TTCT - LTS: Thích hay không thì việc kéo nhau từ mạng ảo ra đời thật để “giải quyết vấn đề” đã là thực tế mà các thành viên “net gen” đối mặt. Và cũng từ mạng ảo kéo ra đời thật là những đám đông của không ít những “anh hùng bàn phím”... Nên nhìn những sự việc này thế nào? TTCT giới thiệu với bạn “bàn tròn online” với sự tham gia của những thành viên thế hệ này. Thế hệ sống nhờ mạng xã hội . Ảnh: funnypictures Các bạn có xa lạ với cách “giải quyết vấn đề” của hai nữ facebookers làm náo loạn phố Nguyễn Huệ vừa qua không? Bạn có biết câu chuyện nào khi bất đồng trên mạng ảo dẫn tới hậu quả đáng buồn trong đời thật? - Nguyễn Việt Duy (20 tuổi, sinh viên): Tôi không xa lạ với cách giải quyết vấn đề của hai facebookers trên. Vì việc đem mâu thuẫn, xung đột trên mạng xã hội ra đời thật đã nhiều lần xảy ra rồi. Tôi kể bạn nghe chuyện của bạn tôi (xin được phép giấu tên): hai đứa bạn là fan của hai đội bóng đại kình địch. Sau trận đấu giữa hai đội bóng, đứa bạn này bình phẩm về đội bóng của đứa bạn kia trên FB, thế là hai fan cuồng hẹn nhau ra ngoài đánh lộn để thể hiện tình yêu đội bóng. Sau đó một đứa bị thương phải vào bệnh viện! - Trâm Anh (25 tuổi, sinh viên): Không xa lạ gì. Đơn giản vì hai em ấy còn trẻ, chưa trưởng thành, suy nghĩ chưa chín chắn. Chỉ vì em này chê em kia xấu xí mà xôm tụ cả phố Nguyễn Huệ. Cách giải quyết rất phù hợp với sự “từng trải” của hai em ấy: không cần biết có đánh không, gặp nhau để thể hiện bản lĩnh trước. Các em có nhiều followers trên fb, đã hẹn mà không xuất hiện sẽ vô cùng mất mặt. Còn chuyện tương tự đâu có hiếm. Lần gần đây nhất tôi đọc thấy là một cặp đôi Trung Quốc hẹn hò qua mạng. Khi gặp nhau ngoài đời thật, cả hai ngỡ ngàng trước “dung nhan” của đối phương. Chàng thì béo, còn nàng thì không make up nên khác xa trong hình. Thế là cả hai đánh nhau! Hậu quả thì không đến nỗi, chỉ bị đưa video đánh nhau đó lên mạng thôi. - Duy Khoa (18 tuổi, học sinh): Chuyện như cơm bữa. Vì độ tuổi từ 16-25 vẫn còn “ngựa non háu đá”, không nghĩ tới những hậu quả mình gây ra cùng với cái tính háo thắng ở độ tuổi đó. - Phượng Linh (24 tuổi, nhân viên): Việc các bạn có bất đồng với nhau và hẹn gặp để giải quyết vấn đề vốn không xa lạ trong giới học sinh. Tuy nhiên với thế hệ chúng tôi, việc nảy sinh mâu thuẫn chỉ từ thế giới mạng và đẩy thành xung đột ngoài đời thật lại không hoàn toàn phổ biến. Tôi, và nhiều bạn sinh tầm đầu những năm 1990 không lớn lên cùng FB như nhiều thanh thiếu niên hiện nay, và phần lớn chúng tôi xem đó là một phần công cụ giải trí, thể hiện, một kênh giao tiếp phụ chứ không phải là nơi để “đấu tranh” rồi sau đó tìm cách chuyển hóa thành bạo lực ngoài đời thật. * Mạng xã hội tác động đến các bạn đã đành, nhưng các bạn có cho rằng đó là do chính việc thiếu khả năng “miễn nhiễm” của các cư dân mạng trẻ? Bạn có thể nói thêm gì về những nguyên nhân khác? - Việt Duy: Tôi cho rằng đôi lúc là do xu hướng chạy theo đám đông, không phân biệt được rõ ràng đâu đúng đâu sai, cũng một phần do truyền thông sai lệch. - Trâm Anh: Khả năng miễn nhiễm? Tôi không đồng ý với cụm từ này. Con người rất dễ bị ảnh hưởng bởi xung quanh, nhất là các bạn trẻ. Một khi đã lên Internet là ít nhiều bị ảnh hưởng bởi cộng đồng mạng. Cái đáng nói là sự độc lập trong tư duy và khả năng kiểm soát cảm xúc. Nếu không rèn luyện được hai yếu tố trên thì rất dễ bị cuốn theo đám đông. - Dương Văn Hà (23 tuổi, giáo viên): Thiếu khả năng “miễn nhiễm” chỉ là một nguyên do thôi. Bản thân tôi cho rằng do nhu cầu muốn thể hiện bản thân của tuổi dậy thì nhưng lại thiếu định hướng và quan tâm của gia đình và xã hội Bạn có bao giờ bị tấn công, “còm” lung tung hay chỉ trích trên trang FB của bạn? Trong những trường hợp đó, bạn làm gì? - Việt Duy: Tôi từng bị comment với những lời lẽ dung tục thóa mạ, không tôn trọng trên FB. Cách đơn giản nhất là unfriend và block FB của những người đó để khỏi phiền hà về sau! - Trâm Anh: May mắn là tôi chưa. Tôi thích “ở ẩn” lúc này. Lúc nào “nổi tiếng” thì sẽ khác. Giải quyết ư? Sẽ chờ đến lúc “nổi tiếng” vậy! - Duy Khoa: FB là mạng xã hội mà cả thế giới đều dùng. Mọi người đều có thể like, bình luận theo suy nghĩ của mình, có quyền khen ngợi hay chỉ trích người khác. Nếu như tôi bị chỉ trích cũng chẳng ảnh hưởng gì cả, chẳng cần phải cãi lại làm chi cho mệt. - Phượng Linh: Tôi hầu như để chế độ “bạn bè” với những bài viết trên FB cá nhân, và bạn bè trên FB tôi 99% là những người bạn mình quen biết ngoài đời. Hơn nữa, mình hầu như chỉ chia sẻ một số cảm xúc cá nhân chứ không đưa lên FB những vấn đề có tính quan điểm, những vấn đề lớn hoặc nội dung có thể gây tranh luận. * Bạn nói gì về việc nhiều cư dân mạng thích được nhiều “like”, thích “còm” và làm nhiều cách để câu view? Chuyện đó nên hiểu thế nào? - Việt Duy: Tôi nghĩ các bạn trẻ bây giờ ai cũng mong được nổi tiếng (thể hiện qua việc có nhiều like, nhiều “còm” trên trang cá nhân) nên sẽ cố gắng thể hiện bản thân bằng nhiều cách (tốt có, xấu có) cốt chỉ để được nhiều người quan tâm đến. - Duy Khoa: Nút like thể hiện sự đồng tình của mình. Nhưng gần đây “like” bị lạm dụng mà người ta gọi là “câu like, câu view” vì có bạn muốn thể hiện mình là người nổi bật. Đôi khi chính bản thân tôi cũng từng viết về tâm trạng, chỉ mong bạn bè hiểu được nỗi niềm của mình, nhưng không biết sao viết cái gì dù hay hoặc dở người khác vẫn cứ “like, like, like” mà không buồn quan tâm tôi đang có nỗi niềm gì. Vì thế nên nhìn vào việc like hay comment theo hai mặt: có người muốn có nhiều “like” để thể hiện ta đây là nổi bật, nhưng thứ hai đó lại là sự đồng tình, thấu hiểu của bạn bè... - Trâm Anh: Khi con người cảm thấy bất an về bản thân hay thiếu thốn tình cảm, sự quan tâm, có thể họ thích được người khác chú ý bằng cách câu view. Mà cũng có những bạn thích nổi tiếng nên làm vậy. Tôi không để ý lắm chuyện này vì ngoài đời thật cũng nhiều người thích được chú ý mà. Họ không câu like, câu view nhưng họ ăn mặc “mát mẻ” quá trớn hoặc khoe khoang tài sản... Cái chung giữa hai nhóm người này là họ không biết đầu tư vào bản thân, làm tăng giá trị của bản thân qua kiến thức, kỹ năng hay kinh nghiệm sống. Họ ngộ nhận việc được người khác quan tâm là mục tiêu sống. Sắc đẹp là một tài sản quý giá nhưng sẽ hao mòn theo thời gian, bởi vậy ai chỉ biết đầu tư vào vẻ ngoài để thu hút sự chú ý thì tương lai sẽ bị... lỗ! * Theo các bạn thì tại sao hiện nay cư dân mạng lại dễ tụ thành những “đám đông”, gắn kết bởi những luận chứng mơ hồ thiếu kiểm chứng nhưng sức công phá thì không phải nhỏ? - Trâm Anh: Đây đâu có gì là mới. Tâm lý đám đông xuất phát từ khi con người sống trong bộ tộc, bộ lạc mà. Trên thế giới hiện nay vẫn còn những ngôi làng ném đá vào nghi phạm mà đâu cần luật điều tra chứng minh. Ở làng quê Việt tuy người ta không “tự xử” như thế, nhưng chuyện đàm tiếu cũng làm người ta khổ sở không ít. “Ném đá” trên mạng là một hình thức biến chuyển của tâm lý đám đông thôi. - Phượng Linh: Bản chất con người vốn là một sinh vật rất cần gắn kết vào “đám đông”, vào bầy đàn (cộng đồng) để tồn tại và chứng minh sự tồn tại của mình. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của Internet và đặc biệt là mạng xã hội như hiện nay, hiện tượng đó càng tăng cao, lạm phát vì điều kiện để thực hiện điều đó ngày nay là vô cùng dễ dàng, nhanh chóng. - Dương Văn Hà: Gắn mình vào “cộng đồng mạng” là điều phổ biến, tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa là do thiếu tự tin vào bản thân, một biểu hiện khác là tư duy nhược tiểu. Ở trong số đông họ có cảm giác mình được bảo vệ, ý kiến của mình được công nhận. Có thể là một cơ chế giải tỏa áp lực bản thân? Debon trong Tâm lý đám đông nói “chỉ riêng sự là thành viên của đám đông, con người đã tụt xuống nhiều nấc thang văn hóa”. Bạn có đồng ý không? Vì sao? - Việt Duy: Không đồng ý. Vì chỉ trong một số trường hợp cụ thể, không phải đám đông nào cũng xấu, là không tốt. Nói chung, bản thân mỗi con người cần phải biết tự nhìn nhận đâu là đúng, đâu là sai. - Trâm Anh: Tôi không thích câu hỏi này vì đây là một câu hỏi đóng. Tôi cũng không đồng ý việc tham gia đám đông sẽ hạ thấp văn hóa chúng ta. Nó còn tùy đó là đám đông nào, mục tiêu gì và thông điệp sẽ được thực hiện thế nào. Nếu bạn cân nhắc giá trị trước khi tham gia thì sẽ chẳng hề hạ thấp tiêu chuẩn của bạn. Ngay cả khi cuộc tranh luận trên mạng vượt khỏi tầm kiểm soát, bạn cũng có thể im lặng. Nếu bạn chỉ biết nhảy vào đám đông và làm theo những người trong đó thì bạn sẽ là một follower mù quáng! - Phượng Linh: Tôi lại thấy ý kiến này tương đối có lý, xét trên nhiều phương diện. Việc bị cuốn theo luồng ý kiến của đám đông sẽ góp phần khiến chúng ta đánh mất sự tự chủ về bản thân mình, sự tự ý thức để phát triển cái tôi cá nhân. Tuy nhiên, khi đang sinh sống trong cộng đồng xã hội thì chúng ta không nên xa lánh đám đông, cũng không thể hoàn toàn tránh khỏi việc phải gia nhập và tiếp cận những vấn đề của đám đông trên nhiều góc độ. Cho nên, việc lựa chọn cách nhìn, xây dựng quan niệm sống và giữ vững sự bình tĩnh, tử tế khi tham gia “đám đông cư dân mạng” của chúng ta mới là yếu tố quyết định. - Dương Văn Hà: Đồng ý. Căn bản đám đông không có văn hóa riêng. Nếu hình thành được văn hóa riêng thì “đám đông” đó không còn là đám đông nữa, nó trở thành một tập thể. Bạn muốn nói gì thêm từ những trường hợp chính mình trải nghiệm, từ những đám đông trên mạng, làm sao tham gia mạng xã hội nhưng vẫn giữ được gương mặt của chính mình? - Trâm Anh: Tôi giữ im lặng và tránh những cuộc tranh luận không đáng có trên mạng. Gia đình, bạn bè thì gặp mặt nói chuyện. Người xa lạ thì tốt nhất không đụng đến nếu không muốn bị làm phiền. - Duy Khoa: Tôi đã sử dụng FB ba năm nay và từng chứng kiến những anh hùng bàn phím chửi đổng nhau khi bàn luận về một bài viết của ai đó. Khi tôi tham gia mạng xã hội, dù họ là ai đi chăng nữa, dù họ có chửi bới, móc mỉa gì tôi không quan tâm, vì mạng xã hội như cái chợ nơi hàng xấu tốt có đủ! Có thể đó là cách giữ được mình khi tham gia mạng xã hội. - Dương Văn Hà: Tôi cho rằng nên kiên nhẫn và tìm hiểu đầy đủ thông tin trước khi tham gia ý kiến. ■ Tags: Ứng xử thời NetgenNơi hàng tốt xấu có đủ
Những người hiến máu như ‘nhân viên đường dây nóng', bệnh viện gọi là đi DƯƠNG LIỄU 23/11/2024 Khác với những người hiến máu tình nguyện định kỳ, đối với người hiến máu mang nhóm máu hiếm, nhóm máu hòa hợp phenotype, họ như “đường dây nóng” của viện, sẵn sàng lên đường khi bệnh nhân cần máu.
2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali, yêu cầu cởi đồ vì nghi lấy 20 triệu HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng, khiến nhiều người bức xúc.
Virus H5N1 liên tục đột biến, nguy cơ lây lan nhanh ở người UYÊN PHƯƠNG 23/11/2024 Sau khi phát hiện một ca nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 đột biến ở thành phố Vancouver, Canada, các nhà khoa học lo ngại virus cúm này có thể lây lan nhanh hơn ở người.
Mỹ nghi Triều Tiên sắp thử hạt nhân, ông Trump nhắc tên ông Kim Jong Un THANH BÌNH 23/11/2024 Ông Trump nhắc tên lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khi thông báo đề cử nhân sự mới, giữa lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.