Những gì chúng ta biết và chưa biết về COVID-19

XUÂN MINH 24/08/2020 20:08 GMT+7

Cái thời có thể vô tư bắt tay bạn bè, đối tác, đi ra ngoài không cần đeo khẩu trang hay thủ theo chai nước sát khuẩn tay dường như trôi qua lâu lắm, nhưng thực tế mới khoảng 8 tháng trôi qua kể từ khi nhân loại biết đến SARS-CoV-2. Sau ngần ấy thời gian, chúng ta đã biết gì và chưa biết gì loại virus này và căn bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) mà nó gây ra?

Ảnh: Axios

Trang statnews.com ngày 17-8 đã điểm lại một loạt vấn đề đã và vẫn còn gây đau đầu cho công chúng và giới khoa học nhiều tháng qua.

Điều ta đã biết (phần nào)

COVID-19 và trẻ em

- Ở giai đoạn đầu của đại dịch, dường như trẻ em không bị các vấn đề nghiêm trọng như người lớn và rất hiếm có ca tử vong trẻ em; ngoài ra, trẻ em cũng không mắc COVID-19 với tỉ lệ như người lớn.

Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy mặc dù tử vong do COVID-19 ở trẻ em và thanh thiếu niên vẫn ở mức thấp, trẻ em không miễn nhiễm với căn bệnh này. Rất có thể, trẻ em cũng góp phần lây virus dù chúng ta chưa rõ bao nhiêu.

Liên quan đến COVID-19, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên là hai đối tượng không nên gộp chung thành một. Thanh thiếu niên dường như phát tán virus với tỉ lệ như người lớn trong khi đó, các nhà khoa học vẫn chưa rõ trẻ dưới 5 tuổi lây virus cho người khác nhiều hay ít và tại sao các bé không thường có các triệu chứng như người lớn.

Rủi ro lây nhiễm

- Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ một người đã nhiễm COVID-19 lây cho người khác. Về cơ bản là, càng tiếp xúc gần với người có khả năng lây bệnh và tiếp xúc với họ càng lâu, chúng ta càng có nhiều khả năng bị nhiễm virus. Môi trường kín còn tệ hơn, đặc biệt là ở những căn phòng không có đủ thông gió. Đeo khẩu trang hằng ngày làm giảm lượng virus chúng ta tiếp xúc dù không ngăn chặn được hoàn toàn.

Nói to, thở mạnh, ca hát và la hét cũng phát tán nhiều virus ra ngoài hơn, đây là lý do tại sao các chuyên gia cho rằng các hộp đêm, phòng tập thể dục là những cơ sở kinh doanh tiềm ẩn rủi ro, dù không có nghĩa là chúng ta không bị nhiễm virus khi trò chuyện bình thường với người khác ở không gian bên ngoài, chỉ là xác suất thấp hơn.

Tiếp xúc gần, trong thời gian lâu với một người nào đó làm tăng nguy cơ nhiễm virus một phần là do cần có một ngưỡng tiếp xúc đủ với virus để bị mắc bệnh. Ngoài ra, có giả thuyết là một số người bị COVID-19 nặng là do họ tiếp xúc với “nhiều” virus hơn.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy có một tỉ lệ khá nhỏ, từ 10-20%, trong số những người bị nhiễm bệnh làm lây cho khoảng 80% các trường hợp mới. Để lây được cần nhiều yếu tố: có bao nhiêu người có mặt, độ thông gió trong phòng, và tất nhiên - phải có người bị nhiễm COVID-19. Một số người có thể phát tán nhiều virus hơn những người khác, và người nhiễm COVID-19 có thể phát tán nhiều hay ít virus tùy thuộc vào giai đoạn mắc bệnh của họ. Có bằng chứng cho thấy lây virus tăng đột biến trong những ngày trước khi người nhiễm có triệu chứng và bắt đầu cảm thấy ốm.

Khỏi bệnh vẫn dương tính? Không phải rủi ro

- Vài tháng trước, dư luận rất lo lắng khi một số người khỏi COVID-19 vẫn dương tính với virus trong nhiều tuần sau đó. Các ca này có còn lây bệnh không? Có cần thay đổi khuyến nghị về thời gian cách ly với những người nhiễm bệnh không? Tuy nhiên, sự việc là do chất lượng xét nghiệm quá tốt. Đa số xét nghiệm sử dụng phương pháp PCR - phản ứng chuỗi polymerase - có độ nhạy cao, có thể phát hiện từng mảnh nhỏ của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, xét nghiệm PCR không cho biết những phần mã di truyền đó là một phần của virus có thể lây sang người khác hay là những đoạn virus không còn nguy hiểm.

Hiện nay, chúng ta biết thêm là những người bệnh nhẹ, không phức tạp, sẽ phát tán virus lây bệnh tối đa thêm 10 ngày sau khi có triệu chứng và theo Malik Peiris, một chuyên gia về virus corona của Đại học Hong Kong: “Những bệnh nhân bị bệnh nặng hoặc không đáp ứng miễn dịch phát tán virus trong thời gian lâu hơn”. Về cơ bản, những người còn dương tính sau khi khỏi bệnh không còn là rủi ro cho người khác. Maria Van Kerkhove, chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới về virus corona xác nhận: “Họ không lây bệnh trong thời gian dài như vậy”.

Ảnh hưởng lâu và triệu chứng dài ngày

- COVID-19 để lại dấu ấn trên các bộ phận cơ thể như tim, não, hệ thần kinh ngoại biên… của chúng ta và có nhiều lo lắng rằng những ảnh hưởng này sẽ kéo dài. Ngoài ra, có những người nhiễm COVID-19 tiếp tục có triệu chứng trong hơn 100 ngày dù đã không còn virus trong cơ thể. Các nhà khoa học không biết số lượng cụ thể bao nhiêu, tại sao các triệu chứng lại dai dẳng cũng như điều gì sẽ xảy ra về sau.

Tháng 7-2020, một khảo sát do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thực hiện cho thấy khoảng 35% những người dương tính với SARS-CoV-2 và có các triệu chứng của COVID-19 như ho, mệt mỏi hoặc khó thở, hồi phục sau 2-3 tuần điều trị tại nhà. Trong số này, ở nhóm những người từ 18-34 tuổi không có bệnh mãn tính, có 20% cảm thấy các triệu chứng bệnh kéo dài.

Hệ thống y tế Mount Sinai (TP New York) đã mở Trung tâm Chăm sóc hậu COVID-19 vào tháng 5-2020 để điều trị những người có triệu chứng kéo dài. David Putrino, giám đốc phụ trách phục hồi chức năng ở đây, cho rằng các triệu chứng kéo dài có thể gây ra chứng rối loạn chuyển hóa máu, tình trạng nhịp tim, huyết áp và nhiệt độ cơ thể không điều hòa. Tuy nhiên, tại sao COVID-19 gây ra chứng bệnh này thì khoa học vẫn chưa biết và chưa có cách điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Người không có triệu chứng phát tán virus

- “Không có triệu chứng” bao gồm những người hoàn toàn không có triệu chứng, chưa xuất hiện triệu chứng (nhưng sẽ có triệu chứng) hoặc không có triệu chứng điển hình của COVID-19 như sốt, ho, mất khứu giác - mà có triệu chứng khác, như buồn nôn trong một ngày.

Theo một đánh giá gần đây, khoảng 20% người nhiễm không có triệu chứng, dù các nghiên cứu khác đưa ra ước tính cao hơn. Nhưng họ vẫn có thể lây virus dù có lây mạnh như những người có triệu chứng không thì các nhà khoa học chưa biết. Đây là lý do các chiến dịch tuyên truyền nhấn mạnh việc giãn cách, đeo khẩu trang và rửa tay với mọi người, không chỉ những người bị bệnh.

Virus trên bề mặt 

- Ngày càng chắc chắn là virus trên bề mặt không phải là đường lây truyền chính. WHO xác nhận chưa có trường hợp nào ghi nhận chắc chắn rằng một bệnh nhân bị nhiễm virus do tiếp xúc với bề mặt dính virus. Trong thực tế, nếu ai đó tiếp xúc đủ gần với người bị bệnh và bị lây thì có khả năng họ cũng tiếp xúc với virus trên các bề mặt, dịch cơ thể dính virus và thậm chí có thể là các hạt nhỏ, li ti chứa virus bị tống ra ngoài khi ho, hát hoặc nói. Tuy nhiên, để xác định trong tình huống nào, đường lây truyền cụ thể nào lây truyền virus thì dường như không thể.

Nhưng nhiều nghiên cứu cũng chứng minh rõ là các bề mặt xung quanh người nhiễm bệnh có thể nhiễm virus và virus có thể tồn tại ở đây. Do đó, ngành y tế khuyến cáo chúng ta làm sạch bề mặt và vệ sinh tay cẩn thận để giảm thiểu rủi ro mắc bệnh.

 Bao nhiêu người đã nhiễm COVID-19

Tính đến hết tuần qua (23-8), thế giới đã có hơn 23,3 triệu ca dương tính xác nhận với COVID-19 nhưng có nghi ngờ rằng số người thực sự nhiễm virus trên thế giới còn nhiều hơn.

Lỗi xét nghiệm, thiếu khả năng xét nghiệm hàng loạt cũng như những người có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng không biết mình bị nhiễm bệnh góp phần củng cố nghi ngờ trên. Do đó, chúng ta không biết chính xác con số nhiễm virus không được ghi nhận lớn đến mức nào.

Một nghiên cứu gần đây của CDC ở 10 thành phố và tiểu bang ở Mỹ ước lượng tại hầu hết các nơi, số người nhiễm bệnh thực tế cao hơn khoảng 10 lần so với con số được xác nhận. Dù vậy, số lượng này chỉ làm cho khoảng 20% người dân, kể cả trong các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng, có miễn dịch với COVID-19. Do đó, miễn dịch cộng đồng vẫn còn là mục tiêu rất xa ngay cả ở những nơi đã bùng phát dịch nặng.

Và điều ta không biết

Nếu có người thật sự tái nhiễm thì sao? 

- Hầu hết các loại virus đường hô hấp không phải là bệnh tạo ra khả năng miễn dịch suốt đời. Kiến thức về virus corona ở người - chủ yếu gây cảm lạnh - củng cố quan điểm này. Một nghiên cứu ở Hà Lan thực hiện trong nhiều thập kỷ, đo các kháng thể của các tình nguyện viên với bốn virus corona ở người trong những khoảng thời gian đều đặn nhận thấy tái nhiễm có thể xảy ra trong vòng một năm kể từ lần nhiễm bệnh đầu tiên. Một số nhà khoa học nhận định, trong những lần nhiễm virus tiếp theo, hệ miễn dịch có thể phản ứng nhanh hơn, làm bệnh nhẹ hơn. Nếu điều này là đúng, virus SARS-CoV-2 có thể ít đe dọa hơn theo thời gian. Tuy nhiên, đây vẫn là một ẩn số.

Liều gây nhiễm tối thiểu?

- Khi tiếp xúc mầm bệnh, vấn đề không chỉ là bạn nhạy cảm hay có miễn dịch ra sao mà còn là số lượng virus (hoặc vi khuẩn) bạn tiếp xúc. Lượng virus vượt qua điểm cân bằng gọi là liều lây nhiễm tối thiểu. Một số mầm bệnh có liều lây nhiễm thấp như vi khuẩn E. coli 0157. Lượng virus SARS-CoV-2 tối thiểu là bao nhiêu để lây bệnh cho hầu hết mọi người vẫn là một bí mật. Angela Rasmussen, một chuyên gia về virus corona tại Đại học Columbia (Mỹ), cho rằng đây là một trong những câu hỏi cấp thiết trong nghiên cứu về SARS-CoV-2 nhưng hiện chưa có đáp án. Theo bà, đó không phải là một lượng nhỏ hay rất nhỏ.

Tại sao một số bị bệnh rất nặng, một số khác thì không?

- Biểu hiện của những người nhiễm COVID-19 từ không có triệu chứng, đến bệnh nhẹ, trung bình và đến những trường hợp bệnh có biến chứng nặng và tử vong đã làm bối rối những người nghiên cứu về căn bệnh này.

Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh nặng rõ ràng như: lớn tuổi, có bệnh nền như ung thư, béo phì, thiếu máu hồng cầu hình liềm nhưng các nhà khoa học cho rằng còn có các yếu tố khác vì tại sao hầu hết những người 30 tuổi khỏe mạnh hồi phục sau vài ngày trong khi một số khác lại bị bệnh nặng. Họ đang nghiên cứu sự khác biệt về gen cũng như nhóm máu ở các bệnh nhân.

Gần đây, một số nghiên cứu chỉ ra khả năng khác: nhiều người có thể đã có tế bào T trong hệ miễn dịch; các tế bào này trước đó đã phản ứng với một loại bệnh do một trong những virus corona gây ra, và vì thế cũng nhận ra virus SARS-CoV-2. Các tế bào T “phản ứng chéo” này có thể giúp tạo đà cho hệ miễn dịch ngăn chặn các triệu chứng nghiêm trọng. Nếu có khả năng này, hiện các nhà nghiên cứu chưa biết vai trò thực sự của chúng là gì. ■


Chúng ta không bị tái nhiễm trong bao lâu?

COVID-19 giúp chúng ta có khả năng miễn dịch, không bị tái nhiễm trong một thời gian. Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn không biết chính xác sự bảo vệ này kéo dài bao lâu cho đến khi chúng ta bị nhiễm COVID-19 lại lần nữa.

Khi các nhà khoa học xác nhận mức độ kháng thể giảm trong thời gian ngắn, nhiều người lo rằng khả năng bảo vệ đối với SARS-CoV-2 có thể không kéo dài, và do đó chúng ta phải tiêm vaccine thường xuyên. Nhưng theo các nhà miễn dịch, với các virus khác, kháng thể cũng giảm, nhưng sẽ tăng lên khi tái tiếp xúc với mầm bệnh và chúng vẫn có thể ngăn chặn căn bệnh. Dù vậy, họ không biết rõ về lượng kháng thể cần để ngăn virus xâm nhập vào tế bào và vai trò của các tế bào T trong việc chống lại mầm bệnh. Ngay cả những người đã hồi phục cũng có lượng kháng thể khác nhau - có thể có người có phản ứng miễn dịch ban đầu yếu hơn và do đó không được bảo vệ lâu khỏi tái nhiễm. Bác sĩ Maria Van Kerkhove của WHO ngày 10-8 xác nhận: “Chúng ta không biết phản ứng miễn dịch sẽ có hiệu quả trong bao lâu hay mạnh như thế nào”.

Nửa tháng sau phát biểu đó, WHO nói riêng và giới khoa học nói chung đã có ngay một trường hợp để tìm hiểu thêm, khi các nhà nghiên cứu của Đại học Hong Kong ngày 24-8 báo cáo một trường hợp được xem là tái nhiễm COVID-19 đầu tiên.

Đó là một người đàn ông 33 tuổi, nhiễm virus SARS-CoV-2 lần đầu vào cuối tháng 3; sau đó người này đi đến Tây Ban Nha rồi trở về Hong Kong từ Anh, và xét nghiệm tại sân bay ở Hong Kong cho kết quả dương tính với virus vào ngày 15-8.

Trong email trả lời CNN, bác sĩ Kelvin Kai-Wang To (Đại học Hong Kong), người nghiên cứu ca bệnh này, cho biết: “Bệnh nhân bị tái nhiễm sau 4,5 tháng tính từ lần nhiễm đầu. Do đó, có thể thấy ở riêng bệnh nhân này, khả năng miễn dịch từ lần bị bệnh đầu chỉ tồn tại trong thời gian ngắn”.

Trình tự gen của virus của bệnh nhân trong hai lần nhiễm khác nhau thể hiện qua sự khác biệt của 24 nucleotide chứng tỏ đây là tái nhiễm chứ không phải hiện tượng đã khỏi bệnh nhưng vẫn dương tính do xét nghiệm quá nhạy như trình bày ở phần trên.

Tuy nhiên, trong lần mắc bệnh thứ hai, bệnh nhân bị bệnh nhẹ hơn lần trước và không có triệu chứng nào trong khi lần bệnh đầu tiên bệnh nhân có các triệu chứng điển hình gồm ho, sốt, đau họng và đau đầu. Do đó, đây có thể là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch của anh có tạo ra một sự bảo vệ nhất định mặc dù không thể ngăn căn bệnh xảy ra.

Đại diện của WHO và các chuyên gia đều thận trọng trước ca tái nhiễm này. Họ cho rằng không nên vội vàng kết luận vì có thể đây chỉ là ngoại lệ trong gần 24 triệu ca nhiễm virus trên thế giới; có thể tái nhiễm là rất hiếm gặp và không nguy hiểm và miễn dịch có tác dụng bảo vệ lâu hơn thời gian vài tháng với đa số. Hiện tại, một số nghiên cứu đang theo dõi các bệnh nhân đã hồi phục để giúp đưa ra kết luận chắc chắn hơn trên bình diện dân số.

Dù sao đi nữa, ngay cả khi trường hợp ca tái nhiễm ở Hong Kong là ngoại lệ, nó cho thấy ngay cả những người đã khỏi COVID-19 cũng cần tiêm phòng và nên tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với người khác.

Cần nói thêm một chút về xét nghiệm PCR. Theo bác sĩ Van Kerkhove, có nhiều người có kết quả xét nghiệm PCR dương tính sau khi đã hồi phục, đặc biệt có trường hợp dương tính nhiều tuần liền sau khi hồi phục, nhưng điều này không có nghĩa là họ vẫn lây bệnh cho người khác”.

Theo hướng dẫn của WHO và CDC, một người được xem là hồi phục và không lây bệnh cho người khác sau 10 ngày kể từ khi xuất hiện các triệu chứng với điều kiện 3 ngày hoàn toàn không có triệu chứng (công thức 10+3). Chẳng hạn, nếu các triệu chứng biến mất vào ngày thứ 6, người bệnh được xem là hồi phục sau ngày thứ 10. Nếu các triệu chứng kéo dài, đến ngày thứ 12, và sau 3 ngày không có triệu chứng, họ được xem là khỏi bệnh và không lây cho người khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận