Nước Mỹ và luật Biển

TTCT - Một lần nữa, Thượng viện Mỹ lại đứng trước chọn lựa lịch sử: thông qua hay không luật biển.

Phóng to
Ngoại trưởng Mỹ Clinton (giữa) biện luận trước tiểu ban đối ngoại thượng viện ngày 23-5 về việc Mỹ cần thiết phải thông qua luật biển. Người bên phải là Bộ trưởng quốc phòng Panetta - Ảnh: Reuters

Tuần qua, hết Ngoại trưởng Hillary Clinton đến Bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta kêu gọi thông qua vì lợi ích sống còn của nước Mỹ, chứ không thể cứ suy nghĩ như dưới trào tổng thống Ronald Reagan khi Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) được thông qua.

Tổng thống Reagan đã khét tiếng với tuyên bố sau: “Không một lợi ích quốc gia nào của nước Mỹ có thể biện minh cho việc trao quyền kiểm soát 2/3 diện tích Trái đất cho thế giới thứ ba” (1).

Từ mất mát ối với Mỹ...

“Là một bên không tham gia công ước, chúng ta chỉ có thể dựa lên điều gọi là thông luật quốc tế... Liệu thông luật quốc tế có đủ để bảo vệ các lợi ích sinh tử của chúng ta hay không?”

Chẳng qua vào thời điểm đó, trên thế giới đang dấy lên làn sóng “Trật tự kinh tế quốc tế mới” bao gồm một số nguyên tắc mới được đề ra tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD). Theo đó, quan hệ thương mại giữa các nước đã phát triển và các nước đang phát triển cần được “sòng phẳng” hơn, không như dưới trào chủ nghĩa thực dân trước kia nữa.

Chính vì thế có những ý kiến cho rằng cái gọi là “Trật tự kinh tế quốc tế mới” này chủ trương “phân phối lại tài nguyên” (UNCLOS kêu gọi chuyển nhượng công nghệ và của cải từ các nước đã phát triển sang các nước đang phát triển). Một trong những lý do khiến ông Reagan bác bỏ luật biển do luật này yêu cầu các bên liên quan sẽ điều chỉnh các quy định và luật pháp của mình nhằm kiểm soát nạn ô nhiễm trong môi trường biển (2).

Một phim mới chiếu gần đây trên HBO Beneath the blue (thuật lại mối mâu thuẫn giữa những người bảo vệ cá heo với hải quân Mỹ muốn bảo đảm cho bờ Tây nước Mỹ luôn được quét tàu ngầm xâm nhập bằng những máy sonar tinh xảo nhất) có thể giải thích đâu là ý nghĩa sâu xa của việc kiểm soát nạn ô nhiễm môi trường biển.

Tất nhiên cuộc sống, nhất là “cuộc sống” của một quốc gia, đâu có như trong phim ảnh, và bảo vệ môi trường trên biển đâu chỉ có bảo vệ loài cá heo. Vụ giếng dầu Lưu Hoa 11-1 của Trung Quốc bị sự cố vào tháng 10-2006 và những vụ tràn dầu “vô thừa nhận” vào bờ biển Việt Nam cuối năm đó và đầu năm sau (3) lại là một khía cạnh khác của vấn đề kiểm soát môi trường biển mà UNCLOS III đặt ra.

Sau khi có tin tức về vụ một tàu ngầm Trung Quốc được cho là đã mò vào sát đảo Catalina, chỉ cách Los Angeles 35 hải lý hôm 8-11-2010 và phóng đi một tên lửa bay qua đầu nước Mỹ, phe chống UNCLOS III ở Mỹ (họ gọi tắt là LOST, gồm bốn chữ cái đầu của bốn từ Law Of the Sea Treaty, mỉa mai rằng hiệp ước đó là một mất mát đối với Mỹ) ngày nay càng chống hơn nữa khi đòi “thả cửa” cho hải quân quét tàu ngầm. Tất nhiên thời ông Reagan, tàu ngầm Trung Quốc chưa là mối đe dọa đối với Mỹ như sau này.

Trong giai đoạn cao điểm của chiến tranh lạnh, tàu ngầm Liên Xô - Mỹ vẫn thường lấp ló ở gần vùng biển đối phương, đeo bám nhau. Hồ sơ hải quân Mỹ về giai đoạn này vẫn còn bảo mật, song cũng đã có một vài trường hợp được giải mật sớm như vụ tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh USS Batfish (mang số hiệu SSN-681) đeo bám một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Liên Xô gần bờ Tây nước Mỹ vào năm 1978.

Các công bố sau này cho thấy tàu ngầm Liên Xô mà chiếc USS Batfish đeo bám suốt 50 ngày là một chiếc tàu ngầm lớp Yankee I bị phát giác từ hôm 17-3 năm đó, khi chiếc này hoạt động ở phía trên vành đai Bắc cực. Vụ đeo bám này là một phần của chiến dịch Sao Hôm nhằm thu thập phương thức hoạt động của tàu ngầm đối phương.

Hai nhiệm kỳ của ông Reagan 1981-1989 là cao điểm của chiến tranh lạnh, hai phe chạm trán không chỉ chuyện tàu ngầm mà còn chuyện tên lửa Pershing triển khai ở châu Âu, nhu cầu phòng thủ chống tàu ngầm và tàu nổi đối phương là rất lớn. Vậy mà ông Reagan vẫn kịch liệt chống luật biển.

...Đến lợi ích sinh tử

Câu chuyện tỉ thí tàu ngầm năm xưa càng giải thích tại sao tuần trước chính quyền Obama nêu lại yêu cầu thông qua luật biển vì sinh tử của nước Mỹ. Tất nhiên không phải đến trào ông Obama luật biển mới được ký duyệt bởi hành pháp ở Mỹ, mà từ năm 1994 dưới trào ông Clinton và người kế nhiệm là ông Bush cũng từng đề nghị Thượng viện Mỹ thông qua.

Song chỉ cần một lãnh tụ đa số Đảng Cộng hòa tại thượng viện lúc đó là thượng nghị sĩ Bill Frist, xuất thân là một bác sĩ giải phẫu lồng ngực từng tham gia hơn 150 cuộc mổ ghép tim và ghép phổi, “ngâm cứu” không đưa ra biểu quyết trước thượng viện, thì hiệp định về luật biển mà nước Mỹ đã ký với Liên Hiệp Quốc và các tổng thống đã phê duyệt vẫn còn nằm trong hộc kéo cho đến bây giờ.

Tất nhiên không chỉ mỗi nghị sĩ Frist năm xưa mới chống lại LOST, nay vẫn có một số ý kiến như của hai cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc là Jeanne Kirkpatrick và John Bolton hay những học giả như Dan Blumenthal cho rằng tham gia LOST thì nước Mỹ sẽ tự đánh mất quyền chủ động của mình khi cần thiết (4).

Thế nhưng, liên tiếp sau các cảnh báo về mối nguy từ Trung Quốc trên biển mà một học giả quốc tế là giáo sư Peter Dutton tóm tắt thành “ba tranh chấp và ba mục tiêu”, trước tiểu ban đối ngoại thượng viện hôm thứ tư tuần trước (23-5) Ngoại trưởng Clinton biện luận: “Cách đây 20 năm, 10 năm, thậm chí 5 năm, ai đó có thể lập luận rằng tham gia công ước này là quan trọng song không khẩn cấp. Giờ đây, (nói vậy) không được nữa rồi... Là một bên không tham gia công ước, chúng ta chỉ có thể dựa lên điều gọi là thông luật quốc tế.

Chưa từng có một hoàn cảnh nào như lúc này các lợi ích an ninh của chúng ta bị thách đố như bây giờ. Liệu thông luật quốc tế có đủ để bảo vệ các lợi ích sinh tử của chúng ta hay không? Trong quá khứ chúng ta đã gặp may, song nay trước những thách thức từ thái độ của các nước khác, kể cả trong những khu vực trọng điểm như biển Đông, quyền hàng hải và khả năng hàng hải của chúng ta cần đứng trên một cơ sở pháp lý vững chắc nhất và thuyết phục nhất có thể có” (5).

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Panetta cũng vận động: “Nước Mỹ từ lâu đã tuyên cáo các lợi ích của mình, sự tôn trọng luật pháp quốc tế, sự tự do hàng hải và việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình... Nếu không tham gia công ước này, chúng ta sẽ khước từ cơ sở pháp lý mạnh mẽ nhất có thể có cho hành động của chúng ta, tự cắt bỏ độ khả tín của chúng ta tại một số hội nghị đa phương tập trung đến châu Á trong việc thúc đẩy một trật tự dựa trên luật pháp ở khu vực này và việc giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp về hàng hải và lãnh thổ trong biển Đông cùng các nơi khác”.

Thông điệp của bà Clinton và ông Panetta khá rõ ràng: trước những tự khẳng định chủ quyền bằng võ lực đang lên, không gì bằng một khung pháp lý quốc tế để từ đó rủ nhau “vác chiếu ra tòa”.

__________

(1) http://www.wnd.com/2007/10/43987/
(2) http://www.unlawoftheseatreaty.org/
(3) http://tuoitre.vn/PrintView.aspx?ArticleID=193911
http://chuyentrang.tuoitre.vn/TTC/Index.aspx?ArticleID=352779&ChannelID=10
(4) John Bolton and Dan Blumenthal “Time to Kill the Law of the Sea Treaty Again”, http://online.wsj.com/article/SB10001424053111904836104576560934029786322.html
(5) Hillary Rodham Clinton, Secretary of State, Testimony before the Senate Committee on Foreign Relations, Washington, DC, May 23, 2012

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận