Nhiệt điện than thoái trào

ĐỖ ĐỨC TƯỞNG 01/07/2017 17:07 GMT+7

TTCT - Năm 2016, thế giới chứng kiến những phát triển ấn tượng của ngành năng lượng tái tạo đồng thời ghi nhận sự thay đổi lớn của nhiệt điện than. Các nhà máy nhiệt điện than đang rơi vào tình trạng thoái trào là xu hướng trên toàn cầu.

Ấn Độ đang giảm mạnh nhà máy nhiệt điện than và thúc đẩy điện năng lượng mặt trời-independent
Ấn Độ đang giảm mạnh nhà máy nhiệt điện than và thúc đẩy điện năng lượng mặt trời-independent

 

Theo một khảo sát của Hệ thống giám sát các nhà máy điện than toàn cầu trên trang Endcoal.org, sau hơn một thập kỷ phát triển bùng nổ chưa từng có, công suất điện than của toàn thế giới đã giảm xuống vào năm 2016, chủ yếu do sự thay đổi về các chính sách và điều kiện kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo thống kê của hệ thống giám sát này, đến tháng 1-2017, công suất điện than trong giai đoạn quy hoạch, chuẩn bị xây dựng là 570GW, giảm 48% so với mức 1.090GW một năm trước.

Riêng tại Trung Quốc và Ấn Độ, 100 nhà máy với tổng công suất 68GW đang trong tình trạng đình trệ thi công.

Trên toàn thế giới, trong năm vừa qua số lượng dự án điện than bị đóng băng nhiều hơn số lượng được khởi công.

Việc đóng cửa nhà máy điện than đang diễn ra với một tốc độ chưa từng có, với 64GW ngừng hoạt động trong vòng hai năm qua, hầu hết tại các quốc gia Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ.

Trung Quốc, Ấn độ giảm mạnh

Nguyên nhân chính của sự thay đổi này là do chính quyền trung ương Trung Quốc đã ban hành những biện pháp mạnh mẽ chưa từng có để hạn chế phát triển các nhà máy điện than ở quốc gia này. Bắt đầu từ tháng 9-2016, có 15 dự án điện than ở nước này bị hủy bỏ.

Tiếp đó các dự án điện than ở các giai đoạn khác nhau với tổng công suất trên 300GW đã phải ngừng triển khai sau khi Chính phủ Trung Quốc ban hành kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020). Trong số 300GW này có 55GW thuộc những dự án đang trong quá trình xây dựng.

Những chính sách này đã tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong con đường phát triển điện than của Trung Quốc.

Sau khi sản lượng điện than thực tế của Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2013, con đường phát triển điện than của quốc gia này đã gặp phải nhiều nghi vấn trong vòng ba năm qua.

Năm 2015 hệ số công suất trung bình của các nhà máy điện than giảm xuống dưới 50%, và tiếp tục giảm trong năm 2016.

Theo một khảo sát được thực hiện bởi Tổ chức Greenpeace, tổng công suất điện than được cấp phép xây dựng vào năm 2016 ở Trung Quốc là 22GW, giảm 85% so với con số 142GW của năm 2015.

Ấn Độ cũng trải qua một giai đoạn giảm phát triển điện than, chủ yếu do các ngân hàng hoặc tổ chức cung cấp tài chính khác lưỡng lự trong việc cung cấp tài chính cho các dự án điện than. Hiện 31 tổ máy điện than ở 13 địa bàn với tổng công suất là 12.725MW phải tạm ngừng xây dựng, chủ yếu do nguồn tài chính cho dự án bị đóng băng.

Tháng 6-2016, Bộ Năng lượng Ấn Độ tuyên bố, quốc gia này đã xây dựng đủ số lượng nhà máy nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu điện đến năm 2019, và đề xuất các nhà đầu tư giảm kế hoạch phát triển điện than.

Theo dự thảo quy hoạch năng lượng quốc gia công bố vào tháng 12-2016, ít nhất là tới năm 2027 Ấn Độ sẽ không cần tăng thêm công suất điện than ngoại trừ những dự án đang xây dựng. Ngoài ra, Ấn Độ đang tham gia cuộc cách mạng năng lượng mặt trời.

Chính phủ đang đề xuất từ nay tới năm 2027 sẽ lắp đặt 215GW năng lượng tái tạo (sinh khối, thủy điện nhỏ, năng lượng gió, hệ thống điện mặt trời phân tán, và điện mặt trời quy mô lớn). Do công suất điện than vượt nhu cầu trong khi chi phí sản xuất năng lượng tái tạo giảm, nhiều nhà đầu tư rút vốn khỏi các dự án điện than.

Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tới 86% công suất xây dựng điện than toàn cầu từ năm 2006-2016, vì vậy chuyển biến giảm nhiệt điện than ở hai nước này có tác động tới toàn cầu.

Các “điểm nóng” khác thì sao?

Tại Hàn Quốc, phát thải bụi siêu nhỏ từ hàng loạt các công trình điện than, bao gồm trung tâm điện than lớn nhất thế giới Dangjin (6.040MW), đã trở thành một vấn đề chính trị quan trọng ở nước này.

Tháng 7-2016, Chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch đóng cửa 10 nhà máy điện than đang vận hành trước năm 2025 và hạn chế bổ sung dự án mới vào danh sách các dự án được đề xuất hiện tại.

Trong khi các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đang giảm dần điện than, Nhật Bản lại đi ngược xu hướng này, tiếp tục phát triển một số lượng lớn các nhà máy điện than. Mặc dù chỉ xây dựng 1.950MW điện than trong 5 năm qua, nhưng nước này đang có tới 4.256MW trong giai đoạn xây dựng và 17.243MW trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng.

Tuy nhiên, Nhật Bản đang phải đối mặt làn sóng gây áp lực lớn từ cả trong và ngoài nước về việc cam kết thực hiện các mục tiêu khí hậu quốc tế.

Tháng 1-2017, Chính phủ Nhật Bản đã hủy kế hoạch chuyển nhà máy điện Ako sang nhà máy đốt than - là lần đầu tiên một dự án điện than trong giai đoạn phát triển bị ngừng lại tại nước này.

Với 66.852MW trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng, Thổ Nhĩ Kỳ đang là quốc gia có kế hoạch mở rộng nhiệt điện than lớn nhất (không tính Ấn Độ và Trung Quốc).

Tuy nhiên, những dự án này đang phải đối mặt phong trào phản đối mạnh mẽ của công chúng, thực tế nhiều dự án đã phải hoãn lại hoặc dừng hẳn. Kết quả là chỉ 13% các dự án trong quy hoạch được cấp phép đầy đủ, phản ánh tỉ lệ xây dựng trên thực tế khá thấp tại nước này.

Trong khi Indonesia có 38.050MW trong giai đoạn quy hoạch chuẩn bị xây dựng, 25.440MW trong số đó mới đang ở giai đoạn thông báo (giai đoạn đầu tiên của một dự án và là giai đoạn mà các công trình bị hoãn hoặc hủy bỏ nhiều nhất).

Trong năm qua, Chính phủ Indonesia đã điều chỉnh quy hoạch 10 năm, lùi kế hoạch sản xuất hơn 7.000MW điện than sang giai đoạn sau.

Từ năm 2010, trên toàn thế giới, không tính Trung Quốc và Ấn Độ, chỉ có 33% số lượng nhà máy điện than đề xuất được khởi công xây dựng, trong khi 67% bị dừng lại.

Bên cạnh giảm xây mới các nhà máy điện than trong quy hoạch, thập kỷ vừa qua cũng chứng kiến số lượng nhà máy cũ bị đóng cửa tăng nhanh qua các năm, cắt giảm 36.667MW vào năm 2015 và 27.041MW vào năm 2016.

Tại sao cần giảm phát triển điện than

Kết thúc một giai đoạn bùng nổ xây dựng nhà máy điện than cũng là lúc mở ra khả năng ngừng điện than trên toàn cầu trong các thập kỷ tới, đây là điều kiện tiên quyết để hạn chế biến đổi khí hậu.

Giảm các nhà máy điện than trong quy hoạch sẽ tăng tính khả thi của cam kết giữ mức nóng lên toàn cầu dưới 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (giữ cho mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở dưới mức dưới 20C và nỗ lực giới hạn ở mức 1,50C) vẫn có khả năng thực hiện được nhưng sẽ đòi hỏi nỗ lực đẩy nhanh hơn nữa tốc độ cắt giảm công suất của các nhà máy điện than đang vận hành, đặc biệt là tại các quốc gia phát thải lớn.

Nhằm đạt được các mục tiêu quan trọng về khí hậu, chúng ta cần tiến hành song song hai hoạt động dừng xây dựng các nhà máy điện than mới và đóng cửa các nhà máy đang vận hành.

Để thực hiện được kế hoạch đó, ba yếu tố quan trọng gồm: (1) các công trình hiện đang dừng ở Trung Quốc và Ấn Độ không được tiếp tục trong tương lai, (2) tiếp tục giảm phát triển điện than trên toàn thế giới, nhu cầu điện được đáp ứng bởi năng lượng sạch nhiều nhất có thể, (3) các nước OECD kiên quyết thay thế các nhà máy điện than lâu năm bằng năng lượng sạch.

Vai trò nhiệt điện than với Việt Nam

Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh (quyết định 428/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 18-3-2016), Việt Nam đặt kế hoạch đến năm 2020, nâng tổng công suất nhiệt điện than lên khoảng 26.000MW, chiếm khoảng 49,3% tổng sản lượng điện sản xuất;

năm 2025 tổng công suất khoảng 47.600MW, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, và năm 2030 tổng công suất khoảng 55.300MW, chiếm khoảng 53,2% điện sản xuất. Với việc điều chỉnh quy hoạch này, Việt Nam đã loại bỏ được 20.000MW công suất các nhà máy điện than theo kế hoạch cũ.

Theo quy hoạch ngành than, đến năm 2020 nhu cầu than cho sản xuất trong nước khoảng 75 triệu tấn. Tuy nhiên, nguồn than trong nước chỉ đáp ứng được khoảng một nửa nhu cầu. Theo đó, đến năm 2030 dự kiến Việt Nam phải nhập khoảng 120 triệu tấn than.

Riêng trong năm tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 5,57 triệu tấn than, trị giá 577,218 triệu USD, giảm 4,7% về lượng nhưng tăng 58,3% về trị giá.

Nhiệt điện than đã và sẽ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành điện của Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đã đến lúc Việt Nam cần nhìn nhận hiệu quả kinh tế dài hạn của phương án nhập khẩu than để phát điện so với việc huy động các nguồn tài nguyên như khí thiên nhiên, năng lượng gió, năng lượng mặt trời và sinh khối có sẵn trong nước.

Việc này không những đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia từ việc chủ động về nguồn nhiên liệu trong nước, nâng cao hiệu quả kinh tế phát điện, mà còn đảm bảo các chỉ tiêu về giảm phát thải và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Là một nước đang trong giai đoạn phát triển và công nghiệp hóa, Việt Nam chưa thể cam kết giảm phát thải theo mức cố định năm mà chỉ có thể cam kết theo phương án phát triển bình thường.

Điều này có nghĩa là nếu như phương án phát triển bình thường của chúng ta chú trọng vào nhiệt điện than thì việc cam kết giảm phát thải không thực sự mang lại nhiều ý nghĩa nữa.

Thay vào đó, Việt Nam cần có những hành động thiết thực như tiết kiệm năng lượng để giảm trực tiếp nhu cầu sử dụng điện, hạn chế được nhu cầu đầu tư nguồn điện mới; đồng thời tăng cường đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo để giảm phụ thuộc vào điện than như kế hoạch hiện nay.■

(Thông tin trong bài viết này được tổng hợp chủ yếu từ báo cáo có tiêu đề “Bùng nổ và thoái trào 2017” của mạng lưới giám sát các nhà máy điện than toàn cầu)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận