Nóng chẳng buồn nói

LÊ MY 27/07/2024 05:46 GMT+7

TTCT - Nắng nóng không chỉ khiến ta đổ mồ hôi mà còn "quấy rối" não bộ của ta.

Ảnh: Marcus Butt/Ikon/Getty Images

Ảnh: Marcus Butt/Ikon/Getty Images

Nắng nóng không chỉ khiến ta đổ mồ hôi mà còn "quấy rối" não bộ của ta.

Vào những ngày nắng nóng, các chính trị gia phương Tây có xu hướng sử dụng chữ nghĩa đơn giản hơn trong các bài phát biểu, theo một nghiên cứu gần đây trên tạp chí khoa học iScience. 

Nhóm nghiên cứu đã phân tích 7 triệu bài phát biểu trên tám quốc gia (Mỹ, Anh, Áo, Hà Lan, New Zealand, Đan Mạch, Tây Ban Nha và Đức) cùng nhiệt độ trung bình của các ngày phát biểu. Những ngày trời mát lạnh (dưới 24 độ C) không tạo ra hiệu ứng "kiệm lời" tương tự.

Theo Risto Conte Keivabu - đồng tác giả của nghiên cứu và là chuyên gia về biến đổi khí hậu tại Viện Nghiên cứu nhân khẩu học Max Planck (Đức), việc tìm hiểu tác động của cái nóng lên khả năng nhận thức của chúng ta đang trở nên đặc biệt quan trọng giữa một hành tinh đang ấm dần.

Mức độ phức tạp của các bài phát biểu đã được đo lường bằng chỉ số Flesch-Kincaid. Đây là công cụ kiểm tra mức độ khó hiểu của một văn bản tiếng Anh dựa trên độ dài của từ và câu. 

Khi trời nóng hơn 27 độ C, ngôn ngữ của các chính trị gia trở nên đơn giản hơn, nói cách khác là dễ hiểu hơn. Để dễ hình dung mức độ "xuống trình", nghiên cứu so sánh điều này với việc mất đi "nửa tháng giáo dục", nôm na là giống như nghỉ học 15 ngày, mất mát nhiều kiến thức.

Kết quả này có thể là còn thấp so với thực tế, Conte Keivabu nói với trang Grist, vì nghiên cứu đã cố gắng "phân tách tác động của cái nóng khỏi tất cả các yếu tố gây nhiễu có thể xảy ra theo cách thận trọng nhất có thể". 

Ông cho biết chỉ nhìn vào dữ liệu từ nước Đức, họ nhận thấy hiệu ứng "nói ngắn" này có thể so sánh với "bốn tháng mất học". Hiệu ứng này đặc biệt mạnh mẽ hơn ở những người trên 57 tuổi, vốn nhạy cảm với sức nóng vì cơ thể khó hạ nhiệt hơn.

Có nhiều nghiên cứu khác ủng hộ ý kiến cho rằng thời tiết nóng bức có thể làm xáo trộn lời nói của chúng ta - mặc dù phần lớn lý do là vì trời nóng khiến tâm trạng tồi tệ. 

Hate speech (các phát ngôn tấn công, sỉ nhục) có xu hướng tăng theo nhiệt kế: số dòng tweet ở Mỹ có chứa ngôn từ miệt thị hoặc phân biệt đối xử đã tăng 22% trong thời tiết nắng nóng cực độ, theo một nghiên cứu từ năm 2022. 

Các nhà khoa học cũng quan sát được hiện tượng tương tự trên mạng xã hội của Trung Quốc - mọi người sử dụng ngôn ngữ tiêu cực hơn vào những ngày rất nóng.

Tuy nhiên, không giống như các bài đăng trên mạng xã hội, các bài phát biểu thường được chuẩn bị trước. Vì vậy việc các chính trị gia dùng ngôn từ đơn giản hơn vào ngày nắng nóng là một điều khó hiểu. Nhóm nghiên cứu thừa nhận rằng cái nóng có thể đã làm giảm chức năng nhận thức và sự thoải mái của các chính trị gia.

Nhưng, làm thế nào mà một đợt nắng nóng ngoài trời có thể thay đổi chất lượng lời nói trong nhà? Nghiên cứu đưa ra một số lý giải. Có thể ngay cả việc tiếp xúc với cái nóng trong thời gian ngắn cũng có hại, như khi họ phải di chuyển đến chỗ làm. 

Hoặc ngược lại, nhiệt độ khó chịu ngoài trời có thể khiến mọi người tập trung trong nhà và chính việc thiếu không khí trong lành đã cản trở khả năng nhận thức của họ. Một khả năng khác là người ta thường khó ngủ ngon khi trời nóng, vì vậy họ khó mà suy nghĩ sáng suốt vào ngày hôm sau.

Nhiệt độ không phải là yếu tố môi trường duy nhất có thể ảnh hưởng một cách tinh vi đến việc chúng ta sử dụng ngôn ngữ. Một nghiên cứu của Canada năm 2019 cho thấy việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí cũng làm giảm độ phức tạp của các bài phát biểu của các thành viên quốc hội nước này, tương đương với việc mất gần "ba tháng giáo dục".

Việc sử dụng ngôn ngữ đơn giản hơn không hẳn là xấu; trên thực tế chúng thường dễ hiểu hơn. Nhưng nếu ai đó ăn nói ít ngày càng đơn giản theo thời gian, đó có thể là dấu hiệu của sự suy giảm nhận thức, theo Conte Keivabu. 

Ông nói thêm: "Chúng tôi không biết liệu điều này có gây ra hệ quả gì đối với chuyện ra quyết định của các chính trị gia hay không hoặc việc truyền tải thông điệp của họ hiệu quả đến nhường nào".

Điều đó thật đáng lo, nhất là khi chính trị gia là người được giao trọng trách đưa ra các quyết định lập pháp quan trọng. Và không chỉ có họ. Một công bố gần đây trên tạp chí PNAS Nexus cho biết nhiệt độ cao có thể cản trở việc ra quyết định của những người thực thi pháp luật.

Nhóm nghiên cứu của Đại học Stanford đã phân tích hơn 10 triệu vụ bắt giữ người ở Texas (Mỹ) từ năm 2010-2017. Theo đó, vào những ngày nắng nóng cảnh sát thực hiện ít vụ bắt giữ hơn trên mỗi tội phạm được báo cáo, mặc dù nhìn chung số vụ bắt giữ tăng khi nhiệt độ lên cao. 

Tỉ lệ "cho về" của các ca bắt giữ mùa nóng cũng lớn hơn so với những ngày mát mẻ hơn. Các thẩm phán cũng luôn đưa ra những quyết định kém thuận lợi hơn vào những ngày nóng hơn. Bị cáo nhận hình phạt nặng hơn, với thời gian chịu án tăng 6,5% vào những ngày có nhiệt độ trên 32°C, tiền phạt cũng tăng khoảng 4%.

Tóm lại, như nhóm của Conte Keivabu lưu ý, cái nóng có nhiều tác động tiêu cực lên xã hội theo những cách không ai ngờ tới và cần thêm nhiều nghiên cứu về vấn đề này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận