TTCT - Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc (LHQ) được giải Nobel vinh danh “vì những hành động đóng vai trò lực lượng thúc đẩy trong nỗ lực ngăn chặn việc biến cái đói thành vũ khí cho chiến tranh và xung đột”, theo lời Chủ tịch Ủy ban Nobel Berit Reiss-Andersen ở Oslo, Na Uy. Nạn đói ở Yemen đe dọa 2/3 dân số, với trẻ em là đối tượng dễ tổn thương nhất. Ảnh: NPR“Với giải thưởng năm nay, Ủy ban Nobel mong muốn hướng sự chú ý của thế giới tới hàng triệu người đang phải chịu đựng hay đối mặt với đe dọa từ nạn đói”, bà Reiss-Andersen nói thêm. Theo thống kê của chính WFP, khoảng 690 triệu người - tức 1/11 dân số thế giới - vẫn còn phải lên giường đi ngủ với cái bụng rỗng. Và dù mang thực phẩm tới cho người cần “bằng trực thăng hay trên lưng lạc đà và voi”, WFP đã là “tổ chức nhân đạo hàng đầu thế giới”, cung cấp 15 tỉ khẩu phần ăn cho 97 triệu người ở 88 nước trong năm 2019, từ những nước đóng cửa gần như hoàn toàn với thế giới bên ngoài như CHDCND Triều Tiên cho tới những vùng chiến sự khốc liệt như Yemen.Một chiến thắng của chủ nghĩa đa phươngTrong khi những con số đó là rất lớn, nó còn xa mới là sự cứu trợ toàn diện cho những người đang khẩn thiết cần thực phẩm mỗi ngày. Dù đã đạt nhiều tiến bộ trong ba thập kỷ qua, mục tiêu của LHQ loại bỏ hoàn toàn nạn đói vào năm 2030 xem ra khó lòng đạt được với tốc độ hiện giờ. Phụ nữ và trẻ em thường xuyên là những đối tượng chịu nhiều rủi ro nhất. Nạn đói và chiến tranh cũng có mối quan hệ hỗ tương.“Chúng ta không thể chấm dứt nạn đói nếu không chấm dứt xung đột”, Giám đốc điều hành WFP Daivd Beasley nói. Ông cũng dẫn ra ví dụ trường hợp Yemen, nơi dân chúng đang phải sống trong “cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới”. Nhiều cơ quan của LHQ đã liên tục báo động về những hậu quả khủng khiếp của cuộc xung đột đang khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng từ năm 2015, khi một liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu hỗ trợ chính quyền ở đây đánh trả lực lượng nổi dậy người Houthi được Iran hậu thuẫn. Cuộc xung đột đã làm 3 triệu người mất nhà cửa và khiến nạn đói giáng xuống đầu 2/3 dân số 30 triệu người của Yemen, những người “không biết sẽ kiếm đâu bữa ăn tiếp theo”, theo WFP.Tình hình cũng ảm đạm hơn với an ninh lương thực thế giới vì đại dịch COVID-19, đi kèm là thu nhập giảm sút, giá lương thực tăng và sự đứt gãy chuỗi cung ứng. “Đại dịch virus corona đã góp phần làm tăng mạnh số nạn nhân của tình trạng đói kém trên thế giới”, Ủy ban Nobel nói. “Ở những nước như Yemen, CHDC Congo, Nigeria, Nam Sudan và Burkina Faso, xung đột vũ trang kết hợp với dịch bệnh đã khiến số người sống trên bờ vực nạn đói tăng mạnh”. Hồi tháng 4, chính ông Beasley báo động rằng thế giới có thể đối mặt với hàng loạt nạn đói “như trong Thánh kinh” chỉ trong vài tháng nữa. Suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến thêm từ 83 tới 132 triệu người có nguy cơ lâm vào nạn đói, theo báo cáo của LHQ.Di nguyện của Alfred Nobel trao Nobel hòa bình cho những nỗ lực xuất sắc nhằm thúc đẩy tình bác ái giữa các quốc gia, loại bỏ và giải trừ vũ khí cũng như thúc đẩy hòa bình đã mang tới giải Nobel cho nhiều sứ mệnh khác nhau - từ phá gỡ bom mìn, loại bỏ vũ khí hóa học và hạt nhân, cho tới chống biến đổi khí hậu, ngoài việc chấm dứt xung đột thuần túy. Giải năm nay cho WFP là sự vinh danh phù hợp cho những người làm công tác cứu trợ ở tiền tuyến đã can đảm vượt qua tình trạng hiểm nguy để tới với người cần cái ăn trong chiến tranh, thiên tai và dịch bệnh.Quyết định vinh danh WFP cũng gợi lại một giải Nobel khác vào năm 1949, khi Lord John Boyd Orr, giám đốc đầu tiên của Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), có phát ngôn bất hủ: “Bụng đói thì không thể có hòa bình”. Đấy cũng là lời nhắc nhở về khoản chi phí còn thiếu hụt cho hoạt động của WFP, vào khoảng 4,1 tỉ đôla, để lấp đầy những khoảng trống như ở Syria, nơi đang bị chiến sự tàn phá và ước tính 4,6 triệu người sống sót chỉ dựa vào lương thực cứu trợ.Vấn đề của bình đẳngNếu có những vị du khách từ sao Hỏa tới thăm Trái đất, họ hẳn phải thấy làm khó hiểu với cách thức các cư dân phân phối lương thực thông qua thương mại. Họ có thể tự hỏi tại sao Trái đất lại chia rẽ như vậy, với một số lượng ít ỏi các nước giàu và rất nhiều nước nghèo như vậy. Với họ, việc những người đói ăn tồn tại cùng những kho đụn thừa mứa và tình trạng lãng phí thực phẩm tràn lan sẽ là một nghịch lý không thể nào hiểu nổi.Nhưng đấy thậm chí chưa phải là những nghịch lý lớn nhất. Nghịch lý lớn nhất có lẽ là việc hiện không ít quốc gia còn hàng triệu người đói vẫn xuất khẩu thực phẩm sang các nước mà dân chúng đã thừa mứa. Thực tế đó là bởi các tập đoàn nông nghiệp - thực phẩm, vốn ngày càng lớn và tập quyền, đã tận dụng rất tốt quyền lực của họ, kiểm soát chi phí nguyên vật liệu thô mua từ nông dân - tức mua vào với giá rẻ, trong khi bán thực phẩm cuối cùng ra cho người tiêu dùng với giá cao - đi kèm là một khoản lợi nhuận hậu hĩnh.Trên toàn cầu, cứ 11 người thì một người lại không có đủ cái ăn, theo WFP, nhưng định nghĩa về cái đói là một vấn đề phức tạp. Nó có tính chủ quan và các mức độ khác nhau, từ chết đói, thiếu dinh dưỡng cho tới thiếu lương thực… Đói về mặt kỹ thuật chỉ là mong muốn được ăn. Nhưng định nghĩa này không đầy đủ: cái đói muôn hình vạn trạng - lấy ví dụ, một định nghĩa của WFP về thiếu dinh dưỡng là khi người ta không tiêu thụ đủ calorie để đáp ứng các nhu cầu tâm sinh lý tối thiểu của cơ thể.Tương tự, nhiều ngộ nhận khác về cái đói cần được vạch rõ, chẳng hạn quan niệm cho rằng cần kiểm soát chặt gia tăng dân số để đối phó nạn đói. Thực tế của chính VN cho thấy điều đấy không đúng: VN đã từ một nước bên bờ vực nạn đói trở thành một nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới trong bối cảnh dân số tăng liên tục và đều đặn khoảng 40 năm qua, từ 54 triệu người vào năm 1980 lên 97 triệu người hiện nay. Ngoài bằng chứng cụ thể đấy, năm 1989, các nhà xã hội học của Đại học Cornell, Frederick Buttel và Laura Reynolds, đã phân tích dữ liệu thống kê ở 93 nước thuộc thế giới thứ ba và xác định dứt khoát rằng tình trạng nhân mãn không phải là nguyên nhân gây ra nạn đói. Ngược lại thì đúng hơn: nạn đói chính là điều khiến dân số tăng vọt mất kiểm soát. Một gia đình càng cần nhiều lao động chân tay trong bối cảnh tỉ lệ tử vong trẻ em cao do thiếu dinh dưỡng sẽ quyết định sinh càng nhiều con.Chúng ta cũng có thừa đủ thực phẩm để nuôi sống cả thế giới. Vấn đề là quá nhiều người quá nghèo để mua được những thực phẩm đó. Ngay cả những nước nghèo nhất cũng có đủ thức ăn cho tất cả dân chúng của mình, nhiều nước thậm chí vẫn xuất khẩu nông sản. Do đó về cơ bản, nạn đói là một vấn đề của bình đẳng: quá nhiều người thừa mứa và lãng phí trong khi những người khác không có đủ cái ăn. Bất bình đẳng còn thể hiện một cách tinh vi hơn: những người nghèo ở thế giới thứ ba phải trả mức giá cho thực phẩm được định đoạt bởi mức sẵn sàng chi trả của người tiêu dùng các nước giàu, một hệ quả tất yếu của thương mại toàn cầu hóa.Tiêu thụ thực phẩm ở các nước giàu tạo ra một lực hút nông sản, thường là những sản phẩm chất lượng nhất, khỏi thị trường của chính những người nuôi trồng ra những loại nông sản đấy (một ví dụ ở VN: dù là một nước xuất khẩu quả vải hàng đầu thế giới, hầu hết quả vải chất lượng cao nhất của VN được để dành cho thị trường ngoại quốc, luôn là các nước giàu hơn). Trong khi lượng calorie tiêu thụ trung bình mỗi ngày ở các nước phát triển như Mỹ và Úc là hoảng 3.700 kilocalorie, thì ở những nước như Burundi hay Eriteria, con số đó chỉ là 1.600.Chỉ tập trung vào việc tăng sản lượng nông nghiệp cũng không giải quyết được nạn đói. Nhiều nước đã tiến hành thành công cuộc Cách mạng xanh trong nông nghiệp: Ấn Độ, Mexico và Philippines đều chứng kiến sản xuất và xuất khẩu lương thực tăng mạnh, trong khi nạn đói vẫn không thể giải quyết dứt điểm ở các nước này.Giải Nobel hòa bình trao cho WFP cũng là sự thừa nhận rằng nỗ lực chấm dứt nạn đói trên toàn cầu vẫn là một hành trình dài.■Đây là lần thứ 9 giải Nobel hòa bình được trao cho LHQ hay một tổ chức thuộc LHQ, bao gồm: Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) được trao giải hai lần vào các năm 1954 và 1981; Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), 1965; Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 1969; Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, 1988; LHQ và tổng thư ký Kofi Annan, 2001; Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và tổng giám đốc Mohamed El Baradei, 2005; Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), 2007 (trao chung với cựu phó tổng thống Mỹ, nhà hoạt động môi trường Al Gore). Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Mùa nobel 2020 Tags: Nobel hòa bìnhNobel 2020
Vì sao hàng ngàn người tập trung trước Nhà hát lớn Hà Nội khiến đường tắc từ sáng tới chiều? PHẠM TUẤN 24/11/2024 Từ sáng tới chiều 24-11, tại trước khu vực Nhà hát lớn Hà Nội hàng ngàn bạn trẻ tập trung gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, vì sao?
Sang nhượng suất đạp xích lô, chèo ghe ở Hội An giá 500-700 triệu đồng THÁI BÁ DŨNG 24/11/2024 Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô Hội An Phan Phước Tùng cho biết mỗi suất đạp xích lô ở Hội An có giá từ 500-700 triệu đồng nhưng đa phần bà con anh em họ hàng nhượng lại cho nhau để kiếm sống.
Cách đi xe buýt đến ga metro ở TP.HCM CHÂU TUẤN 24/11/2024 Bạn đọc Tuổi Trẻ tiếp tục đặt câu hỏi về các tuyến xe buýt đến metro, có loại xe nào khác để kết nối và đi metro có thể đi đâu tiếp.
Vợ chồng ca sĩ Bích Tuyền sẽ khởi kiện Đàm Vĩnh Hưng? HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Trong nội dung livestream mới nhất của bầu sô Dũng Taylor vào trưa 24-11 (theo giờ Việt Nam) hé lộ thông tin vợ chồng ca sĩ Bích Tuyền sẽ khởi kiện ngược lại ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.