Nước mắt người khổng lồ

ANH VIỆT 12/02/2009 17:02 GMT+7

TTCT - Cả khán đài như chết lặng khi cú đập bóng cuối cùng của Roger Federer vượt khỏi lăn vôi cuối sân, đem lại chiến thắng sau cùng cho “kẻ soán ngôi” Rafael Nadal (7-5, 3-6, 7-6, 3-6, 6-2) tại giải Grand Slam đầu tiên của năm 2009 (Úc mở rộng). Rồi những tràng pháo tay rụt rè vang lên trên sân Rod Laver.

Phóng to
Rafael Nadal

“Đức vua đã băng hà, đức vua muôn năm”... Hơn bất cứ con số thống kê nào, những giọt nước mắt đau đớn của Roger Federer đủ nói lên quần vợt đã có một ông vua mới... và đó không phải là “tàu tốc hành” (biệt hiệu của Federer). Một khoảnh khắc “hấp hối và hoan lạc”...

Trận đấu cân não

Chúng ta sẽ không hiểu hết những giọt nước mắt của Roger Federer và niềm vui của Rafael Nadal nếu như không nhận ra tầm quan trọng mà hai “siêu nhân quần vợt” này đặt vào trận chung kết Úc mở rộng.

Rafael Nadal - tay vợt “lực sĩ” 22 tuổi người Tây Ban Nha, xếp số 1 thế giới - đến Melbourne với mục tiêu tham vọng: bành trướng quyền lực của mình ra thêm một mặt sân nữa.

Khởi đầu từ ngôi vô địch Grand Slam đầu tiên trên sân đất nện ở Roland Garros năm 2005, Nadal đã biến giải đấu này thành đồn lũy vững chắc của anh. Kể từ đó, Federer chỉ còn là “hoàng đế của tất cả các mặt sân... ngoại trừ sân đất nện”. Năm 2008, sau khi đã yên vị tại cứ địa đất nện của mình (hạ Federer tan tác bằng tỉ số 6-1, 6-3, 6-0), Rafa (tên gọi thân mật của Nadal) lên đường chinh phục các mặt sân khác. Và anh đã đánh bại Roger Federer tại Wimbledon (nơi Federer năm lần liên tiếp đăng quang) trong một trận quyết chiến kéo dài 5 set được đánh giá là “hay nhất trong lịch sử quần vợt”. Với chiến thắng này, Nadal cũng tước luôn vị trí số 1 thế giới mà Federer nắm giữ trong thời gian kỷ lục 237 tuần. Giờ đây, Nadal muốn bành trướng quyền lực của mình ra một mặt sân nữa: sân cứng.

Chiến thắng ở Úc mở rộng có thể giúp Nadal đạt được các mục tiêu và kỷ lục mới:

- Củng cố vị trí số 1 thế giới. Giáng một đòn chí tử vào quyết tâm của Federer đoạt lại vị trí này.

- Lần đầu tiên chiến thắng ở Úc mở rộng, qua đó mở rộng quyền lực của mình ra mặt sân cứng.

- Trở thành người Tây Ban Nha đầu tiên vô địch Úc mở rộng.

- Trở thành người thứ tư trong lịch sử quần vợt từng chiến thắng ở ba mặt sân Grand Slam khác nhau.

Roger Federer đến với Úc mở rộng với một khát vọng thậm chí còn cháy bỏng hơn:

- Đoạt lại vị trí số 1 thế giới. Điều mà xưa nay chỉ duy nhất một người làm được là Ivan Lendl (người từng mất vị trí này và đoạt lại ngay mùa giải sau). Sau chiến thắng của Federer tại Mỹ mở rộng năm ngoái, một cuộc thăm dò của tennis.com cho thấy đa số người hâm mộ tin rằng Federer sẽ lặp lại được điều này.

- Xóa bỏ tâm lý “sợ Rafa”, người mà trong 18 lần gặp mặt Federer chỉ thắng được sáu lần. Federer sẽ không bao giờ thật sự là số 1 nếu trên thực tế anh vẫn thua một người. Riêng năm ngoái, anh đã thua Rafa trong cả bốn lần đụng độ. Chỉ có chiến thắng mới thật sự giúp anh lấy lại được niềm tin.

- Lập lại kỷ lục của Pete Sampras: 14 lần vô địch Grand Slam (Roger đã đạt 13 lần vô địch). Cần phải nói thêm anh đã có thể phá được kỷ lục này từ lâu: trong 17 lần vào chung kết Grand Slam (chưa kể lần này) Federer đã để thua bốn lần, và cả bốn lần đó đều do Nadal “ngáng chân”.

- Federer cũng đang tràn trề hi vọng gia nhập nhóm các danh thủ (gồm Jack Crawford, Ken Rosewall và Andre Agassi) từng bốn lần vô địch Úc mở rộng (Federer hiện chỉ ba lần).

Những khát vọng và hoài bão từ cả hai bên khiến trận chung kết Úc mở rộng trở nên hấp dẫn lạ thường.

Trước trận đấu, phần lớn hi vọng được đặt vào Federer vì hình như khát vọng của anh lớn hơn, và chiến thắng của anh (nếu có) sẽ mang tính “lịch sử” hơn. Và tất cả đều mong muốn chứng kiến một khoảnh khắc “lịch sử” như thế trong đời mình.

Federer từng được xem là “độc cô cầu bại” trong làng quần vợt. Vào thời hoàng kim của mình, anh từng tuyên bố: “Tôi đã tạo ra một con quái vật... Nhiều khi tôi cảm giác như mình không có đối thủ”. Cũng chính anh nói rằng: “Tôi cần có những ngọn núi để vượt qua”. Và ngọn núi lừng lững đó giờ đây chính là người mang tên Rafael Nadal.

Sẽ là không cần thiết nếu đi sâu mô tả trận đấu. Điều này các báo đã viết khá đầy đủ. Đó là một trận đấu trên cả tuyệt vời, với đủ kịch tính (5 set đấu), những đường bóng thót tim và những màn trình diễn không thể nào tin nổi. Từ trên không, camera đã ghi lại một khung cảnh vượt ngoài sức tưởng tượng. Trái bóng được “bắn” đi từ hai “nghệ sĩ” trên sân với tốc độ kinh hoàng, mà hầu như lúc nào cũng chỉ ngấp nghé ở các đường biên. Không ai có thể hiểu nổi bằng cách nào Federer tung ra cú bóng xoáy thần sầu đi bọc qua lưới để vào sân đối phương trong tình trạng bị động. Không ai có thể hiểu nổi bằng cách nào Nadal có thể chạy một quãng đường dài để cứu những trái bóng chỉ còn cách mặt sân vài centimet và chuyển bại thành thắng. Một trận đấu của hai người ngoài hành tinh.

Công bằng mà nói, Federer có phần nhỉnh hơn trong trận đấu này. Anh có số điểm thắng ngang với Nadal (174 so với 173) nhưng chủ động hơn trong tấn công (71 điểm tấn công ăn bóng, so với 50 của Nadal), có nhiều cơ hội bẻ bàn giao bóng của đối phương hơn (19 so với 16). Thế nhưng, Nadal đã thể hiện khả năng phòng thủ trên cả tuyệt vời, buộc Federer phải đánh bóng hỏng (64 cú đánh bóng hỏng, so với 41 của Nadal).

Nếu có một nhận xét tóm tắt về trận đấu này thì có thể nói ngắn gọn là: Federer đã tự thua chính mình. Anh đã khởi đầu trận đấu chậm, để thua trong trận tie-break của set đầu tiên rồi bỏ qua quá nhiều cơ hội bẻ bàn sau đó. Và khi kết quả là 2-2, trận đấu chuyển thành cuộc đọ sức về thần kinh thì Federer sụp đổ quá nhanh chóng. Nadal, ngược lại, đã chứng tỏ một thần kinh thép (sau trận đấu anh đã được gọi là “Iron man” - người thép), có độ bền bỉ và khả năng tập trung “kinh dị”, đồng thời biết chắt chiu từng cơ hội (có thời điểm anh đã tận dụng đến 4/5 cơ hội bẻ bàn).

Nước mắt Federer

Phóng to
Roger Federer
Kịch tính của trận đấu được đẩy lên thậm chí còn cao hơn nữa trong lễ trao giải: Federer khóc. Nước mắt của đàn ông bao giờ cũng gây nhiều xúc cảm (có lẽ vì đàn ông ít khóc hơn phụ nữ), đặc biệt đó là những giọt nước mắt đau đớn của người khổng lồ, kẻ mà xưa nay chỉ đổ lệ vì vui sướng!

Quần vợt thể hiện sự cao thượng và tính triết lý của nó. Tình yêu thể thao, khát vọng và thành bại, ý chí và những giới hạn của khả năng con người... Tất cả đã được thể hiện qua những giọt nước mắt của Roger Federer.

Vâng, trong lễ trao giải, nhận chiếc mâm bạc thay cho chiếc cúp vô địch, Federer đã khóc. Anh nghẹn ngào không nói nên lời, đến mức phải lui khỏi chiếc micro để trấn tĩnh. Anh nói trong tiếng nấc: “Có lẽ lát nữa tôi sẽ cố thử (phát biểu). Chúa ơi, nó (nỗi đau này) giết chết tôi mất”. Rồi anh quay sang Nadal: “Anh xứng đáng với chiến thắng này. Anh đã chơi một trận chung kết tuyệt vời”.

Rafa cũng làm một cử chỉ đẹp: sau khi nhận cúp, anh tiến đến choàng tay qua vai Federer, an ủi và khuyên nhủ Roger trở lại chiếc micro để chia sẻ cảm xúc với khán giả. Cả khán đài lặng đi trong lời tâm sự của Federer. Anh đã bộc bạch tất cả tâm sự thầm kín nhất của mình: “Tôi yêu cuộc chơi này. Với tôi đó là cả thế giới, vì thế (tôi) thật đau đớn khi thua trận. Đây là một trong những trận đấu trong sự nghiệp mà tôi cần phải thắng và đã có thể thắng.

Nhưng người ta không thể nào suốt đời là một tay vợt chỉ biết chiến thắng và chiến thắng mà thôi. Tuy vậy, người ta vẫn cứ đau lòng và thậm chí còn đau lòng hơn khi đã gần kề với chiến thắng như thế, giống như ở Wimbledon (nơi Federer cũng thua Nadal trong 5 set năm ngoái) hay tại Giải Úc mở rộng này. Đó chính là điều khó nuốt trôi nhất. Nhưng tôi không có gì để tiếc nuối”.

Nói về tâm tư của mình ở ngôi thứ, Federer tiếp tục: “Thoạt đầu, bạn thấy thất vọng, bạn thấy sốc, bạn thấy buồn và rồi bất chợt những điều đó cùng lúc tràn ngập trong bạn. Vấn đề là ở chỗ bạn không thể vào phòng thay đồ, cố nghĩ về mọi thứ thật nhẹ nhàng và thản nhiên đi tắm. Bạn không thể làm vậy. Bạn bị kẹt trong (suy nghĩ) đó. Đó là một cảm xúc thật tệ hại”.

Vâng, đó chính là quy luật của muôn đời. Không ai có thể mãi mãi làm vua được. Roger biết điều đó, nhưng bi kịch của anh ở chỗ anh vẫn cho rằng mình có thể ở trên ngai vàng nhiều năm nữa. Điều này có thể đúng nếu như không tồn tại... Rafa. Quả là “Trời sinh Du sao còn sinh Lượng”.

Xin ngả mũ khâm phục Rafa vì tài năng cũng như sự khiêm tốn và cao thượng của anh. Nadal nói: “Với tôi, chiến thắng tại đây là một giấc mơ đã thành hiện thực. Có biết bao cảm xúc ở trên sân, và tôi đã ở đó với một tay vợt giỏi nhất mà xưa nay tôi chưa từng gặp người thứ hai. Vâng, tất cả mọi thứ đều thật đặc biệt. Tôi rất tiếc vì đây cũng chính là khoảnh khắc khó khăn đối với Roger.

Tôi biết anh ấy khó khăn như thế nào khi phải đứng đây trong tình thế này. Nhưng anh ấy là một nhà vô địch vĩ đại. Anh ấy mới là người giỏi nhất. Và chắc chắn anh ấy là một nhân vật quan trọng trong môn thể thao của chúng ta. Tôi rất tiếc cho anh ấy, nhưng đồng thời cũng xin chúc mừng anh ấy về tất cả mọi thứ”.

Cảm ơn Rafa và Roger. Họ đã giúp mọi người hiểu thế nào là vẻ đẹp của quần vợt, cả trên sân đấu lẫn trong những nỗ lực phi thường để tự vươn lên và tự hoàn thiện. Cảm ơn Rafa và Roger vì những ứng xử cao thượng của những nhà vô địch đích thực, vì nhân cách và văn hóa thể thao mà họ đã đem đến cho người hâm mộ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận