Những toan tính ở dải đất hẹp Gaza

SÁNG ÁNH 21/10/2023 10:32 GMT+7

TTCT - Ngày 22-9 tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hân hoan trương ra tấm bản đồ Trung Đông "đổi mới".

Trên đó Palestine đã bị xóa sổ và theo ông Netanyahu, họ sẽ phải chấp nhận thôi vì họ chỉ là 2% dân số Ả Rập, mà các nước Ả Rập đã chấp nhận Israel. Ông hớn hở nhất là Saudi Arabia sắp sửa công nhận Israel nay mai - chiếc đinh cuối cùng đóng nắp quan tài của một quốc gia Palestine tương lai.

Ảnh: Vox

Ảnh: Vox

Cuối năm 2020, trước khi chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump ra đi, cậu con rể Jared Kushner đã chiêu dụ thành công hai tiểu quốc vùng Vịnh Bahrain và UAE giao hảo với Israel, trong khuôn khổ Hiệp định Abraham.

Miễn là nhiều lợi lộc

Bahrain là căn cứ của hải quân Mỹ trong khu vực và là vương quốc dân chúng đa số theo Hồi Shia (giống Iran), trong khi vương tộc theo Hồi Sunni. Tính mạng vương tộc này mong manh, trước hết là với thần dân của họ, cho nên họ bám sát Hoa Kỳ và Saudi. Còn UAE thì cần lối thoát dầu qua cảng Eilat của Israel trên biển Đỏ, nếu Iran khóa eo Hormuz ở vịnh Ba Tư.

Hai nước Ả Rập khác cũng sắp công nhận Israel là Morocco và Sudan. Morocco đang chiếm đóng khu vực Tây Sahara và mong được Mỹ công nhận chủ quyền chính thức. Sudan thì được gỡ tên khỏi danh sách quốc gia khủng bố và được Mỹ trả hộ khoản nợ 1,2 tỉ USD còn thiếu Ngân hàng Thế giới.

Phần Saudi thì Mỹ sẽ ký hiệp ước bảo vệ song phương và giúp đỡ hay cho phép thành lập chương trình nhiên liệu nguyên tử. Đây là hai điều kiện để Saudi khỏi phập phồng mỗi khi đi ngủ và nhớ là trên đời này còn có Iran. 

Ngoài ra, Hiệp định Abraham còn có một quỹ phát triển 3 tỉ đô la của Mỹ, hẳn trước hết sẽ chi cho nhà thầu Hoa Kỳ và Israel. Số tiền này chẳng thấm thía gì ở mức quốc gia, nhưng ở mức cá nhân thì khác. 

Quỹ đầu tư của Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Steve Mnuchin đã cử ông này chạy gấp qua Sudan ký hiệp định trước khi chính quyền Trump ra đi. Quỹ của Kushner thì được Saudi cho 2 tỉ, UAE cho 200 triệu và Qatar cho 200 triệu USD. Công ty khách sạn và địa ốc của Trump cũng được Saudi ký hợp đồng 4 tỉ USD.

Như vậy một Trung Đông mới thành hình như ông Netanyahu hớn hở. Ông, Hoa Kỳ và các nước Ả Rập đã quyết định số phận của dân tộc Palestine. 15 ngày sau diễn từ LHQ của ông, ngày 7-10, du kích Hamas từ Dải Gaza bắn 5.000 quả pháo và tên lửa vào lãnh thổ Israel. 

Họ phá tường rào và các chốt canh gác, tràn qua phần đất do Israel kiểm soát, chiếm căn cứ quân sự ở lằn ranh, xâm nhập các nông trang hợp tác xã (kibbutz) và khu định cư của người Israel trên lãnh thổ Palestine.

Thiệt hại của Israel về nhân mạng tính tới ngày 15-10 lên đến 1.300 tử thương, 3.400 bị thương và khoảng 200 tù binh và con tin. Các con số này rất lớn với Israel. Chiến tranh kênh Suez 1956 họ chỉ chết 172 người. Chiến tranh sáu ngày 1967 là 700-1.000. Chiến tranh Yom Kippur 1973 cao nhất là 2.500-2.800 người chết. Chiến tranh Libăng 1982 Israel chết 650 người. 

Năm 2006, Hezbollah vượt biên giới bắt hai quân nhân Israel gây ra cuộc chiến làm 120 lính Israel thiệt mạng. Mà lần này, bên gây chiến lại không phải liên quân Ả Rập đầy đủ máy bay chiến xa, chỉ là lực lượng du kích 1.000-1.500 người di chuyển bằng xe máy chở ba không đội mũ bảo hiểm, vượt biên giới bằng dù lượn có gắn động cơ!

Dải đất hẹp Gaza

Gaza là dải đất hẹp 360km2. Diện tích này bằng thành phố Đà Lạt nhưng có 2,3 triệu dân và mật độ vào hàng cao nhất thế giới. Vì sao Gaza bị phong tỏa? Năm 2006, trong cuộc bầu cử tự do duy nhất của lãnh thổ được quốc tế quan sát và công nhận, lực lượng Hamas về nhất. 

Đây là lực lượng tôn giáo bảo thủ cạnh tranh với phong trào giải phóng cấp tiến và thế tục Fatah. Nhà nước Israel từng giúp đỡ và nuôi dưỡng lực lượng này để làm đối trọng với phong trào giải phóng quốc gia giờ lại giật mình vì nó mau lớn quá.

Thay vì được thành lập chính phủ thì Hamas xung đột với Fatah và kết quả là Fatah kiểm soát Bờ Tây, Hamas kiểm soát Gaza. Israel khóa chặt dải đất này, phía biển có lúc cho đánh cá xa nhất chỉ 12 hải lý; điện giới hạn 7 tiếng một ngày và nguồn nước ngọt không được lọc. 

Trẻ em sinh ra từ 2006 không thể ra khỏi Gaza và người ngoài cũng khỏi vào. Xung đột và phản đối lúc này lúc kia cho đến tháng 10 vừa rồi khiến 4.000 người Palestine và 90 người Do Thái thiệt mạng.

Tuy vậy, khả năng có một nhà nước và quốc gia Palestine độc lập vẫn là từ phía Fatah ôn hòa và có ủng hộ quốc tế, nên Israel vừa trói vừa nương Hamas tại Gaza. Israel nhắm mắt để Qatar mang tiền vào viện trợ Hamas và mở cửa cho lao động từ Gaza, từ 3.000 người có giấy phép sang Israel làm việc năm 2021 tăng lên 20.000 người năm 2023 - để cho họ thở mà làm khó Fatah. 

Ông Netanyahu trong một cuộc họp nội bộ tháng 3-2019 của Đảng Likud tuyên bố: "Muốn cản trở việc thành lập nhà nước Palestine thì phải củng cố và chuyển tiền cho Hamas… Đây là một phần trong chiến lược của chúng ta nhằm phân liệt người Palestine ở Gaza (Hamas) và ở Judea và Samaria (Fatah)".

Đi dây thì có ngày trượt chân! Ngày đó là 7-10. Nếu suốt 17 năm qua, trị an tại Gaza khiến 90 người Israel thiệt mạng thì nội tám ngày qua, số người chết đã lên đến 1.300. Đây là thất bại trước hết của tình báo được coi là hữu hiệu nhất thế giới. 

Dù là do sơ suất, khinh địch, ngủ gật hay gì nữa thì cũng là thất bại. Hamas đã tập luyện, sửa soạn nhiều tháng, chuyển 1.000 quân đánh 15 điểm của hàng rào, chiếm cổng kiểm soát biên giới hiện đại với tháp canh không người bắn đại liên tự động Erez.

Một tình thế khác

Nhân đây xin nói là mọi công dân Israel, cả nam lẫn nữ, đều phải đi nghĩa vụ quân sự và sau đó thuộc lực lượng trừ bị, nên lằn ranh giữa dân sự và quân sự tại Israel rất mong manh. Đang phục vụ thì là quân nhân, về dự bị thì là dân sự. 

Từ lúc lập quốc và ngay từ chiến tranh 1948, các kibbutz và nhóm dân định cư đều có vũ trang. Thành phần quân nhân trừ bị này là 600.000người..

Ở phía bên kia, đến 15-10, số người Palestine thiệt mạng tại Gaza là 2.400, trong đó 700 là trẻ em. Con số này mỗi ngày đang tăng và sẽ tăng vọt nếu bộ binh Israel tràn vào Gaza. Tuy nhiên, mang máy bay ném bom một lãnh thổ không có phòng không là một chuyện; đưa bộ binh vào sẽ là chuyện khác. 

Đó là chưa kể nếu Israel quyết định tiến quân vào Gaza bằng đường bộ thì Bờ Tây, nơi người Israel đang ở lẫn với người Palestine, có thể nổi loạn. Như ta thấy, cho dù Israel đã phát lệnh trưng tập lực lượng trừ bị, không có tiểu đoàn nào một lúc mà có thể ở hai nơi.

Còn quan trọng hơn là khả năng bùng nổ chiến sự ở miền bắc, khu vực biên giới với Libăng và Syria. Syria từ 2011 ở trong tình trạng nội chiến hỗn loạn, nhưng Libăng có lực lượng du kích mạnh gấp bội Hamas. 

Lực lượng Hezbollah này thiện chiến, có tập luyện và kinh nghiệm, được tiếp tế võ trang hùng hậu bởi Iran. Tên lửa của họ có thể đánh vào toàn bộ lãnh thổ và tràn ngập hệ thống phòng không "Vòm sắt" của Israel. Đây đã là thực tế sau khi 5.000 tên lửa tự chế bằng máng xối của Hamas tràn ngập hệ thống "Vòm sắt" lừng lẫy. 

Chiến binh Hezbollah từng đọ súng với Israel năm 2006 và quân lực Israel tràn qua biên giới không quá được 10km thì phải trở về, có trường hợp cả một chiến đoàn, mang tên là "Chiến đoàn bỏ chạy", về sau bị quân lực Israel giải tán xóa tên luôn.

Năm 2006, Hezbollah có chính nghĩa bảo vệ quê hương Libăng. Từ 2011, họ đóng thêm vai trò bảo vệ chế độ Assad tại Syria theo yêu cầu của Iran, nên cái nhìn về họ của Libăng cũng có khác. 

Tuy nhiên, dư luận và quần chúng Libăng trong thời buổi khó khăn về kinh tế hiện giờ cũng không muốn mang thêm vạ. Đến giờ thì Hezbollah mỗi ngày chỉ bắn vài trái pháo vào khu vực nông trại Sheba là phần đất Libăng tranh chấp với Israel. 

Dư luận Libăng sẽ ủng hộ chuyện đòi lại đất này, chứ chưa sẵn sàng ủng hộ Palestine. Nhưng vài ba quả pháo này vẫn có tác dụng khiến Israel phải giữ một số quân ở mặt bắc để đối phó nguy cơ Hezbollah tấn công bất ngờ.

Huyền thoại tí hon David Israel một mình đánh cả khối Ả Rập năm 1967 giờ đã thành một thực tế khác. Israel là quân đội trang bị hiện đại nhất khu vực, nhưng đang lúng túng trước lực lượng 1.000-2.000 người như Hamas và kiêng nể dè chừng lực lượng 10.000-20.000 quân Hezbollah. Chiến sự lần này không hiểu có đưa đến kết quả chính trị nào không, nhưng người Palestine đã nhắc nhở là họ vẫn hiện diện và việc xóa họ trên bản đồ là hồ đồ và vội vã.■

Ở Gaza, dân cư gốc tại đây chỉ có 1/3 dân số. Năm 1947-1967, khi người Anh rút đi thì vùng này do Ai Cập quản lý. Năm 1948, khi Israel lập quốc và đuổi 750.000 dân Palestine đi, 290.000 người đã sang Gaza tị nạn trong tám trại của Cao ủy LHQ. Tám trại này 75 năm sau vẫn còn, đến thế hệ thứ tư rồi và đang có 700.000 người. (Cũng từng đấy đã dọn ra). Khoảng 50% dân số dưới 18 tuổi và 50% dân số ở tuổi lao động thất nghiệp, 75% thiếu an ninh lương thực. Điện, nước, xăng dầu, hàng tiêu dùng, thức ăn đều phải nhập. Hai mặt đất liền và một mặt biển bị Israel phong tỏa và mặt thứ tư dài hơn 8km do Ai Cập kiểm soát. Từ 2006-2007 Gaza từng bị phong tỏa hoàn toàn, thủ tướng Anh lúc đó là David Cameron gọi đây là "nhà tù lộ thiên", và có người gọi đó là trại tập trung lớn nhất thế giới.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận