Omicron: Một tương lai bất định mới

HỒNG VÂN 13/12/2021 22:10 GMT+7

TTCT - Biến thể Omicron đã ném thế giới vào sự bất định mới khi chỉ còn một tháng nữa là hết năm COVID thứ 2. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và giới khoa học đang chạy đua với thời gian để tìm hiểu bản chất của biến thể này, xác định sự xuất hiện của nó dấu hiệu lành hay dữ cho nhân loại đã quá mỏi mệt vì đại dịch.

 
 Người Mỹ xếp hàng chờ làm xét nghiệm COVID-19 ở New York ngày 3-12-2021. Ảnh: REUTERS

Tính đến ngày 7-12, có ít nhất 40 quốc gia, không kể Nam Phi, đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 với số lượng từ vài ca đến hơn trăm ca, song chưa có ca tử vong nào liên quan đến biến thể này trên toàn thế giới.

Vẫn phải chờ thêm

Hai câu hỏi quan trọng nhất về biến thể này là nó có gây ra nhiều ca bệnh nặng và tử vong hơn không và nó phản ứng như thế nào với các loại vaccine hiện nay.

Với câu hỏi đầu tiên, báo New York Times ngày 7-12 dẫn thông tin từ các nhà nghiên cứu tại một bệnh viện lớn ở thủ đô Pretoria (Nam Phi) cho biết các bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron bị bệnh nhẹ hơn rất nhiều so với những ca bệnh họ đã điều trị trước đó. Các bệnh viện khác ở Nam Phi cũng ghi nhận xu hướng tương tự. Trên thực tế, các bác sĩ còn cho biết các bệnh nhân nhập viện vì nguyên nhân khác và chỉ phát hiện bị nhiễm COVID-19 nhờ xét nghiệm do họ không có triệu chứng.

Theo kết quả nghiên cứu (chưa được bình duyệt) của các chuyên gia thuộc Công ty phân tích dữ liệu Cambridge (Mỹ) đăng trên website OSP Preprints ngày 2-12, biến thể Omicron có thể có một đoạn gene của virus cúm thông thường, khiến nó dễ lây hơn nhưng gây bệnh nhẹ hơn. Chuỗi gene mang đột biến này chưa từng xuất hiện trong các biến thể trước đó của virus SARS-CoV-2 nhưng lại phổ biến ở nhiều loại virus, gồm các loại gây bệnh cảm cúm thông thường và cả trong bộ gene người.

Venky Soundararajan, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: bằng cách chèn đoạn mã di truyền này vào chuỗi gene, biến thể Omicron có thể né tránh sự tấn công của hệ miễn dịch của cơ thể. Điều này có thể làm cho Omicron dễ lây hơn, nhưng chỉ gây bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Các báo cáo ban đầu nêu trên cho thấy biến thể này lây lan nhanh nhưng nó có lẽ không nguy hiểm. Dù vậy, các nhà khoa học cảnh báo không nên vội lạc quan trước tin tốt (rằng biến thể này ít nguy hiểm hơn) hay bi quan với tin xấu (rằng người đã khỏi bệnh vẫn có thể nhiễm Omicron) trong thời điểm hiện tại. Biến thể Omicron chỉ mới được phát hiện vào tháng trước và các chuyên gia cần phải nghiên cứu thêm trước khi có thể tự tin nhận định về nó.

Bước đầu, theo Bloomberg, các đột biến của biến thể Omicron cho thấy nó rất có khả năng tránh được sự bảo vệ của vaccine ở một mức độ nào đó. Những giả thuyết ban đầu này phù hợp với những quan sát thực tế từ Nam Phi và Anh, nơi các trường hợp nhiễm biến thể Omicron bao gồm người đã tiêm vaccine và bị bệnh trước đó. Tương tự, WHO, các công ty phát triển vaccine và các nhà khoa học ở Mỹ cho biết sẽ mất ít nhất hai tuần mới có thể biết thêm biến thể mới ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả của vaccine và phương pháp điều trị COVID-19 hiện có.

Tại Anh, hơn một nửa số người bị nhiễm biến thể Omicron đã tiêm 2 mũi vaccine, theo báo The Guardian ngày 3-12.

Tuy nhiên, cần khẳng định đến lúc này, các dữ liệu về phản ứng của biến thể này với vaccine là cực kỳ ít ỏi. Rất nhiều bằng chứng hiện nay đến từ các mô hình máy tính và so sánh cấu trúc của Omicron với các biến thể trước chứ chưa có dữ liệu thu từ thực tế.

Theo trang The Daily Beast, dựa trên những thông tin ít ỏi chúng ta có được đến thời điểm này, điều cần lo là có thể sẽ có các đợt bùng phát kép, riêng biệt của cả biến thể Delta và Omicron. Tương tự, báo Intelligencer ngày 4-12 dẫn lời tiến sĩ Peter Hotez, lãnh đạo trung tâm phát triển vaccine của Bệnh viện nhi Texas, cảnh báo: “Trong vài tuần tới, chúng ta có thể thấy cả hai biến thể cùng hoạt động; Delta nhiều khả năng sẽ lây nhiễm cho những người chưa được tiêm chủng và Omicron lây cho người miễn dịch một phần. Tôi cho rằng ta có thể xem nó như bệnh dịch kép của hai biến thể”.

Tuy nhiên, theo báo Sydney Morning Herald, có thể chúng ta cũng không nên quá lo mà ngược lại, sắp được nâng ly ăn mừng vì biến thể có thể giúp chúng ta thay đổi cuộc chiến chống virus. Từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu cách đây gần 2 năm, các nhà dịch tễ học đã nhận định virus cuối cùng sẽ đột biến theo hướng “hiền hơn” để chung sống với con người. Khi đó, nó sẽ tiếp tục lây lan nhưng ít gây chết người và sẽ có ít người phải nhập viện hơn.

 
 Người đi mua sắm đeo khẩu trang tự bảo vệ trước dịch bệnh COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 1-12-2021. Ảnh: REUTERS

Phản ứng nhanh nhưng thái quá?

Trong bối cảnh thiếu thông tin vững chắc về biến thể mới, các chính phủ đã nhanh chóng phản ứng với Omicron bằng việc hạn chế đi lại quốc tế và các yêu cầu mới về tiêm chủng. “Các nhà lãnh đạo thế giới từng bị chê trách là phản ứng quá chậm hoặc không đủ mạnh trước đại dịch giờ đây đang muốn được coi là có hành động kịp thời” - New York Times nhận xét.

Tại Hàn Quốc, biện pháp hạn chế tụ tập đông người đã quay trở lại. Từ ngày 6-12, số người được phép tụ tập tối đa ở thủ đô Seoul và khu vực lân cận còn 6 người, các địa phương là 8 người, trong đó chỉ được có một người chưa tiêm vaccine. 

Nhật Bản dựng hàng rào phòng thủ kiên cố hơn khi cấm nhập cảnh với người nước ngoài đến từ tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, chứ không chỉ một số nước châu Phi, từ 0h ngày 30-11.

Nhật Bản xác định các biện này giúp tạm thời đảm bảo sự an toàn của quốc gia cho đến khi có được thông tin rõ ràng hơn về biến chủng Omicron. Thực tế là nước này đã ghi nhận ít nhất 3 ca nhiễm biến thể Omicron. 

Trái với phản ứng cứng rắn của Nhật, từ ngày 5-12, Campuchia đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh mà nước này đưa ra hôm 29-11 với người đến từ Nam Phi và 9 quốc gia châu Phi khác.

Theo New York Times, giới chuyên gia đang tranh luận việc vội vã đưa ra các hạn chế đi lại có phải là phản ứng thái quá hay không. Thực tế từ gần 2 năm qua đã chứng minh dù các nước có đóng cửa, virus vẫn bằng cách nào đó xuyên thủng các đường biên giới. Các nhà khoa học cũng cho rằng các biện pháp phòng COVID-19 đang áp dụng, như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, rửa tay... và đặc biệt là vaccine vẫn hiệu quả và cần thiết.

WHO kêu gọi các nước đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine cho các nhóm nguy cơ cao. Biện pháp này được hầu hết các nước chú trọng đẩy mạnh trong bối cảnh hiện nay, gồm khuyến khích hoặc có kế hoạch buộc người chưa tiêm phải tiêm vaccine, triển khai tiêm mũi 3 với người đã tiêm 2 mũi và tiêm cho trẻ em. ■

Mỗi đợt bùng phát COVID-19 mới đồng nghĩa với việc có thêm người nhiễm mới làm môi trường tạo ra hàng tỉ bản sao của virus. Khi virus nhân lên, nó tích lũy các đột biến. Hầu hết các đột biến là vô hại nhưng đến một lúc nào đó, có một đột biến xấu đến mức có khả năng thay đổi hoàn toàn quỹ đạo của dịch. Đó là những gì đã xảy ra với biến thể Delta và hoàn toàn có thể xảy ra với biến thể Omicron hoặc sau đó nữa.

Nhà dịch tễ học phân tử Emma Hodcroft, Đại học Bern, Thụy Sĩ cho biết: “Với việc có số ca nhiễm cao, chúng ta tạo ra nhiều cơ hội để virus đột biến. Sớm hay muộn, chúng ta sẽ gặp một biến thể nguy hại”. WHO cũng nhiều lần nhấn mạnh: “Càng để cho virus lây lan, virus càng có nhiều cơ hội đột biến”.

Hàng triệu người đã chết vì COVID-19 trong khi người được tiêm ít bị bệnh nặng hoặc tử vong hơn hẳn. Bằng cách đầu tư nghiêm túc vào việc tiêm vaccine cho tất cả mọi người có nguy cơ nhiễm virus, hàng triệu người sẽ được cứu sống, trực tiếp hoặc gián tiếp nhờ cộng đồng có tỉ lệ người đã tiêm cao. Khi đó virus khó có môi trường để lây lan và đột biến hơn.

Theo số liệu của trang Our World in Data, có 3,33 tỉ người trên thế giới đã tiêm đủ 2 mũi vaccine (tương đương 42,7% dân số toàn cầu). Đây có thể xem là một chiến thắng, nhưng kết quả có lẽ sẽ còn tốt hơn nếu không có chuyện nguồn cung và tiếp cận vaccine không đồng đều giữa các quốc gia như thực tế đã diễn ra. Điều này làm nóng trở lại vấn đề cần bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine. Có những dấu hiệu cho thấy thách thức tiềm ẩn của một biến thể nguy hiểm - nếu không phải Omicron thì một biến thể khác - đến từ việc không hành động.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận