Nick Út với bức ảnh vinh quang cả đời

ĐỖ NGỌC 29/09/2003 07:09 GMT+7

TTCN - Bức ảnh cô bé Kim Phúc trong cảnh bom đạn ở Trảng Bàng đã làm nên tên tuổi Nick Út, là cột mốc quan trọng trong sự nghiệp một nhà báo ảnh của anh. Pulitzer là giải thưởng báo chí cao quí nhất của Mỹ, nhưng không phải tác phẩm, tác giả đoạt giải Pulitzer nào cũng được tôn vinh "mãi về sau" như Nick Út và bức ảnh Kim Phúc.

Bức ảnh Kim Phúc đoạt giải Pulitzer năm 1973

Bởi, bức ảnh ấy là một trong những chân dung cô đọng nhất về cuộc chiến tranh tàn bạo của Mỹ tại VN, làm thức tỉnh, lay động bao trái tim người yêu hòa bình trên thế giới. Bức ảnh ấy đã được đăng trên hàng nghìn tờ báo và được nhắc đi nhắc lại vài chục năm sau mỗi khi người ta lần giở lại lịch sử, xem xét và rút ra bài học từ cuộc chiến tranh phi nhân này. 

Mùa xuân năm 1998, tôi gặp Nick Út tại California trong chuyến đi triển lãm ảnh tại Mỹ. Anh đến lấy tin và chụp ảnh với tư cách là phóng viên của AP - hãng thông tấn mà anh đã làm việc từ năm 1965, khi mới 16 tuổi. Nick Út vui mừng gặp gỡ anh chị em trong giới nhiếp ảnh từ quê nhà sang - những khách mời của Hội đồng nghệ thuật TP San Francisco.

Nick Út và Kim Phúc

Chúng tôi có dịp đi chụp ảnh cùng Nick Út, chứng kiến sự năng động, sức làm việc dẻo dai và sự kính trọng của bạn bè đồng nghiệp người Mỹ dành cho người phóng viên gốc Việt đã trở thành một  tên tuổi lừng danh trong làng ảnh báo chí quốc tế sau khi đoạt giải Pulitzer - giải thưởng báo chí lớn nhất của Mỹ - năm 1973 với bức ảnh chụp bé gái Kim Phúc đang trần truồng kêu khóc, thân thể bị cháy sém vì bom napalm trong một trận càn của Mỹ - ngụy ở Trảng Bàng (Tây Ninh).

Nick Út mời chúng tôi về căn nhà ấm cúng của anh ở Monterey Park để trò chuyện, "nạp" một thoáng không khí Việt trong ngôi nhà của một người đã xa quê đã gần 30 năm nhưng luôn thương nhớ quê nhà.

Trong phòng làm việc của Nick Út đầy ắp những hình ảnh đáng nhớ trong suốt sự nghiệp phóng viên ảnh của anh. Ảnh treo trên tường, để trên bàn, chất đầy trong album, kệ sách. Treo trên tường, ở vị trí trang trọng nhất vẫn là bức ảnh chụp cô bé Kim Phúc trong khói lửa napalm. Thỉnh thoảng Nick Út lại về VN. 

Sáng  20-9-2003, một ngày trước khi bay về Mỹ, tại căn nhà của người em gái ở Q.1 (TP.HCM), Nick Út hớn hở khoe với tôi loạt hình anh mới chụp trong chuyến đi Hạ Long, Sa Pa, Tây Ninh vừa qua. Nụ cười hồn nhiên của cô sơn nữ, trò chơi nghịch ngợm của những cậu bé chăn trâu, ngõ nhỏ xưa cũ…, những hình ảnh của đời thường VN tưởng "mòn" với những tay máy ở nhà bỗng tươi mới, sống động trong một ánh sáng khác qua mắt nhìn thương nhớ của Nick Út và với lối thể hiện "hành động" của một phóng viên ảnh báo chí.

Anh kể: "Tôi sống xa quê, ở một đất nước phát triển, tốc độ sống nhanh, ồn ào…, về nhà nhìn cái gì cũng như mới. Tối qua tôi có cuộc gặp gỡ, nói chuyện về nhiếp ảnh với anh chị em trong Câu lạc bộ nhiếp ảnh Gia Định. Anh em trò chuyện, hát hò với nhau suốt đêm, rất vui. Mong muốn giúp được gì đó cho bạn bè, đồng nghiệp ở quê nhà bằng những hiểu biết, kinh nghiệm nghề nghiệp càng thúc đẩy tôi…".

Nữ hoàng Anh tiếp Nick Út và Kim Phúc

Với chiếc máy tính hiệu Dell nhỏ xíu, Nick Út click cho tôi xem loạt ảnh về câu chuyện Kim Phúc. Những hình ảnh từ lúc các em nhỏ chạy ra khỏi làng bị cháy, cảnh Nick Út dội nước cứu Kim Phúc đang bị bỏng da, cháy thịt, cho đến Kim Phúc nay là đại sứ hòa bình của UNESCO, đang sống cùng chồng con ở Canada; có cả ảnh Kim Phúc và Nick Út trong cuộc gặp gỡ với Nữ hoàng Anh Elizabeth II vào tháng 4-2002 tại cuộc triển lãm ảnh của anh ở Bảo tàng Khoa học London (Anh) - nơi đã mượn anh chiếc máy ảnh Leica M2 (từng chụp bức ảnh Kim Phúc) để triển lãm trong suốt 20 năm… 

* Có thể nói rằng anh đã hưởng vinh quang nghề nghiệp cả đời chỉ với bức ảnh Kim Phúc không?

-  Đúng là như vậy. 37 năm làm việc cho AP, chỉ với bức ảnh này tôi đã đón nhận nhiều vinh dự, được đồng nghiệp quí trọng, được rất nhiều người biết đến. Nói về ảnh chiến tranh VN, người ta luôn nhắc đến bức ảnh Kim Phúc. Nói về Kim Phúc, người ta nhớ đến Nick Út. Trong số 100 tấm ảnh được ghi vào lịch sử thế kỷ 20 do Trường đại học Columbia biên chọn, bức ảnh Kim Phúc được xếp thứ 41. 

* Dường như anh, Kim Phúc và bức ảnh đã gắn bó với nhau như là số phận. Anh và Kim Phúc có thường liên hệ với nhau?

- Năm 1989, tôi gặp lại Kim Phúc lần đầu tiên ở Cuba khi cô ấy sang đó học tập. Sau đó chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhau. Hiện cô ấy đang sống cùng chồng và hai con ở Toronto (Canada). Cô ấy cũng rất nổi tiếng, là đại sứ hòa bình của UNESCO, đã viết hai cuốn sách, đã đi nhiều nơi để nói chuyện về chiến tranh, gặp gỡ nhiều nguyên thủ quốc gia…

Phụ nữ dân tộc Mông
ở Sa Pa

* Làm việc cho các hãng thông tấn báo chí nước ngoài với trang bị hiện đại, với áp lực cạnh tranh mạnh, anh thấy mình có khi nào... thua kém các đồng nghiệp Mỹ và phương Tây?

- Hãng AP trang bị cho chúng tôi phương tiện làm việc hiện đại nhất. Tôi làm việc với máy ảnh, máy tính, điện thoại vệ tinh… Đang hành nghề bất cứ ở đâu, chỉ ba phút sau từ hiện trường tôi có thể truyền ảnh về hãng qua mạng Internet. Áp lực cạnh tranh mạnh về tin tức cũng khiến phóng viên năng động hơn. Làm việc với các đồng nghiệp Mỹ và phương Tây, tôi không hề thấy mình thua kém mà rất hãnh diện khi được đồng nghiệp trân trọng. 

Theo tôi, các phóng viên châu Á có cái nhìn, sức làm việc không thua các đồng nghiệp phương Tây nhưng so về phương tiện hành nghề có phần hạn chế. 

* Việc sử dụng ảnh ở các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài ra sao? Giá của một tấm ảnh được sử dụng?

- Mỗi tờ báo hay hãng thông tấn nước ngoài đều có biên tập viên ảnh, những người này đều từng là phóng viên ảnh. Những tấm ảnh được chọn đăng thường là ảnh được chụp như thế nào chứ không phải là ảnh ghi chép sự việc - trong đó yếu tố hành động (action) được đề cao. 

Thường thì phóng viên ăn lương cố định chứ không hưởng nhuận bút, nhuận ảnh. Phóng viên tự do thì nhận tiền nhuận ảnh tùy theo giá trị bức ảnh. Giá của một tấm ảnh được đăng báo khoảng 100 USD, nhưng có thể dao động đến hàng triệu USD tùy theo mức độ quan trọng của sự việc, sự kiện. Ví dụ bức ảnh chụp cảnh tai nạn máy bay của Kennedy con có thể được trả tới 1 triệu USD. 

* Anh và gia đình có thường về thăm VN, anh đánh giá ra sao về những thay đổi ở VN?

- Vài năm tôi về VN một lần.  Mỗi lần về tôi đều thăm quê Long An, thăm gia đình Kim Phúc ở Tây Ninh, đi đây đó chụp ảnh. Thỉnh thoảng vợ con tôi cũng về VN. Vợ tôi người gốc Bắc, hai con tôi - một trai một gái - đã trưởng thành. Một đứa là thạc sĩ, một đứa là sinh viên, từng về VN học đại học ở Hà Nội. Hai đứa đều khoái VN, thích món ăn VN và rất ghét ai nói xấu VN. 

Đất nước mình phát triển, thay đổi quá nhiều, không chỉ tôi mà người VN nào cũng mừng. Mỗi lần về VN tôi cảm thấy rất thoải mái. Tôi mong muốn khi nghỉ hưu sẽ về VN sống.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận