Những chiều mưa xanh

TTCT - Tôi nằm trên gác. Cửa mở cho bụi nước bay vào sâu trong từng hơi thở. Bọn trẻ nít nghịch nước dưới hẻm. Tiếng reo của chúng vỡ trong mưa.

Minh họa: Đặng Hồng Quân
Minh họa: Đặng Hồng Quân

Bây giờ đang là tháng sáu. Mưa thường kéo về chiều. Trước khi mưa, bao giờ bầu trời cũng phơi bày cái bộ mặt cáu kỉnh bứt rứt. Mây sì sũng. Và gió rít.

Và sấm sét. Những triệu chứng trước một cơn mưa bảo với tôi rằng, bầu trời, kẻ keo kiệt trên cao, đang nghiến răng nói với trần gian rằng mưa là một trò cực chẳng đã, là một thứ miễn cưỡng, một màn bi kịch đen đúa đe dọa nhân gian chứ chẳng phải một sự giao cảm có bề nhẹ nhõm hay hài hòa.

Chẳng sung sướng gì gọi là tận hưởng mưa. Tôi vẫn nằm trên gác. Hít vào mình những hơi thở của phẫn nộ được ngụy trang mát lành. Chỉ có bọn trẻ vô tư té nước vào nhau.

Thứ nước đen phún lên từ những lỗ cống chưa kịp thoát. Có mùi hôi tanh của đủ thứ chất thải trên đời được hòa loãng với nước từ trời. Vậy mà chúng cứ nháng nước vào nhau, rồi vật nhau lăn lóc bên dưới, quanh những lỗ cống, chỗ cái hộc nước ở cột điện, khúc cua ngoặt, nơi có thùng rác.

À, chỗ ấy tối qua có tiếng dế đồng kêu râm ran. Một con dế đi lạc. Liệu khi nước dâng, nó có kịp thoát thân chăng, hay mắc kẹt ở một ngách nào đó và chết đuối trong vũng nước đen sì bốc mùi nồng nặc? Hoặc giả trong lúc cố bơi ra phía bậc thềm để trốn thoát, một đứa trẻ nào đó đã giẫm lên thân nó, nát bét. Một con dế cô đơn vừa qua đời dưới hẻm, sau cơn mưa đầu mùa hè.

Đó là thời sự đáng kể của tôi vào buổi chiều tháng sáu. Vấn đề ấy sẽ truy vấn trí não tôi cho đến khi đêm sập xuống. Khi đó, ba mẹ đã trở về sau một ngày ngược xuôi trong thành phố. Chúng tôi ngồi quanh một cái bàn tròn như thường lệ.

Với món rau, canh, cá, thịt như mọi khi. Tôi bắt đầu cuộc trò chuyện trên mâm cơm rằng: “Con đã tìm ra xác con dế ở dưới chân cột điện khi nước rút”. “Con dế nào?” - ba tôi ngừng đũa, hỏi. “Con dế mà mấy bữa tối qua nó gáy vang cả khu phố nghe. Đó là một con dế than bị cụt một chân sau. Nó bị ngộp nước” - tôi đi vào chi tiết.

Ba tôi nhìn sang mẹ tôi và nói: “Em thấy chưa, nó chỉ ở nhà luẩn quẩn vài hôm là triệu chứng cũ tái phát ngay. Anh đã bảo cho nó đến câu lạc bộ kỹ năng bán trú”. Mẹ tôi vừa gắp miếng rau cho vô miệng, vừa nói, chẳng biết hướng vào ba tôi hay tôi: “Con dế thì đã sao? Triệu chứng thì đã sao? Anh này hay thiệt. Có phải lỗi của em?”.

Tôi tiếp: “Mấy đứa nhóc đã không đạp chết nó. Mà con xác định nguyên nhân luôn là nó đã bị ngộp nước. Có lẽ nó đã trốn quá kỹ trong cái ngách, chỗ thùng rác, nên khi nước dâng lên, nó không kịp chạy thoát. Tội nghiệp thân nó. Chúng ta sẽ không còn nghe tiếng gáy của nó vào tối nay và những buổi tối tiếp theo cho mà xem”.

“Thôi, vầy - ba tôi ngồi thẳng lưng, nhìn vào mắt tôi, cái nhìn nghiêm trọng - Ngày mai ba chở con đi học trở lại. Ở lớp học bơi và học nhạc. Xế chiều ba sẽ đến đón. Mùa hè sẽ qua nhanh thôi”. Tôi nói: “Con sẽ bơi như con dế ư?”. Mẹ tôi cười khẩy, không biết vui hay buồn, không biết đang hướng sự mỉa mai vào điều gì. Rồi lại cho rau vào miệng.

Đêm tháng sáu ẩm mà nóng nực. Mưa không làm trôi đi cái cáu kỉnh của mùa hè. Ba tôi nằm coi tivi trên sofa, hai mươi hai người đang giành nhau một trái bóng tròn, bằng chân. Họ cứ chạy lòng vòng trên một sân cỏ sáng đèn. Tiếng hò reo. Tiếng trống đánh. Tiếng kèn sắc lẻm trỗi lên trên những reo hò. Tiếng thuyết minh ra vẻ hồi hộp, kích động.

Hai mươi hai người chia ra hai màu áo. Cứ lừa quả bóng trên sân để tìm cách đưa quả bóng vào một khung lưới màu trắng của đối phương. Bóng đá. Mùa hè nay là mùa của bóng đá. Ba tôi yêu môn thể thao này. Mẹ tôi có khi ngồi bên cạnh phụ họa hưởng ứng cho một đội nào đấy. Họ đau khổ, họ hân hoan theo trái bóng dưới chân những con người bé tí xa lạ trên màn hình.

Tôi nằm vắt chân lên ghế, hờ hững nhìn cái tivi đang trong màn reo hò cao trào. Chốc chốc tôi lại nhìn ra cửa. Đêm tháng sáu lê thê trôi. Không còn tiếng dế ở góc cột điện. Chiều nay tôi đã cầm con dế chết trên tay, đã biết tất thảy mọi chuyện, sao giờ này vẫn có ý chờ đợi. Họa hoằn lắm mới có một con dế đi lạc vào đây.

Người lớn thường có mối bận tâm của họ. Những chuyện thật rõ ràng. Ví dụ như lúc kết thúc trận đấu bóng, ba tôi muốn kết quả sẽ là ai thắng, ai thua. Ba tôi có chứng tật rất xấu, đó là nếu trận đấu hòa thì ổng sẽ mất ngủ.

Làm sao có chuyện hòa được. Người ta phải kéo dài trận đấu nữa, không phải là 90 phút mà thêm hai hiệp phụ, nếu hai hiệp phụ không cho ra kết quả thì ba hiệp phụ, bốn hiệp phụ và cứ như thế cho đến khi nào một trong hai bên đưa được bóng vào lưới của đội kia thì thôi. Không được phép cào bằng năng lực.

Trong khi đó, mẹ tôi, hẳn nhiên cũng là một người lớn, thì lại không mặn mà lắm với chuyện thắng thua. Mẹ tôi thích xem cái sự rôm rả của một trận bóng, sự phản chiếu kịch tính lên trên khán đài, đôi khi có vài chi tiết như cô nọ đi cổ vũ để kiểu tóc hình quả bóng hay anh nọ khoe cơ bắp nhiều múi trên màn hình.

Nói đơn giản, mẹ mê không khí bao quanh một trận bóng hơn là trận bóng. Mẹ muốn được hình ảnh và âm thanh trên màn hình xốc mình lên trong chín mươi phút hoặc hơn thế nếu có hiệp phụ. Nếu được chọn thì mẹ sẽ chọn làm cổ động viên không thuộc đội nào cả, chứ chẳng bao giờ mẹ chọn làm cầu thủ trên sân.

Dù là vậy đi nữa thì mẹ cũng phải ủng hộ quan điểm của ba. Ba âu sầu thì mẹ cũng làm ra vẻ mặt âu sầu. Ba hoan hỉ thì mẹ cũng phải hoan hỉ. Nhưng tôi biết, đó là bề ngoài thôi. Tôi hiểu ra thêm một điều, người lớn sống với bề ngoài và bề trong. Bề ngoài là để che đậy, bề trong là để được che đậy.

Tôi đã bắt đầu nghĩ nhiều đến thế giới phức tạp của người lớn từ mùa hè năm trước, khi mẹ tôi tỏ ra không vui với việc đi du lịch ở Mũi Né. Mẹ nói với cô X, đồng nghiệp của mẹ, rằng sao lần nào nghỉ hè, chả (tức ba tôi) cũng đăng ký đi tour Mũi Né, bốn năm nay đều vậy, lại mua tour của đúng một hãng lữ hành.

Đàn ông gì mà chán. Cô X cũng phụ họa, đại khái đến một lúc nào đó, họ (tức đàn ông - tôi hiểu là vậy) đều như thế cả. Rằng có lúc tui ngán tận cổ rồi. Rằng nếu không vì con bé (con bé con cô X bằng tuổi tôi, nó khá xinh đẹp nhưng có nốt ruồi to như con ve chó dưới cằm phải - chẳng có gì hoàn hảo cả!) thì coi như xong rồi.

Xong rồi, tôi hiểu là cô X không còn ở với chồng cô X nữa. Con bé xinh đẹp hẳn sẽ buồn biết bao. Khi khuôn mặt nó buồn, cái nốt ruồi đen tướng lại hiện lên trông rõ. Cái nốt ruồi như tỏa ra một thứ bóng đen buồn bã trên khuôn mặt nó. Quá đáng thương.

Mẹ tôi cũng nâng tầm câu chuyện, khi nói nhỏ vào tai cô X, ờ, phải rồi, nhiều lúc chỉ nghĩ cho con cái, chứ cuộc sống buồn tẻ quá. Tiếc ngày xưa mình lấy ổng sớm quá. Mà hồi đó á, ổng đâu có như giờ. Bởi vậy không ai hiểu và yêu phụ nữ tụi mình hơn phụ nữ tụi mình, cô X nói.

Ờ, vì vậy mà - mẹ lại nói - phải biết hưởng thụ, làm cho mình lộng lẫy hấp dẫn để mấy chả (tức là đàn ông như ba tôi và chồng cô X - vẫn theo tôi hiểu) thấy lo lắng (chẳng biết lo lắng cái nỗi gì) thì mới bớt sự nhạt nhẽo vô vị.

Tôi hiểu mẹ tôi và cô X đều có sự không hài lòng với hiện tại, trong đời sống chung với đàn ông. Đó là bề trong. Còn bề ngoài thì luôn niềm nở với người bạn đời, đó là bề ngoài. Và thêm vào một lý do rất chính đáng, đó là vì con. Thật là khó hiểu.

Thế nên tôi tự hỏi, từ khi nào thì con người ta biết sống với cả hai thứ một lúc, vừa bề trong vừa bề ngoài, như thể mang mặt nạ. Dù cho họ hiểu người đối diện họ cũng vậy. Cái mà họ thấy là mặt nạ kẻ đối diện đeo vào chứ có phải là mặt thật của họ đâu.

Tôi trùm mền nhưng chưa ngủ như mẹ và cô X vẫn tưởng, nên tôi nghe tất thảy câu chuyện. Tôi chỉ ngủ khi câu chuyện kết thúc và họ đã giải tán.

Tôi đã ngồi trong vườn, nhìn đom đóm bay qua suốt một mùa hè và nghĩ ngợi về cái thế giới của những mặt thật và những mặt nạ. Mẹ tôi trách móc ba rằng nếu như anh cứ để nó thế này thì chúng ta sẽ mất nó. Ba tôi phản bác rằng nó đang sống đời tự nhiên của một đứa nội tâm và có hơi khác những đứa khác về phương diện phát triển tâm lý, chứ có phải là tự kỷ đâu.

Tôi nghe tiếng nói qua nói lại một lúc. Và đàn bà bao giờ cũng là người nói sau cùng. Đại ý, cha nào con đó. “Nhiều khi thấy anh cũng lơ đãng với mọi thứ lắm rồi đó. Anh coi lại anh đi”. Ý mẹ yêu cầu ba là hãy coi lại cái mặt phía sau mặt nạ của mình đi.

Ba tôi dẫn tôi đến quán cà phê vào đúng cái tuần xảy ra tranh cãi đó. Ba tôi gọi cho tôi ly nước ép bưởi, còn ông uống nước chanh đá. Ông bắt đầu bằng kết quả trận bóng tối hôm qua: “Nếu đội Ý không bị loại người vì thẻ đỏ oan ức như thế thì đâu có đến nỗi thua trong đau đớn. Mất một chầu nhậu vô lý quá”.

Tôi ngơ ngác. Ba tôi lại cố giải thích: “À, là ba cá độ với mấy chú trong cơ quan. Ba bắt phải đội thua, phải chung tiền nhậu”. Tôi gật đầu và cắm ống hút rít một hơi hết ly nước ép bưởi. Ba tôi nhìn vào mặt tôi: “Đàn ông với nhau, ba nói cho con nghe, cuộc đời không hề đơn giản. Nó như một trận bóng. Nhiều lúc mình cầm chắc đội thắng trong tay rồi mà vẫn thua. Tức sặc máu”.

Tôi cười hi hi: “Sao lại tức hả ba?”. “Bởi vì, giả dụ vầy đi, như mẹ con, lúc nào cũng nói cuối cùng. Tối hôm nọ con nhớ không, mẹ cứ bảo con như vầy là do ba”. Ba tôi đột ngột ngưng câu nói. Có lẽ ông hơi lố ở một chi tiết nào đó. Tôi lại hỏi: “Như vầy là sao ba?”.

“Là... ừ, mẹ con cứ nghĩ con hay vẩn vơ xa xăm là một triệu chứng nào đó. Vậy nên ba thấy ba cần phải kéo con trở về. Ba muốn làm bạn với con. Để con có gì thì có thể nói ra. Cha con mình, đàn ông với nhau, hiểu nhau mà”.

“Không, con có bị gì đâu?”. “Có mà” - ba tôi nói. “Vậy con đâu biết con bị gì?”. “Có mà” - ba tôi lại khẳng định. Và cứ như thế, ba tôi làm tôi tin là tôi có bị gì. Còn tôi gieo vào ba tôi một câu hỏi đại loại là: “Có thật nó có bị gì không?”.

Nhưng ba tôi sớm mất kiên nhẫn. Sau khi kết nạp tôi vào thế giới “đàn ông với nhau”, với chỉ một lần đi uống hai loại nước ép ở quán cà phê thì chẳng bao giờ ba tôi rủ tôi đi ra chỗ công cộng tâm sự như thế nữa. Có lẽ tôi là thằng đàn ông nhàm chán, chẳng biết nói gì, chẳng thể trao đổi về bóng đá, thời sự hay chuyện cô nọ cô kia rôm rả như mấy chú bạn ba chăng.

Tôi chịu, phải rồi, tôi chỉ quan tâm đến nguyên nhân của con dế chết, con cá chết, con ong chết hay rốt cuộc con đom đóm sẽ bay về đâu khi mùa hè kết thúc?

Buổi tối hôm nay, tôi ngồi trên chiếc ghế mây trước bancông và nhìn xuống con hẻm ẩm ướt. Những đường dây điện tụ về một chỗ như thế rối chằng vào nhau phía trên cái chụp đèn. Ánh đèn vàng vọt hắt qua những ngách nhỏ, con hẻm như một bức tranh đơn sắc rách nát qua triệu năm.

Tôi nghĩ đến cái chết của con dế trong buổi chiều mưa mùa hè. Nó đã kêu suốt mấy đêm liền trong cô độc nhưng không có một đồng loại nào tìm đến. Nó mang theo nỗi nhớ thương đồng cỏ cho đến khi chìm trong vũng nước thối rình. Tại sao tôi lại nằm đó, thụ động nghe bụi mưa lùa vào cửa sổ căn gác mà không tìm cách giải cứu nó?

- Con đang nghĩ gì đó? - một giọng trầm ấm như mơ hồ thoát lên từ một giấc mộng. “Này con trai, con có biết loài dế đi đâu khi mùa hè trôi qua hay không?”. Có hơi ấm một bàn tay đặt nhẹ lên vai tôi.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận