TTCT - Bạn tôi mừng quá, gần hai năm rồi mới gặp lại nhau, chị còn ở “ngoài đời” chứ em ra trường xong chui vô tòa nhà lịch sử này, vậy là mưa không tới mặt nắng không qua đầu. Cầm chặt tay nhau nói xong, bạn chêm thêm hai từ “hic hic”. Phóng to Minh họa: Hoàng Tường Bảo tàng mỹ thuật “của bạn” đang có triển lãm. Nhờ đó chúng tôi có dịp gặp nhau đây. Sài Gòn rộng lớn nhưng đâu có thênh thang. Mấy bông hoa súng trong hồ bán nguyệt trước bậc thềm đón khách run rẩy dưới làn mưa lất phất vừa rớt hạt. Viện bảo tàng là khung cảnh quen thuộc. Chị còn nhớ không? Những kỳ thực tế Hà Nội tụi mình mài muốn mòn băng ghế trong các sảnh trưng bày nghệ thuật cổ. Năm thứ hai ở Hội An ấy, phố Hội nhỏ quá, vậy là cứ sáng đèo nhau xe máy ra Đà Nẵng, ăn dầm nằm dề ở Bảo tàng Champa, chiều tối mịt quay về thấy đèn lồng đã lác đác thắp lên. Suốt một kỳ thực tế, những pho tượng sa thạch nảy nở dày dặc trong từng giấc ngủ mơ. Em nhớ những người trực phòng vé ở các bảo tàng, di tích mình đã đi qua. Nhiều người hỏi chúng mình: quanh quẩn có bao nhiêu đó, sao có thể mất nhiều ngày tháng vì nó vậy? Câu hỏi đó giờ chị trả lời người ta được hay chưa? Hai anh họa sĩ này cũng không thích nói, chỉ để hình ảnh nói thay nên trong giới thiệu triển lãm cũng chỉ thấy đơn vị tổ chức chứ không thấy tên các anh. Nhiều người hay nói (nhưng lười tới xem) lại cứ chép miệng nói rằng những di sản mỹ thuật mà chỉ được xem qua ảnh chụp thế này thì còn gì là di sản, như cưỡi ngựa xem hoa thôi, càng làm cho “Nét cổ Thăng Long” (*) trở nên xa xôi trên đất phương Nam. Em cũng muốn nói nhưng bao nhiêu lời bắt đầu từ đâu bây giờ, hở chị? Tôi cũng đã ngại ngần trước lúc tới đây. Vì tôi sợ phải nhớ. Những nỗi nhớ, dù là nhớ - nhung - đầy - niềm - vui, vẫn thường khiến tôi trong thời hiện tại trở nên buồn. Ôi kìa, nhìn pho tượng Phật cưỡi trên lưng vua này đây em nhớ quá là nhớ. Đúng rồi, nhớ thầy Bảo ngày nào kêu bọn học trò sinh viên lại xem pho tượng lạ mà giọng cứ run run. Thầy đã xem nó bao lần sao vẫn giữ được cái run run đó vậy? Nhìn Thập điện Diêm vương kìa chị, có phải là những vị vua của cõi chết gì đâu, bao nhiêu hình ảnh con người Việt Nam gửi gắm trên chân dung rành rành đó, có nam có nữ, có trẻ trung có luống tuổi già, lại có cả kẻ sang người hèn nữa chứ, hiện lên hết qua cốt cách nhân dáng con người trên tượng đây nè. Nhớ lúc ở chùa Lý Quốc Sư, chị cứ sờ mãi trên mình những pho tượng công chúa nhà Lý. Đúng là đẹp quá, không thể nói nên lời, nhưng mấy trăm năm rồi họ đã trở thành bậc Thánh trong nghi ngút khói hương của sự thờ phượng, nên em (dù không tin lắm những việc duy tâm) vẫn cứ thấy e dè không dám chạm vào. Giờ nghĩ lại thấy hạnh phúc khi một lần trong đời được gặp gỡ những con người lịch sử vẫn còn “sống”. Mà đúng thật, bốn vị công chúa ngồi bên nhau, rõ ràng sắp mỉm cười và nói với chúng mình điều gì thân thương lắm. Em chỉ biết mặt một trong hai anh họa sĩ đã đi chụp những tư liệu quý giá này, nhưng em yêu mến hết cả hai. Hai anh đó không chụp di sản bằng máy ảnh, mà bằng cả trái tim. Hôm trước em làm thuyết minh cho triển lãm, một đoàn khách nước ngoài nhiều quốc tịch đã bật thốt ra rằng bao lâu nay cứ ngỡ nền mỹ thuật Việt Nam chỉ từ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, hóa ra hiểu sai quá đỗi, thật lầm lỗi vô cùng. Người từ phương xa tới nghĩ sai và xin lỗi rất chân thành, chỉ buồn nỗi khách Việt Nam mình hầu như không tới xem, nên em cũng không dám chắc mọi người nghĩ những gì. Sài Gòn đã chập choạng, ngoài phố đèn lên. Bạn theo tôi ra tới cổng, miệng cười mà mắt vẫn mở to. Cuộc đời em bảo tồn rồi. Nhìn hồ bán nguyệt ở bảo tàng này sao cứ nhớ cái hồ ở góc cầu thang trường mình. Có bữa ngồi đây em nhớ lần bầy cá tai tượng già lão của trường tự nhiên mà chết, bác Tám cởi trần đen trũi cầm vợt vớt từng con, em với chị và bao nhiêu anh em bè bạn đứng nhìn, thầy cô qua lại cứ ráng đi nhanh, nhớ vậy mà em khóc. Những đồng nghiệp mới nhiều người nói em dở hơi, ai thương mình thì cho là mình lẩn thẩn. Em còn trẻ mà sao lại như vậy chị? Tôi cho xe chạy. Trong một khoảnh khắc nào đó, bạn nhổm người lên như muốn chạy theo tôi để nói một điều gì, nhưng rồi lại thôi. Xe tôi ra với vòng xoay tấp nập. Trên đường phố đông người, khói bụi và mưa nhẹ như mỗi ngày, sao cứ thấy đâu đó cái dáng phương phi của bác Tám đang lầm lũi cầm vợt vớt cá trong hồ đầy rêu ở góc cầu thang trường. Thầy cô ai nấy cứ ráng đi nhanh là phải rồi, để không phải chia ly với điều gì đó đã kết giao từ thuở mới chân sáo bước vào trường mỹ thuật. Bởi vì chia ly có nhiều điều lắm, mà đa số là buồn. __________ (*): Triển lãm “Nét cổ Thăng Long” do Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, Viện Mỹ thuật và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM phối hợp tổ chức, diễn ra từ ngày 18 đến 30-7-2010 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM) 02/07/2025 1990 từ
Cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải Nga nghi tự sát liên quan bị sa thải DUY LINH 07/07/2025 Cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải Nga, ông Roman Starovoit, được tìm thấy chết trong ô tô chỉ vài giờ sau khi bị sa thải.
Vợ của 'Mr Hunter' Lê Khắc Ngọ bị bắt tại Thái Lan khi tính trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ DANH TRỌNG 07/07/2025 Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Interpol bắt giữ Ngô Thị Thêu (vợ của Lê Khắc Ngọ, còn gọi là Mr Hunter) đang trốn tại Thái Lan, khi nghi phạm đang chuẩn bị hành lý để trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Doanh nghiệp Malaysia đề xuất nghiên cứu làm metro Thủ Thiêm - Long Thành và đường sắt đô thị TP.HCM NGỌC HIỂN 07/07/2025 Gamuda Land (Malaysia) đề xuất với các cơ quan chức năng Việt Nam mong muốn nghiên cứu làm metro TP.HCM - Long Thành và các tuyến đường sắt đô thị khác của TP.HCM.
5 người bị khởi tố trong vụ sai phạm dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức là ai? DANH TRỌNG 07/07/2025 5 người bị khởi tố với cáo buộc có sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ở hai dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2.