mỹ đang cố gắng làm hài lòng Nga trong vấn đề Ukraine và nêu điều kiện để ông từ chức, bao gồm việc kết nạp Kiev vào NATO.
Giết người, trốn truy nã còn mở nhiều công ty vệ sĩ TẤN LỰC 18/02/2025 Trong lúc bị giam giữ vì tội trộm cắp tài sản, Đặng Đình Bình cùng đồng phạm đánh chết người trong trại giam rồi phá cửa bỏ trốn suốt 24 năm.
11 người Việt bị giam giữ, đòi tiền khi tìm cách vượt biên vào Mỹ THANH HIỀN 18/02/2025 Cảnh sát Mexico đã giải cứu 49 người, trong đó có 11 người Việt, bị giam giữ và đòi tiền khi tìm cách vượt biên vào Mỹ.