Nữ quyền và SEA Games

TRƯỜNG HUY 19/05/2023 10:57 GMT+7

TTCT - Chiến thắng của tuyển nữ Việt Nam trong trận chung kết bóng đá lại khiến cơn xúc động của dư luận trào dâng, nhất là khi bóng đá nam đã thua Indonesia ở bán kết.

Thôi thì khỏi nói, dư luận càng ca ngợi nữ bao nhiêu thì lại chê trách quý ông đá bóng bấy nhiêu. Thậm chí, không ít người nổi tiếng còn bảo dẹp bóng đá nam đi, dồn tiền mà lo cho nữ.

Nguyễn Thị Oanh trên đường chạy. Ảnh: Nam Trần

Nguyễn Thị Oanh trên đường chạy. Ảnh: Nam Trần

Thật ra, chuyện phái nữ VN thường thành công trên đấu trường thể thao đỉnh cao hơn nam giới là câu chuyện đã rất cũ. Thầy tôi, cố nhà báo Tường Vy hơn 20 năm trước đã tổng kết thể thao VN bằng một cái tít báo đầy hình tượng: Đàn bà búng mũi đàn ông!

Đó cũng từng là định hướng phát triển thể thao đỉnh cao theo hướng tìm kiếm thành tích, với 9 chữ vàng của ông Hoàng Vĩnh Giang: "Đi tắt đón đầu" (chọn những môn mới, ít quốc gia chơi để đầu tư như lặn, sport aerobic, wushu, pencat silat…), "lấy nữ làm chủ công".

Kết quả như đã thấy, nữ giới luôn áp đảo trong thành tích của thể thao VN: HCV SEA Games đầu tiên của VN với tư cách đoàn thể thao một quốc gia thống nhất là Đặng Thị Đông, HCV điền kinh đầu tiên ở SEA Games là Vũ Bích Hường, VĐV đoạt HCV nhiều nhất trong một kỳ SEA Games là Nguyễn Thị Ánh Viên, bóng đá nữ thì không có đối thủ. 

Riêng điền kinh tại SEA Games 32 đoạt được 12 HCV thì nam giới chỉ góp có 1,5 HCV (0,5 HCV là ở môn chạy tiếp sức hỗn hợp 4x400m nam nữ).

Điều gì khiến giới nữ VN tỏa sáng lung linh như thế?

Thứ nhất, phụ nữ Việt trên sân chơi thể thao (và có lẽ cả ở nhiều lĩnh vực khác) đã tạo được sự yên tâm rằng nếu thua là thua thật về tài về sức, chứ không hay thua sảng như quý ông.

Thứ hai, chính hai nhân vật là cha đẻ của chiến lược tìm kiếm thành tích cho thể thao từ giới nữ là ông Hoàng Vĩnh Giang và ông Trần Thanh Ngữ đều lý luận rằng nữ quyền ở nước mình là vào loại ngon lành nhất trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí cả châu Á.

Vừa rồi, khi đón tiếp Nguyễn Thị Oanh, tôi có đem một tấm hình cô chạy ở cự ly 1.500m, kẹp giữa các VĐV Indonesia và đố: Tại sao Oanh mặc trang phục thi đấu hiện đại như chúng ta vẫn thường thấy ở các giải điền kinh thế giới, còn đối thủ "kín đáo" với quần đùi áo thun thông thường?

Ai cũng trả lời rằng trang phục của Oanh giúp không vướng víu, bớt lực cản… Đúng là như thế, nhưng sao các VĐV Indonesia, Malaysia - những quốc gia đạo Hồi - lại không mặc?

Đến đấy thì mọi người đã hiểu vấn đề.

Còn nhớ ngày xưa, nữ VĐV điền kinh của chúng ta cũng mặc trang phục tương tự VĐV Indonesia, Malaysia bây giờ. Hai nhân vật mặc trang phục bó đầu tiên để thi đấu ở điền kinh là Vũ Bích Hường và Trương Hoàng Mỹ Linh vào giữa thập niên 1990. 

Lúc ấy, khối người đã mắt tròn mắt dẹt. Hay ở môn bóng chuyền bãi biển hồi ấy, không ít đầu óc cũ kỹ vẫn tỏ ra dị ứng, thậm chí có lãnh đạo còn phê bình HTV Thể thao khi phát môn bóng chuyền bãi biển nữ là "chiếu môn gì hở hang thế?".

Song bây giờ thì tất cả đều là chuyện bình thường.

Tương tự, nhiều người bây giờ ngồi xem SEA Games vẫn tự hào: Nhìn các cô gái VN chơi thể thao sao mà xinh mà duyên thế? Vâng, quả là thế thật. Nhưng mọi người không biết cái thuở sơ khai của bóng đá nữ VN, ông Trần Thanh Ngữ phải ra ngoài chợ Cầu Muối năn nỉ, cho tiền các chị trong đội bốc vác đi đá bóng. 

Các chị làm nghề bốc vác cực khổ lắm, làm sao mà đẹp như Thanh Nhã hay Huỳnh Như bây giờ. Tương tự, các cô gái bóng chuyền, taekwondo, bắn cung, đấu kiếm... đẹp như hoa hậu cũng là chuyện thường thấy trên sân thể thao ngày nay.

Đó quả thật là câu chuyện vui về nữ quyền ở Việt Nam!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận