Những chiếc áo xanh rời thành phố...

THỤY QUÂN (TP.HCM) 30/01/2011 23:01 GMT+7

TTCT - 1. Quận vùng ven nhiều người nhập cư. Bạn dễ dàng nhận ra họ qua những chiếc áo xanh thấp thoáng đâu đó trên những con đường, góc phố.

Đầu hẻm luôn là chiếc áo màu xanh bộ đội của N., lần đầu xuất hiện trên con hẻm là bảy năm trước. Lúc đó, N. đã nhỏ con trông càng nhỏ thó hơn bởi cái bụng tròn lùm lùm, gánh hàng nặng lặc lè khiến mấy bà mấy cô xót ruột.

Phóng to
Đêm Sài Gòn - tranh của Dương Hiền Chinh

Bây giờ thì con của N. đã lớn, đi học rồi. Bây giờ N. cũng không gánh hàng bán dạo nữa. Cô đã “chễm chệ” một chỗ bán đầu hẻm, trên... nắp cống. Ở đó, sau khi lấy tấm bạt che miệng cống (cho đỡ mất vệ sinh), cô bày ra trên một tấm nilông nào là thịt, cá tươi rói. Và các loại rau. Nhà gần chợ, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng ghé mua của N. vài thứ. Cho vui.

2. Trên đường ra chợ, thêm một áo xanh khác nhưng đã bạc thành màu cỏ úa. Đó là chị bán bánh cam, quê Hà Nam Ninh. Chị vào Nam làm ăn từ khi con gái út mới học lớp 2, nay cháu đã lên lớp 7. Lần nào ghé mua bánh là lại được thêm ít tin về gia đình chị. Khi thì tin vui thằng thứ hai đậu đại học bách khoa rồi. Có hôm là tin buồn, ông mất rồi cô ơi, tôi vừa về tang ông đấy...

Chị và chồng vào Nam mưu sinh, hai người hai xe bánh, đã nuôi được hai cậu con trai vào đại học. Tháng nào không gom được bốn triệu là buồn. Tiền trọ, tiền ăn cho hai con học ở Hà Nội đã hết ba triệu rồi. Còn bà, còn hai con gái ngoài quê. “Nhưng năm nào tết chúng tôi cũng về. Mỗi năm chỉ về có một lần. Không về các cháu nó tủi, nên phải cố”. Chị nói, giọng bùi ngùi nhưng mắt lại lấp lánh vui. Tôi nhìn thấy trong ánh mắt đó là mảnh vườn một sào của gia đình chị, được cô con gái lớp 9 chăm bón nên chẳng bao giờ thiếu ổi thơm (đặc sản vườn nhà chị) và rau xanh... Ngày cuối năm có bố mẹ về hẳn là tươi vui lắm...

3. Con hẻm tôi còn có những người bán dạo, trong đó có ông bán bánh mì. Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ để ý tới ông, nếu không có má.

Đó là lần má lên thăm gia đình con gái. Sáng chủ nhật, má ở nhà sau dặn với lên thấy ông bán bánh mì đi ngang thì kêu má. Lúc đó mới biết mỗi sáng khi tôi đã đi làm, má hay kêu mua bánh mì của ông. Ông người nhỏ thó, đầu đội cái nón cối bộ đội đã bạc thếch, chồng lên cái sơmi cũ là cái áo màu xanh công nhân. Bánh mì của ông chẳng biết đã đi qua bao nhiêu con đường mà vẫn còn nóng giòn, chắc nhờ ủ dưới mấy lớp bao bố dày rồi mới tới một lớp nilông, chèn trong cần xé buộc sau xe.

Má lên chơi rồi về. Một sáng nọ, đến lượt con trai đòi ăn bánh mì. Canh ông đi ngang, tôi kêu mua bánh. Thấy tôi chọn hai ổ bánh mì không mè, ông buột miệng: “Vậy chắc không phải mua cho bà. Bà luôn ăn bánh mì mè”. Tôi hơi ngớ ra. Tới lúc đó tôi mới biết má thích bánh mì mè...

Ông ở Hà Tây, bươn chải vào Nam kiếm sống đã mấy năm nay. Ngoài quê ông còn lại cha già và hai con gái, cô lớn nhất đang học đại học. “Về tết à, chắc là không đâu chị... Tôi bán tới trưa 30. Sáng mồng 1 vẫn giao bánh đấy. Chị không biết đó thôi, người ta đặt tôi nơi năm, nơi bảy ổ sáng mồng 1 đấy”. Một lát sau, ông mới nói thêm: “Thôi mình không về, gửi tiền về cho nhà ăn tết cũng là về chị nhỉ...”. Ngừng một chút, mắt sáng lên, ông thốt: “Mà tôi cũng chưa chắc nữa. Có năm, tối 30 canh Vietnam Airlines có vé tôi mua bay ngay, về tới nhà đúng giao thừa đấy”.

4. Tháng chạp. Xóm vắng dần những bóng áo xanh. Vắng đầu tiên là chị bán bánh cam. Chị và chồng mua được hai vé tàu cứng, về từ rằm. Tiếp đó là N., người để cho các bà các cô vốn lười ra chợ phải chịu khó hơn khi không có cô lột phụ vỏ tôm, làm cá cho họ ngồi “tám”.

Năm nào N. cũng đưa con về thăm ông bà mà! Chỉ riêng ông bánh mì, sáng sáng vẫn tiếng rao cần mẫn. Tiếng rao làm tôi cứ băn khoăn. Chắc người bán bánh mì nhớ cả sở thích bánh mì mè của má phải cân nhắc lắm khi quyết định không về. Mà biết đâu, trong thẳm sâu tiếng rao khắc khoải đang dồn nén ước ao về một chỗ trống bất ngờ đêm 30 tết...?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận