Những “Đà Lạt thu nhỏ” ở Sài Gòn

TRỌNG NHÂN 19/02/2022 19:00 GMT+7

TTCT - Ước mơ biến thành một Đà Lạt thu nhỏ của các chủ vườn hoa ở Sài Gòn để phục vụ du khách không có điều kiện đi xa thật không dễ dàng khi gặp phải thời tiết nắng mưa thất thường và những đợt dịch kéo dài.

Du khách chụp ảnh tại Cánh đồng hoa Hóc Môn - Ảnh TRỌNG NHÂN

 

Không dám đầu tư vì dịch

2-3 năm trước, cánh đồng hoa của chị Võ Hà Anh Tú (46 tuổi) ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn (TP.HCM) tạo ra cơn sốt, lôi cuốn giới trẻ muốn làm một bộ ảnh sống “ảo” với thế giới hoa cỏ nhưng lại không đủ thời gian vi vu tới những thủ phủ hoa như Đà Lạt hay Sa Đéc (Đồng Tháp). 

Chỉ cần chạy xe gắn máy hơn tiếng đồng hồ là đến mảnh đất thoáng đãng nằm sát sông Sài Gòn, bờ bên kia là đất Lái Thiêu (Bình Dương).

Cánh đồng rộng khoảng 1,4ha, chia thành nhiều phân khu, lên luống ngay ngắn, khoét rãnh để nước theo con mương bao vòng ngoài len lỏi vào bên trong nuôi hoa. 

Vườn hiện có gần 40 giống hoa như hồng, túy điệp, sao nhái, súng tím, cúc, lan, hướng dương, lan… với các tiểu cảnh theo từng chủ đề, trang trí cùng những cối xay gió mang hơi hướng vùng thôn dã Âu châu, ghế đá nằm dưới mái vòm cây xanh được cắt tỉa công phu, hay căn nhà chòi mang phong cách miền Tây. 

Để thêm hương sắc ngày xuân, chủ vườn dựng thêm những gian hàng bán chữ, câu đối, trưng cả những chú heo đất nung, chén đĩa gốm đặc trưng của vùng Lái Thiêu.

“Năm nay hoa không đẹp, không tươi” - chủ nhân cánh đồng hoa tiếc nuối. Tháng 9 hằng năm, họ làm đất, gieo hạt để đến giữa tháng 11 hoa nở đúng mùa mát mẻ ở Sài Gòn. 

Cao điểm đợt bùng phát dịch năm 2021 rơi đúng vào giai đoạn này khiến mọi hoạt động ngưng trệ, nhà vườn lại chịu thêm cảnh thiếu hoa giống do giãn cách xã hội. Gần cuối tháng 10-2021, chị Tú mới tu chỉnh vườn. 

“Chúng tôi đã tính đến chuyện mua hoa ở các vườn trồng hoa kiểng gần đó bổ sung, nhưng giá năm nay quá đắt. Một luống hoa khoảng 1.000 cây giá cả chục triệu. Cánh đồng có tới trăm luống nên chúng tôi phải bỏ ý định này”, chị Tú nói.

Anh Văn Thanh Toàn, chủ Vườn hoa Bốn mùa (Xuân Lộc, Đồng Nai), chia sẻ sau gần 8 tháng đóng cửa, anh không còn mặn mà với mảnh vườn rộng gần 1,5ha cho mùa du xuân Nhâm Dần. 

Ở vùng đất đỏ miền Đông, không thể thiết kế vườn thành các luống, hoa chủ yếu được trồng và trang trí trong chậu. Thường trước Tết khoảng 4 tháng, anh đã sắm sửa cây con, chăm dưỡng tỉ mỉ để vừa cung cấp cho các chợ hoa vừa đón khách. 

Số lượng cần chuẩn bị cho cả 2 mục đích lên tới 20.000 chậu, từ bông giấy, dạ yến thảo, phi yến, păng xê, tiểu muội, cúc, thạch thảo… 

Nhưng năm nay cả vườn chỉ có 10.000 chậu, mấy sào đất trồng hoa gia đình định mở rộng cũng đành dang dở. “Không có dịch là chúng tôi chẳng tiếc tiền đầu tư, làm mới lại vườn, xây thêm các tiểu cảnh, mua thêm hoa chứ không im ắng vậy đâu”, anh Toàn nói.

Một góc khu vườn Vườn hoa Bốn mùa. -Ảnh: TRỌNG NHÂN

 

Mong manh như cánh hoa

Anh Toàn người gốc Cai Lậy (Tiền Giang), nơi ông nội anh từng trồng hoa kiểng buôn bán mỗi dịp Tết. Năm 2003, anh tha hương lên miền Xuân Lộc lập nghiệp, tích góp mua được một mảnh đất và ươm cây bán Tết. 

Nghĩ rằng nếu chỉ bán mỗi mùa Tết thì hơi phí, đến năm 2018, anh thiết kế lại vườn để mở cửa đón khách. Bước chuyển này không đòi hỏi nhiều kỹ thuật hay kinh phí, nhưng số cây phải tăng thêm gấp đôi mới đủ lấp đầy không gian vườn và thiết kế tiểu cảnh.

Muốn vườn có hoa quanh năm, anh dành phần lớn diện tích cho những giống cây dễ ra hoa như hoa giấy, ngũ sắc, chuồn chuồn, cánh bướm... và sưu tầm những gốc hoa giấy lâu năm kiểu dáng lạ mắt để tạo điểm nhấn cho vườn.

Với những người “tay ngang” như chị Tú, bước khởi đầu khó khăn hơn gấp bội. Nhìn cánh đồng hoa tươm tất hiện tại, ít ai hình dung được chỉ khoảng 5 năm trước, mảnh đất này hoang vu, cỏ mọc um tùm, thường xuyên ngập nước do ngay sát sông. 

Cứ mưa lớn hay triều cường nặng là các luống ứ đọng, hoa khó sống. Chị phải cho đổ đất, nâng nền, làm hệ thống thoát nước cho vườn, rồi qua nhiều đợt vun xới liên tục để cải tạo chất đất... mất tới gần một năm trời các giống hoa mới chịu sống trên đất này.

Ở TP.HCM, khoảng 3 năm gần đây, một số người yêu thích hoa cảnh và có khả năng tài chính cũng đã thử sức mở vườn hoa ngoại thành ở Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn... 

Nhưng phần lớn chỉ thuần túy làm dịch vụ: thu phí vào cổng đối với khách tham quan (khoảng 30.000 - 100.000 đồng/người), cung cấp vài dịch vụ như phục vụ ăn uống, cho thuê trang phục. 

Đến nay, phần lớn các ông bà chủ này đều cảm nhận rõ kinh doanh vườn hoa cho người Sài Gòn ngắm không nhẹ nhàng như chuyện thưởng hoa.

Một ông chủ từng mở vườn hoa rộng hơn 1.000m2 ở Bình Chánh (TP.HCM) cho biết tiền thuê đất trả đủ 12 tháng nhưng chỉ mở cửa được từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Đó là lúc Sài Gòn kết thúc mùa mưa, vào dịp lễ Tết. Hết tháng 2 là vào những ngày nắng nóng, tiếp theo là mùa mưa. 

“Nắng quá hay mưa quá hoa không đẹp, khách cũng ngán tới chơi. Chúng tôi đã thử mở cửa những tháng sau Tết nhưng vắng lắm, không bù được phí vận hành" - một chủ vườn nói và cho biết thêm sau 2 năm kinh doanh toàn lỗ, ông đã chấm dứt hợp đồng thuê đất và dừng mô hình này.

Cánh đồng hoa của chị Tú gần như không đón khách từ tháng 3 đến tháng 10 nhưng vẫn phải giữ nhân công trông coi, cải tạo các cảnh quan, thiết kế và bài trí những tiểu cảnh mới cho mùa du lịch kế tiếp. Cần ít nhất 10 người luân phiên gánh vác các công việc chăm sóc cây, nhổ cỏ, trồng hoa, tưới nước… 

Lương một người 400.000 đồng/ngày công, chưa kể tiền điện nước, giống, phân bón... “Mọi năm tôi có thể cân bằng được chi phí này, nhưng năm nay khách giảm quá nên chưa biết sau đợt Tết này sẽ trụ lại thế nào”, chị Tú than.

Cảm thấy khó phát triển thêm mô hình cánh đồng hoa ở TP, mới đây chị Tú đến Đà Lạt thuê một khu đồi trồng hoa đón khách. Chị nói ở Đà Lạt khí hậu và chất đất đều tốt, thích hợp cho nhiều loại hoa khoe sắc. 

Có những giống hoa nở liên tục suốt 5 tháng mà không tàn. Dù phải cạnh tranh với nhiều nhà vườn hơn nhưng nhìn chung lượng khách vẫn đều đặn hơn ở Sài Gòn.

Với Vườn hoa Bốn mùa của anh Toàn, sau mùa du xuân, khách chỉ lai rai. Năm nay, anh dự định kết hợp vườn hoa và vườn cây ăn trái để tăng thêm sức hút trong những đợt thấp điểm.

“Nhiều người khuyên tôi nên bán hoa, chứ đón khách vé chỉ 30.000 đồng/người thì bao nhiêu mới bằng một chậu hoa, như nhiều gốc hoa giấy trên dưới 10 năm giá 100 triệu đồng/chậu. Nhưng tôi lại thích chia sẻ niềm đam mê với những người như mình”, anh Toàn nói.

Năm 2020, cộng đồng mạng thích thú khoe ảnh chụp tại một cánh đồng hoa hướng dương ngay trên mảnh đất của một dự án khu đô thị tại TP Thủ Đức. Hàng ngàn bạn trẻ đã tới đây vào những ngày cuối năm để chụp ảnh. Năm nay, dự án này đã không còn hoạt động. 

Thường xuyên sưu tầm giống lạ

Ông Phan Thanh Hùng, chủ nhiệm Hội quán Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), chia sẻ không chỉ sáng tạo hình thức và thiết kế, người kinh doanh vườn hoa còn phải tìm tòi thêm những giống hoa mới. Ông Hùng cho biết những năm trước các nhà vườn phải ra nước ngoài để sưu tầm những giống hoa đẹp. 

Như năm 2020, các vườn tìm được một giống hoa hồng ri đẹp lung linh, du khách mê mẩn. “Phải có những giống hoa mới thì mới hút khách tới thăm nhiều lần, nếu không họ có thể chỉ tới chơi một lần rồi thôi”, ông Hùng nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận