TTCT - Tôi biết người đàn ông ấy và mối tình kỳ lạ đầy chất Ý của ông qua những câu chuyện truyền khẩu ở Rome suốt mấy năm tôi sống ở đó. Cùng những con rối tay, Marcel sống bằng ký ức, nỗi đam mê và niềm hi vọng vào một tình yêu gần như vô vọng... Phóng to Marcel biểu diễn múa rối tay ở quảng trường Navona (Rome, Ý) - Ảnh: Anh Ngọc Tóc bạc trắng dài đến tận vai, nụ cười hiền hậu và dễ thương nhưng đôi mắt buồn dường như luôn hướng về một nơi vô định. Ông đứng đó, ở sân khấu nhỏ là mặt của một thùng gỗ với khán giả thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ, trước đài phun nước Moro ở một góc của quảng trường rộng nhất Rome, Navona. Khán giả trung thành nhất của ông trong ba năm qua là tôi, luôn đến xem những buổi diễn đôi khi chỉ kéo dài 5 phút của ông và lặp đi lặp lại từ tối đến gần đêm, không phải để chiêm ngưỡng những gì ông làm mà là để tìm kiếm những cảm xúc toát lên từ nụ cười thi thoảng vô hồn của ông, từ đôi tay đeo găng thoăn thoắt điều khiển những con rối vải. Ở Ý, không thiếu những người thất nghiệp đem tài lẻ của mình ra mua vui cho thiên hạ để đổi lấy dăm ba chục euro. Họ xuất hiện trên khắp những quảng trường Rome - thành phố của hàng trăm quảng trường và đài phun nước. Nhưng Marcel là một người rất khác. Nàng, những con rối tay và sự chờ đợi Marcel yêu và vì thế ông chờ đợi. Những cuộc chờ đợi ấy đã kéo dài bao nghìn ngày không ngơi nghỉ. Chờ đợi và ông tồn tại, sự tồn tại in hình trên những ngón tay lướt qua sân khấu bé nhỏ và buồn dìu dịu như nụ cười của ông. Nhạc sĩ huyền thoại Lucio Dalla từng hát rằng: “Sự thật là không ai chết vì tình yêu”. Nhưng thực tế người ta có thể nhảy vì nó, kể cả nhảy bằng những ngón tay.Marcel không phải là nghệ sĩ đường phố. Ông cần tiền, không ít, nhưng duy trì cuộc sống của mình bằng cách biến công việc tưởng như nhàm chán vì lặp đi lặp lại ấy thành một bài thơ nho nhỏ. Ông tồn tại có thể chính vì ông rất vui vẻ đối thoại với những khán giả luôn biến động của mình. Nhiều năm như thế rồi, sáng cũng như tối, mùa hè cũng như mùa đông, những buổi biểu diễn ngắn ngủi của ông bắt đầu sau một vài điệu nhạc từ cái loa điện ông mang theo như một cách thu hút sự chú ý của những du khách vãn cảnh ở Navona. Sân khấu nhỏ bằng gỗ chật hẹp, nhưng bóng tối như một tấm màn nhung đặc biệt phủ lên người nghệ sĩ già và không gian xung quanh đôi tay điều khiển những con rối không có dây của ông. Ánh đèn sân khấu được tạo bởi hai chiếc đèn bàn ở hai phía cánh gà - bục gỗ. Buổi biểu diễn bắt đầu, tiếng nhạc vang lên, đôi tay người nghệ sĩ xỏ vào lưng hai con rối đưa đi trên sân khấu nhỏ ấy theo từng thể loại nhạc và điệu nhảy khác nhau, từ tango đến valse và samba. Có cả một trích đoạn nổi tiếng với Charlie Chaplin trong Ánh đèn sân khấu, bản Forever love của Take That, Sexed up của Robbie Williams và thậm chí cả điệu moonwalk của Michael Jackson với con rối mang dáng hình trong trang phục màu đen, cả chiếc mũ phớt của người nghệ sĩ vắn số. Khán giả, chủ yếu là khách du lịch nước ngoài, ồ lên thích thú sau mỗi điệu nhảy trên những ngón tay rối của Marcel. Họ chỉ là một nhóm rất nhỏ những người tò mò so với biết bao khán giả ông từng trình diễn trong một vài tour vòng quanh thế giới trước kia, mà đến bây giờ ông vẫn luôn tự hào nhắc đến với tôi trong những lần gặp mặt. Nhưng nhân vật chính trên sân khấu nhỏ và ít ỏi khán giả ngoài trời ấy, dưới ánh đèn vàng vọt của quảng trường chính là ông, Marcel. Ông là con rối vải trên sân khấu đời lớn hơn và bi kịch hơn, nhưng không kém phần lãng mạn. Khi cuộc hôn nhân tan vỡ, người từng làm rất nhiều nghề và có cả một bộ sưu tập các xe Fiat cũ rích (không phải xe cổ) ấy đã yêu một cô gái trẻ, người mà ông bất chợt gặp và ngay từ cái nhìn đầu tiên đã chết chìm trong ly rượu của thần ái tình. Ông bảo đấy là một mối tình đẹp đẽ như thơ, như chuyện cổ tích, mối tình đã đưa ông lên khỏi miệng hố khủng hoảng tâm lý sau khi cuộc hôn nhân đổ vỡ và đã làm ông sống lại. Câu chuyện cổ tích ấy đến giờ này, tiếc thay, lại kết thúc không có hậu. Một ngày nọ, ly rượu tình của Marcel đắng chát khi nàng bỏ đi, nhưng công nhân Marcel đã quyết tâm trở thành một nghệ sĩ chỉ vì ông không muốn chấp nhận sự thật. Như trong một bộ phim, ông nói với nàng rằng: “Anh sẽ mãi mãi ở đây chờ em đến khi nào anh biết chắc chắn em sẽ không còn quay lại nữa”. Ở đây là quảng trường Navona, nơi ông đã gặp nàng lần đầu tiên. Và thế là 10 năm đã trôi qua kể từ ngày ấy, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, Marcel chờ đợi trong hi vọng mà gần như tuyệt vọng. Ông chờ nàng trong những buổi biểu diễn mà chỉ có lạnh giá hoặc mưa gió làm gián đoạn, khi những con rối trong tay ông không chịu nổi sự nghiệt ngã của thời gian và số phận trở nên mệt mỏi. Những con rối ấy ông đã tạo nên. Những màn diễn ngắn ngủi ông đã nghĩ ra. Những bản nhạc từ cái loa cũ kỹ hơi rè rè là do chính ông chọn. Cả những tấm danh thiếp và postcard ông bày phía trước khán giả cũng do chính ông in. Ông muốn họ mang những tấm ảnh của ông đi khắp nơi để tìm nàng. Ông kể cho họ nghe về nàng. Ông không bao giờ quên nàng và chỉ có những ai biết được câu chuyện tình của Marcel mới hiểu được rằng trong show diễn ngắn ngủi trên sân khấu bé nhỏ của ông, có điệu nhảy như trong mơ dưới ngọn đèn đường của hai con rối vải mà ông tạo nên. Đấy chính là con rối từ hình mẫu của chính ông và nàng. Có một tối, ông nhận ra trong đám khán giả kia có đôi mắt của nàng. Nàng đến để xem ông sống ra sao. Chỉ một lát rồi bỏ đi. Hôm ấy, Marcel diễn show hay nhất của đời mình. Những ngón tay xỏ rối vải như nhảy ballet trên sân khấu nhỏ. Khi nàng rời đám đông đi mất hút, ông tuyên bố từ bỏ sân khấu để đi tìm nàng. Không tìm được nàng, từ đó nàng cũng không quay lại, Marcel trở lại sân khấu để chờ nàng trở lại. Ông vẫn phải sống và hi vọng, dù nụ cười trên môi ông giờ đã ít ánh nắng hơn... Phóng to Với tình yêu, người ta có thể nhảy trên những ngón tay Chuyện tình của Marcel - một câu chuyện thực - gần như trở thành một huyền thoại ở Rome, được đưa vào những cuốn sách hướng dẫn du lịch về thành phố vĩnh cửu, lan ra khỏi biên giới nước Ý, thậm chí màn trình diễn rối bằng ngón tay nhảy nhót của ông còn trở nên bất tử với một trường đoạn của phim Double team với các tài tử Jean Claude Van Damme và Mickey Rourke. Có thể nàng đã xem bộ phim đó. Nhưng đến giờ nàng vẫn không trở lại và Marcel chỉ là một ông vua cô đơn trên sân khấu của chính đời mình ở quảng trường Navona. Có lẽ Marcel và cô gái nọ đã chịu một lời nguyền nào đó từ chính quảng trường này, nơi mà ở trung tâm của nó ngự trị đài phun nước Bốn dòng sông của Gian Lorenzo Bernini. Người Rome bảo rằng những đôi tình nhân nào vô tình đi quanh nó ngược chiều kim đồng hồ sẽ chia tay nhau trong vòng sáu ngày. Chuyện đó kể cũng khó tin như những huyền thoại ở Rome về việc một cô gái nào đó đến đài phun nước Trevi, sau khi quay lưng vào nó và nhắm mắt ném xuống nước một đồng xu để ước trở lại, uống một ngụm nước ở đó và sẽ nhanh chóng yêu một chàng bảnh trai người Ý. Khó tin, nhưng những ai đang yêu lại rất tin. Tôi không hoàn toàn tin vào những câu chuyện như thế, bởi người ta không thể chiêm ngưỡng kiệt tác điêu khắc của Bernini nếu không đi một vòng quanh đài phun nước Bốn dòng sông, dù theo chiều nào. Nhưng ở nước Ý vào thời buổi mà thực dụng và ngoại tình lên ngôi, người ta sống bằng những câu chuyện tình yêu như của Marcel, hoặc nuôi dưỡng tình yêu của đám trẻ bằng những chuyện tình tuổi teen như trong những tác phẩm của Federico Moccia, khiến chúng cuồng điên móc hàng nghìn chiếc khóa lên cây cầu Milvio cũ kỹ và ném chìa xuống dòng Tevere sau khi đã thề thốt hẹn hò. Những dòng tỏ tình được viết ở khắp mọi nơi trên đất Rome lãng mạn và cổ kính này. Hình như tình yêu theo kiểu lãng mạn bậc nhất ấy luôn có đất phát triển ở đây, làm rung động không biết bao người, trong đó có cả những vị linh mục mà báo chí từng viết là có không ít người mặc áo chùng rời bỏ các tu viện để đến với trái tim. Yêu và đặc biệt yêu trong tuyệt vọng dường như là lẽ sống trong một đất nước mà tỉ lệ kết hôn thấp hơn nhiều so với ly thân và ly dị, trong khi ngoại tình tăng vọt. Dường như các đôi yêu nhau thường đến đưa tay vào Cái miệng sự thật ở nhà thờ Santa Maria Cosmedin, bắt chước đôi tình nhân cũng yêu nhau bất chợt trong Kỳ nghỉ ở Rome, nhưng những kẻ nói dối chưa bao giờ bị trừng phạt, bởi cái miệng sư tử trên mặt người ấy chỉ là tượng bằng đá vô tri vô giác. Trên mảnh đất này, khi mùa xuân đến, những cây nở hoa tím rụng đầy đường lại mang tên Judas, kẻ đã bán Chúa. Mà màu tím lại được quy định là màu của sự thủy chung. Nhưng tôi vẫn lặng người trong chốc lát khi nghe câu chuyện của Marcel và cầu chúc hạnh phúc cho ông, dù đời không bao giờ quá lãng mạn như phim kiểu Cinema paradiso của đạo diễn Tornatore, khi chàng trai có tên Toto đã bỏ về trong đau khổ ở đêm thứ 100 sau 99 đêm chờ đợi dưới cửa sổ nhà nàng Elena một cách vô vọng, bất chấp mưa gió lạnh lẽo, thì nàng tìm đến chàng và hôn chàng những nụ hôn cháy bỏng. Ngày Marcel nhìn thấy người ông yêu trong đám khán giả đã qua năm năm. Từ đó đến giờ, nàng chưa trở lại... Phóng to
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Nóng: Cảnh sát Hàn Quốc khám xét văn phòng Tổng thống Yoon NGHI VŨ 11/12/2024 Cảnh sát Hàn Quốc ngày 11-12 đã khám xét văn phòng Tổng thống Yoon Suk Yeol, văn phòng Cảnh sát thủ đô Seoul, Bộ Tư lệnh Lực lượng đặc biệt liên quan lệnh thiết quân luật tuần trước.
Cựu bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc tự tử bất thành BÌNH AN 11/12/2024 Hãng tin Reuters ngày 11-12 dẫn lời một quan chức Bộ Tư Pháp Hàn Quốc nói với Quốc hội nước này rằng cựu bộ trưởng quốc phòng Kim Yong Hyun đã tìm cách tự tử tại nơi giam giữ.
Một nữ tài xế vừa lái ô tô vừa cầm micro hát karaoke trên quốc lộ 14 TÂM AN 11/12/2024 Công an đang xác minh vụ nữ chủ nhà hàng tiệc cưới vừa lái ô tô vừa hát karaoke trên quốc lộ 14.
Thứ trưởng Nga tiết lộ 'ân nhân' giúp ông Assad chạy khỏi Syria an toàn THANH BÌNH 11/12/2024 Thứ trưởng Sergei Ryabkov tiết lộ người đã đưa Tổng thống Syria Bashar al-Assad đến Nga theo cách an toàn nhất có thể.