Nhiệm vụ tự nguyện

TTCT - Tháng trước, con bò Bĩnh sinh được một chú bê con màu cà phê sữa. Con bê tuyệt đẹp. Lông toàn sắc nâu, mịn như nhung, đôi mắt to đen và hiền hậu vô cùng. Do màu lông, tôi đặt tên nó là Nu.

Con bê Nu là mối bận tâm và niềm hạnh phúc của cả nhà. Cả nhà nói ở đây là tôi đã có ý gộp con chó Ki vào. Con chó Ki già lắm rồi, lông ở trán và xung quanh mắt đã dài ra và bạc trắng. Già đến nỗi người trong nhà đi đâu về, nó đã quên ngoắc đuôi mừng rỡ. Già đến nỗi cứ nằm một chỗ, chẳng buồn ngó xung quanh.

Con vật cũng như con người, khi đã quá già, cuộc sống sinh động cứ như ở xa tít ngoài kia, không có ở nơi mình.

Phóng to
Minh họa: Hoàng Tường

***

Nhưng từ ngày có con bê Nu, con chó Ki già không nhớ rằng mình đã già nữa. Nó không nằm một chỗ nơi góc hiên nhà. Nó đã tự nguyện nhận trách nhiệm trông chừng con bê Nu. Quyền lực nào buộc nó phải làm như vậy nhỉ? Tôi chào thua. Có lẽ nó thương con bê Nu mà ra thế. Nhưng cũng có thể con bò Bĩnh mẹ đã nhờ nó làm việc này chăng?

Gia đình tôi không thể nào biết được. Cuộc sống của súc vật ta nuôi, tuy rất gần gũi nhưng ta không thể nào biết được tầng sâu của chúng. Tầng sâu ấy có thể còn sâu hơn cả tầng sâu của cuộc sống chúng ta.

Vườn nhà tôi có trồng một đám cỏ nửa sào, thỉnh thoảng tôi tưới nước và vãi phân urê. Sáng nào tôi cũng đóng cọc vào đấy, cột con bò Bĩnh gặm cỏ, thả con bê Nu luẩn quẩn bên mẹ. Khi ấy, lập tức con Ki già chạy ra nằm yên ngay gốc xoài, dán mắt xuống đám cỏ, nơi có con Nu chạy nhảy lung tung. Con bê Nu và con chó Ki già quả là hai thái cực.

Cột xong con bò Bĩnh vào cọc, tôi liền đi vào nhà, khi ngang qua con Ki già, tôi luôn khom người xoa xoa đầu nó. Tất cả đều xảy ra trong im lặng và tràn đầy hạnh phúc. Hạnh phúc cũng giản dị không ngờ. Nó nằm ngay trong thói quen hữu ích hằng ngày. Nó ngọt ngọt như cơm vừa chín tới. Tôi không bao giờ chán cái hạnh phúc ấy, vì lúc nào tôi cũng thấy tương lai nằm ngay trong hiện tại.

Con bê Nu sẽ vững vàng lớn lên, tôi thấy rõ hằng ngày.

***

Đang ngồi trong nhà, loay hoay chữa chiếc gọng kính đeo mắt, tôi nghe tiếng con chó Ki già sủa dữ dội ngoài đường. Tôi lật đật ra cổng nhìn xem. Thì ra nó đang đuổi con bê Nu vào lại đám cỏ. Con bê Nu co giò chạy vào. Con chó Ki rượt theo. Khi con Nu đã vào lại đám cỏ, láo liên đứng nép bên mẹ, lúc ấy con Ki già mới lững thững lại gốc xoài nằm thở hổn hển.

Tôi đứng ngắm nhìn toàn cảnh với một niềm vui mảnh mai và tỏa rộng như khói cơm chiều vươn ra ngoài không gian, nhìn đã thấy no, buộc tôi phải nở nụ cười thành tiếng. Tôi cười hì hì. Tôi cười vẻ hốt hoảng của con bê Nu. Tôi cười vẻ giả bộ hung dữ mệt nhoài của con chó Ki già. Tôi cười con bò mẹ chả thèm nhìn, vì đấy không phải là tai họa. Và tôi bỗng thương chúng cực kỳ. Tất cả chúng đều là gia đình của tôi đấy.

Dĩ nhiên con vật mình nuôi mình phải thương, nhưng con chó Ki già, con Bĩnh và con bê Nu này, tôi thương chúng vô bờ. Hóa ra, cái hạnh phúc nhẹ nhàng tôi vừa cảm nhận lại có một nền tảng mãnh liệt đến thế. Tôi lại cười hì hì. Mình vừa cười điều gì nữa nhỉ? Chả biết. Cứ nghe sung sướng lởn vởn là cười. Thế thôi.

***

Vừa vào nhà chưa được năm phút, tôi lại nghe tiếng con chó Ki sủa nữa ở bên kia rào, hướng nhà ông Chín Mão. Tôi lại ra xem. Lúc ấy con bê Nu chun rào, vụt chạy về lại đám cỏ, đứng nép sát mẹ. Con bò Bĩnh thè lưỡi liếm liếm vào trán con Nu. Dường như tôi nghe tiếng nói của con bò Bĩnh trong không gian, những tiếng nói không lời: “Con không được chạy đi xa nữa nhé. Bác Ki già đánh đấy”.

Lúc này, con Ki già từ vườn nhà ông Chín Mão chạy thẳng về gốc xoài nằm thở. Nó nhắm mắt, há miệng, thè lưỡi thở gấp. Con chó Ki già đã thấm mệt. Tôi lại phải đi đến xoa đầu, an ủi con chó Ki già.

Suốt ngày không biết bao nhiêu lần như thế. Việc trông chừng con bê Nu đã làm cho con Ki già mệt lử.

Việc này, cả nhà tôi đều thấy rõ và xót lòng.

***

Một hôm trong bữa cơm, không thấy con Ki già nằm bên cạnh. Tôi nhớ ra mình chưa dắt bò vào chuồng. Tôi vội ra đám cỏ dắt chúng vào chuồng để cho uống nước. Lúc ấy, con Ki già mới chịu vào nhà.

Đang ăn, vợ tôi như nghĩ ra được điều gì, hớn hở nói:

“Chiều nay tôi đi chợ mua sợi dây, nhờ ông Bảy thắt mỏ gió, cột vào đầu con bê Nu, rồi buộc vào cọc là yên chuyện. Con Ki già sẽ khỏe xác thôi”.

Tôi ngạc nhiên nhìn vợ. Quả là một ý nghĩ tài tình. Tôi phấn khởi:

“Đúng thế - tôi thò tay xoa đầu con Ki già nằm bên cạnh, nói tiếp - Mày sắp hết khổ rồi, con ạ”.

Chiều hôm đó, gia đình tôi thi hành ngay. Tôi không biết cách thức thắt mỏ gió nên phải nhờ ông Bảy xóm Rế. Đó là cách cột vòng dây vào cổ, vào mõm, rồi vòng ra hai bên thái dương để lên trán, với một độ lỏng vừa phải. Bị giằng kéo, chiếc mỏ gió ấy không làm nghẹt thở mà vẫn không sút ra khỏi đầu con bê Nu. Bò lớn không cột như thế được. Bò lớn phải xỏ khoen mũi rồi mới cột dây vào.

***

Tưởng đã yên chuyện, nhưng con chó Ki vẫn không vào nhà nằm. Nó vẫn nằm tại gốc xoài, dán mắt trông chừng con bê Nu không thể chạy đi đâu được vì đã mang mỏ gió và buộc dây vào cọc.

Vào khoảng nửa buổi sáng, con chó Ki già chạy vào nhà sủa gấp và cắn ống quần tôi kéo đi ra ngoài. Khi ra, nhìn vào đám cỏ, tôi thấy con bê Nu bị dây quấn vào chân, không đi được và đã té nhào, nằm thở phì phò. Mẹ nó, con bò Bĩnh đã thôi gặm cỏ, ngước mắt nhìn trân trối. Tôi chạy ra đám cỏ, gỡ dây ra khỏi chân trước và chân sau con bê Nu. Tôi vuốt ve nó một chặp rồi đi vào nhà.

Con Ki già lại đi trở về gốc xoài nằm nghỉ. Khi đi ngang nó, tôi khòm người xoa đầu. Ừ, nhiệm vụ của nó bây giờ có khỏe hơn, nhưng vẫn cứ còn nhiệm vụ. Nhiệm vụ chạy vào nhà báo động khi con Nu bị quấn dây vào chân.

Con Ki già đã kiên trì làm nhiệm vụ ấy không sao nhãng. Con bê Nu vừa dính dây là nó chạy vào nhà sủa toáng lên. Niềm thương của con Ki già dành cho con bê Nu tôi có thể sờ được. Đây là một điều khẳng định. Đến cả cỏ cây cũng phải gật đầu.

***

Khoảng tháng sau, con Ki già lâm bệnh. Nó nằm luôn nơi gốc xoài, không vào nhà. Loài chó ta nuôi ở quê có một điểm đặc biệt làm chúng ta phải rớm nước mắt. Đó là khi bệnh, nó không bao giờ vào nhà. Nó lủi thủi nằm ngoài vườn. Con chó Ki già đã hoàn toàn bỏ ăn. Tôi khuấy sữa đổ vào đĩa, đặt sát mồm, nó cũng không buồn liếm.

Cái chết đang lừng lững tiến tới con Ki già. Không gì ngăn cản được. Vào một buổi chiều, nắng xỏ tai gay gắt, khi tôi ra thăm chừng con Nu có dính dây hay không thì thấy con Ki già đã chết. Xác nằm co quắp và nhỏ lại đến không ngờ.

***

Con bê Nu sau quá nhiều lần xoắn dây vào chân, nay cũng đã khôn rồi. Vừa vướng dây, nó đã dừng lại, rảy chân cho dây rớt ra.

***

Tôi dùng xà beng đào một hố sâu sát chân góc rào. Vợ tôi lấy những tấm áo cũ lâu nay không mặc đưa tôi bọc xác con Ki trước khi đặt xuống hố và lấp đất.

Nhìn ra đám cỏ, thấy con bò Bĩnh và con bê Nu nghếch cổ nhìn tôi. Cứ thế, chúng không gặm cỏ, chúng im lặng đứng nhìn. Chúng nhìn tôi trong im lặng.

Vẫn biết mọi sinh vật đều hữu hạn thời gian rồi cũng sẽ rời mặt đất. Con chó Ki già cũng đã tròn một kiếp. Nhưng trong một tích tắc, thời gian vẫn như khựng lại, và, tất cả xung quanh đều phủ đầy im lặng, vô cùng...

Một gia đình nông dân quen thuộc và phổ quát bởi những vật nuôi cũng là thành viên. Con chó, con bò, con bê. Mới liệt kê đã thấy vui, mới hình dung đã thấy ấm. Không có chính diện và phản diện thông thường.

Con người và con vật bình đẳng nhau trong quan hệ và trong góc nhìn của nhà văn. Ta cảm được tình người, ta ngửi được mùi vị của một nông thôn mà ta đeo mang, ta thấy mình thanh khiết hơn nhờ hình ảnh, chi tiết và những ý tưởng lẩy ra từ một nhà văn am tường thôn quê một cách “thần sầu”.

Ngô Phan Lưu đã quen thuộc với độc giả cả nước từ khi thành khôi nguyên cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ năm 2006-2007. Đầu sách thứ năm Con lươn chép miệng vừa ra mắt, “cày” báo tết vừa xong, vậy mà khi nghe giục “truyện đi ông ơi”, lập tức từ trong túi “lão” nhảy ra truyện ngắn này.

Tài hoa, sâu sắc, ý nhị, Ngô Phan Lưu có triết luận, trải nghiệm và uy tín văn chương. Chúc mừng “lão nhà văn” ngoài hội vừa được đặt chân vào hội, muộn mà dày, chậm mà vững, thế mới hay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận