Ông Nguyễn Sự: "Quan trọng là con người”

THÁI BÁ DŨNG GHI 09/05/2018 03:05 GMT+7

TTCT - Những điều mà lãnh đạo Hội An đề cập là cần một bộ khung lớn hơn, một cơ chế đặc thù và quy chế riêng cho Hội An, đó là những điều hoàn toàn bức thiết. Mỗi giai đoạn mỗi khó khăn khác nhau, tôi rất hiểu những khó khăn và sự cố gắng của các anh em quản lý hiện tại đang đối mặt. Tuy nhiên làm cái gì cũng phải vì mục đích chung, minh bạch rõ ràng.

Không ai đúng được trọn vẹn hết nhưng quan trọng là nếu mình có làm sai thì phải ngộ ra ngay để mà giải quyết vấn đề chứ đừng “cãi chày cãi cối” vì anh làm việc ấy cũng vì dân, vì mọi người, vì Hội An. Khi việc mình làm sai, động tới quyền lợi và cuộc sống của nhân dân thì điều chỉnh.

Ông Nguyễn Sự. Ảnh: Hoàng Duy

 

Tôi không trách anh em bây giờ, họ cũng cố gắng nhưng nhiều khi chạy theo sự vụ nhiều quá. Mình thấy cái gì đúng, được dân chấp nhận thì cứ làm đi, ít nhất là về mặt tinh thần thì người dân sẽ tự khắc dung nạp điều đó một cách rất tự nhiên, Hội An là vậy.

Ở thời điểm nào luật pháp cũng có những quy định chặt chẽ, nhưng bản thân anh phải đi thuyết phục dân, phải đi thực tế với dân và nói cho họ hiểu những việc đó là vì lợi ích của họ. Khi anh làm xong một thời gian, thử xem nếu nó mang lại lợi ích thì tự nhiên dân chấp hành thôi. Ai cấm dân Hội An đem xe vào phố cổ? Luật nào cấm? Chỉ có tôi thời làm quản lý Hội An cấm chứ ai cấm, nhưng sao Hội An người ta chấp hành tốt? Ôtô vào được tại sao xe máy không vào được?

Như vậy cái cốt lõi ở đây là hiệu quả từ thực tiễn, từ công việc chứ không phải bằng lời nói. Cho nên làm cái gì cũng phải đi hỏi ý kiến người dân, bởi cái gì cũng có ý kiến trái chiều. Hồi còn quản lý Hội An, khi có dư luận là tôi hay đi lang thang ngoài phố, tới chỗ nào mà dân tập trung đông để giải thích. Có người phản đối, có người nghe mình, ai mà phản đối thì tôi ngồi xuống giải thích cho họ. Nếu họ phản đối mà tôi cảm thấy đúng thì tôi nghe họ, không sao cả, mình về mình điều chỉnh. Cứ như thế mà làm chứ đừng có văn bản giấy tờ.

Hiện nay công cụ để làm là phải dựa vào quy hoạch của phố cổ, các quy chế của phố cổ. Đi đôi với điều đó phải có chính sách kèm theo. Ví dụ trong khu vực phố cổ mà có một tiệm người ta không mặn mà chấp hành thì mình phải thuyết phục vận động, rồi tạo điều kiện cho họ thêm cái gì đó để họ chấp hành, họ cũng có thể kiếm lời. Tức là một loạt các hành động chứ không có nói suông. Bộ quy chế quản lý phố cổ của Hội An hoạt động lâu nay nhưng các cơ quan quản lý nhà nước chẳng nói gì.

Có thể có cán bộ nói vì tôi có uy tín nên hồi tôi làm dân họ nghe. Uy tín là do mình tạo ra chứ tự nhiên đâu mà có. Vấn đề là anh làm cái gì thì anh nên xuất phát từ quyền lợi của người dân trước. Thực ra việc cần có một bộ quy chế mới, một cơ chế đặc thù tôi nghĩ là rất cần thiết để giành quyền chủ động cho Hội An, để quản lý hiệu quả hơn. Nhưng đó là điều kiện cần, cơ chế mà có tốt đến mấy trong khi người thực hiện không bám sát, không tốt, không chăm chút trong từng giờ từng ngày đối với vùng đất đó thì cơ chế bằng trời cũng phải bỏ.

Nếu nói bây giờ quản lý khó vì vướng cơ chế, điều đó đúng nhưng nếu anh biết cách sẽ làm được và làm tốt. Người dân đã vào ở Hội An kinh doanh hay sinh sống thì bản thân họ phải chấp nhận theo quy định của Hội An đã duy trì và bà con chấp hành bao lâu nay rồi, anh đừng nói anh đứng một mình, anh không thể tách khỏi cộng đồng được.

Hơn nữa về mặt quản lý, tôi không vận dụng quy chế riêng để xử lý anh được thì tôi sẽ áp dụng nhiều công cụ pháp lý khác buộc anh phải làm. Ví dụ anh kinh doanh quán bar mà ồn ào, luật không cấm nhưng bà con xung quanh kêu, thì không thể vin vào luật để làm ồn ào như thế được. Là người quản lý, tôi sẽ nói cho họ hiểu, họ không hiểu thì tôi áp dụng luật bằng nhiều cách khác nhau để khiến họ phải nghe.■

Ông Nguyễn Văn Sơn (phó chủ tịch UBND TP Hội An): 

“Chúng tôi phải ra tòa liên tục”

Bộ quy chế quản lý phố cổ hình thành và áp dụng từ những năm 1995 đến nay. Thực chất, đây là một dạng “giao ước” giữa cộng đồng dân cư, được chính quyền thống nhất tập hợp để phục vụ công tác quản lý bảo tồn phố cổ. Nhờ bộ quy chế này mà công tác bảo tồn gìn giữ không gian, văn hóa chung của phố cổ đã thực hiện rất thành công từ hàng chục năm nay.

Tuy nhiên hiện nay sức ép lên phố cổ ngày càng nhiều, cư dân nhiều thành phần hơn và áp lực giữa bảo tồn - phát triển cũng đang rất lớn. Hằng ngày khi xử lý các vấn đề phát sinh, chúng tôi chịu áp lực rất lớn từ công cụ pháp lý. Người dân họ cũng nắm luật rất rành, thậm chí còn bắt bẻ lại rằng họ chỉ làm theo pháp luật, không thể làm theo quy định riêng của Hội An vì quy định đó không có giá trị pháp lý. Rất nhiều sự việc chúng tôi áp dụng quy chế quản lý phố cổ để xử lý nhưng cuối cùng phải ra tòa. Có vụ thì chính quyền thắng nhưng không ít vụ bị đuối lý.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận