Những kho tàng vô danh của thành phố

NAM THỤ 29/09/2017 01:09 GMT+7

TTCT - Dì Hai đã gần 70 rồi. Dì Hai suốt từ năm 16 tuổi đến khi về hưu, gắn bó với một công ty dệt. Đi làm thì thôi, về đến nhà là quán xuyến mọi thứ, rảnh ra một chút là dì đi buôn gánh trái cây thêm.

 

 

Dì Hai kể: “Hồi đi làm, từ nhà đến bến xe buýt của công ty đi xe lam mất một ngàn đồng, kệ, mình dậy sớm chút, đi bộ thong thả chừng hơn ba cây số là có thêm chút tiền mua đồ ăn sáng ngon ngon cho ông bà già rồi”.

Dáng dì Hai nhỏ, nhưng dường như có một thứ năng lượng vô tận, dì Hai làm cả ngày. Về hưu, đi phụ cái quán cho người cháu, vừa thấy tất bật rửa chén, lau chén, phơi nắng muỗng đũa ngập ngụa xong đã thấy vào pha trà, ướp đá.

Rảnh hơn nữa, khi quán vắng là thấy ngồi giặt rồi phơi rồi tỉ mẩn xếp gọn gàng đống bịch nilông. “Ngồi không buồn tay không chịu nổi, tao tiếc ngồi làm vầy rồi đem về xóm cho mấy bà bán hàng gần nhà, chứ mình có xài gì đâu. Mà nghe làm vầy là bảo vệ môi trường đó nghen” - dì Hai cười.

Dì hay la mấy đứa nhỏ làm việc mà rề rề, cứ chú ý vô cái smartphone miết. “Tao hay đi chùa, nhưng chỉ có ông Phật mới đạt được sự không cần nói mà ai cũng yên tâm, không cần nhìn mà thấu được hết... chứ mình thì thấy cái gì không phải, chậm chạp phải nói cho nó sửa, không thì không chịu được”.

Gần đây, quán dì Hai có sửa chữa nhỏ, dì Hai than sửa cái bếp dơ quá mà thiếu giẻ lau. Vì mới dọn tủ quần áo còn dư cả bao đồ cũ, tôi chở đến, để dì Hai có cái mà lau nhà. Ngó cái bao đồ to tướng, dì Hai bảo “cứ để đấy, rồi tao coi cho”.

Đến xế xế, sau khi dì Hai ngớt việc cho quán, thấy đã hí hoáy ngồi cầm kim cầm chỉ làm gì đó với đống quần áo tôi đem tới.

Tôi đùa: “Trời, dì Hai kỹ quá, cứ xếp lại mà lau chứ khâu cho vuông thành sắc cạnh chi cực vậy dì”. Dì Hai chỉ nhíu mày.

Đến chiều hôm sau, vẫn thấy dì Hai ngồi khâu, bèn tới gần coi, thì ra “tao luồn lại dây thun quần cho mấy bộ đồ này, còn tốt mà, hôm qua tao làm lại mấy bộ cho người ta rồi, người ta mừng lắm”.

Tôi hoảng hồn: “Đồ này cũ quá, con lại đem để ngoài sân một đêm, có khi bị mưa, sao cho được?”. Dì Hai thủng thẳng: “Tao giặt rồi, tao nghe mùi ẩm mưa mà, cũ gì, tao lựa đồ tốt, làm lại, cho mấy bộ cho ông chạy xe ôm ngoài kia, ổng vui quá trời!

Cái nào xấu quá thì lau nhà, cái nào tốt thì xài chớ”. Nói rồi dì Hai lại luồn chỉ làm tiếp. “Thôi, bữa sau con lựa đồ tốt để dì Hai cho nghen”, dì xua tay, còn tốt thì để bận đi chớ, tiết kiệm cho mình nữa.

Cả kho kiến thức, cả kho nhân văn vẫn cứ ở đâu đó quanh mình, ở thành phố bề bộn này. Các lớp kỹ năng mềm hay hướng dẫn sống chắc dạy không nhanh tiến bộ bằng những người như dì Hai, những người vô danh đã góp phần làm nên văn hóa Sài Gòn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận