​Những cuộc đời ngắn ngủi...

NGUYỄN CẢNH BÌNH 20/03/2015 02:03 GMT+7

Khi chúng tôi tổ chức chương trình trải nghiệm doanh nghiệp một ngày, các sinh viên tham quan doanh nghiệp, tìm hiểu công việc diễn ra tại các phòng ban, xem các nhân viên làm việc thế nào, ăn trưa ra sao, những báo cáo kế hoạch phải làm, phải soạn... Nhìn chung, sinh viên đều thấy hài lòng, trừ việc duy nhất là đến 90% các em ghi trong bản đánh giá cuối ngày là “cường độ căng thẳng quá” nên đều thấy mệt.

Tranh: LÊ THIẾT CƯƠNG

Thực tế “cường độ căng thẳng” diễn ra như sau: buổi sáng các em đến lúc 8g30, nghe hướng dẫn trong ba tiếng (có nghỉ giữa buổi), rồi 11g30 nghỉ ăn cơm và 13g30 mới quay lại tiếp tục hành trình tham quan, tìm hiểu các phòng ban...

Đó là một ngày làm việc điển hình của mọi nhân viên bình thường, thậm chí thời gian ngắn hơn và chẳng có mấy áp lực. Vậy mà hầu hết đều không quen và rất mệt...

Nhìn đến thể lực mới thấy nhiều em khá nhỏ bé, gầy gò, sinh viên nữ có khi chỉ chừng 40kg, cao chừng 1,55m, trông khá yếu. Các em nam cũng không khá hơn, hầu hết đều cận và có phần rụt rè. Một thể trạng mà quan sát qua cũng thấy hầu như do ít/không rèn luyện thể dục thể thao.

Với thể lực ấy và tâm trạng phần lớn các em chưa sẵn sàng với cuộc sống, tôi không rõ liệu các em có thể làm tám tiếng thật sự, chưa nói nhiều hơn khi đi làm hay không.

Vào dịp cuối năm, tôi có nhiều buổi hẹn với đám bạn cũ. Lứa bạn bè tôi bây giờ đều ở độ tuổi 40-45, hầu hết đều lộ vẻ mệt mỏi, một vài người ta thán về việc xuất hiện bệnh tật, một vài người tự bắt đầu thấy già, bắt đầu thấy ở bên kia sườn dốc.

Nhiều người đã tính đến nghỉ hưu, không làm việc vất vả nữa, thích hưởng thụ và tụ tập bạn bè vui vầy tuần một vài cuộc... Cứ như thể cuộc sống của họ đã bắt đầu dừng lại, những hăm hở, háo hức và sôi nổi với cuộc sống dường như bị năm tháng bào mòn và cướp đi...

Giật mình nhìn lại, sự thật là chúng tôi cũng bắt đầu cuộc đời khá muộn, 17-22 tuổi hầu hết vẫn chỉ biết đi học, ngu nga ngu ngơ. Cuộc sống của chúng tôi loanh quanh ở Hà Nội, bởi ngày đó không có điều kiện và không đủ mạnh dạn thực hiện những chuyến đi xa. Chúng tôi càng không được đi ra bên ngoài biên giới Việt Nam, còn các địa danh, các di tích, các vùng quê cũng hầu như rất ít đến, trừ vài điểm khu du lịch.

Đến 21-22 tuổi, tốt nghiệp đại học, chúng tôi mới bắt đầu bước chân vào cuộc sống, và khi mới ngoài 30 vài người đã dừng lại không đi nữa... Phần lớn bạn bè tôi khi rời ghế đại học đã không còn thói quen đọc sách nữa. Họ cũng không học hành, không mạo hiểm, không muốn thay đổi nữa và thậm chí cũng chẳng suy nghĩ nhiều nữa.

Càng gần đến ngưỡng 40 tuổi, càng nhiều người muốn dừng lại để chiều chiều tụ tập quanh cốc bia hơi, tận hưởng cuộc sống yên bình. Mà đấy là một thế hệ được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hầu hết đều học xong đại học. Một thế hệ như vậy mà đã sống ngắn ngủi, không biết những người không có điều kiện thì còn thế nào.

Nhìn sang các quốc gia văn minh, ngay từ khi còn bé, những đứa trẻ đã được rèn luyện để quen với việc tự lập, ngủ một mình, tự đi học, bắt đầu biết cách thu xếp cuộc sống khi lên cấp II, cấp III, khi tham gia các chương trình trao đổi học sinh, sinh viên, những chuyến đi tham quan, học hỏi... Họ chuẩn bị cho mình đầy đủ cả về thể chất, tinh thần, kiến thức để không ngừng học hỏi, khám phá.

Cuộc sống của họ nhiều thử thách nhưng cũng nhờ đó có nhiều điều thú vị, bởi khi có tri thức hơn, có sức khỏe tốt hơn với tinh thần sáng tạo và hăm hở sống, hẳn là họ có thể tận hưởng cuộc sống tốt hơn. Và xã hội cũng nhận được những cống hiến có giá trị của họ để rồi không ngừng tiến lên phía trước, bỏ xa các quốc gia lạc hậu và trì trệ khác.

Tuổi thọ của họ trung bình 70-90 tuổi, và có thể nói là cuộc sống thật sự của họ không kém bao nhiêu so với con số đó.

Tôi ngại rằng thế hệ mình có thể có tuổi thọ tới 70-80, nhưng chúng tôi chỉ “sống thật sự” có 20 năm mà thôi, ngoài 40 tuổi là đã “toan về già”. Chiều chiều chúng tôi ngồi tụ tập quanh cốc bia hơi ở các quán bia, quây quần như những lão nông sống trong một ngôi làng...

Không phải là một lứa mãi mãi tuổi 20, mà là những người không bao giờ lớn và chẳng thể có một cuộc sống thật sự mạnh mẽ, thật sự hữu ích cho gia đình và cộng đồng...

Qua hàng trăm sinh viên của chương trình trải nghiệm doanh nghiệp, tôi lo rằng tương lai của phần lớn thế hệ sinh viên đang ngồi trên giảng đường hiện nay có lẽ cũng không khác thế hệ tôi là mấy.

Họ thậm chí còn được gia đình bao bọc nhiều hơn, sự thụ động, yếu ớt có thể cũng nhiều hơn. Số những người trẻ ham mê học hỏi, xông pha trải nghiệm, khám phá cuộc sống, có mong muốn đóng góp sức mình cho sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nền kinh tế và xã hội nói chung... khá ít ỏi. Những thế hệ người Việt Nam có cuộc đời ngắn ngủi như vậy không biết bao giờ mới kết thúc.

Và một dân tộc chỉ toàn những thế hệ ngắn ngủi thì liệu có thể đi đến đâu?       

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận