TTCT - Những lần xuất hiện liên tiếp của tân Tổng thống Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr. của Philippines tuần rồi ở New York khiến phải quan tâm đến ông, dù ông mới cầm quyền có 88 ngày tính đến thứ hai 27-9, chưa hết "tuần trăng mật". Cuộc gặp song phương Marcos Jr. - Joe Biden diễn ra ở New York. Ảnh: APÔng Marcos Jr. đã bốn lần đứng trước "ánh đèn" thời sự quốc tế: đầu tiên là bài diễn văn đọc trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, sau đó là cuộc gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden, rồi tới cuộc nói chuyện và hỏi đáp ở Hội châu Á, cuối cùng là cuộc phỏng vấn dành cho Hãng thông tấn Mỹ AP. Một lịch trình làm việc, "ăn nói" còn hơn là "đầy đủ", một sự tranh thủ dư luận khá chi ly.Làm lại thương hiệu quốc giaBáo chí Philippines đã dành nhiều khen tụng cho chuyến thăm Mỹ của ông "Bongbong". Sáng thứ hai 27-9, tờ Inquirer chạy tít: "Marcos Jr.: Cuộc làm lại "thương hiệu" vĩ đại?", bên cạnh tựa đề "Biden - Marcos là cuộc gặp song phương duy nhất ở LHQ", cũng đăng đầy dẫy trên các báo khác.Tờ Inquirer viết rằng ông "Bongbong" đã tạo điểm nhấn cho chuyến công du bằng cuộc phỏng vấn với Hãng thông tấn Mỹ AP. Chủ động tìm đến rồi mượn báo chí nước chủ nhà truyền tải các ý chánh của mình, hay "nói lại cho rõ" một số chi tiết mà dư luận có thể còn chưa hiểu, là chiêu thức thông tin đối ngoại rất quen thuộc với những cơ chế ngoại giao chủ động thông tin.Không chỉ báo chí Philippines mà cả báo chí Mỹ, đặc biệt là ở tiểu bang gần với châu Á - Thái Bình Dương nhất, tỉ như Hawaiian News, cũng viết theo kiểu nâng vị thế của ông Marcos Jr.: "Tổng thống Joe Biden đã cam kết trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với tân Tổng thống Philippines Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr. là sẽ nỗ lực tăng cường quan hệ với quốc gia chủ chốt ở Thái Bình Dương này. Ông thừa nhận hai quốc gia có một thời kỳ lịch sử "đầy sỏi đá"".Tất nhiên, website Nhà Trắng cũng đăng thông cáo về cuộc gặp: "Các nhà lãnh đạo đã bày tỏ tầm quan trọng của liên minh Hoa Kỳ - Philippines. Tổng thống Biden tái khẳng định cam kết vững chắc của Hoa Kỳ với việc bảo vệ Philippines".Thời kỳ lịch sử "đầy sỏi đá" ở trên có thể là thời Philippines còn là thuộc địa, nhưng cũng có thể là rất gần đây thôi: 6 năm dưới trào Rodrigo Duterte đầy sóng gió. Nay với ông Marcos Jr., Mỹ hy vọng sẽ khác trước, tốt đẹp hơn. Bởi thế, sá gì việc gọi Philippines là "quốc gia chủ chốt ở Thái Bình Dương". Mà gọi là "chủ chốt" cũng đúng thực tế, do lẽ Manila gắn kết với Mỹ bằng cơ chế Đối thoại chiến lược song phương, độc nhất ở Đông Nam Á.Những ngôn từ trịnh trọng tối đa cho thấy: (1) Cuộc gặp Biden - Marcos Jr. đã được dàn xếp, ấn định và chuẩn bị sẵn từ trước, chớ không chỉ tình cờ gặp nhau "giữa đường giữa sá" ở tòa nhà trụ sở LHQ. (2) Cuộc gặp và ngôn từ trịnh trọng phản ánh không chỉ ý muốn của Nhà Trắng, mà cả của Philippines. (3) Gặp chính thức trực tiếp với nghị trình rõ rệt, gồm những đề mục nóng bỏng nhất: "Các nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình ở Nam Hải (tức Biển Đông) và nhấn mạnh sự ủng hộ của họ với tự do hàng hải và hàng không, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp". (4) Những tái cam kết của ông Biden về việc bảo vệ Philippines vừa là đòn bẩy cho Hoa Kỳ triển khai trở lại liên minh Mỹ - Philippines với chính quyền mới, vừa là chỗ dựa cho Manila trước những bất trắc trên biển. (5) Tất cả những đề mục đó đã không hề được trao đổi dưới thời ông Duterte.Tất nhiên, hai ông Biden và Marcos Jr. còn thảo luận về những cơ hội mở rộng hợp tác song phương, bao gồm an ninh năng lượng, khí hậu và cơ sở hạ tầng, về cuộc chiến của Nga ở Ukraine và tác động với giá năng lượng và an ninh lương thực, cũng như các vấn đề của ASEAN, cuộc khủng hoảng ở Myanmar, và tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền.Quan hệ Mỹ - Philippines khá lạnh nhạt dưới thời ông Duterte. Ảnh: NY TimesTừ LHQ đến Hội Châu ÁHôm 21-9, tại khóa họp thứ 77 của Đại hội đồng LHQ, ông Marcos Jr. đã trực tiếp đăng đàn. Trước cử tọa đông đảo chưa chắc ai cũng nghe biết đến ông, ông tự giới thiệu thật đơn giản: "Tôi là Ferdinand Marcos và là Tổng thống Cộng hòa Philippines. Hôm nay tôi đứng ở đây nhân danh 110 triệu người dân Philippines".Việc ông nhân danh 110 triệu người dân Philippines còn được nhắc lại trong diễn văn đọc ở Hội châu Á, mà chủ tịch là cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd: "Trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines tháng 5 vừa qua, tôi được người dân trao cho đa số, và nhiệm vụ lãnh đạo một đất nước gần 110 triệu dân". Rồi nhân danh 110 triệu người Philippines, ông long trọng tuyên bố: "Vào thời điểm vừa khủng hoảng vừa vận hội này, tôi đem đến tinh thần cam kết bền bỉ của người dân chúng tôi với các lý tưởng của LHQ chúng ta". Từ việc tuân thủ Hiến chương LHQ, "thượng tôn luật pháp" trên trường quốc tế, cho đến "các nguyên tắc công bằng và công lý", ông tuyên xưng: "Philippines sẽ tiếp tục là bạn của tất cả mọi người và không là kẻ thù của ai".Ông giải thích rất rõ với Đại hội đồng LHQ trong khi dẫn đến điều tối quan trọng ông cần nói: "Bằng cách tuân theo Tuyên bố Manila 1982, chúng ta đã khẳng định những khác biệt chỉ nên được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình. Bằng cách củng cố khả năng dự đoán và tính ổn định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, chúng ta đã nêu ra ví dụ về cách thức các quốc gia nên giải quyết khác biệt của họ: thông qua lý trí và luật pháp". Ông đặc biệt nhấn mạnh hai yêu cầu này, gọi đó là "kim chỉ nam của thời đại", là "chấn lưu quan trọng giúp ổn định con tàu chung của thế giới trong bối cảnh các làn sóng đang đầy thách thức trên toàn cầu". Tuyên bố Manila năm 1982 mà ông Marcos Jr. dẫn là nghị quyết số 37/10 của Đại hội đồng LHQ "về việc giải quyết hòa bình tranh chấp giữa các quốc gia", thông qua ngày 15-11-1982.Trong tinh thần đó, khi xuất hiện trước Hội châu Á hôm 24-9, một diễn đàn phù hợp hơn, ông nói chi tiết: "Tôi nghĩ chuyện Philippines có một số xung đột với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không có gì đáng ngạc nhiên. Quan điểm của Philippines là chúng tôi không có xung đột lãnh thổ với Trung Quốc. Vấn đề ở chỗ: Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ vốn thuộc về Philippines... Chúng tôi đã nói rất rõ với bạn bè chúng tôi ở Bắc Kinh rằng chúng tôi nghĩ như vậy".Tổng thống Philippines phát biểu ở Đại hội đồng LHQ. Ảnh: RapplerLâu lắm rồi kể từ thời tổng thống Benigno Aquino III còn sinh tiền và tại vị, người ta mới nghe lại những ngôn từ rõ ràng và kiên quyết như vậy từ một tổng thống Philippines. Ông Marcos còn nhấn mạnh cuộc bầu cử vừa rồi là "cuộc bầu cử quốc gia đầu tiên ở Philippines mà chính sách đối ngoại là một vấn đề với người dân", và vấn đề này rất cụ thể: "Đó là việc ngư dân của chúng tôi không được phép tiếp tục sinh kế ở những vùng mà họ đã đánh cá suốt 30-40 thế hệ. Đây đã trở thành vấn đề nhức nhối của người dân chúng tôi". Ông nhân đó nói lên nghĩa vụ của mọi chính phủ đối với dân chúng của mình, ở đây là các ngư dân: "Đó chính là nơi mà bây giờ chúng tôi tìm lại mình". Thật vậy, một chính phủ chỉ là chính mình khi biết bảo vệ người dân của mình. Tất nhiên, không bằng võ lực, mà bằng những hành động ngoại giao.Đến đây, điều phối viên cuộc họp Kevin Rudd đặt một câu hỏi gai góc: "Tôi đã lắng nghe những gì ông nói trong nhận xét của ông về biển Tây Philippines và quan điểm chính phủ ông đã nêu gần đây với phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016... Trung Quốc, trong thời gian gần đây thường huy động không phải các tàu chiến, mà là tàu cảnh sát biển và đôi khi là đội tàu cá gồm hàng trăm tàu sát nhau. Trong vài năm tới, ông có yêu cầu những người bạn Trung Quốc của chúng ta làm gì khác không?".Ông Marcos bình thản trả lời: "Theo quan điểm của tôi - không ai muốn xảy ra chiến tranh. Tôi luôn nói rằng nguyên tắc cơ bản định hướng chính sách đối ngoại của chúng tôi là hòa bình... Trong trường hợp Philippines, rõ ràng là về mặt quân sự không thể sánh được với Trung Quốc. Vì vậy, chúng tôi đã cố gắng hợp tác trên cơ sở song phương với Trung Quốc, trong khi duy trì lập trường của mình về các lãnh thổ biển và quyền đánh cá, các khu đặc quyền kinh tế của chúng tôi".Lấy gì bù đắp sự yếu thế sức mạnh của Philippines? Theo ông, đó là "sức mạnh từ các mối quan hệ đối tác mà chúng tôi có với các quốc gia như Úc, các thành viên ASEAN của chúng tôi, các nước bạn bè và đồng minh trong khu vực. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng ASEAN sẽ phải đóng một vai trò mạnh mẽ hơn trong tất cả các cuộc tranh luận này". Có thể tóm tắt: nếu nước trong cuộc, và cả ASEAN, "buông" không "làm việc" với Trung Quốc, tình hình sẽ cứ thế mà xấu đi.Có thể nói ông Marcos Jr. đã "ra mắt" thành công ở New York, từ cuộc gặp với ông Biden, cuộc họp ở LHQ, cho tới khi đối đáp ở Hội châu Á, với Hãng thông tấn xã AP. Một đợt tấn công ngoại giao chủ động làm rõ chính sách đối ngoại của tân Chính phủ Philippines.■Về di sản của người tiền nhiệm, ông Marcos không ngần ngại trả lời AP rằng ông Duterte quả thực đã có phần "quá lố": "Người của ông ấy [tức lực lượng cảnh sát] đôi khi đã đi quá xa" trong chiến dịch chống ma túy. Nay là lúc ông Marcos lật lại di sản đó và công nhận những quan ngại quốc tế về các hành động trong cuộc chiến chống ma túy. Để "làm lại thương hiệu" Philippines, không thể không bàn thảo chuyện đó. Tags: Tổng thống PhilippinesĐại hội đồng Liên Hiệp QuốcFerdinand Marcos JrTân tổng thốngDuterteBiển Đông
Tổng Bí thư: Hải Phòng hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong hợp tác và phát triển kinh tế TIẾN NGUYỄN 14/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng TP Hải Phòng phát triển ngang tầm với các thành phố tiêu biểu châu Á.
Thủ tướng bổ nhiệm ông Lê Tiến Đạt làm phó tổng Thanh tra Chính phủ THÂN HOÀNG 14/11/2024 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định bổ nhiệm ông Lê Tiến Đạt giữ chức phó tổng Thanh tra Chính phủ. Trước đó ông giữ chức vụ cục trưởng ở cơ quan này.
Chuyên án ma túy đường hàng không từ Pháp về Việt Nam: Phá 500 đường dây, khởi tố 1.132 người ĐAN THUẦN 14/11/2024 Liên quan đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không từ Pháp về Việt Nam, đến nay Công an TP.HCM xác định các đối tượng đã giao dịch mua bán ma túy với số tiền hơn 28.000 tỉ đồng.
Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán nếu ông Trump khởi xướng TRẦN PHƯƠNG 14/11/2024 Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc nói Matxcơva sẵn sàng đàm phán chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine nếu ông Trump khởi xướng, nhưng kèm theo điều kiện.