Nhiệm kỳ thứ 5 của ông Putin: Thù trong, giặc ngoài

DANH ĐỨC 29/03/2024 09:58 GMT+7

TTCT - Lẽ ra ông Vladimir Putin đã có một khởi đầu nhiệm kỳ mới mỹ mãn với thành tích 87,28% số phiếu bầu, bỏ xa các ứng cử viên khác. Thế nhưng, vụ khủng bố ở Matxcơva tối 23-3 đã làm đảo lộn tất cả.

Ảnh: The Wall Street Journal

Ảnh: The Wall Street Journal

Hồi 13h 21-3, Tổng thống tái cử Putin còn long trọng "phát biểu với các công dân Nga về kết quả cuộc bầu cử", chỉ 31 giờ sau, vào khoảng 20h 22-3, một nhóm khủng bố đã công khai xả súng vào hàng nghìn khán giả ngay trong nhà hát Crocus City Hall, ở ngoại ô Matxcơva, khiến ít nhất 139 người thiệt mạng.

Thù trong

Trưa 21-3, ông Putin, trong phát biểu về kết quả bầu cử, quả quyết rằng "cuộc bầu cử đã cho thấy nước Nga ngày nay là một gia đình lớn và gắn bó chặt chẽ". Thế nhưng trên thực tế bức tranh dân số Nga không thuần nhất. 

Bên cạnh dân thường trú, một số lượng lớn lao động nhập cư sống ở Nga. Theo Intelinews, từ tháng 1 đến tháng 9-2023, khoảng 3,6 triệu người đã vào Nga làm việc, tức dòng lao động nhập cư đã quay lại mức trước đại dịch.

Trong đó, một số đông đảo là từ các nước Liên Xô cũ: Khoảng 45% từ Uzbekistan, 28% từ Tajikistan và 14% từ Kyrgyzstan. Phải nói rằng quan hệ giữa các nước này với Nga là tốt hoặc rất tốt: "Quan hệ Trung Á - Nga đã được chứng minh là ổn định đáng kể trong 20 năm cầm quyền của Vladimir Putin", Maximilian Hess viết trên Science Direct vào tháng 3-2020. 

Song từ sau chiến tranh Ukraine, đã có biến chuyển. Theo James Goodby của Viện Hoover, 5 nước Trung Á gồm Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Tajikistan và Kyrgyzstan gắn bó với Nga về mặt địa lý và lịch sử, nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã làm thay đổi mối quan hệ này.

Cụ thể, ở Tajikistan là một bức tranh hai mặt. Mặt phải: Do nền kinh tế yếu kém, ít nguồn lực và thuộc loại nghèo nhất trong các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Tajikistan phụ thuộc nhiều vào nguồn kiều hối từ lao động nhập cư ở Nga. 

Theo Bộ Nội vụ Nga, ngay cả sau khi chiến tranh Nga - Ukraine đã nổ ra, vẫn có hơn 1,7 triệu công dân Tajikistan đến Nga tìm việc chỉ trong sáu tháng đầu năm 2022 - nhiều hơn gần 1 triệu so với cùng kỳ năm 2021. Kiều hối chiếm khoảng 1/3 GDP của Tajikistan, và có thể còn cao hơn do nhiều nguồn chuyển không chính thức.

Song mặt thứ hai của bức tranh lại khá gai góc: Nhiều người Tajik làm việc ở Nga được cho là đã bị điều động đến Ukraine trái với ý muốn của họ, và cũng có những nỗ lực ngày càng tăng để tuyển dụng ngay ở chính Tajikistan. 

Hậu quả là, theo Goodby, trong xã hội Tajikistan đã nổ ra tranh luận về cuộc chiến của Nga ở Ukraine, đặc biệt là với những người có ký ức về việc Nga can thiệp vào cuộc nội chiến đẫm máu ở Tajikistan thời những năm 1990.

Ảnh: AFP

Ảnh: AFP

Đó là một phần bức tranh chung quan hệ Trung Á - Nga, đặc biệt là Tajikistan - quê hương của bốn thanh niên nghi phạm vụ khủng bố ở Matxcơva. Còn bức tranh riêng của nước Nga, cũng đã có ý kiến cho rằng từ sau cuộc chiến với Ukraine, nước Nga trở nên "dễ vỡ" hơn, dù chưa tới mức bị đe dọa. 

Moscow Times 23-9-2023 viết: "Những căng thẳng sắc tộc có gia tăng, song không xé rách nước Nga". Bài viết này xuất hiện một tháng sau sự cố đẫm máu khiến ít nhất 25 người thiệt mạng khi giao tranh nổ ra giữa quân đội Nga và các binh sĩ ly khai gần thị trấn Avtury, Cộng hòa tự trị Chechnya (Al Jazeera 21-8-2023).

Giặc ngoài

Đùng một cái, xảy ra vụ tấn công mà Chủ tịch Ủy ban điều tra Alexander Bastrykin trong cuộc họp trực tuyến tối 25-3 với Tổng thống Putin đã báo cáo chi tiết. Vụ nổ súng được cho là do một nhóm di dân Tajikistan gây ra. 

Theo Hãng tin AP 26-3, bốn người đàn ông bị buộc tội thực hiện vụ khủng bố đã được chính quyền xác định là công dân Tajikistan và những người Hồi giáo cực đoan - một trong những lực lượng chính chống lại Chính phủ Nga trong cuộc nội chiến tàn phá đất nước này hồi những năm 1990.

Cũng theo AP, những người đòi ly khai tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ thảm sát ở Matxcơva thuộc một nhánh của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở nước láng giềng Afghanistan - được cho là đã tuyển mộ rất nhiều người từ Tajikistan. 

Hậu quả là trong những ngày sau vụ khủng bố, người di cư Tajik ở Nga đang bị đe dọa, lăng mạ và quấy rối bởi cơ quan thực thi pháp luật, AP ghi nhận.

Quy mô vụ khủng bố và nhiều dấu hỏi rất có thể không bao giờ được trả lời của vụ việc đã khiến Tổng thống Putin vào lúc 21h30 tối 25-3 triệu tập cuộc họp trực tuyến với người đứng đầu chính phủ, các khu vực, cơ quan an ninh và chấp pháp. Từ Điện Kremlin, ông Putin quả quyết: 

"Chúng tôi biết rằng tội ác được thực hiện bởi những người Hồi giáo cực đoan. Bản thân thế giới Hồi giáo đã đấu tranh với hệ tư tưởng này trong nhiều thế kỷ". Nhưng ông thừa biết ai mới thực sự đứng đằng sau: "Chúng tôi biết bàn tay của ai đã được sử dụng để thực hiện hành vi tàn bạo chống lại nước Nga và người dân Nga".

Người Hồi giáo chiếm khoảng 10% dân số Nga. Ảnh: AFP

Người Hồi giáo chiếm khoảng 10% dân số Nga. Ảnh: AFP

Ông cũng không úp mở: "Chúng ta cũng thấy Mỹ đang sử dụng các kênh khác nhau như thế nào để cố gắng thuyết phục các vệ tinh của mình và các quốc gia khác trên thế giới rằng, theo thông tin tình báo của họ, được cho là không có dấu hiệu nào cho thấy Kiev có liên quan đến vụ tấn công khủng bố ở Matxcơva, rằng vụ khủng bố được thực hiện bởi những người theo đạo Hồi, thành viên IS".

Đáp lại cáo buộc này, trong họp báo hôm 25-3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre trả lời: "Quý vị đã nghe, đã thấy tuyên bố của chúng tôi vào cuối tuần qua. Đây là vụ tấn công khủng bố do IS tiến hành. Ông Putin hiểu điều đó. Ông ấy biết rất rõ điều đó. Và hãy nhìn xem, đúng là như vậy - hoàn toàn không có bằng chứng nào cho thấy Chính phủ Ukraine có liên quan gì".

Qua hôm sau 26-3, Giám đốc An ninh liên bang (FSB) Alexander Bortnikov tuyên bố với báo chí rằng Mỹ, Anh, và Ukraine đứng đằng sau vụ khủng bố: "Chúng tôi tin rằng đó là sự thật. Trong mọi trường hợp, chúng tôi hiện đang nói về thông tin thực tế mà chúng tôi có... Có cả một hồ sơ dài loại này" (TASS 26-3).

Muốn hay không, nhiệm kỳ thứ năm của ông Putin cũng đã khởi sự một cách không yên bình và hứa hẹn không an nhàn.■

Theo báo chí Nga, bốn nghi can bị bắt giữ là:

Dalerdzhon Mirzoyev, lớn tuổi nhất (32 tuổi), đang cư trú bất hợp pháp sau khi giấy phép cư trú ba tháng tại thành phố Novosibirsk đã hết hạn và đang thất nghiệp.

Saidakrami Murodali Rachabalizoda, 30 tuổi, cũng đang thất nghiệp, từng đăng ký cư trú tại Nga nhưng lại khai không thể nhớ thành phố nào.

Shamsidin Fariduni, 25 tuổi, dường như có cuộc sống ổn định nhất trong 4 nghi phạm. Người này đăng ký cư trú ở Krasnogorsk, ngoại ô Matxcơva, và làm việc trong một nhà máy sản xuất ván sàn. Fariduni khai rằng anh ta được đề nghị trả 500.000 rúp (khoảng 5.425 USD) để thực hiện vụ tấn công - tương đương khoảng 2,5 năm mức lương trung bình ở Tajikistan.

Người cuối cùng là Mukhammadsobir Fayzov, 19 tuổi, tập việc hớt tóc tại thị trấn dệt may Ivanovo tới tháng 12-2023 thì bỏ.

Qua 26-3, có tin cơ quan điều tra Nga đã có mặt ở Tajikistan để thẩm vấn gia đình 4 nghi can trên, theo Reuters dẫn các nguồn giấu tên. Các nguồn tin này còn cho biết Tổng thống Tajikistan Emomali Rakhmon đã đích thân giám sát cuộc điều tra.

Hôm 26-3, đưa ra bình luận công khai đầu tiên về vụ tấn công, ông Rakhmon gọi đây là "sự kiện đáng xấu hổ và khủng khiếp" và kêu gọi người Tajik bảo vệ con cái họ khỏi những ảnh hưởng có hại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận