Những ngôi nhà bị dỡ bỏ ở Thủ Thiêm

ERIK HARMS 12/05/2018 01:05 GMT+7

TTCT - Dưới góc nhìn nhân học và phương pháp nghiên cứu “quan sát và thâm nhập” đặc trưng, Erik Harms - nhà nhân học người Mỹ (hiện là giảng viên ngành nhân học tại ĐH Yale, Mỹ) - đã dành 9 tháng nghiên cứu nhân học ở hai khu đô thị Phú Mỹ Hưng và Thủ Thiêm, phỏng vấn 335 người, bao gồm 148 người ở Thủ Thiêm và 187 người ở Phú Mỹ Hưng.

Một ngôi nhà bị đập bỏ ở Thủ Thiêm năm 2010. Ảnh: Erik Harms
Một ngôi nhà bị đập bỏ ở Thủ Thiêm năm 2010. Ảnh: Erik Harms

Cuốn sách của anh mang tên Luxury and Rubble (tạm dịch: Sự xa hoa và đống đổ nát) (*) đã kể lại câu chuyện về sự phát triển đô thị ở hai khu vực này và mang đến rất nhiều suy ngẫm. TTCT trích dịch một số đoạn trong cuốn sách của anh (với sự đồng ý của tác giả).

NHỮNG THƯỚC PHIM CỦA ÔNG TÂM

Tháng 3-2014, ông Tâm - 65 tuổi, thợ sửa các thiết bị điện tử vừa mới về hưu - kết nối máy quay vào tivi và chiếu một đoạn phim. Mở đầu là cảnh ba người đàn ông đang ra sức kéo một sợi dây thừng to để phá dỡ một ngôi nhà. Đoạn phim này được quay vào tháng 8-2011 ở khu vực Thủ Thiêm, cạnh sông Sài Gòn. Phía bên kia là những đại lộ và các tòa cao ốc mới của Q.1.

Ngôi nhà này thuộc sở hữu của cha ông Tâm, người làm kế toán cho một ngân hàng lớn ở phía bên kia sông Sài Gòn thuộc Q.1. Ông Tâm cho biết ngôi nhà này được xây dựng năm 1938. Ông Tâm đã sống trong ngôi nhà kiến trúc Pháp - Việt này gần như cả cuộc đời. Đầu tiên, ông là một trong bảy người con sống trong ngôi nhà, sau đó ông sống cùng vợ con và đến khi vợ chồng ông lên chức ông bà, trước khi ngôi nhà bị dỡ bỏ năm 2011.

Ông Tâm đã chiếu đoạn phim này cho tôi xem trong phòng khách của ngôi nhà 3 tầng mới mua ở phía bên kia của Q.2, nằm trong một con hẻm lao động xa sông Sài Gòn, được xây dựng trên một khu đất cách ngôi nhà cũ vài kilômet. Nhưng khu vực này có phong cách hoàn toàn khác biệt. Đây là ngôi nhà ống có chiều dài 18m và chiều rộng 4m. Giống như hầu hết ngôi nhà ống, nó có một mảnh vườn nhỏ trước nhà, đủ để đậu hai chiếc xe máy cùng các chậu hoa, đằng sau một bức tường cao và một cửa sắt.

Ông Tâm tiếp tục chiếu đoạn phim trên màn hình. Sợi dây thừng luồn qua một khung cửa sổ bị vỡ, vắt qua đầu tường và được giữ chắc. Sau đó với mỗi lần kéo, bức tường lại nghiêng đi một chút và quay lại vị trí cũ. Sự kiên cố của bức tường tạo nên một nhịp điệu lặp đi lặp lại, giống như một con lắc đu đưa chậm chạp. Sau đó, mọi người dùng lực mạnh hơn để kéo khiến bức tường nghiêng hơn. Khi độ nghiêng lên đến cực đại, các công nhân bắt đầu kéo tới kéo lui đến khi nó sập xuống. Ngôi nhà cũ của ông Tâm nằm trong số xấp xỉ 146.000 căn bị dỡ bỏ ở Thủ Thiêm trong vòng một thập kỷ qua, chủ yếu trong hai năm 2010-2011, một số bị dỡ bỏ đầu năm 2003 và cuối năm 2014. Khi chưa bị phá dỡ, ngôi nhà gỗ cổ điển Sài Gòn này được bao quanh bởi một vườn trái cây nhiệt đới như khế, xoài, mít...

Khi ông Tâm cùng gia đình bị giải tỏa và chuyển đến một căn nhà ống, ngôi nhà cũ của ông được đền bù theo giá đất thị trường thay vì theo các giá trị cảm xúc và thẩm mỹ. Ngay cả công đoạn cuối phá dỡ ngôi nhà, chính ông Tâm cũng tham gia bằng cách thuê ba công nhân kéo hạ ngôi nhà thân yêu của mình. Trong lúc xem đoạn video chiếu cảnh phá dỡ nhà, ông Tâm giấu đi cảm xúc, kể: “Những viên gạch của Pháp rất dày và vữa hồ họ dùng rất bền. Phải mất một thời gian lâu để kéo bức tường xuống”.

Một trong những người hàng xóm mới của ông Tâm xem video cùng chúng tôi. Phản ứng của ông hàng xóm hoài cổ hơn ông Tâm: “Thật đau lòng khi xem cảnh này. Ngôi nhà này rất bền. Biết bao nhiêu cơn bão đã qua, gió mạnh, mưa lớn mà ngôi nhà chẳng hề hấn gì”. Phản ứng không cảm xúc của ông Tâm đối với đoạn video không có nghĩa là ông ấy không có kết nối tình cảm với ngôi nhà cũ, nơi mà ba thế hệ gia đình ông đã dành một phần đời của họ sống ở đó. Chính ông đã dùng camera quay lại quá trình phá dỡ, lưu giữ những kỷ niệm về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Những ngôi nhà tạm bợ cho người tái định cư Thủ Thiêm. Ảnh: Erik Harms
Những ngôi nhà tạm bợ cho người tái định cư Thủ Thiêm. Ảnh: Erik Harms

 

MỚI MẺ VÀ KHÁC

Các yếu tố an ninh, an toàn và văn minh là quan trọng đối với Hương, 46 tuổi, khi tôi gặp cô năm 2012. Hương đang sống cùng chồng và hai con trai tuổi teen trong một căn hộ 3 phòng ngủ ở khu phức hợp Sky Garden ở Phú Mỹ Hưng (PMH), Q.7. Tom, một trong hai con trai của Hương và đang học ở Trường Lawrence S. Ting ở PMH, nhận xét khu đô thị này giống như Singapore.

Hương có cách nghĩ phức tạp và đa chiều về khái niệm văn minh. Cô cho rằng cuộc sống ở PMH góp phần tạo ra những hình thái văn minh. Sinh năm 1966 ở Sài Gòn, thời thơ ấu của Hương diễn ra trong giai đoạn hỗn độn cuối chiến tranh Việt Nam. Cô trưởng thành trong thời kỳ bao cấp và trong thời kỳ mà mô hình nông nghiệp hợp tác xã gặp thất bại. Trong thời kỳ bao cấp, thực phẩm khan hiếm và người dân liên tục lo lắng về sự bất định từ các chính sách của chính quyền. Thành phố rơi vào sự hỗn độn: cơ sở hạ tầng yếu ớt, thành phố nghèo nàn, đông đúc, nóng bức. Do vậy, khi đến thăm PMH lần đầu, Hương nói cô bị choáng ngợp bởi những tiện nghi hiện đại và sự giao tiếp thẳng thắn, rõ ràng với các nhân viên bán hàng và nhân viên công ty nơi đây.

Vì những lý do này mà khu đô thị mới, trong ý nghĩ của cô, minh chứng rõ ràng cho sự thay đổi của xã hội - nó truyền cảm hứng cho niềm tin và sự tín nhiệm. Nhưng đồng thời cô cũng lo lắng về những chi phí sống ở đây. Cô tự hỏi sống trong căn hộ có giống với việc sống trong ngôi nhà truyền thống của người Việt Nam không? Với Hương cũng như hầu hết những người mà Hương biết, một căn nhà truyền thống có nghĩa là căn nhà đó phải được xây trên mảnh đất thuộc sở hữu của mình.

Với lý do này, Hương và chồng phải đắn đo nhiều năm trời để chuyển đến PMH sinh sống. Chuyện bắt đầu từ năm 2001, vợ chồng Hương khi đã dành dụm đủ tiền thì bắt đầu tìm kiếm một căn nhà. Lúc đó, vợ chồng cô sống chung cùng ba mẹ chồng ở Q.8. Với 165 cây vàng trong tay, họ bắt đầu đi khắp thành phố lùng sục tìm mua bất động sản. Hương kể lúc đó vợ chồng cô ngay lập tức nghĩ về những căn hộ hiện đại ở PMH, nó giống như một “giấc mơ” bởi khu đô thị này quá sạch và hiện đại, giống như họ hình dung về một cuộc sống ở nước ngoài. Giá căn hộ ở PMH trong tầm tay của họ. Hương và chồng vừa háo hức vừa lo lắng về môi trường sống mới. Tuy vậy, họ đối mặt với một lựa chọn khó khăn.

Hương: Đó là một giấc mơ rất lớn. [... ] Lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy PMH là năm 2001. Lúc đó, chúng tôi đứng trước một quyết định rất lớn: trở lại Q.1 hay đi đến PMH? Và tôi kể anh nghe, giáo sư, chúng tôi vẫn có cái tâm lý và tư tưởng của thế hệ cũ, nghĩa là ngôi nhà chúng tôi phải được xây dựng trên một mảnh đất và nếu có nhiều tiền hơn, chúng tôi có thể xây dựng nó cao hơn. Nhưng ở PMH họ chỉ giới thiệu cho chúng tôi “những căn hộ” hoặc mảnh đất, trong khi những căn nhà được xây trên đất trong các khu vực như Mỹ Kim [một khu biệt thự ở PMH] thì ngoài tầm với chúng tôi vì nó có giá lên đến 500 cây vàng. Tuy nhiên, những căn nhà đất ở một số khu vực tại Q.1 thì giá dao động khoảng 165 cây vàng. Và chúng tôi đã chọn căn nhà ở Q.1.

Năm 2001, họ mua một căn nhà ở Q.1 trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo với giá 165 cây vàng. Những nhận định của Hương nhấn mạnh ý niệm rằng PMH đại diện cho sự phá vỡ lối suy nghĩ truyền thống về ngôi nhà của người Việt tức không phải được xây dựng trên đất, mà là căn hộ trong những tòa nhà chung cư cao cấp.

Năm 2009, Tom, con trai của Hương, được nhận vào Trường Lawrence S. Ting ở PMH. Ngôi trường này cũng đại diện cho sự phá vỡ hàng rào truyền thống trong lĩnh vực giáo dục, với chương trình học mới và những phương pháp giảng dạy hiện đại. Tại Trường Lawrence S. Ting, dù chính quyền cho phép “các chương trình” nước ngoài và các tiêu chuẩn quốc tế, các lớp học vẫn được giảng bằng tiếng Việt và học sinh vẫn phải học lịch sử và văn hóa Việt Nam. Tom là học sinh rất tiềm năng, nhưng Hương và chồng lo lắng con mình sẽ đánh mất thời gian học hành quý báu bởi quãng đường di chuyển rất xa từ Q.1 đến Q.7 mỗi ngày. Do đó, họ quyết định rằng đây là một thời điểm tốt để thực hiện lại ước mơ chuyển đến PMH sống trước đây, để Tom đến trường gần hơn và môi trường ở PMH cũng rất tốt cho việc học của con trai.

Thời điểm đó, Hương đã làm việc một vài năm cho CB Richard Ellis - công ty bất động sản quốc tế, do đó cô ngày càng quen với khái niệm cuộc sống trong căn hộ như thế nào. Ngoài ra, hai vợ chồng cũng phác thảo một kế hoạch tài chính kỹ lưỡng. Do đã trả một khoản tiền rất lớn để mua nhà ở Q.1, hai vợ chồng quyết định cho thuê căn nhà ở Q.1 cộng thêm thu nhập từ công việc để trả khoản vay mua một căn hộ ở PMH. Năm 2009, gia đình chuyển đến sống ở PMH kể từ đó.

Hương liên tục nhấn mạnh sống ở PMH hầu hết thời gian cô không tương tác với chính quyền thành phố. Tất cả tương tác với các chính quyền cấp phường, quận trước đây bây giờ được trực tiếp giao lại cho Tập đoàn PMH. Hương bảo sống ở PMH cô mới thấy khái niệm “văn minh” thực sự đúng, nó được thể hiện qua những hành vi thật sự và cách quản lý cuộc sống đô thị dựa trên ý thức trách nhiệm và ứng xử kỷ luật.

 Người dân tụ tập tại các quán caphe gần nhà cũ của họ ở Thủ Thiêm năm 2010.  Ảnh: Erik Harms

TƯƠNG PHẢN VÀ KẾT NỐI

Ở Thủ Thiêm, “quyền” mà người dân có được trong quá trình phản kháng sự giải tỏa chính là quyền dựa trên thị trường để yêu cầu một mức đền bù cho miếng đất của họ. Nhưng để đạt được quyền lợi này, họ buộc phải thừa nhận thực tế họ không có quyền sống trên mảnh đất đó nữa.

Khi dự án Thủ Thiêm bắt đầu, đã có quyết định được dự tính rằng các cư dân phải di chuyển đi nơi khác. Cuối cùng, sau tất cả những phản kháng, sau tất cả những lời yêu cầu đòi quyền lợi và pháp quyền, những cư dân này được đền bù bằng tiền, dù có thể ở mức cao hơn mức giá ban đầu họ được đề nghị, nhưng những cư dân này thực sự không có quyền gì cả.

Ngược lại, ở PMH, những cư dân giàu có luôn được đảm bảo quyền lợi. Họ được tạo điều kiện thảo luận về việc xây dựng một xã hội văn minh, trong đó những người dân có ý thức kỷ luật cao và ý thức tốt, nơi cuộc sống của cư dân được quản lý bằng những luật lệ minh bạch và mối quan hệ được xây dựng dựa trên niềm tin. Cư dân ở PMH háo hức rằng những khu đô thị mới có thể giải quyết nhiều vấn đề mà họ nghĩ đến. Họ tin tưởng chân thành rằng dự án đô thị được xây dựng từ một vùng đầm lầy này sẽ cung cấp một cuộc sống đô thị hiện đại, văn minh, có thể làm hình mẫu cho toàn xã hội.

 Nước giếng màu đỏ tại nơi tái định cư cho người dân Thủ Thiêm ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Ảnh: Erik Harms

 

Trong khi đó, các cư dân Thủ Thiêm cũng háo hức về ý tưởng hiện đại hóa thành phố, nhưng họ cũng thừa biết rằng quá trình hiện đại hóa này được xây dựng trên tấm lưng của những người như họ, những người bị buộc phải rời bỏ quê hương của mình.

Người dân ở cả hai khu đô thị PMH và Thủ Thiêm đều hiểu rằng xây dựng các khu đô thị mới chính là giúp TP.HCM trở thành nơi đáng sống hơn. Nhưng đối với nhiều người, chấp nhận quá trình xây dựng văn minh đô thị mới nghĩa là chính họ đã phá bỏ một thành phố mà họ rất đỗi thân quen, cũng như tạo thêm hố sâu khoảng cách giữa họ và thành phố mới này. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận