Nobel Hòa bình năm 2017: Giải dành cho những kẻ mộng mơ

CHIÊU VĂN 16/10/2017 21:10 GMT+7

TTCT - Chiến dịch quốc tế loại bỏ vũ khí hạt nhân (The International Campaign to Abolish Nuclear Weapons, hay ICAN) là một tổ chức quá mới mẻ, tới mức khi Ủy ban Nobel ở Na Uy công bố giải thưởng, nhóm này nghĩ đó là một trò lừa gạt với họ.

Bà Beatrice Fihn (thứ hai từ trái sang) và ICAN.-Ảnh: ABC News
Bà Beatrice Fihn (thứ hai từ trái sang) và ICAN.-Ảnh: ABC News

 Nhưng những kẻ mơ mộng quả thực đã thắng cuộc. Ở giữa hai cuộc khủng hoảng vũ khí hạt nhân đang sôi sục, Nobel hòa bình 2017, công bố hôm 6-10, thuộc về một nhóm các nhà hoạt động trẻ tuổi của thế hệ toàn cầu đang chống lại siêu cường Hoa Kỳ và 8 cường quốc hạt nhân khác, để nhắm tới một hiệp ước thế giới đầu tiên cấm hoàn toàn loại vũ khí có thể hủy diệt nhân loại này.

ICAN được thành lập mới chỉ một thập niên, nhưng tới giờ đã nhận được sự ủng hộ của hơn 120 nước, trong đó 53 quốc gia đã ký vào hiệp ước kể từ khi tiến trình chính thức bắt đầu vào ngày 20-9. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dẫn đầu một cuộc tẩy chay chống lại sáng kiến ICAN ở Liên Hiệp Quốc năm ngoái.

“Tôi không muốn điều gì hơn cho gia đình mình ngoài một thế giới không có vũ khí hạt nhân - Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, nói với Reuters - Nhưng chúng ta phải thực tế. Có ai nghĩ là CHDCND Triều Tiên sẽ cấm vũ khí hạt nhân không?”.

Chính trị thực dụng luôn là khắc nghiệt, nhưng Ủy ban Nobel không vì thế mà từ chối vinh danh những kẻ mộng mơ ICAN.

Trong diễn từ trao giải, ủy ban nói họ trao giải cho tổ chức có trụ sở ở Geneva này vì “những nỗ lực của họ trong việc nâng cao nhận thức về những hậu quả nhân đạo kinh hoàng của việc sử dụng vũ khí hạt nhân dưới bất kỳ hình thức nào, và những nỗ lực đột phá để đạt được một lệnh cấm có tính ràng buộc những vũ khí như thế”.

“Họ chỉ là những kẻ mơ mộng - Joseph Cirincione, chủ tịch Quỹ Ploughshares, nói với New Yorker - Không ai ngoài những thành viên ICAN nghĩ họ sẽ thành công, nhưng họ có một tầm nhìn lớn và một kế hoạch lớn. Giống như John Lennon”.

Thông điệp đưa ra của Ủy ban Nobel là rất rõ ràng. “Cả 9 cường quốc hạt nhân vẫn tiếp tục chế tạo vũ khí hạt nhân, mới hơn và nhiều hơn. Nguy cơ hạt nhân đang lớn hơn bao giờ hết từ sau chiến tranh lạnh, với những nhà lãnh đạo bất ổn dùng loại vũ khí này như một chiến lược ngoại giao”.

Trước những kẻ quyền lực đó, ICAN trở nên quá nhỏ bé, điều khiến Beatrice Fihn, giám đốc điều hành ICAN, từng nghĩ tin tức họ được nhận giải Nobel hòa bình chỉ là một trò đùa. “Chỉ khi tin tức được phát trên truyền hình, chúng tôi mới dám tin là thật” - Fihn nói.

Quyết định của Ủy ban Nobel được đưa ra giữa những căng thẳng leo thang tại Đông Bắc Á khi Triều Tiên đã thử bom nguyên tử và tên lửa dồn dập thời gian qua. Ngoài ra, cuộc thương lượng Iran - Mỹ về việc ngưng chương trình hạt nhân và chấp nhận thanh sát nước ngoài của Tehran cũng đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ, khi chính quyền mới của Trump có thể xé bỏ thỏa thuận mà người tiền nhiệm Barack Obama đã đạt được.

Tuy nhiên, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen đã nhấn mạnh việc trao giải không phải là một thông điệp cho chính quyền Mỹ.

“Chúng tôi không đạp chân ai với giải thưởng này” - bà nói. Thay vì thế, ủy ban chỉ muốn “khuyến khích” tất cả các bên nỗ lực hơn trong những sáng kiến giải giáp.

Ủy ban cũng nói thêm lệnh cấm chính thức - qua hình thức hiệp ước do ICAN đề xuất - “chưa hề giúp loại bỏ, dù chỉ một vũ khí hạt nhân và tới giờ không có nước sở hữu vũ khí hạt nhân nào ủng hộ hiệp ước đấy”.

Nhưng ICAN sẽ không dừng lại. Phong trào bắt đầu từ Úc và ra mắt chính thức ở Vienna tới nay đã nhận được sự ủng hộ của 468 tổ chức giải trừ quân bị, nhân đạo và môi trường trên toàn thế giới.

Fihn, người Thụy Điển, nói phong trào lấy cảm hứng từ phong trào hiệp ước chống mìn quân dụng. Chiến dịch quốc tế cấm mìn quân dụng và nhà điều phối người Mỹ của tổ chức này, Jody Williams, từng được trao giải Nobel hòa bình 1997 và hiệp ước do họ đề xuất được hầu hết thành viên Liên Hiệp Quốc phê chuẩn (trừ ba gã khổng lồ Mỹ, Nga, Trung Quốc).

Hiệp ước mới của ICAN, được công bố vào tháng 7, cấm các quốc gia “phát triển, thử nghiệm, sản xuất, chế tạo, chuyển giao, sở hữu, lưu trữ, sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Hiệp ước cũng cấm việc hỗ trợ, khuyến khích hay lôi kéo các nước khác vào hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân. Cả 9 cường quốc hạt nhân - Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Israel, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên - đều đã công khai hoặc lặng lẽ bác bỏ hiệp ước này. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận