TTCT - Sốt ruột có thể đang là tâm trạng ở Đông Nam Á hiện nay khi nhìn về chính quyền mới và tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Liệu đây là do bản tính ông Biden, do xã hội Mỹ đang rối bời vì COVID-19, hay do Washington nay đã có tính toán khác? Hôm 1-4 vừa qua, trang East Asian Forum có trụ sở tại Úc đã đặt câu hỏi giùm các nước trong cuộc: “Đông Nam Á muốn gì từ nhiệm kỳ của Biden?”. Một ngày sau, kênh Channel News Asia của Singapore đăng lại bài viết, trong đó có đoạn: “Người dân Đông Nam Á có xu hướng chào đón Tổng thống Biden sau 4 năm hỗn loạn chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Donald Trump”. Sau khi nhắc lại những trục trặc thời Trump, tác giả nêu ra nỗi lo chung của khu vực: “Mối quan ngại lớn hơn là sự thay đổi thường xuyên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ từ chính quyền này sang chính quyền khác”, dẫn tới Hoa Kỳ trở nên “khó đoán” và “về lâu dài không đáng tin cậy”. Từ di sản của ông Trump Bài viết nêu ra điểm liệt lớn nhất của ông Trump: “Việc ông Trump bỏ bê ASEAN, thể hiện qua việc ông không bổ nhiệm đại sứ Mỹ cạnh ASEAN và thường xuyên vắng mặt tại các hội nghị thượng đỉnh có liên quan đến ASEAN, đã góp phần vào sự thiếu tin cậy giữa các nước Đông Nam Á nơi Hoa Kỳ, như một đối tác chiến lược đáng tin cậy”.Thượng đỉnh ASEAN Manila 2017 là lần duy nhất ông Trump dự thượng đỉnh ASEAN - Mỹ, vốn là một sự kiện thường niên ngầm hiểu là sẽ có sự tham dự của những nhà lãnh đạo cấp cao nhất. Ảnh: Getty Images Thực vậy, ông Trump đã đợi đến 10 tháng sau khi nhậm chức mới khởi đầu vòng công du châu Á qua Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines kéo dài 12 ngày (tháng 11-2017). Hôm 31-5-2017, ông Trump đã tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng - ABC News ghi nhận ông Phúc “là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới thăm Nhà Trắng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump”.Tuy nhiên, nếu biết tháng 11 cùng năm, Việt Nam sẽ đón ông Trump ở Thượng đỉnh APEC Đà Nẵng, thì có thể hiểu cuộc gặp này còn bao gồm việc chuẩn bị cho hội nghị, nơi ông Trump sẽ trình làng chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của mình. Ngay sau APEC Đà Nẵng, ông Trump bay sang dự Thượng đỉnh ASEAN Manila - đây sẽ là thượng đỉnh ASEAN duy nhất mà ông dự suốt 4 năm nhiệm kỳ.Năm 2018 ở Singapore, ông cử người phó Mike Pence; 2019 tại Thái Lan chỉ còn là cố vấn an ninh. Cho nên tháng 11-2020, 7/10 nhà lãnh đạo cấp cao Đông Nam Á đã không dự cuộc họp với Hoa Kỳ do cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien đại diện - chỉ có Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha của chủ nhà Thái Lan và các thủ tướng Việt Nam và Lào (các nước chủ nhà Thượng đỉnh ASEAN kế tiếp) tham gia.Ông Trump “bỏ bê” ASEAN thì sẽ có người điền vào chỗ trống. Nikkei Asia 1-11-2020 thông tin: “Năm thứ ba liên tiếp, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bỏ lỡ một cuộc họp khu vực quan trọng ở châu Á… Hội nghị thượng đỉnh hằng năm của ASEAN sẽ mời Trung Quốc một ghế ở hàng đầu trong nghị sự chính sách của Đông Nam Á. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ tham dự để đại diện cho lợi ích của Bắc Kinh”.Sự vắng mặt của nước Mỹ còn thể hiện trên trận địa ngoại giao vaccine, khi một nước nhỏ hơn nhiều là Úc cũng đã đóng góp 80 triệu đôla Úc để cung cấp đợt đầu hơn 800.000 liều vaccine COVID-19 của Covax đến Việt Nam hôm 1-4, và sẽ còn giúp Việt Nam đủ 4,1 triệu liều, theo Đại sứ quán Úc tại Việt Nam. Tổng cộng Úc sẽ giúp 25 triệu liều cho các nước Đông Nam Á qua Covax.Tới sốt ruột đợi ông BidenNhững cuộc “tống cựu nghinh tân” lớn luôn đi kèm kỳ vọng. Chẳng hạn, Paul Heer của Trung tâm Lợi ích quốc gia (chủ sở hữu trang National Interest) giải thích trong bài phân tích “Biden điều chỉnh cách tiếp cận của Trump đối với Đông Á” hôm 14-3: “Tổng thống Joe Biden còn nhiều việc phải làm để sửa chữa và khôi phục ở Đông Á. Donald Trump đã làm suy giảm nghiêm trọng vai trò của Hoa Kỳ trong khu vực..., làm suy yếu uy tín của Mỹ với các đồng minh và đối tác mà Biden sẽ phải dựa vào để đối đầu với thách thức chiến lược của Trung Quốc”. Bà Marsudi và ông Vương Nghị. Ảnh: Reuters Một vấn đề nhãn tiền là tình hình Myanmar. Gần 2 tháng sau cuộc chính biến, một số sắc lệnh trừng phạt và phong tỏa tài sản, hôm 28-3 - sau sự cố đẫm máu “Ngày quân lực Myanmar”, khi được hỏi: “Ông định làm gì để trừng phạt Myanmar? Kế hoạch phản ứng của Mỹ ra sao?”, ông Biden vẫn chỉ ậm ừ: “À, à, vẫn đang xúc tiến”.Trong lúc đó, Jakarta Post 2-4 loan tin Trung Quốc và Nga đã bày tỏ ủng hộ đề xuất của Indonesia tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh ASEAN nhằm giải quyết tình hình Myanmar, Ngoại trưởng Indonesia Retno LP Marsudi cho biết sau cuộc gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Phúc Kiến, Trung Quốc, hôm 2-4.Lần lượt có mặt tại Phúc Kiến, ngoài ngoại trưởng Indonesia còn có các ngoại trưởng Malaysia, Philippines và Singapore, mỗi nước một thời khóa biểu riêng, trong một nỗ lực mà tờ Bưu Điện Hoa Nam (SCMP) 29-3 gọi là: “Bắc Kinh ve vãn các nước Đông Nam Á nhằm đẩy lùi những phản ứng tiêu cực vì vụ Biển Đông”.Sau khi gặp ngoại trưởng bốn nước ASEAN, ông Vương Nghị thông báo: “Chúng tôi nhận thức được rằng cần phải cảnh giác với một số thế lực bên ngoài đang can thiệp vào Myanmar với động cơ gây rối và chia rẽ, điều này khiến tình hình trở nên phức tạp hơn… Tất cả chúng tôi hi vọng cộng đồng quốc tế sẽ giữ thái độ khách quan, công bằng và tạo điều kiện thuận lợi cho hòa giải chính trị ở Myanmar, thay vì tùy tiện áp đặt các biện pháp trừng phạt và gây sức ép” - SCMP 5-4.Có thể điểm lại Thỏa thuận 5 điểm giữa Trung Quốc và Malaysia như ví dụ điển hình về những dịch chuyển mới ở khu vực, khi nhiều nước Đông Nam Á không thể ngồi chờ ông Biden mãi, sau 4 năm bị bỏ bê: (1) nâng cao quan hệ song phương, thúc đẩy hợp tác trong đại dịch; (2) tăng cường hợp tác vaccine; (3) khởi động RCEP; (4) tham khảo song phương về COC; và (5) ủng hộ đa phương và bình đẳng chủ quyền, chống đơn phương và can thiệp nội bộ.Cuối cùng, đáng nói là ngoại trưởng Philippines phải đóng hai vai có phần “rối loạn lưỡng cực”: vừa tới Phúc Kiến phó hội trong vai trò điều phối viên ASEAN - Trung Quốc năm 2021, vừa không ngớt gửi kháng thư phản đối sự hiện diện của tàu dân quân Trung Quốc tại bãi Julian Felipe!Ông Biden họp trực tuyến với các đồng minh nhóm Bộ tứ. Chính quyền Mỹ mới có vẻ đang hoạch định chính sách đối ngoại với lằn ranh ý thức hệ. Ảnh: CNN Một kiểu tập hợp khácÔng Biden thì vẫn chưa cho thấy kế sách gì rõ ràng về Đông Nam Á, trong khi đã “chủ xị” triệu tập Thượng đỉnh trực tuyến Bộ tứ (Quad) với Ấn, Nhật, Úc; và họp 2+2 với hai đồng minh Đông Á Nhật Bản - Hàn Quốc cuối tháng trước. Sự vắng mặt của Đông Nam Á càng nổi bật qua cuộc họp báo đầu tiên của ông Biden hôm 25-3. Suốt cuộc họp báo dài hơn 8.500 chữ (trừ chào hỏi), không một lần nào từ “Đông Nam Á” hay “châu Á” xuất hiện, thay vào đó, “Trung Quốc” xuất hiện 13 lần, do ông Biden nói ra.Có thể thấy ưu tiên của Mỹ đang là thế nào. Rifki Dermawan, giảng viên quan hệ quốc tế Đại học Andalas (Indonesia), phản ứng trên The Diplomat 18-3: “Sự hồi sinh của Quad có phải là mối đe dọa với ASEAN?”, trong đó tác giả nhìn nhận rằng “tính trung tâm của ASEAN có thể bị thách thức bởi Quad 2.0”.Dường như ông Biden đang nhìn cuộc cạnh tranh với Trung Quốc qua lăng kính chính trị, tuyên xưng giá trị, và cả ý thức hệ. Nếu hiểu quá trình hoạt động chính trị của ông Biden, sẽ không lạ nếu như ông định quy tụ đồng minh trước hết là trên tiêu chuẩn “các nền dân chủ”.Có thể ngờ rằng ông Biden, do rặt “lý luận” kiểu thời Chiến tranh lạnh - mà ông là một chứng nhân và người tham gia trực tiếp, đang hi vọng thành lập những liên minh “thiên thần” kiểu xưa. Chỉ có điều thế giới rộng lớn, không phải ai cũng là thiên thần, vẫn có nhiều “người phàm” quan trọng mà Mỹ lẽ ra không nên bỏ phế. ■Thái Lan đã trải qua giai đoạn 17 tháng không có đại sứ Mỹ cho đến tháng 3-2020, trong khi các vị trí đại sứ ở Philippines, Singapore, chủ tịch ASEAN hiện tại là Brunei và tại chính trụ sở ASEAN đều bỏ trống trước khi ông Biden nhậm chức. Riêng vị trí ở Singapore đã trống từ khi ông Trump nhậm chức. Tags: ASEANĐông Nam ÁJoe BidenChính sách đối ngoại Mỹ
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tin tức thế giới 24-12: Ukraine nói 3.000 lính Triều Tiên thương vong; Ông Bill Clinton nhập viện BÌNH AN 24/12/2024 Thủ tướng Israel ra lệnh đánh Yemen để phá cơ sở hạ tầng của Houthi...
Bão số 10 tác động thế nào đến nước ta? CHÍ TUỆ 24/12/2024 Dự báo bão số 10 (bão Pabuk) suy yếu thành vùng ấp thấp trên vùng biển Ninh Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu nên ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Tin tức sáng 24-12: Doanh nghiệp lọc hóa dầu tỉ USD của Việt Nam chốt ngày hủy giao dịch trên UpCOM TUỔI TRẺ ONLINE 24/12/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Một công ty than bị xử phạt, truy thu hàng tỉ đồng tiền thuế; Biến động nhân sự FLC Faros, công ty họp đại hội cổ đông bất thường; Đã ghép tim cho 90 người trong cả nước...
Bán kết ASEAN Cup 2024: Ai thay Văn Toàn 'tiếp đạn' cho Xuân Son? NGUYÊN KHÔI 24/12/2024 Chấn thương của Văn Toàn buộc HLV Kim Sang Sik phải bố trí người thay thế thích hợp nhằm giúp tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son thi đấu hiệu quả trước chủ nhà Singapore ở trận bán kết lượt đi ngày 26-12 tới.