Những nhẩn nha lấp lánh

NGUYỄN VĂN THỌ 15/11/2018 16:11 GMT+7

TTCT - ​Viết về bất cứ điều gì, Phan Cẩm Thượng từ xưa đều xoay quanh cốt lõi là gìn giữ cái sự hay, sự đẹp thực chất trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Cối xay ngô của người H'mong. Bản vẽ của Phan Cẩm Thượng từ hiện vật của Bảo tàng Phụ nữ
Cối xay ngô của người H'mong. Bản vẽ của Phan Cẩm Thượng từ hiện vật của Bảo tàng Phụ nữ

 

 Ở các cuốn sách trước, có lẽ để bảo đảm khách quan cho từ “nghiên cứu”, Phan Cẩm Thượng đa phần ở vai trò “người bầy ra một sự thật”, một quá trình trong lịch sử, ít khi ông đưa ra những ý kiến xác quyết, phán xét.

Nhưng trong Nghệ thuật ngày thường - cuốn sách mới nhất của ông, Phan Cẩm Thượng không né tránh việc trình bày những quan niệm riêng, bộc lộ ý kiến chủ quan rõ ràng hơn. Những ý kiến cá nhân của ông, có khi nhằm vào một tầng lớp, có khi nhằm vào một quá trình của nghệ thuật, đều mang tính phê bình, nhận định rất đáng để ta suy ngẫm.

Nhận định về cả nền mỹ thuật đương đại, ông phê phán: “...nghệ thuật Việt Nam luôn dựa dẫm vào các trường phái phương Tây, cái cá nhân luôn núp bóng các bậc thầy phương Tây. Các nghệ sĩ trẻ loanh quanh thế nào rồi cũng không giống Tây thì giống Tàu...”.

Và, ý kiến rất quan trọng ở kết bài: “Cái cá nhân cũng dễ chết trong một xã hội dân chủ như trong xã hội phong kiến vậy”. Ở đây, người đọc giật mình khi nhận ra rằng, nếu nghệ thuật, điều quan trọng nhất là cái thuộc về cá nhân, đó là phong cách, là đặc tính riêng mang tính bản sắc của cả dân tộc, nhưng cái cá nhân cũng chết, thì sao một nền nghệ thuật có thể có chỗ dung thân, xuất hiện các nghệ sĩ lớn được?

Cũng với cách nhìn khái quát, vượt qua sự tầm thường của lối tụng ca hay diễn ra khi viết về các văn nghệ sĩ, Phan Cẩm Thượng viết về bè bạn họa sĩ của ông, như là cái cớ để đưa ra những quan niệm có tính phát hiện, quy luật của sự sáng tạo nghệ thuật.

Ảnh: M.N.
Ảnh: M.N.

 

Viết về Vương Tử Lâm là viết về con đường mà Lâm chọn, dù con đường đó: “Người vẽ sẽ rất cô độc, không bao giờ có thể mong người khác hiểu mình”.

Viết chân dung văn nghệ sĩ mà cứ tán dông dài thì không khó khăn gì cả, nhất là người được viết đã nổi tiếng, nhưng công phu nghiên cứu, suy ngẫm, để chốt được một ý nhận xét tổng quan sắc bén về ai đó, thì như Phan Cẩm Thượng viết về Hoàng Hồng Cẩm, thật tài tình: “Hoàng Hồng Cẩm chỉ coi vẽ để thể hiện mình, không cần một sự nghiệp đồ sộ gì cả, không nhòm ngó ra thế giới...”.

Trong tiêu đề Đời sống ngày thường, các bài viết có tính ghi chép, tập hợp nhiều sự kiện nhỏ, địa danh địa lý, thói quen, phong tục... mà trước ông không ít người viết. Nhưng lối quan sát sự vật khác người, rất tinh tế, tỉ mỉ, sâu sắc của Phan Cẩm Thượng, một người đi nhiều, biết kỹ, mang lại cho độc giả những thú vị rất khác.

Ông viết nhiều sự vật nhỏ như cái tóc, về đường kim mũi chỉ, về màu vải nâu, về uống trà... tất cả đều cho thấy một Phan Cẩm Thượng không chỉ là người đi nhiều biết lắm, mà còn cẩn trọng tỉ mỉ thu lượm để viết, không hề giẫm chân vào vệt đi của người trước.

Người đọc được đi ngược dòng lịch sử biết về sợi tóc của người phụ nữ Việt, về sự hư hao của cái màu nâu rất thân thương, thuần Việt hoặc cái gốc gác xa xăm của món phở... Đi với Phan Cẩm Thượng nhiều lần, tôi đều thấy ông mang theo một cây bút và một cuốn sổ.

Chuyến đi gần nhất với ông về quê tôi, thấy dao nạo mía, dóc mía là lạ của nông dân, ông mang bút giấy ra vẽ lại và ghi rất tỉ mỉ kích thước. Cách làm việc ấy là của người nghiên cứu nghiêm cẩn có sự thường trực lao động và cảm xúc.

Ở vài bài viết, Phan Cẩm Thượng hé lộ sự giễu cợt (thường là nhẹ nhàng), thậm chí luyến tiếc khi cái đẹp đáng gìn giữ lại đang mất dần đi trong sự đô thị hóa hay Tây hóa hôm nay. Cũng có bài ông quyết liệt tỏ bày nhận định, như trong bài bàn về thưởng trà: “Tâm đàm là thứ hão huyền... Cái tâm đã hỏng từ lâu, không thể đàm được nữa, mà chỉ có thể đựng thức ăn”.

Đọc ông cho người ta một cảm giác như trước một nhà thông thái đang trò chuyện. Không phải cái giọng cao đàm khoát luận mà với cách nói ôn tồn, chi tiết, dung dị, dễ hiểu để bàn một vấn đề rất sâu sắc là cách sống. Cách sống tử tế, đẹp đẽ từ trong ăn ở, trong ngụm nước miếng ăn và cả trong các miền cổ tích thuộc về văn hóa bản địa, văn hóa sắc tộc đang đánh mất dần những vẻ đẹp nguyên thủy cần gìn giữ.

Trong phần cuối của cuốn sách - Tản văn nhàn đàm - Phan Cẩm Thượng tỏ ra có phẩm chất nhà văn hơn là nhà nghiên cứu. Ông thấy cái vị quê hanh hao trong món xôi được đồ trong nồi nhôm, chứ không như xưa nồi sành, tro trấu.

Có đoạn, có chỗ y như trích đoạn từ một tiểu thuyết hay truyện ngắn, từng người hiện ra, từng cảnh tình cảnh huống hiện ra sinh động và đầy chân thực. Văn của ông không bóng bẩy cầu kỳ, không làm dáng của phép tu từ lộ liễu. Nó như làn nước trong tự nhiên có thể thấm thẳng vào lòng bạn đọc nhiều vấn đề lớn thuộc về văn hóa nghệ thuật khi được diễn giải khá cẩn trọng lại bình dị ở ngôn ngữ Việt.

Toàn bộ cuốn sách là trạng thái của một người đi nhiều biết kỹ, lúc ngày rộng tháng dài nhẩn nha mang ra kể với đời. Những ghi chép tản mạn, không câu nệ các quy ước văn học mà tạo ra các mảnh văn lấp lánh hai từ văn hóa. Nghệ thuật ngày thường vì thế trở nên không thường với ai ham suy nghĩ để thêm hiểu biết. ■

Nghệ thuật ngày thường (hơn 500 trang, NXB Đà Nẵng) là cuốn sách thứ 16 của Phan Cẩm Thượng, tập hợp nhiều bài viết xoay vào bốn vấn đề khu biệt: Nghệ thuật, nghệ sĩ; Sinh hoạt của đời sống ngày thường; Văn hóa sử và Tản văn, nhàn đàm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận