Những con số trên báo và những con số... trong chợ

NGUYỄN KHẮC PHÊ 08/01/2011 12:01 GMT+7

TTCT - Ngày đầu năm, mấy cô giáo đi chợ về gặp nhau, hỏi han, bình luận giá cả thứ này thứ khác.

 

 

- Mứt gừng chị mua mấy đó?

- Tám chục ngàn một ký.

- Khiếp! Đắt gần gấp đôi năm ngoái.

- Thì món chi giá cả cũng nhấp nhổm...

- Cũng may, rau nhiều và rẻ lắm. Bó rau cải to thế này mà chỉ một ngàn, hai tháng trước năm ngàn một bó bé tẹo...

Có thể đây chỉ là may mắn của riêng Huế sau mùa lụt vừa bồi phù sa cho những vườn rau ngoại thành chứ nhiều nơi rau quả cũng lên giá.

Lâu rồi tôi không phải đi chợ, nhưng tháng trước vợ đi vắng, ra chợ xép đầu phố mua quả trứng ba ngàn, miếng đậu phụ ba ngàn, đã bị bất ngờ. Vì hình như một vài năm trước, giá hai thứ đó chỉ một ngàn thôi!

Hẳn là các nhà tài chính, thống kê “cộng trừ nhân chia” cách chi đó với nhiều thứ hàng khác nữa mới ra những con số, nếu không lạc quan thì cũng chưa vượt ngưỡng nguy hiểm. Thì cứ tin vậy cho... vui những ngày đầu năm mới. Chỉ những bà nội trợ là khổ.

***

Mà quả là đất nước ta bước vào mùa xuân mới với rất nhiều tín hiệu vui, đó là điều ai cũng biết. Trong không khí vui vẻ đó, hai bài báo trên TTCT số đầu năm mới với những con số cũng làm chúng ta giật mình như giá gừng ngày chợ tết vậy. Có điều đây là những con số ở tầm vĩ mô và có thể nói thuộc “thượng tầng kiến trúc” của xã hội, những con số giúp chúng ta có cái nhìn tỉnh táo hơn trước chặng đường mới.

Trong bài của giáo sư Trần Văn Thọ, khi so nền kinh tế Việt Nam với Trung Quốc, do “ta đã bỏ mất nhiều thời cơ, nên càng tụt hậu so với nước láng giềng lớn này. Năm 1984, thu nhập đầu người của Trung Quốc chỉ hơn Việt Nam 30%, nhưng bây giờ (năm 2009) khoảng cách giữa hai nước trên chỉ tiêu này là 3,3 lần!”.

Như nhiều chuyên gia quốc tế đã phân tích, tình hình kinh tế - xã hội Trung Quốc trong giai đoạn phát triển “nóng” vừa qua đã làm nảy sinh không ít vấn đề bất ổn, nhưng từ con số 30% đến con số 330% là một khoảng cách, hơn thế, một vực sâu thẳm hầu như không thể vượt qua trên đường đi tới khiến chúng ta phải suy nghĩ. Đó là chưa nói đến những con số so sánh với Thái Lan và nhất là với Hàn Quốc.

Trong bài phỏng vấn giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên viện trưởng Viện Hạt nhân Đà Lạt, chúng ta gặp những con số ở lĩnh vực “hẹp” nhưng lại là thước đo về trí tuệ, gắn liền với tương lai phát triển của dân tộc. Đó là số bài báo khoa học được công bố quốc tế.

Theo giáo sư, hiện “chưa có tạp chí khoa học nào của Việt Nam lọt vào danh sách gần 10.000 tạp chí khoa học quốc tế có uy tín được đưa vào cơ sở dữ liệu của Viện Thông tin khoa học quốc tế (ISI)”. Và năm 2008, tính trên 1 triệu dân Việt Nam công bố trên ISI chưa đầy 10 bài, năng suất này thấp hơn Malaysia 10 lần và thấp hơn Singapore tới... 167 lần! Tôi đọc con số này mà cứ nghĩ là báo in sai hoặc là chuyện bịa đặt.

Có lẽ chẳng cần bàn thêm nữa. Những con số đã có tiếng nói đầy uy lực của nó. Xin đừng nghĩ nó viển vông. Những con số ở tầm “vĩ mô” này và những con số trong chợ đều có mối liên hệ với nhau. Giá một bó rau cải ở Huế giảm được năm lần là nhờ... trời cho phù sa sau lụt, chỉ mấy tháng là có kết quả; còn để “cải thiện” những con số “vĩ mô” nêu trên phải là cố gắng cật lực của toàn xã hội trong một thời gian dài, trước hết là của những người có trách nhiệm với dân, với nước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận