TTCT - Ngõ nhà tôi có bà cụ ngoài tám mươi quê ở Thái Bình. Một ngôi nhà nhỏ với mảnh vườn hơn một sào Bắc bộ gắn bó với cụ cả đời nên nó găm vào ký ức cụ nỗi nhớ thương khôn nguôi. Bởi vì anh con trai thương mẹ đã rước cụ lên phố an hưởng tuổi già. Ở phố cái gì cũng bóng lộn, sáng choang song cụ vẫn thấy thiếu. Đó là màu xanh của cây cối, màu nâu của đất và những cái nồi đen sì vì tro bếp. Phóng to Cụ đã nuôi những người con bằng sự tần tảo của mình. Mùa nào thức ấy, những mớ rau không thuốc trừ sâu, không thuốc kích thích của cụ rong ruổi về các gia đình. Trong mấy chục năm trời, ngày nào cũng như ngày nào, đông cũng như hè, cụ dậy từ mờ đất ra vườn lựa lứa rau nào bán được thì cắt cắt hái hái rửa sạch sẽ đem ra chợ, bán xong lại về bắt sâu, tưới tắm. Cụ nuôi được mấy con lợn, vài con bò nên không phải mua lân đạm mà rau vẫn lớn nhanh và xanh ngăn ngắt. Cụ đào một cái hố to ở cuối vườn rồi cho phân vào ủ. Cụ làm luân phiên, phân mục thì trộn vào đất trồng rau, phân mới lại tiếp tục ủ. Ngày nào cũng làm quần quật mà cụ vẫn khỏe mạnh, da dẻ săn chắc. Mỗi bữa hai bát cơm với bát canh rau vườn nhà và vài con cá vụn mà cụ làm đến hơn tám chục tuổi mới chịu nghỉ. Ấy là tại con cái không cho làm nữa cụ phải chịu, chứ có cái cuốc, cái liềm trong tay cụ vẫn túc tắc được. Ai đó bảo trời đày hay sao mà cụ như thế. Cụ cười móm mém bảo không làm nó thừa chân thừa tay, trong người bứt rứt khó chịu. Mấy đứa thanh niên cười bảo cử cụ làm tổ trưởng dân phố vì Thái Bình lên thành phố rồi mà cụ già vẫn cứ làm việc như người nhà quê. Từ ngày ra phố cụ yếu hẳn. Con trai con dâu đi làm, các cháu đi học, thành ra suốt ngày cụ vong vóng một mình. Nhà sạch bóng nên chỉ cần một tí nước chè xanh rớt ra là lộ rõ. Những ngày đầu cụ còn nhổ cả bã trầu ra nền khiến con cháu la oai oái. Trưa về con dâu mải mê nấu nướng, sau đó ai cũng ăn vội ăn vàng để chiều còn tiếp tục cuộc hành trình mưu sinh. Thức ăn lấy trong tủ lạnh, gạo xát trắng nõn nhưng ăn thì nhạt toèn toẹt. Cụ ăn không quen nên lúc thì táo bón, lúc lại đi ngoài. Không biết cô con dâu cho gia vị gì mà cụ không phân biệt được mùi vị của thức ăn. Hình như nó bảo ngũ vị hương, húng lìu hay bột nêm gì gì ấy... Những thứ này nhà quê chả bao giờ dùng. Cụ như người ốm, cứ lửng rửng cả ngày. Lâu nay cụ yếu trông thấy, chân tay bắt đầu run, mắt nhìn không rõ lắm, ăn thì nghẹn liên tục. Cụ một mực đòi về quê mặc dù mảnh vườn ở quê bây giờ đã bị thu hẹp. Con cái cụ phân chia mỗi người một mảnh nên ngôi nhà nhỏ của cụ bị lọt thỏm giữa mấy ngôi nhà cao tầng. Tuy thế cụ vẫn nhớ mình đã làm gì trên khu vườn ngày xưa. Nỗi nhớ khiến cụ bồn chồn không yên. Hồi này khi con cái đi làm, cụ ngồi sát ra phía cổng hơn vì cụ không được cầm chìa khóa nữa, và thấy ai đi qua cũng vẫy. Cái tay thật dẻo và mạnh mẽ khiến ai đi qua cũng phải dừng chân. Hỏi thì cụ nói bác có về Thái Bình không cho tôi về với, tôi muốn về Thái Bình lắm. Nếu ai đó trả lời là không thì cụ mếu máo bảo con tôi nó không cho tôi về. Tôi phải về để trông nom mồ mả. Nước mắt cụ ứa ra từ hai hố mắt mờ đục. Lạ thế, mắt ngày một mờ đi mà nước mắt thì vẫn trong suốt. Ngày nào cũng vậy, cụ dậy từ ba giờ sáng gõ lốp cốp vào bức tường sơn ngoại bóng loáng. Con cái thấy thật phiền và lời qua tiếng lại là chuyện đương nhiên. Một bên thì cứ mày cho mẹ về quê, một bên thì bà phải thông cảm cho con cái. Đi làm cả ngày, áp lực nhiều thế mà đêm đêm phải nghe tiếng gõ lộc cộc thì bố ai ngủ được. Cụ nhất quyết: không cho mẹ về quê thì mẹ cũng không cho chúng mày ngủ. Anh con trai ôm lấy đầu. Làm tròn chữ hiếu mới khó làm sao! Khi bức tường dọc chân tường bị lõm vào một khoảng bởi cây gậy thì anh con trai chịu thua. Về nhà cụ dự định sẽ sống như vài chục năm mình đã sống. Vợ chồng đứa cháu ở quê không thể ở nhà trông cụ suốt ngày, thế là cụ tha hồ lụi cụi trong mảnh vườn nhỏ. Cụ già lụi cụi giữa đám rau xanh mướt đối lập với phố xá ồn ào tấp nập khiến anh con trai rưng rưng mỗi khi về thăm mẹ. Khi anh đi, không bao giờ mẹ quên để bó rau đủ loại vào giỏ xe. Và bao giờ mẹ cũng đứng trên mảnh vườn nhỏ nhìn hút theo tiếng xe. Mẹ chỉ nghe là chính chứ mắt mẹ đã mờ lắm. Những nỗi niềm cứ trộn vào nhau, chờ con đi khuất mẹ mới khóc. Nước mắt mặn và trong, như cuộc đời, như mồ hôi và như tình người, không đổi. TTCT cảm ơn các bạn: Trương Anh Sáng, Hoàng An, TK63, Nguyễn Ngọc Hà, A.Phong, Gia Huy... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM) 02/07/2025 1990 từ
"Ba người vượt ngục Guyane": Để tin yêu - dù cuộc đời có những éo le lịch sử NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 01/07/2025 2011 từ
Tin tức sáng 4-7: Chủ tịch Công ty Dịch vụ sân bay Cam Ranh bất ngờ từ chức; Mức đóng BHXH từ 1-7 BÌNH KHÁNH 04/07/2025 Một số tin tức đáng chú ý: Cần thiết siết chặt hoạt động cho thuê căn hộ ở ngắn ngày; Chủ tịch Công ty Dịch vụ sân bay quốc tế Cam Ranh bất ngờ từ chức; Hodeco rút khỏi dự án khu du lịch Đại Dương...
Bất ngờ Đào Văn Ly - cơ thủ Việt Nam duy nhất đi tiếp tại World Cup billiards Porto ĐỨC KHUÊ 04/07/2025 Trong khi các cơ thủ Việt Nam phần lớn gây thất vọng, thì lại có một cái tên nổi lên gây bất ngờ tại World Cup billiards carom 3 băng Porto (Bồ Đào Nha).
Tin tức thế giới 4-7: Mỹ thông qua 'siêu luật hoàn mỹ'; Nga công nhận chính phủ Afghanistan NGỌC ĐỨC 04/07/2025 Siêu luật Lớn và Hoàn mỹ được thông qua; Kết quả điện đàm lần 6 giữa hai ông Trump - Putin; Nga công nhận chính phủ Afghanistan; Ông Trump sắp công bố thuế mới cho các nước chưa đạt thỏa thuận thương mại... là một số tin tức thế giới sáng 4-7.
Giảm trừ gia cảnh theo mức chi tiêu thực tế, tại sao không? ÁNH HỒNG 04/07/2025 Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh sẽ xóa bỏ thuế khoán từ 2026, bán hàng phải xuất hóa đơn từ máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, cơ quan quản lý cũng nên mạnh dạn đề xuất cách thức giảm trừ gia cảnh mới.